Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Những điều vua Minh Mạng quan tâm



Tác giả Michel Đức Chaigneau  /// Ảnh: T.LTác giả Michel Đức ChaigneauẢNH: T.L
Vua Minh Mạng đang ngồi tựa vào một chiếc gối bọc nỉ vàng. Trước mặt ngài, trên một sập gụ chạm trổ rất đẹp mắt, sơn son thếp vàng các phần chạm nổi, nhiều tấm tranh in được trải ra, chồng lên nhau với đồ chặn ở bốn góc để trưng bày ra.
Vua muốn nghe tiếng Pháp
Đức vua hỏi tôi về những chữ in phía dưới các bức tranh, nhưng trước hết ngài muốn tôi đọc to lên để biết tiếng Pháp đọc như thế nào. Nghe một lúc, ngài ngắt lời để nhận xét: “Ngôn ngữ này thật kỳ lạ, nghe như thể là một chuỗi tiếng huýt liên tục, hơi tương tự như tiếng Hoa”. Rồi ngài muốn tôi chỉ ra giá trị của mỗi từ trước khi giải thích nghĩa trọn vẹn của câu, ngài dò ngón tay theo từng chữ để tôi không bỏ sót chữ nào. Tôi thú thật là công việc không mấy dễ dàng vì lẽ khó tìm được những từ trong tiếng An Nam để diễn đạt nghĩa của một số từ tiếng Pháp, để giải thích về sự thể và công dụng của một số vật dụng mà người An Nam chưa từng thấy, chưa từng biết đến.
Tôi cũng đáp ứng được một phần mong đợi của đức vua qua lối diễn đạt vòng vo loanh quanh, khiến nhà vua thỉnh thoảng mỉm cười khi trông thấy những nỗ lực của tôi để tìm được nghĩa tương đương cho một số từ mà tôi buộc phải chuyển dịch. Khi câu chữ đã hoàn toàn đầy đủ, vị quan thư chép lại ra trên giấy bằng chữ nho. Nhưng khi nghe một tên riêng thì ngọn bút lông của ông dừng phắt lại ngay, mắt hết hướng về đức vua lại hướng về phía tôi, không ngớt khẩn nài tôi đọc lại từ tốn, rành mạch từng âm một. Tiếc thay, phần lớn trường hợp, ông không tìm ra được ký tự nào có cách đọc phần nào đó tương tự với những âm ghép thành tên gọi của người châu Âu. Những tên riêng thì xuất hiện quá nhiều lần, than ôi, vị quan thư lại tội nghiệp thêm lúng túng bối rối.
Hôm đó, biết bao nhiều lần vua Minh Mạng và vị thư lại thử gắng đọc trệu trạo ra tên của những con người danh tiếng đã đem lại vinh quang cho nước Pháp! Có lúc cùng nghĩ rằng tên của thống chế Soult có thể được viết thành hai vế và rồi đọc thành Xou lé (đọc Xu lê), và rằng tên Kléber của một vị tướng viết thành ba vế để đọc là Ké lé bé (đọc Kê lê bê).
Hỏi về hoàng đế Napoleon
Mỗi lần nghỉ tay, vua Minh Mạng vừa nhai trầu hay hút thuốc vừa luôn miệng hỏi tôi về những trận đánh của Napoléon đệ nhất đã đối đầu với gần như toàn bộ châu Âu, điều mà đức vua rất quan tâm, và rồi khi thì về chuyện quân phục, khi thì về chuyện diện mạo của quân đội nước Pháp: những điều mà tôi chỉ được biết qua sách vở, kiến thức của tôi thì quá nhiều khiếm khuyết, vốn có được khi tôi xem qua một số tạp chí trong thời gian lưu lại Bordeaux. Rồi nhà vua lại hỏi tôi về ấn tượng bản thân trong thời gian ngắn ngủi trên đất Pháp, và rồi ngài cũng không quên hỏi cả về chủ đề phụ nữ.
Trước đó, chính lòng nhiệt thành đối với tất cả những gì liên quan đến sự vĩ đại của nước Pháp đã thúc đẩy tôi chuyên tâm tìm hiểu về những trận chiến lẫy lừng diễn ra trong thời đại huy hoàng đến như vậy của nước Pháp. Điều này cho phép tôi đáp ứng được ngay từ yêu cầu đầu tiên của đức vua, tôi tin rằng đã làm ngài quan tâm vì ngài rất chăm chú lắng nghe. Nhưng vì bản thân thiếu kinh nghiệm, tôi đã mắc phải vài sơ suất khi đề cập một số vấn đề khác, có vẻ khá đơn giản theo mắt tôi, tuy vậy lại rất tế nhị: tôi sơ ý không biết né tránh một số ý kiến, một số bối cảnh, không biết làm giảm nhẹ những so sánh xem ra thật đáng tiếc về con người và sự thể giữa hai đất nước.
Sự kém cỏi hay quá thẳng thắn về phần tôi đã có cái giá của nó: Đức vua vài lần nhìn tôi với ánh mắt nghi ngại, vị thư lại bên cạnh tôi có những dấu hiệu cảnh báo kín đáo, thúc bàn tay xương xẩu co quắp vào lưng tôi. Đó có phải là lòng thương hại dành cho vị công tử mới tròn mười chín tuổi hay là vị này lo sợ rồi phải hứng chịu hậu quả gián tiếp vì cái dại dột của anh chàng trẻ người non dạ? Mặc thế nào thì sự thể vẫn không dẫn đến một cái kết nguy khốn cho cả hai. Đức vua, một người có hiểu biết, tiếp tục nêu ra những câu hỏi mà không tỏ vẻ mảy may phật lòng, phần tôi thì lo mà giữ mồm giữ miệng khi trả lời ngài. Buổi tiếp kiến kéo dài gần hai tiếng và rồi đức vua có vẻ đã chán. Đức vua đột ngột đứng dậy, cả hai chúng tôi cùng đứng lên, rồi một lát sau, cả tôi và vị quan cùng lui ra.
Khi ra đến phòng chờ, vị quan viên nhìn tôi với vẻ mặt nửa cười giễu, nửa nghiêm túc rồi nói: “Thế này, thiếu gia trẻ tuổi, thiếu gia có mất trí hay không mà lại tâu với hoàng thượng là binh đội của ngài không bằng quân đội của người Pha lan cha và thêm nữa, cung điện đền đài của xứ sở hoàng thượng là thua kém những kiến trúc nhà cửa ở châu Âu?”. Tôi đáp: “Đó là sự thật, tôi phải nói láo trước mặt đức vua à?”. “Đúng vậy, phải biết nói láo, thay vì làm hoàng thượng phật lòng”, vị quan viên nói. Dứt lời, ông chìa tay ra nói lời tạm biệt và rồi chúng tôi chia tay thật vui vẻ.
Michel Đức Chaigneau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét