Với bề dày lịch sử hơn 300 năm, làng thêu Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu đã được biết đến với nghề thêu truyền thống, chuyên thêu long bào cho các triều vua phong kiến ở Việt Nam.
Nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ, làng Đông Cứu từ xa xưa đã nổi danh với nghề thêu các loại trang phục lễ hội truyền thống. Theo bản sắc phong, làng thêu có từ thời Vua Lê Cảnh Hưng (1746). Theo thần tích của làng và bản sắc phong của các triều vua Việt Nam, làng thờ ông Lê Công Hành, vị Tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu. Khi ông đi sứ phương Bắc, có học được kĩ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về đã truyền dạy cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu.
Nghề thêu ở làng Đông Cứu vốn có nguồn gốc từ nghề bắt nét kim tuyến, thợ thêu ở đây đã từng được vua Nguyễn mời vào Huế để lập thành một đội chuyên thêu các trang phục hoàng cung. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, hiện nay, Đông Cứu là làng thêu duy nhất đất Bắc chuyên thêu long bào cho vua chúa, áo mão cho quan lại quý tộc trong triều.
Theo các nghệ nhân thêu ở làng, dù không được đào tạo qua trường lớp, chỉ học qua phương thức truyền miệng nhưng người dân nơi đây vẫn làm ra những sản phẩm chất lượng đáng để người sau học tập. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của lịch sử, nghề thêu long bào cũng dần mất đi cùng với những triều đại phong kiến. Những nghệ nhân nổi tiếng khi xưa của làng nghề cũng về với tiên tổ, những người biết nghề ngày càng thưa vắng.
Những năm gần đây, kinh tế thay đổi, mặt hàng như long bào, áo quan đều là sản phẩm cao cấp nay không còn ai dùng nữa, nên làng nghề Đông Cứu đã chuyển dần sang phục chế các trang phục phục vụ cho việc bảo tồn, làm phim và sản xuất câu đối, trướng, tán, lọng, áo lễ…để kiếm sống. Sản phẩm của làng Đông Cứu hiện được bán khắp cả nước. Dù công nghệ thêu bằng máy đã phổ biến ở nhiều làng thêu khác nhưng nghề thêu tay vẫn là thế mạnh ở Đông Cứu. Chính điều này tạo điều kiện cho nghề thêu Đông Cứu phát triển.
Với nhu cầu về trang phục cổ ngày càng tăng do nhiều di tích, lễ hội trong cả nước được khôi phục và phát triển rất mạnh. Những mẫu thêu cổ xưa vốn đã rất quen thuộc trong các trang phục lễ hội truyền thống tưởng chừng đã bị thất truyền nay đang được người dân nơi đây làm sống lại. Hiện, làng Đông Cứu đã dần chuyển hướng tập trung phát triển các mặt hàng phục vụ di tích, lễ hội. Cả làng có khoảng hơn 100 hộ đứng lên lập xưởng sản xuất, trên 90% số hộ gia đình có người làm nghề thêu ren, chuyên cung cấp mặt hàng khăn chầu, áo ngự phục vụ cho lễ hầu đồng hay các đồ trang trí nội thất, lễ hội cho khắp các tỉnh trong nước.
Mặc dù nghề thêu tuy vất vả, nhưng đem lại một khoản thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây. Bên cạnh đó, việc phát triển nghề thêu đã giúp người dân ổn định kinh tế, tạo công ăn việc làm, đồng thời giúp người dân làng nghề bảo tồn và phát huy được thế mạnh của làng nghề. Qua đó khôi phục, bảo tồn những mẫu thêu cổ xưa, tạo hướng đi mới cho làng nghề thêu Đông Cứu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét