Con cá “đúng tuổi” phải lớn hơn ngón tay út, nhưng lạ cái là vào đầu mùa nước son tháng 7, cá mới bằng đầu đũa nhưng bụng đã căng mẩy, ôm trứng vàng ươm. Cá trưởng thành sớm, “khôn lanh” hơn con cá linh nhiều, nhưng đối với cư dân sông nước miền Tây, thì con nít chập chũm biết lội là có thể bắt bống trứng về cho “má kho tiêu” được rồi. Đó là do cái đặc tính khi ôm trứng, con cá cứ tấp mé, đeo bám các bệ cây, hoặc thả trôi theo các dề lục bình để tìm chỗ đẻ. Cho nên có thể kéo lưới ốp mé, dùng vợt xúc lươn để xúc, thậm chí ngày xưa trẻ con lấy rổ rà mấy đám rễ lục bình… chút xíu là có đủ ơ cá cho cả nhà ăn không hết. Đặc biệt, cá bống trứng chỉ có kho quéo là ngon nhất thôi.
Kho quéo thì chỉ có dân tự đánh bắt mới thấm thía cái ngon của nó. Con cá bống còn tươi rói, khi bắt độ nóng, thấm gia vị nó sẽ cong người lại; còn con cá chết lâu, cứng thịt thì khi kho nó sẽ… ngay đơ thôi. Nói đến đây, mới nhớ cá bống sông Trà của dân Quảng Ngãi, họ tự hào dòng sông có 30 cây số đã sinh ra sản vật ngon “trời đất biết”. Ai qua đây có thể mua hộp cá kho nhỏ xíu, nhưng giá cả trăm ngàn đồng. Thật tình, thì miền Tây mới là xứ sở của nhiều loài cá bống, mà mỗi thứ đều có cái ngon riêng của nó. Nhưng vì có lẽ thiên nhiên ưu đãi quá mà nhiều người không để ý đó thôi. Thịt cá bống sông Trà bị kho mặn, ăn khá cứng. Còn bống trứng đồng bằng, nhất là đầu mùa còn nhỏ xíu ăn cả xương mềm, tạo thêm độ bùi của cặp trứng, thịt cá đủ độ ngọt của chất đạm mà không béo, nên ăn vét ơ, vét nồi quên thôi.
Vừa bước vào tháng 7 âm lịch, đã được ăn con cá bống trứng đầu mùa, là thưởng thức tinh túy của dòng sông Mẹ rồi!
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét