Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Những phong tục đẹp đầu năm ở Yên Mỹ

Đầu xuân về Yên Mỹ, chúng tôi được nghe kể về nhiều phong tục đẹp vẫn được người dân gìn giữ, vừa có ý nghĩa tôn vinh những giá trị truyền thống vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại…
Đầu năm đi lấy nước ở Trấn Đông
Chẳng biết từ bao giờ, ở thôn Trấn Đông, xã Hoàn Long có tục đi lấy nước đầu năm và hiện vẫn được người dân duy trì. Khác với nhiều làng quê, ở Trấn Đông, nước giếng làng vẫn quanh năm đầy nước và trong veo, bởi người dân rất có ý thức giữ gìn. 
Giếng làng Trân Đông xã Hoàn Long
Giếng làng Trấn Đông xã Hoàn Long
Thực ra, tục đi lấy nước ngày tết không phải là hiện tượng cá biệt ở Trấn Đông mà khá phổ biến ở nhiều vùng trong tỉnh. Nhưng hiện nay, ở nhiều địa phương, nơi thì nước giếng làng đã bị ô nhiễm, nơi thì giếng bị vùi lấp đi… nên tục lấy nước đầu năm dần mai một. 
Hàng năm, từ sau giờ giao thừa, dân làng Trấn Đông tấp nập ra giếng làng để xin nước về nhà. Các bậc cao niên của Trấn Đông kể rằng, giếng nước làng có từ bao giờ không ai rõ, khi tóc còn để chỏm, các cụ đã biết giếng làng là nơi thiêng liêng, nơi dân làng đến xin nước ngay sau phút giao thừa.
“Đại Hạnh có đồng, Trấn Đông có giếng” là câu thành ngữ xưa được người dân vùng này lưu truyền, thể hiện niềm tự hào về giếng nước thiêng nơi đây. Điều này cho thấy, sự linh thiêng, trong mát của giếng Trấn Đông không chỉ ở trong tâm thức của dân làng mà còn ở các vùng lân cận.
Tục đi lấy nước đầu năm mới ở Trấn Đông có lẽ xuất phát từ quan niệm dân gian, lấy nước về nhà đầu năm mới ngụ ý cầu mong sự tốt lành dồi dào, mát mẻ, no ấm. 
Đi ra giếng xin nước, người dân mang theo một cái thùng nhỏ, ít tiền lẻ. Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, mọi người ra giếng, thắp hương khấn xin rồi múc nước mang về nhà. 
Theo quan niệm của dân làng, người đi lấy nước phải hết sức cẩn trọng, không được làm nước vương vãi, sánh đổ nếu không, năm đó sẽ mất lộc. Nước mang về đến nhà, trước tiên người ta múc một bát dâng lên bàn thờ tổ tiên. Sau đó họ đổ phần nước còn lại vào bể của gia đình như muốn hòa trộn sự mát lành của mạch nước thiêng với nguồn nước gia đình để được hưởng phúc lộc dồi dào cả năm.
Điều đáng quý là trong sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng đông đúc như vậy nhưng chưa bao giờ thấy ở đây có những lời cãi vã, xô xát, tranh giành đáng tiếc xảy ra. Mọi người đến giếng xin nước theo tuần tự, bằng sự từ tốn, nhường nhịn nhau...
Người Trấn Đông rất tự hào về giếng nước làng mình. Nhiều gia đình chuyển đi nơi khác định cư còn mang theo một ít nước giếng làng như có ý lưu luyến không bao giờ quên mạch nguồn quê hương...
Mồng 5, về Nghĩa Xuyên ăn Tết bún
Ở thôn Nghĩa Xuyên, xã Trung Hòa, mùng 5 tết Nguyên đán là bắt đầu của một cái tết rất độc đáo, Tết bún. Gọi là Tết bún bởi bún là thực phẩm không thể thiếu để dâng cúng tổ tiên trong ngày tết này. Ngoài ra, những thực phẩm khác ăn kèm với bùn thì tuy điều kiện, gia cảnh của từng gia đình.
Mát lòng tô bún Nghĩa Xuyên
Mát lòng tô bún Nghĩa Xuyên
Mâm cỗ Tết bún như bản giao hưởng của màu sắc, hương vị. Ấy là sợi bún óng mướt, trắng ngần nổi bật giữa màu nâu đen của da cá, màu vàng ươm của da gà điểm những sợi lá chanh mảnh khảnh, màu vàng nhạt của đĩa thịt ngỗng chặt khéo, màu trắng xanh nõn của rau cần cắt khúc, rau thơm non búng, điểm xuyết sắc đỏ của mấy quả ớt chỉ thiên. Ấy là mùi thơm quyến rũ làm người kỹ tính cũng phải xuýt xoa, giá mà phải chờ đợi lâu hơn nữa thì khổ lắm, nhất là sau những ngày ngây ngấy bánh chưng, giò chả… Thử một miếng xem, bao nhiêu chất ngấy của mấy ngày tết biến đâu mất hết, sao vị bún lại thanh tao như vậy mà ngày thường không nhận ra?  
Nguồn gốc của Tết bún ở Nghĩa Xuyên được ghi chép khá tỉ mỉ trong văn tự hiện còn được gìn giữ ở đình làng. Tuy vậy, ngay cả những bậc thượng thọ của thôn cũng không biết Tết bún có tự bao giờ vì thuở ấu thơ cũng đã được ăn Tết bún rồi. 
Nhưng các cụ cao niên ở Nghĩa Xuyên đều cả quyết, Tết bún khởi nguồn từ sự sáng tạo của một chàng rể hiếu thảo và sự tinh tế của bố mẹ vợ chàng, cũng như cái tết độc đáo này các cụ chưa gặp ở đâu cả trên khắp các làng quê Hưng Yên. 
Chuyện xưa kể rằng, ở Nghĩa Xuyên có phong tục vào ngày mồng 5 tết, con rể phải mang đồ đến tết bố mẹ vợ để tỏ lòng thành kính, với yêu cầu đồ lễ tết phải độc đáo. Năm ấy, có chàng rể sáng ý đã làm một mâm bún đến lễ Tết bố mẹ vợ cùng với rau cần. Trong số những mâm lễ mà các con rể mang đến thì mâm lễ bún đã làm bố mẹ vợ ngạc nhiên và hài lòng nhất. Vượt qua những mâm lễ đầy thức ngon vật lạ, mâm lễ mộc mạc nhưng ngon miệng nhờ thực phẩm được làm từ lúa gạo đã được chấm nhất… 
Từ đó, vào ngày mồng 5 Tết, dân làng lấy bún làm món ăn chính và gọi là Tết bún đến ngày nay. Trước đây, Tết bún chỉ diễn ra từ ngày mồng 5 đến mồng 10 là kết thúc. Những năm gần đây, Tết bún kéo dài linh đình đến hết tháng Giêng âm lịch. 
Khác với trước, sắm sửa cho Tết bún là “độc quyền” của các chàng rể dành tết bố mẹ vợ, bây giờ, Tết bún trở thành những bữa tiệc bún đầm ấm của những người thân thiết sau một năm bươn chải mưu sinh. Ăn bữa Tết bún không chỉ có con cháu sum vầy, nhiều gia đình còn mời khách khứa là họ hàng, bạn bè, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau…  
Tết bún Nghĩa Xuyên không chỉ là nét văn hóa ẩm thực độc đáo mà còn ẩn chứa triết lý sâu xa về đạo hiếu, về tấm lòng của bậc làm cha mẹ, về cội nguồn… 
Minh Huệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét