Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Tình cờ phát hiện hang động tuyệt đẹp, có thể trở thành "Sơn Đoòng của miền Bắc"

Trong quá trình khảo sát xây dựng chương trình du lịch khám phá mạo hiểm xuyên rừng (trekking) cho khách du lịch nước ngoài, anh Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc công ty lữ hành quốc tế “Mr Linh’s Adventures” đã tình cờ phát hiện một hang động tuyệt đẹp tại bản Vàng, xã Hoàng Trĩ (Ba Bể, Bắc Kạn).
Ngay sau khi phát hiện hang, anh Nguyễn Tuấn Linh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Bắc Kạn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Kạn và chính quyền địa phương để xin ý kiến về việc tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá hiện trạng để có kế hoạch đưa vào khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch.
Mới đây, đoàn khảo sát được thành lập, bao gồm Sở VHTTDL Bắc Kạn do ông Nguyễn Văn Hà, phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn, cùng đại diện các phòng nghiệp vụ thuộc Sở; dại diện vườn quốc gia Ba Bể; lãnh đạo huyện Ba Bể, xã Hoàng Trĩ và phóng viên đã tiến hành khảo sát sơ bộ hang, nằm trên núi Thẩm Phầy, thuộc địa phận bản Vàng, xã Hoàng Trĩ, Ba Bể.
Đường vào núi khá hiểm trở, chỉ có duy nhất một đường độc đạo do người dân đi rừng khai phá lâu ngày hình thành lối đi, xung quanh cây cối rậm rạp. Vị trí hang nằm ở lưng chừng núi, do chưa có đường vào nên rất khó khăn trong việc di chuyển.
Cửa hang khuất nên rất khó phát hiện, từ cửa hang đi xuống sâu khoảng 20m và ăn sâu vào trong lòng núi. Ngay lối dẫn vào trong động là những khối thạch đá có hình thù như hàm răng của một con quái vật khổng lồ, phía dưới là dòng suối ngầm trong lòng hang với độ nông và dòng chảy vừa phải, song càng vào sâu bên trong động suối càng sâu, có những đoạn ngập tới ngang ngực.
Đi sâu vào lòng hang khoảng hơn 1 km, đoàn khảo sát đã phát hiện 2 nhánh động, trong đó một nhánh động ăn sâu vào sườn núi phía tay trái với chiều dài khoảng hơn 1,5 km -  nhánh động này có địa hình khá bằng phẳng những đoạn suối nước trong vắt nhìn thấy những hòn đá cuội trắng tinh dưới đáy suối; nhánh thứ 2 ăn vào lòng núi bên tay phải, tuy nhiên đoàn chưa thể xác định được độ dài của nhánh này.
Càng vào sâu trong hang không khí càng lạnh và rất khó đi, những dải thạch nhũ hình thù kỳ lạ xuất hiện càng nhiều.
Sau khi thám hiểm lòng động với chiều dài khoảng 3 km, đoàn quyết định quay ra ngoài để đảm bảo an toàn.
Theo nhận định sơ bộ của đoàn khảo sát, khả năng động thông ra phía sau của núi là rất cao, nếu nhận định này chính xác thì chiều dài của động ước khoảng 5- 7 km.
Phó giám đốc Sở VHTTDL Bắc Kạn Nguyễn Văn Hà đánh giá cao việc phát hiện ra hang động nói trên, đây là yếu tố quan trọng để phát triển các sản phẩm du lịch, tạo sự phong phú hấp dẫn cho du lịch Bắc Kạn nói chung, Ba Bể nói riêng.
Sở VHTTDL Bắc Kạn và lãnh đạo địa phương đã thống nhất các bước tiếp theo là mời các chuyên gia hang động đánh giá địa chất, địa mạo, cũng như tiến hành khảo sát sâu hơn để có đánh giá cụ thể, nhằm đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Cửa hang khuất nên rất khó phát hiện.
Cửa hang khuất nên rất khó phát hiện.
Anh Nguyễn Tuấn Linh, người phát hiện hang.
Anh Nguyễn Tuấn Linh, người phát hiện hang.
Miệng hang như hàm răng của một con quái vật.
Miệng hang như hàm răng của một con quái vật.
Lối vào động.
Lối vào động.
Nhũ đá trên trần hang.
Nhũ đá trên trần hang.
 Những vỉa nhủ hình thù kỳ dị trải dài trong động.
Những vỉa nhủ hình thù kỳ dị trải dài trong động.
Một nhánh của động xuyên ngang núi về phía bên trái
Một nhánh của động xuyên ngang núi về phía bên trái
Những khối thạch nhũ tuyệt đẹp.
Những khối thạch nhũ tuyệt đẹp.
Một ngọn thác nhỏ phía sâu trong hang.
Một ngọn thác nhỏ phía sâu trong hang.
Viễn Nguyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét