Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Bức tranh thanh bình từ những thửa ruộng bậc thang ở miền Tây Nghệ An


(Baonghean.vn) - Đến với địa bàn người Khơ mú ở các xã Keng Đu, Na Loi (huyện Kỳ Sơn) mùa này, không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc đẹp của những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh sườn đồi, lấp lóa dòng nước đổ trắng xóa như bức tranh thơ mộng và rất đỗi thanh bình.

Những thửa ruộng bậc thang của đồng bào người Khơ mú ở các xã Keng Đu, Na Loi (Kỳ Sơn) mùa này đẹp đến ngỡ ngàng. Trong nắng chiều, bức tranh thiên nhiên vừa thơ mộng, vừa rất đỗi yên bình sẽ níu chân bất kỳ ai nhìn thấy.
Nằm ở địa hình núi cao, việc canh tác lúa nước trước đây ít được đồng bào Khơ mú ở miền Tây Nghệ An quan tâm đến. Tuy nhiên, với nhận thức hạn chế đốt rừng làm nương rẫy, ngày nay, bà con ngày càng tiếp cận thành thạo với các công đoạn làm lúa nước; đặc biệt, họ phát huy việc khai hoang làm ruộng bậc thang.
Những thửa ruộng bậc thang chủ yếu nằm bên sườn đồi và gần các khe suối. Tại đây, người dân tận dụng mọi khoảng đất trống để chia các mảnh ruộng theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Nguồn nước được lấy từ khe suối và đổ từ ruộng cao xuống ruộng thấp bằng các ống tre nứa tự chế.
Đến với xã Keng Đu (Kỳ Sơn) mùa này, du khách sẽ được chứng kiến những thửa ruộng bậc thang đổ nước trắng xóa quanh các triền đồi.
Trên các thửa ruộng, người dân dựng lên những căn lều nhỏ để vừa nghỉ ngơi, vừa thuận tiện cho quá trình canh tác.
Nhiều hộ đồng bào Khơ mú đã bắt đầu đưa máy móc vào để sản xuất lúa nước. Tuy nhiên, với địa hình núi cao, khó khăn trong đi lại nên để đưa được máy đến ruộng cũng rất vất vả.
Một số nơi lúa đã bắt đầu xanh tốt. Tuy diện tích ruộng còn nhỏ lẻ nhưng cũng phần nào đủ để đảm bảo cuộc sống cho người dân Khơ mú ở vùng cao Nghệ An.

Vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang miền Tây xứ Nghệ


(Baonghean.vn) - Không nổi danh như Mù Cang Chải (Yên Bái) nhưng những thửa ruộng bậc thang ở miền Tây Nghệ An cũng mang những ấn tượng riêng. Mỗi mùa một vẻ. Đó là nét chấm phá ấn tượng khiến vùng đất còn nhiều bí ẩn này thêm phần thơ mộng
Gam màu mới dưới thung lũng bản Huồi Tố, xã Mai Sơn (Tương Dương). Những thửa ruộng bậc thang nơi đây được người dân kỳ công tạo dựng suốt nhiều thế hệ và trở thành một vùng trông nhiều lúa nước hàng trăm ha ở khu vực biên giới.
Những em nhỏ trên đồng lúa bản Húa Khố, xã Quang Phong (Quế Phong) cùng bố vào vụ cấy.
Ở đâu đó trên dải đất miền Tây xứ Nghệ đầy nắng gió, những nông cụ thô sơ vẫn đóng vai trò chính trong đời sống sản xuất của người dân.
Người đàn ông với chiếc nông cụ san bằng mặt ruộng trên những thửa ruộng bậc thang xã Tiền Phong (Quế Phong).
Vào mùa gặt, những thửa ruộng bậc thang như chiếc khăn thêu bao bọc quanh bản. Bức tranh bản mường không chỉ hiện lên như gấm thêu mà còn gợi lên sự trù phú, no ấm.
Cánh đồng lúa nước xã Châu Kim (Quế Phong) vào mùa gặt. Những phụ nữ chuyển lúa về bản và chiếc cầu máng trở thành con đường chính của họ.
Cánh đồng rợp bóng cò bay vào mùa gặt. Một nét nên thơ của bản Hoa Tiến xã Châu Tiến (Quỳ Châu).
Cư dân vùng mường Pố xưa ( bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương ngày nay) đã có lịch sử hàng trăm năm làm lúa nước.

Bà mẹ người Đan bản Cò Phạt xã Môn Sơn (Con Cuông) gặt vụ hè thu.
Trên cánh đồng lúa bản Quang Phúc - xã Tam Đình (Tương Dương).
Mùa gặt ở bản Chằn Nằn xã Chi Khê (Con Cuông).
Thung lũng lúa nước ở xã Quang Phong (Quế Phong).
Những thửa ruộng bậc thang ở bản Pha xã Yên Khê (Con Cuông). Đây cũng là vùng trồng lúa nước lâu đời ở miền Tây xứ Nghệ.
Hồ Phương - Hữu Vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét