Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Danh tướng Phạm Bạch Hổ

Nhiều người biết câu chuyện lịch sử nổi tiếng “Loạn 12 sứ quân” được Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên và thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử, qua thơ ca từ thời tiểu học:
 "Bé thì chăn nghé, chăn trâu
Trận bày đã lấy bông lau làm cờ
Lớn lên xây dựng cơ đồ
Mười hai sứ tướng bấy giờ đều thua"
 
Nhưng ít người biết rằng, một trong 12 sứ tướng – sứ quân ấy có một vị quê Đằng Châu, Hưng Yên. Ông là Phạm Bạch Hổ, danh tướng tài ba của nước ta trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập tự chủ.
 
Phạm Bạch Hổ được nhân dân tôn kính lập đền, thờ phụng ở nhiều nơi và được tôn xưng là Vua Mây, Thánh Mây. 
 
Trải qua hơn nghìn năm, Hưng Yên hiện còn gìn giữ đền Đằng Châu (Đền Mây) thờ danh tướng Phạm Bạch Hổ trên vùng đất tương truyền là nơi đóng quân khi xưa và là quê hương của ông. Tên của ông được đặt cho một con đường lớn ở thành phố Hưng Yên.
 
Theo sách Phố Hiến, mẹ Phạm Bạch Hổ nằm mộng thấy sơn tinh, bạch hổ mà có mang. Nhân điểm mơ thấy hổ trắng bà đặt tên con là Phạm Bạch Hổ. Lớn lên Phạm Bạch Hổ có sức khỏe bạt sơn, cử đỉnh, võ nghệ tuyệt luân.
 
Khi Ngô Quyền mang quân từ Châu Ái ra Bắc đóng ở miền Lương Xâm đón đánh quân Nam Hán, Phạm Bạch Hổ đã góp công lớn cùng chủ tướng Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm Mậu Tuất (938), đánh tan quân Nam Hán, mở ra thời kỳ độc lập của dân tộc sau gần 1.000 năm Bắc thuộc. 
 
Phạm Bạch Hổ luôn trung thành với sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Khi vua Ngô Quyền mất (năm Giáp Thìn 944), Dương Tam Kha (em vợ Ngô Quyền) cướp ngôi. Ông đã giúp Ngô Xương Văn (con trai thứ của Ngô Quyền) đoạt lại ngôi vua, xưng là Hậu Ngô Vương. Năm Tân Hợi (951), ông được Hậu Ngô vương phong làm Phòng Át, trấn giữ vùng Hải Đông. 
 
Khi Hậu Ngô Vương mất, các hào trưởng nổi lên cát cứ từng vùng, Phạm Bạch Hổ đã trấn giữ vùng cửa biển sông Hồng, cửa ngõ quan trọng vào thành Đại La, cai quản một vùng đất đai rộng lớn, giúp nhân dân khai khẩn đất hoang, đất bồi để sản xuất nông nghiệp. Phạm Bạch Hổ trở thành một sứ quân hùng mạnh. 
Khi Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh được sứ quân Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền, mang quân đánh dẹp "Loạn 12 sứ quân", Phạm Bạch Hổ đem quân quy phục, lập nhiều công giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước. Vua Đinh phong Phạm Bạch Hổ chức Thân vệ Đại tướng quân. 
 
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn, lên ngôi, tức là vua Đinh Tiên Hoàng. Khi hai cha con vua Đinh bị sát hại. Nhà Bắc Tống lăm le đem quân sang xâm lược nước ta. Lúc ấy, Thiếu đế nhà Đinh mới 6 tuổi, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được tôn lên ngôi hoàng đế để có người tổ chức và chỉ đạo cuộc chiến đấu chống giặc phương Bắc.
 
Lúc đó triều đình nhà Tiền Lê không thiếu các tướng có thừa dũng lực, phá thành, chém tướng những thiếu ngưới có tài điều động lương thực để nuôi quân sĩ. 
 
Thân vệ Đại tướng quân Phạm Bạch Hổ bấy giờ đã 79 tuổi, tâu xin cáng đáng việc trù liệu quân lương. Vua Lê lo ông tuổi cao khó nhọc. Phạm Bạch Hổ khảng khái đáp, “Thần lúc tráng niên theo Tiền Ngô vương đánh giặc Nam Hán có chút công lao, nay tuy tuổi ngót 80 nhưng mỗi bữa còn ăn hết vài đấu gạo, rong ruổi trên mình ngựa cả ngày không mệt, gân sức còn mạnh, há sợ gì quân Bắc Tống…”
 
Vua Lê khen dũng khí, phong Phạm Bạch Hổ làm Bình Tống Đô liệu lương quan, mang quân bản bộ ra đóng ở vùng Thiên Bản trù liệu quân lương.
 
Khi Phạm Bạch Hổ mất, vua Lê Đại Hành phong làm Phúc thần. Các triều đại phong kiến đều phong ông là: “Khai thiên hộ quốc tối linh thần”. 
 
Đền Đằng Châu thờ danh tướng Phạm Bạch Hổ rất linh thiêng, còn lưu giữ được phong cách kiến trúc thuần Việt. Đền thuộc địa phận thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, được xây dựng cạnh bến Lảnh, cũng gọi là bến đò Mây. Trước cửa đền là cây đa cổ thụ, trồng từ lần đầu xây dựng Đền, nay đã 1.000 năm tuổi. 
 
Phong cảnh nên thơ, trữ tình nổi tiếng ở đây đã được nhân dân ca ngợi, đi vào câu ca dao: “Trăm cảnh ngàn cảnh không bằng bến Lảnh Đền Mây”.
 
Ngày nay, kiến trúc đền Mây vẫn mang nhiều đặc trưng đan xen giữa hình thức triều Lê với đường nét triều Nguyễn, chứng tỏ trải qua các triều đại đều có trùng tu. Mặt trước nhìn ra hướng Đông Nam. Toàn bộ phần cửa làm kiểu bức bàn kiên cố. Phần trên cửa được tạo con tiện hình cây trúc nên trong nhà rất thoáng và đẹp. Các bộ vì của mái làm kiểu con chồng đấu xen, xây dựng cao, đồ sộ, hoành tráng.
 
Trong đền Đằng Châu có đôi câu đối, một vế nói về ý chí của sứ quân Phạm Bạch Hổ lúc sinh thời, một vế nói sự linh thiêng khi tướng quân đã thành thần:
 
"Bá chủ hùng đồ thập nhị sơn hà dư cổ luỹ
Thần cao linh khí bán phân tinh vũ thử tiền giang".
          Tạm dịch là:
"Anh hùng bá chủ một vùng, non nước phân chia 12 sứ quân
Linh thiêng hiển hiện của thần, khúc sông này nửa phân mưa nắng".
 
Đầu thế kỷ XX, khi tiến sỹ Chu Mạnh Trinh làm quan Án sát tỉnh Hưng Yên đã viết một bài thơ khắc ở Đền Đằng Châu trong dịp trùng tu, ca ngợi cảnh đẹp của Đằng Châu và công lao của Phạm Bạch Hổ.
 
Đền Mây đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật từ năm 1992.
 
PV (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét