(Baonghean.vn) - Với địa hình núi đá tạo cho miền Tây Nghệ An có rất nhiều hang động. Những hang động đẹp gắn liền với những huyền tích của người dân địa phương nên thêm kỳ bí và hấp dẫn.
Hang Bua (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) được xem là một trong những hang động đẹp nhất ở Tây Nghệ An. Đây cũng là thắng cảnh du lịch gắn liền với lịch sử văn hóa của mảnh đất Phủ Quỳ. Hàng năm, chính quyền địa phương và người dân trong khu vực thường tổ chức Lễ hội Hang Bua với những nét văn hóa hết sức đặc sắc. Lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần lâu đời của Mường Chiêng Ngam nay thuộc xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Ảnh: Sách Nguyễn
Hang Thẳm Bua, không gian chính của lễ hội thuộc dãy núi Phà Én, một bộ phận của dải Trường Sơn Bắc. Đây được cho là nơi ghi dấu chuyện tình của chàng Khủn Tinh, một anh hùng trong huyền sử người Thái Nghệ An. Vùng đất cũng là nơi ghi dấu những chiến tích của nghĩa quân Lam Sơn thế kỷ 15 và Đốc binh Lang Văn Thiết thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Hồ Phương
Cách hang Bua chừng 8 km là hang Thẳm Chạng thuộc bản Piu, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Hiểu theo nghĩa của tiếng Thái, Thẳm Chạng có nghĩa là hang voi. Đây là một trong số những hang động có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí ở miền Tây xứ Nghệ. Hang núi này có chiều dài chừng hơn 1km với những ngóc ngách hết sức hiểm trở. Trong hang còn có con suối lớn chảy xuyên suốt. Ảnh: Hồ Phương
Nằm ngay cạnh rừng săng lẻ Tương Dương là hang Dơi (bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương). Đây là một trong những thắng cảnh kỳ vĩ của huyện miền núi Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương
Với hệ thống nhũ đá nằm san sát, trải dài xuyên suốt, hang Dơi mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Ngoài việc đến tham quan rừng săng lẻ Tương Dương thì đây là một trong những điểm đến lý tưởng cho những người thích khám phá. Ảnh: Hồ Phương
Hiện nay, hang Dơi vẫn ít người biết đến vì đường vào rất khó khăn. Trong tương lai gần, đây được xem là một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua của những ai đến với huyện miền núi Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương
Hang núi Thẳm Mẹ Mọn (bản Chiếng, xã Quang Phong, huyện Quế Phong). Nằm trên đỉnh núi cao, Thẳm Mẹ Mọn không chỉ đẹp với hệ thống nhũ đá hình khối mà nó còn gắn liền với lịch sử của người dân ở Mường Quàng ngày xưa. Ảnh: Hồ Phương
Điểm nhấn của hang núi Thẳm Mẹ Mọn chính là những khối đá nằm giữa hang như những bức tượng Phật, được sắp xếp một cách bài bản, bắt mắt. Ảnh: Hồ Phương
Ngoài những điểm du lịch nổi tiếng như thác Khe Kèm, Khe Nước Mọc, đập Phà Lài... thì huyện miền núi Con Cuông còn được biết đến với hang núi Thẳm Nàng Màn. Thẳm Nàng Màn nằm trên dãy núi đá đầu bản Pha, xã Yên Khê (Con Cuông), cách Thị trấn chừng 2 km, cách Quốc lộ 7A chưa đầy 1km. Thẳm Nàng Màn có diện tích khá rộng và bằng phẳng, hệ thống nhũ đá phong phú về hình dáng, màu sắc, âm thanh và gắn với một huyền thoại về tình yêu đôi lứa. Đó chính là những điều làm nên sự hấp dẫn du khách gần xa. Ảnh Hồ Phương
Hang Thẳm Tảu (bản Tạt, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương). Người dân trong vùng ví Thẳm Tảu như một con rùa khổng lồ bởi các khối đá trong hang như hình chiếc mai của con rùa khổng lồ. Hang núi cũng có 4 cửa hang như thể 4 chân của một con rùa đang ngự bên dòng Huổi Nguyên. Ảnh: Hồ Phương
Hồ Phương
Người dân phát hiện hang động với nhũ thạch tuyệt đẹp ở miền Tây Nghệ An
(Baonghean.vn) - Nằm trong thung lũng Tân Sơn, xã Môn Sơn (Con Cuông), hang Thung Bừng được biết đến là một thắng cảnh đẹp, mời gọi bước chân của những người ưa thích khám phá.
Dãy núi ở khu vực Thung Bừng, thuộc địa bàn bản Tân Sơn, xã Môn Sơn (Con Cuông) có hệ thống hang động khá phong phú. Gần đây, người dân địa phương phát hiện thêm một hang đá rất đẹp, bà con nơi đây đặt tên là hang Thung Bừng. Ảnh: Phương Kiên
Cửa hang nằm ở lưng chừng ngọn núi đá, muốn vào sâu trước hết phải bám chặt vào các nhũ đá ở cửa hang để leo xuống nền hang, việc đi lại hết sức khó khăn. Vì thế, việc khám phá hang Thung Bừng chỉ hợp với những người ưa thích sự mạo hiểm. Ảnh: Kiên Phương
Trần hang Thung Bừng không cao, nền hang không rộng nhưng có nhiều ngách sâu, đòi hỏi người đi phía trong phải khéo léo luồn lách qua những khe cửa hẹp. Ảnh: Phương Kiên.
Hệ thống thạch nhũ được kết tụ qua hàng nghìn năm tạo nên những những "dòng suối" chảy vô tận trong hang Thung Bừng. Ảnh: Phương Kiên
Khi dọi ánh sáng vào, các khối thạch nhũ trở nên lung linh, huyền ảo. Vào hang khám phá và thưởng lãm, mọi người tha hồ thả trí tưởng tượng về vẻ đẹp và sự kỳ bí, được người dân vùng sông Giăng - Mường Quạ ví là "động tiên ở chốn trần gian". Ảnh: Phương Kiên
Qua hàng nghìn năm thẩm thấu, những giọt nước đọng lại dưới nền hang tạo thành dòng suối nhỏ trong vắt và mát rượi. Những khối thạch nhũ nằm ngang giữa dòng tạo thành "cánh đồng bậc thang" với vẻ đẹp kỳ thú. Ảnh: Phương Kiên
Quá trình biến đổi địa chất đã tạo ra một "chum" nước treo trên vách hang. Ảnh: Kiên Phương
Những khối thạch nhũ trên trần hang đẹp lộng lẫy, được ví như cung điện của vua chúa ngày xưa. Ảnh: Phương Kiên
Các nhũ đá đang hình thành như những lớp chông sắc nhọn chĩa xuống nền hang. Ảnh: Phương Kiên
Ông Hà Văn Cảnh - Trưởng bản Tân Sơn cho biết, sau khi hang Thung Bừng được phát hiện, có khá nhiều người lui tới để thám hiểm và khám phá vẻ đẹp, sự kỳ bí của cảnh vật trong hang. Ảnh: Phương Kiên
Trong hang đá có nhiều sinh vật sinh sống khiến nhiều người thích thú khám phá. Ảnh: Kiên Phương
Hang động đầy thạch nhũ lấp lánh ánh vàng ở miền Tây Nghệ An
(Baonghean.vn) - Trong hang động cũng là di chỉ khảo cổ ở Quỳ Châu (Nghệ An) có rất nhiều thạch nhũ lấp lánh ánh vàng.
Thẳm Chạng nằm ở xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Thẳm Chạng là di chỉ khảo cổ quan trọng - nơi đầu tiên phát hiện được di cốt răng hóa thạch của người vượn, kèm theo công cụ lao động. Ảnh: Thành Chung
Hang là một minh chứng cho sự tồn tại liên tục của con người trên mảnh đất Quỳ Châu từ thời đại đồ đá cũ (25.000 năm trước). Ảnh: Thành Chung
Theo sử liệu, trong 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn, chống quân Minh xâm lược đô hộ, Vua Lê Lợi đã nhiều lần đưa quân về đây xây dựng căn cứ. Thẳm Chạng chính là nơi tập kết, đồn trú quân. Ảnh: Thành Chung
Trần hang có vô vàn thạch nhũ. Vào năm 2007, Thẳm Chạng đã có hệ thống điện chiếu sáng dẫn vào trong hang giúp cho khách đến tham quan đi vào bên trong dễ dàng hơn. Ảnh: Thành Chung
Những thạch nhũ này chứa những tinh thể lấp lánh ánh vàng. Ảnh: Thành Chung
Thành hang là những lớp trầm tích màu đỏ, màu vàng xếp lớp tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ, huyền ảo. Nhiều người nhận định đây là những tinh thể vàng. Ảnh: Thành Chung
Sâu trong hang có một dòng suối ngầm kỳ bí, nước rất trong lành. Ảnh: Thành Chung
Thảm thực vật ở Thẳm Chạng cũng khá phong phú. Ảnh: Thành Chung
Hiện nay, Thẳm Chạng là thắng cảnh thu hút nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và khám phá. Ảnh: Thành Chung
Hang Bua - hang động kỳ vĩ nhất miền
Tây Nghệ An
(Baonghean.vn) - Thắng cảnh hang Bua gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của của đồng bào dân tộc Thái xưa và là một trong những di tích khảo cổ ở Nghệ An chứa đựng dấu tích văn hóa của nhiều thời đại. Tại đây các nhà khoa học đã tìm thấy trong lớp trầm tích hóa thạch các loài động vật và những di chỉ khảo cổ quan trọng như công cụ sản xuất của người Việt cổ thời kỳ đồ đá mới hậu kỳ. Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người.
Xem clip hang Bua trước giờ khai hội năm 2017:
Đến hẹn lại lên, vào tháng Giêng hàng năm người dân khắp nơi trên miền Tây xứ Nghệ lại tìm về vùng đất Phủ Quỳ - Quỳ Châu để tham dự Lễ hội hang Bua được tổ chức từ ngày 20-22 tháng Giêng âm lịch.
Hang Bua theo tiếng Thái là thẳm Bua được hình thành trên dãy núi đá vôi Phà Én thuộc bản Na Nhàng, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách TP Vinh 170 km về phía Tây Bắc.
Trải qua hàng triệu năm kiến tạo của địa tầng tự nhiên đã tạo cho hang Bua một vẻ đẹp vô cùng kỳ vĩ và huyền bí mà hiếm hang động nào có được.
Tại hang Bua các nhà khảo cổ học từng tìm thấy các hóa thạch của nhiều loài động vật cổ xưa.
Cũng tại đây người ta còn tìm thấy dấu tích của người Việt cổ qua các công cụ lao động sản xuất như rìu đá thời kỳ đồ đá mới. Chính điều này tạo ra sự tò mò hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân đến hang Bua.
Các vách hang in dấu ấn thời gian.
Được xem là hang động đẹp nhất miền Tây Nghệ An, hang Bua không chỉ có giá trị về lĩnh vực khảo cổ học mà còn đang trở thành điểm đến lý thú trong bản đồ du lịch của tỉnh trung tâm Bắc miền Trung.
Kỳ bí hang cổng trời ở lèn Rỏi
(Baonghean.vn) - Cách thị trấn Lạt (Tân Kỳ) khoảng 2km, gần với sông Con là cụm di tích hang Đình - Chùa nằm lưng chừng giữa dãy lèn Rỏi thuộc xóm 2 Diễn Nam, xã Kỳ Tân. Hai hang động nối với nhau qua một ngách nhỏ. Những nhũ đá muôn vẻ cùng với cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng tạo nên nét chấm phá cho vùng đất này. Người dân bản địa vẫn gọi hang là cổng trời của lèn Rỏi.
Cụm di tích hang Đình - Chùa nằm lưng chừng trên lèn Rỏi, phía sau những ngôi nhà của người dân. Cụm di tích gắn với huyền thoại 99 ngọn núi, 100 con chim phượng hoàng.
Hang đá nằm trên vách đá dựng đứng.
Khác với cửa hang hẹp, lòng hang khá rộng rãi, những nhũ đá xếp chồng lên nhau như một tuyệt tác nghệ thuật. Người bản địa vẫn gọi đây là cổng trời.
Trần hang khá phẳng, vững chắc. Đây còn là nơi trú ngụ lý tưởng của loài dơi lèn.
Mùa này các khe nước trong hang đã cạn làm phô ra những lớp đá bị bào mòn theo thời gian.
Cụm di tích hang Đình - Chùa là một là nơi các nhà khảo cổ học người Pháp và Việt Nam đã tìm thấy nhiều hiện vật từ thời đồ Đá giữa, thuộc văn hóa Hòa Bình. Và cũng khẳng định rằng đây là vùng đất có sự xuất hiện các nhóm người Việt cổ cách đây hàng chục vạn năm. Hiện nay người dân còn xem đây là nơi thờ cúng cầu bình an vào các ngày rằm hay lễ tết.
Trong hang có nhiều nhũ đá lạ mắt.
Nổi bật trong hang nhiều nhũ đá lấp lánh ánh kim tựa như trời đêm sa xuống.
Vách hang có những vân mây lạ mắt và ấn tượng.
Những hình ảnh khiến trí tưởng tượng được bay bổng với nhiều cách hiểu khác nhau.
Bên cửa hang có những bông hoa mỏng manh thuần khiết.
Đứng ở cửa hang phóng tầm mắt ra xa có thể thỏa sức ngắm cảnh thôn quê dưới chân đồi, thả hồn vào thiên nhiên tươi thắm.
Thái An - Trương Hiền
Vào mùa lễ hội, hang Bua trở thành điểm đến tâm linh thu hút du khách đến tham quan thưởng ngoạn. Tại lễ hội, du khách có cơ hội được tìm hiểu về đời sống, văn hóa, sinh hoạt của người dân trên mảnh đất từng là nơi sinh sống của người Việt cổThành ChungCông Kiên - Hồ Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét