Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Tp. Cà Mau những kiến trúc đẹp

Những năm gần đây, bộ mặt đô thị TP.Cà Mau ngày một khang trang: Kiến trúc và không gian sống đã có nhiều đổi khác so với những năm đầu của thế kỷ trước. Nhiều khu đô thị mới đã và đang dần hình thành, với những biệt thự, vila, các ngôi nhà với kiến trúc mới lạ, nhiều công trình cao tầng, khu công nghiệp, các khu thể thao giải trí, trung tâm hành chính, cùng những tuyến đường mới. Sự thay da đổi thịt của đô thị Cà Mau có bàn tay của đội ngũ kiến trúc sư và họ cũng trưởng thành từ những công trình của thành phố.

Một trong những ngôi nhà thiết kế đẹp trên đường Lê Vĩnh Hòa, P8, TP.Cà Mau


Trang trí nội thất đẹp, lạ mắt được thiết kế bởi bàn tay kiến trúc sư Cà Mau
Hồ bơi được thiết kế thân thiện với môi trường ở đường Lê Vĩnh Hòa, P8, TP.Cà Mau
Ngôi nhà được thiết kế và xây dựng bằng nguyên vật liệu gỗ trên đường Ngô Quyền, P1, TP.Cà Mau
Biệt thự Lê Anh - cầu Thống Nhất, P1, Thành phố Cà Mau
Khu chung cư BQL khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau
    Ngày 25-9, Hội Kiến trúc sư Cà Mau tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2010-2014 tổng kết những thành quả của đội ngũ những người làm đẹp thành phố. Nhân đại hội này, Báo ảnh Đất Mũi giới thiệu một số kiến trúc đẹp trên địa bàn TP.Cà Mau.
HUỲNH LÂM

Mũi Cà Mau - Khu dự trữ sinh quyển thế giới cơ hội để phát triển du lịch

Tháng 5-2009, Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau (bao gồm Vườn quốc gia Đất Mũi - Ngọc Hiển và Vườn quốc gia U Minh Hạ - thuộc các huyện: Trần Văn Thời, U Minh - tỉnh Cà Mau) được UNESCO chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cua ở Vườn Quốc gia mũi Cà Mau
    Với quy mô 371.506ha và có 4 đặc trưng sinh thái chính, khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau có hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa; là vùng bãi đẻ và nuôi dưỡng con non của các loài thủy hải sản cho cả vùng biển rộng lớn, nơi lưu dấu tích cư dân đầu tiên di cư từ các vùng miền khác trong cả nước. Vườn quốc gia Đất Mũi có 13 loài thú; trong đó có 2 loài nằm trong Sách đỏ thế giới và 4 loài có trong Sách đỏ Việt Nam; 74 loài chim thuộc 23 họ; có 28 loài chim di trú từ các nơi trên thế giới, trong đó có nhiều loài quý hiếm…Vườn quốc gia U Minh Hạ là nơi bảo tồn than bùn với quy mô trên 6.000ha, được hình thành hàng nghìn năm; có 58 loài thuộc 21 họ chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm; 12 loài bò sát, trong đó có 7 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 2 loài trong Sách đỏ thế giới. Nơi đây hiện có 15 loài thú thuộc 9 họ với 3 loài có trong Sách đỏ Việt Nam và 1 loài có trong Sách đỏ thế giới. Dãy rừng phòng hộ ven biển là nơi nối dài và chuyển tiếp giữa hai hệ sinh thái ngập mặn và ngập nước ngọt theo mùa hình thành nhiều cảnh quan đặc sắc.
Lợi thế về “thương hiệu” được tổ chức tầm cỡ thế giới (UNESCO) công nhận, sẽ tạo bước ngoặt để đưa mũi Cà Mau trở thành một điểm tham quan hấp dẫn. Đã qua, khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau đã thu hút lượng lớn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài tìm đến. Nắm bắt cơ hội này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cùng các ngành liên quan đã có nhiều chuyến khảo sát thực tế tại hai tuyến du lịch chính: Cà Mau- Đất Mũi, Cà Mau - Đá Bạc (trong đó có khu dự trữ sinh quyển thế giới) để rà soát lại tình hình triển khai các dự án du lịch. Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT&DL chủ trì cuộc họp với các nhà đầu tư, ngành chức năng có liên quan, cùng nhau bàn bạc giải pháp tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ cho nhà đầu tư sớm triển khai nhanh các hạng mục của dự án.



Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau phong phú chủng loại động vật sinh sống
    Ngày 14-1, Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải chủ trì cuộc họp bàn về kế hoạch tổ chức Lễ công bố Quyết định và quảng bá khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau. Với rất nhiều hoạt động quảng bá: Xây dựng phim phóng sự về du lịch sinh thái mũi Cà Mau phát trên sóng PT-TH Trung ương và địa phương; tuyên truyền hình ảnh trên báo chí; xây dựng các ấn phẩm chuyên về quảng bá du lịch, triển lãm ảnh về tính đa dạng sinh học các giá trị khu bảo tồn mũi Cà Mau… Đặc biệt là Hội nghị quốc tế về “Hỗ trợ cư dân ven biển Cà Mau thích ứng khí hậu”, sẽ thu hút được sự quan tâm của các cá nhân cũng như tổ chức trong và nước ngoài… là cơ hội tốt nhất để phát triển du lịch.
Du lịch tại khu sinh quyển thế giới
    Với những dự án, định hướng trên, cùng với “thương hiệu” mang tầm cỡ thế giới của Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau, hy vọng trong tương lai không xa, Cà Mau phát triển mạnh du lịch, làm động lực phát triển nhanh KT-XH địa phương.
ANH DUY

Cà Mau tình đất - tình người

Người dân Cà Mau có quyền tự hào về quê hương mình với biết bao huyền thoại in dấu thời cha ông đến khai hoang mở cõi. Đặc trưng biển rừng, hệ sinh thái mặn ngọt của Cà Mau đã hình thành nên nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ; cùng nhiều đặc sản hấp dẫn không xen vào đâu được. Dù lên rừng hay xuống biển, con người Cà Mau vẫn hiền hòa, mến khách vẫy gọi những bước chân lữ hành.
    Đến Cà Mau, du khách tha hồ chiêm ngưỡng vẻ đẹp mênh mông của biển, của rừng mắm, đước, tràm xanh tươi, bạt ngàn; hệ thống di tích lịch sử cách mạng: Hòn Khoai, Đình Tân Hưng, Hồng Anh Thư Quán… Những địa điểm du lịch nổi tiếng, với cảnh quan thiên nhiên thú vị, hoang sơ thu hút nhiều du khách: Hòn Đá Bạc, Khai Long, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau… Đến những nơi này, du khách sẽ có dịp ngắm hoàng hôn trên biển thơ mộng, xa xa những chiếc thuyền chở đầy cá tôm oằn mình cập bến, cảnh vá lưới, làm tôm khô, những ngư phủ háo hức trở về nhà sau chuyến biển nhọc nhằn; hay hình ảnh cô gái xứ rừng bơi xuồng trên làn nước U Minh nâu đỏ, phong phú các sản vật: Rắn, mật ong, cá… Tất cả như dạo lên bản đồng dao bình dị của cuộc sống lao động đời thường.

Nghề làm tôm khô ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển
Cảnh quan thiên nhiên Hòn Đá Bạc. Ảnh: HUỲNH LÂM
    Trở về thời những bước chân mở cõi đầu tiên trên vùng đất này, gồm dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng các dân tộc khác đến lập làng sinh sống. Họ đã đoàn kết, tương thân tương ái, chịu thương chịu khó đương đầu với hiểm nguy, đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và chiến đấu với kẻ thù, để thế hệ ngày nay có được cuộc sống yên bình. Vùng đất Cà Mau với nhiều sản vật, con người sống chan hòa, nghĩa tình, đã tạo nên sức hút đối với những người phương xa khi đến Cà Mau du lịch hay lập nghiệp. Nhiệt tình, phóng khoáng luôn là tính cách thường trực trong mỗi con người Cà Mau, đó cũng là một trong những nhân tố quan trọng đưa thiên nhiên, đặc sản Cà Mau ngày càng vươn xa hơn trong cả nước và thế giới. Với cách thết đãi không cao sang, chỉ cây nhà lá vườn mà đã trở thành niềm thương nhớ đối với nhiều du khách phương xa khi đến với Cà Mau. Đến xứ rừng, du khách sẽ được thưởng thức các món ngon: Cá lóc nướng trui, rắn, rùa, lươn, mật ong, mắm kho cá đồng ăn với rau rừng… Thương hiệu mật ong U Minh không những nổi tiếng cả nước mà nhiều khách quốc tế cũng biết đến vì được lấy từ phương pháp thủ công nên có mùi thơm bông tràm rất đặc trưng. Lẩu mắm nơi đây cũng đã làm ngây ngất lòng nhiều du khách, khi được nấu bằng mắm sặt, cùng với cá đồng, rau rừng…
    Ở xứ biển thì tôm, cua, ba khía, mực… đặc sản tôm khô Đất Mũi với hương vị thơm ngon độc đáo, thời gian bảo quản lâu nên đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao và ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ba khía Rạch Gốc cũng nổi tiếng không kém, vì ở xứ rừng ngập mặn, ba khía ăn trái mắm đen nên thịt chắc, gạch son. Đến các loại khô mực, khô khoai, hàu, vọp, ốc len… cũng được nhiều du khách ưa chuộng chọn làm quà mỗi khi xuống Cà Mau…
    Nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, sự thân thiện gần gũi của đất, của người Cà Mau sẽ là lý do để nhiều du khách chọn là điểm đến trong hành trình du lịch của mình.
MỘNG THƯỜNG

Hành trình đến với Cà Mau

Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam...” thế nhưng bạn đừng ngại đường xa, hãy thử một lần đến với Cà Mau để cảm nhận sự trong trẻo, hài hòa của thiên nhiên rừng vàng biển bạc; sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi cuối trời cực Nam Tổ quốc.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
Làng nghề truyền thống ở huyện U Minh

    Đất mũi Cà Mau, vùng đất được khai phá vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 gắn liền với cuộc sống quần tụ của 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer. Do vậy mà có sự giao thoa những nét sinh hoạt văn hóa đa sắc tộc thể hiện qua nhiều phong tục, tập quán phong phú và đặc sắc. Với một vùng đất phù sa màu mỡ có những khu rừng ngập nước quanh năm, dưới tán rừng có nhiều loài chim, thú; biển với những giống loài thủy hải sản phong phú đã tạo cho Cà Mau một cảnh quan đặc sắc mang nét riêng của vùng đất trẻ đầy hoang sơ, mới lạ... hứa hẹn sẽ là nơi thưởng ngoạn lý tưởng cho du khách. Và để thừa nhận một điều rằng Cà Mau không hề xa...
    Đến với Cà Mau du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi các phương tiện vận chuyển đường thủy tấp nập, khu chợ nổi với những chiếc ghe chở đầy nông sản... như thay cho lời mời gọi nhiệt tình. Rời thành phố Cà Mau phồn hoa, náo nhiệt du khách có thể chọn lựa một trong nhiều điểm đến thật hấp dẫn trong chuyến hành trình của mình: Hòn Đá Bạc, Hòn Khoai, Hòn Chuối, bãi biển Khai Long, Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ... Mỗi nơi đều mang một nét đẹp riêng, du khách tha hồ thưởng ngoạn và thả hồn mình hòa nhập vào cảnh thiên nhiên rừng biển bạt ngàn, bao la.
Sương sớm miền quê
Di tích lịch sử quốc gia - chùa Phật Tổ Cà Mau
    Đến Mũi Cà Mau, du khách sẽ được ngắm nhìn mốc tọa độ quốc gia, đặc biệt là biểu tượng Mũi Cà Mau như một mũi thuyền, phía trên là lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh, tự hào trong gió, tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ của rừng, bao la của biển, thưởng thức đặc sản tươi ngon còn mặn mùi phù sa như: hàu, sò huyết, vọp, óc len, tôm, cua... vừa trải lòng với những bài vọng cổ ngọt ngào, đầm thắm, mang đậm nét văn hóa truyền thống Nam bộ. Xuất phát từ thành phố Cà Mau, chỉ với 630 ngàn đồng/người (bao cơm trưa), du khách có thể kết hợp tham quan cả hai địa điểm: Bãi biển Khai Long và Mũi Cà Mau.
    Vườn Quốc gia U Minh Hạ, nơi đại diện cho hệ sinh thái rất điển hình về rừng ngập úng của Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây không chỉ là tổ ấm của nhiều giống chim, mà còn là nơi hội tụ nhiều loài động vật rừng đặc chủng của vùng đất phương Nam như: heo rừng, khỉ, sóc, kỳ đà, trăn, rắn, rùa... Du khách có thể đứng trên vọng lâm đài trải mình cùng hương tràm thoang thoảng bát ngát... Đây cũng là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau, bởi trong hai cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc, rừng U Minh là chiến khu kiên cường, anh dũng.

Khu du lịch Lý Thanh Long được xây dựng rất đẹp ngay bãi biển Khai Long
    Hòn Đá Bạc và Hòn Khoai là hai hòn đảo có diện tích khiêm nhường của Cà Mau, có vị trí rất quan trọng trong việc khai thác biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nhất là khai thác du lịch. Có thể nói nơi đây là tiếng gọi hấp dẫn, thu hút khách du lịch khi đến với Cà Mau. Quanh Hòn Đá Bạc là vô số những viên đá granit với những hình thù kỳ lạ, tạo nên những sân tiên, giếng tiên, bàn tay tiên... Trên đỉnh đối diện là đền thờ cá Ông, nơi trưng bày bộ xương cá Voi khá lớn. Hòn Đá Bạc lúc nào cũng rì rào tiếng sóng vỗ, cùng với cảnh sinh hoạt rất đời thường của người dân xứ biển như: câu cá, cạy hàu...  Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ những mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh rất quý hiếm. Nếu đến Hòn Đá Bạc, du khách chỉ tốn khoảng 300 ngàn đồng/người, còn đến Hòn Khoai khoảng 850 ngàn đồng/người (2 ngày).
    Bãi biển Khai Long là một bãi cát giồng uốn lượn dọc bờ biển thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Khai Long có bãi biển cát vàng tương đối bằng phẳng, cường độ sóng không lớn, vùng đất nơi đây rất màu mỡ, thích hợp cho các loại cây ăn trái phát triển. Đồng thời, đứng trên bãi biển Khai Long du khách có thể ngắm nhìn trọn vẹn hình dáng, vẻ đẹp hoang sơ của cụm đảo Hòn Khoai hùng vĩ. Có thể nói, Khai Long là khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng cho sự chọn lựa của du khách. 
    Với 307km bờ biển bao bọc, lại được bồi đắp bởi phù sa của các con sông lớn: Bày Háp, Ông Đốc, Gành Hào, Tam Giang, Cái Lớn... tạo cho Cà Mau vừa có cảnh quang rừng ngập mặn ven biển, vùng đất lung phèn, đất bãi bồi và cả đất than bùn nằm dưới những cánh rừng tràm mênh mông. 
    Cà Mau - một trong những đô thị được đánh giá là có tốc độ phát triển kinh tế mạnh. Hành trình đến với Cà Mau, du khách sẽ cảm nhận được sức sống và sự phát triển mãnh liệt trên quê hương thành phố trẻ. Ngoài việc thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên của rừng, của biển; du khách có thể viếng các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Chùa bà Thiên Hậu, chùa Quan Âm, đình Tân Hưng, Lăng Ông Sông Đốc... Và còn nhiều điểm tham quan hấp dẫn, kỳ thú khác đang chờ du khách chọn lựa để đến với Cà Mau.

MỘNG THƯỜNG
Ảnh: Huỳnh Anh Duy - Nguyễn Minh

Về phía Tây Cà Mau

Gần đây, khi đi du lịch về Cà Mau - mảnh đất ở cuối trời của Tổ quốc, người ta hay đến tham quan các huyện phía tây Cà Mau, là U Minh và Trần Văn Thời. Huyện U Minh có tiềm năng du lịch phong phú, chưa khai thác hết. Còn huyện Trần Văn Thời nổi bật với cảnh đẹp Hòn Đá Bạc.
Một góc vườn quốc gia U Minh Hạ

Đục hào ở Hòn Đá Bạc

    Huyện U Minh có bờ biển dài 31km với 2 cửa biển lớn là Khánh Hội và Hương Mai. Cách chợ Khánh Hội chừng vài trăm thước là Kênh Hội. Nơi đây, ngày 2.11.1997, cơn bão lịch sử Linđa hoành hành khiến làng chài bên cửa sông tiêu điều và trở thành “làng góa phụ”! Ngày nay, bên cửa sông có bia tưởng niệm đồng bào tử nạn...
    Sông Cái Tàu ở U Minh dài 43km, tiếp giáp sông Trẹm. Sông Cái Tàu xưa nổi tiếng với những trận đánh tàu địch của quân và dân ta trong hai thời kỳ kháng chiến và còn nổi tiếng với vườn dâu, cùng nghề đan đát, dệt chiếu...
    Vườn Quốc gia U Minh Hạ, nơi chuyển tiếp hai hệ sinh thái ngập nước thường xuyên kiểu rừng khô ẩm, có tính sinh học rất cao, chiếm khoảng 45% diện tích tự nhiên của huyện U Minh. Năm 2006, rừng đặc dụng Vồ Dơi chính thức được chuyển thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Vườn có diện tích tự nhiên 8.286ha, gồm 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo tồn hệ sinh thái rừng trên đất than bùn, rộng 2.531ha; phân khu phục hồi sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập nước, rộng 5.195,8ha và phân khu dịch vụ hành chánh, rộng 801ha. Ngoài ra, vườn còn có vùng đệm rộng tới 25.013ha. Vườn có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều động thực vật quý hiếm. Về thực vật, vườn có 78 loài; về động vật, có 23 loài thú, 91 loài chim, 36 loài bò sát, 11 loài lưỡng thể. Riêng rái cá lông mũi và tê tê là hai loài động vật nằm trong Sách Đỏ thế giới. Đặc biệt, cá đồng ở đây “không có khái niệm nuôi” mà được khai thác từ thiên nhiên.
Hòn Trui - Hòn Đá Bạc
Dòng sông Cái Tàu
    Hiện nay, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang từng bước khai thác du lịch sinh thái, bình quân đón vài trăm lượt khách/tháng. Số lượng khách khiêm tốn như vậy là vì vườn chỉ đón khách vào mùa mưa, mùa nắng (những tháng cao điểm) vườn “đóng cửa”, để phòng chống cháy rừng. Vào sâu khoảng 2,5km theo đường nhựa, khách sẽ tới đài vọng cảnh, cao 25m. Lên đài, bạn sẽ nhìn rừng tràm bạt ngàn nối tiếp nhau chạy dài với những con kênh ngang dọc đan xen như bàn cờ. Theo tua câu cá, với chiếc vỏ lãi 7 người (100.000 đồng), chạy vào 3km (từ 7h00 đến 16h00) bạn sẽ thỏa thích câu cá. Số cá câu được (không tính tiền) nhà bếp sẽ chế biến món ăn giúp bạn (nếu có yêu cầu). Sắp tới, vườn sẽ lót đan để du khách tiện vào rừng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia U Minh Hạ còn bổ sung các loài thú để tăng thêm số lượng động vật hoang dã. 
    Cùng thuộc huyện Trần Văn Thời còn có Hòn Đá Bạc. Là địa phận rừng U Minh Hạ nhưng hai bên đường tới đây không thấy rừng tràm, chỉ thấy những bông sậy nở trắng trời, cùng những con kênh nước đỏ đặc trưng U Minh. Muốn tới Hòn Đá Bạc, nếu đi xe trên 25 chỗ, bạn phải xuống xe qua 5 chiếc cầu tải trọng 2,5T/chiếc, khá bất tiện.
    Dù cách cửa sông Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây) chỉ khoảng 700m nhưng nước biển quanh Hòn Đá Bạc không đục mà có màu xanh “ưa nhìn”. Trước đây, từ đất liền ra hòn bạn phải đi vỏ lãi với giá 10.000 đồng/người (vé khứ hồi), khi muốn về, chỉ cần “alô”, vỏ lãi sẽ ra đón. Khoảng 4 năm nay, khi Cty TNHH Minh Nhựt đầu tư xây dựng ở Hòn Đá Bạc một khách sạn và khu du lịch sinh thái, vé vào cửa là 25.000 đồng và đã làm chiếc cầu xi-măng 2 chiều, mỗi chiều rộng khoảng 2m, dài khoảng 400m, giúp du khách đi bộ tới khách sạn Hòn Đá Bạc. Nếu lười đi bộ, bạn có thể thuê xe ôm, với giá 10.000 đồng/người. Khách sạn Hòn Đá Bạc có 24 phòng, giá 150.000 đồng/phòng quạt/3 người, 200.000 đồng/phòng máy lạnh/3 người. 
    Hòn Đá Bạc gồm: Hòn Ông Ngộ, Hòn Trọi và Hòn Đá Bạc. Ngoại trừ Hòn Trọi nằm giữa hai Hòn Ông Ngộ và Hòn Đá Bạc, chỉ toàn đá là đá, hai hòn còn lại đều phủ rợp bóng cây rừng xanh mướt, nhiều nhất là tra bồ đề. Đá tạo thành hòn toàn granite, được hình thành cách nay khoảng 180 triệu năm, thuộc kỷ Jura giữa - Trung sinh. Một số tảng đá có hình thù kỳ lạ mà người ta gọi là Sân tiên, Giếng tiên, Bàn chân tiên, Bàn tay đá... Hòn Đá Bạc (hòn chính) có 2 hòn, đỉnh cao nhất 50m. Xuyên qua tán cây rừng rậm một triền hòn, theo các bậc tam cấp nhân tạo, bạn sẽ đến Sân tiên, Bàn chân tiên. Theo con đường lên đỉnh đối diện, cũng được lót bậc bằng đá hoặc xi-măng, bạn sẽ tới đền thờ Cá Ông, nơi này thờ bộ xương cá Ông dài 13m. Cá Ông này dạt vào Kinh Chùa (Sông Đốc) ngày 20.5.1995. Đến ngày 23, Ông lụy, chôn tại đây. Năm 1996, Ông được đưa về Hòn Đá Bạc thờ. Theo triền dốc xuống bờ biển không xa, bạn sẽ ngạc nhiên nhìn hình bàn tay phải đủ 5 ngón bằng đá khổng lồ xòe ra. Bàn tay đá quả là một tuyệt tác thiên nhiên! 
    Lang thang Hòn Đá Bạc, sáng hoặc chiều tối, bạn sẽ tiếp cận được cảnh ngư dân cạy hàu, câu cá nâu - một đặc sản hấp dẫn của Cà Mau, hoặc dùng ghe câu cá ngát, bắt tôm tích... Bạn sẽ chứng kiến cảnh mặt trời lặn trên biển Tây, đẹp khôn tả...

CÚC TẦN - ANH DUY

Hòn Chuối giữa biển Tây bán đảo Cà Mau

Đảo Hòn Chuối nằm trên vùng biển Tây Nam (Vịnh Thái Lan), thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Đảo nằm cách cửa biển Sông Đốc 17 hải lý về phía tây, diện tích khoảng 7km2, độ cao gần 170m so với mặt nước biển. Hiện nay, ngoài Đồn Biên phòng 704, Hải quân, Hải đăng và Tổ An ninh tự quản Khóm 1, thị trấn Sông Đốc làm nhiệm vụ trên đảo, Hòn Chuối còn có 43 hộ sinh sống với 179 khẩu. Ngư dân trên hòn chủ yếu làm nghề giăng câu, đi biển nên đời sống còn nghèo. Nước ngọt phục vụ sinh hoạt rất hiếm, chủ yếu là chở từ đất liền ra. Nhằm tạo mạch nguồn nước thiên nhiên trên đảo, hiện tại công tác trồng rừng và bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm ngặt. Chỗ ở của người dân cũng không ổn định phải di dời theo mùa, 6 tháng ở ghềnh chướng (sườn đông), 6 tháng ở ghềnh nam (sườn tây).


    Hành trình chạy nhà từ vách núi này sang vách núi khác tránh gió theo mùa như một sự hiển nhiên cho bất kỳ ai muốn định cư trên hòn đảo nhỏ khắc nghiệt này. Cuối tháng chín, đầu tháng mười là mùa không bình thường trên biển đảo Hòn Chuối. Gió giông tranh chấp thăng giáng quần đảo liên tục, chưa thể xác định hướng gió chính để chạy nhà.
    Đây là thời điểm mà những người trụ cột gia đình phải đắn đo thứ nào mang đi, cái gì để lại, rồi cụ già, trẻ em, phụ nữ đi hướng nào cho an toàn... Tất cả đang chờ ngày biển yên gió lặng để bứng nhà dời sang ghềnh khác. Khi gió đổi chiều mạnh là lúc cả xóm chạy! Mà chạy có nghĩa là làm lại từ đầu. Nếu biển nổi giông bão thì bỏ hết của cải, hai tay xách hai giỏ quần áo, lương thực mà băng rừng... chạy! Đoàn người xóm đảo rồng rắn mang vác băng dốc núi bất kể đêm hay ngày về nơi... trời định để làm lại từ đầu.
  
    Về ghềnh nam, đến nơi dựng nhà mới, phía trước là xóm biển tơi tả trống vắng, không ai và cũng không có chiếc tàu nào dám trú đậu ở nơi sóng đang dữ này. Trên đảo còn một nơi khác để bà con núp gió làm lại từ đầu: ghềnh Nồm. Trong đợt chạy nhà lần này người dân sẽ chạy về ghềnh Nồm, ở đó cũng có chòm nhà hoang vắng đang chờ chủ. Khu vực ghềnh Nồm dù chỉ là bãi đá nhỏ dựng đứng nhưng khuất gió được hai ba tháng, là nơi tàu biển núp gió có thể mua bán kiếm thêm chút tiền. Cũng lạ là từ lâu trên đảo này, bà con dời nhà đến đâu thì hàng trăm chiếc tàu cá lớn nhỏ di chuyển đến đó neo đậu nương náu với họ. Đảo Hòn Chuối chỉ cách đất liền 17 hải lý nhưng cho đến nay cư dân trên đảo vẫn mang một nỗi khắc khoải: Xa quá đất liền ơi!
    Giữa biển Tây, trên đảo Hòn Chuối vẫn có những con người Cà Mau chân chất, phóng khoáng cùng những chiến sĩ biên phòng ngày đêm bám trụ để sinh sống, bảo vệ và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc… Vinh quang thay những người bám đảo!
Bài: ĐÀO
Ảnh: LÊ NGUYỄN
oeman

Chùa Liên Hoa – Bến đỗ bình yên

Cách thành phố Cà Mau khoảng 16km, theo Quốc lộ 1A, Liên Hoa tự tọa lạc tại ấp Thành Thưởng A, xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, bên dòng sông hiền hòa thơ mộng, cây xanh in bóng, tạo cho lòng người sự khoan khoái, bình yên khi viếng chùa.
Chùa Liên Hoa
Chùa Liên Hoa nhìn từ mặt bên

    Chùa Liên Hoa được thành lập từ năm 1971, lúc đầu chỉ là một am nhỏ do sư cô Chính Nhãn làm trụ trì. Trải qua bao thăng trầm và biến đổi của thời cuộc, các sư trong chùa không ngừng tu tập, làm kinh tế, để có nguồn kinh phí hoạt động trong các phong trào từ thiện và tích lũy để sửa sang lại chùa, tạo một bến đỗ tâm linh thật uy nghi, yên bình cho Phật tử cũng như những người có tâm hướng thiện. 
    Năm 1993, chùa được trùng tu, sửa chữa toàn bộ. Hiện, chùa đang xây mới ngôi giảng đường với kinh phí hơn 3 tỷ đồng từ sự đóng góp kinh phí của đông đảo tín đồ Phật tử, những nhà hảo tâm gần xa trong và ngoài nước, đáp ứng cho các hoạt động truyền thống hằng năm của chùa: Lễ Phật đản, lễ hội Hoa đăng, đại lễ Vu lan, Nguyên tiêu... 
    Chùa Liên Hoa với lối kiến trúc thuyền lâm Phật giáo, mặt trước thờ Quan Âm, bên hữu là miếu bà, bên tả là tượng Phật Di Lặc, hai vị Phật thể hiện sự khoan dung, độ lượng, luôn sẵn lòng cứu giúp chúng sinh. Ở cửa chánh điện là vị thần Hộ Pháp, đại diện cho cái thiện, và Tiêu Diệm, người tiêu trừ cái ác...  Trung tâm chánh điện thờ Phật Thích Ca, bên tả và hữu là trống chầu, và đại hồng chung; gian giữa, bên tả là Phật Quan Âm, hữu là Địa Trung; gian sau, chùa thờ tổ sư Đạt Ma và Chuẩn Đề...

Tháp sư cố Chính Nhãn - người trụ trì đầu tiên của chùa
Tượng Phật Quan Âm được đặt trang trọng trước sân chùa
    Với phương châm “Tất cả vì chúng sinh” nên mọi hoạt động của chùa luôn hướng đến những người lầm đường lạc lối, những số phận nghèo khổ, bất hạnh... Hằng năm, chùa kết hợp với Ban Từ thiện thị xã Bạc Liêu tặng quà người nghèo vào những dịp Tết và lễ Vu  Lan, cùng nhiều đợt tặng quà ý nghĩa khác...
    Với lời giáo huấn “Tu phải tĩnh là điều trước hết/ Học phải hành là việc đầu tiên”. Hiện tại, chùa đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện để bổn Phật tử của chùa hoàn thành chương trình học phổ thông văn hóa của mình, chăm bồi cho thế hệ phật tử sau này, đó là tư tưởng hiện đại xứng tầm với thời cuộc hiện nay, bởi ai trong xã hội mà kém hiểu biết thì sẽ tụt hậu. 
    Theo lời sư Thiện Trung - Thư ký của chùa, thì ngoài làm công tác từ thiện, các sư ở chùa còn là những nhà “tư vấn” tài ba. Trong cuộc sống, chúng ta đôi khi gặp rất nhiều rắc rối, trở ngại trong công việc cũng như trong tình cảm... Ngoài việc tìm đến chùa thắp hương khấn nguyện cầu bình an, công việc làm ăn được “thuận buồm xuôi gió”, nhiều người thường tìm đến các vị sư để được chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, để tâm của họ được an lành hơn.
Giảng đường mới đang được xây dựng với kinh phí gần 3 tỷ đồng
    Với trách nhiệm của những người hướng đạo, giải thích nhiều vấn đề một cách thấu đáo và hợp lý: “Ở hiền thì gặp lành” hay “Gieo quả nào trời trao quả ấy”... Đối với những người lầm đường mới vào chùa tu tập, nhà chùa đã rất khéo léo trong việc nắm bắt tâm lý của họ. Các sư không hỏi về những việc làm đã qua, mà chỉ ra tương lai phía trước, khuyến khích chỉ dạy, để họ không cảm thấy mặc cảm tội lỗi mà yên tâm chánh niệm...
    Đạo Phật là một tôn giáo lớn của nhân loại; ảnh hưởng của đạo Phật đối với con người và xã hội, mang ý nghĩa rất lớn trong quá trình tiến bộ của con người, và đã tạo nên nền văn hóa nhân bản theo tinh thần của xã hội Á Đông hơn 2.000 năm qua. Và chùa Liên Hoa, một trong những ngôi chùa lớn của tỉnh Bạc Liêu, đang dần hoàn thiện cả về điều kiện lẫn đạo pháp, nhằm phát tâm thành đến chúng sinh, để cuộc đời luôn lúc nào cũng tươi sáng tốt đẹp và hy vọng trong xã hội sẽ ngày càng bớt đi những cái ác, cái xấu.
    Rời chùa Liên Hoa, thế nhưng trong suy nghĩ của chúng tôi luôn nhớ đến ý nghĩa của một đoạn pháp: Vì lòng tham-sân-si nên con người mới gây chiến tranh, hận thù, tạo vũ khí tàn sát nhau. Tại sao không cùng chung nhau dung hòa, xây dựng tình thương, xóa bỏ hận thù. Thay vì công sức tiền tài tạo vũ khí, gây chiến tranh giết hại nhau làm cho đổ máu, làm tan tác, đau khổ. Công sức tiền tài đó để chế tạo ra lương thực, thực phẩm cho thật nhiều đem chia sẻ, nuôi dưỡng nhân loại đầy đủ cho hết đói khổ, không còn tranh giành nhau sẽ bớt gian tham...Và hãy nối vòng tay lớn vun bồi tình thương yêu, chia sẻ sự sống còn...

MỘNG THƯỜNG

Cửa biển Khai Long - điểm du lịch hấp dẫn nơi Đất Mũi Cà Mau

Biển Khai Long (Cà Mau) còn rất hoang sơ và hoàn toàn mới mẻ đối với du khách. Được bao bọc giữa bốn bề rừng cây, sông biển, với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, biển Khai Long thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, với diện tích khoảng 230ha, chiều dài theo bờ biển 3.800m.
Mưu sinh ở cửa biển Khai Long
Từ Khai Long trông ra Hòn Khoai

    Khai Long nằm về phía biển Đông trong khu vực sinh thái rừng ngập mặn mũi Cà Mau, là một cửa biển nhỏ, cạn, được bao bọc bởi rừng mắm, đước bạt ngàn, thích hợp cho việc khai thác du lịch. Cửa biển Khai Long chạy dài từ cửa Ông Thọ, Rạch Mũi... tới lâm viên Đất Mũi, là một bãi cát giồng uốn lượn hình rồng dọc bờ biển. Mảnh đất này được các nhà khai thác du lịch khám phá như một điểm dừng chân mới của các tour. Ngành du lịch Cà Mau đang có nhiều dự án quan trọng để đưa Khai Long thành điểm du lịch trọng tâm của vùng Đất Mũi. Hai tiếng Khai Long cũng đủ nói lên sức hấp dẫn của nó - một địa danh làm nức lòng khách nhàn du... 
    Khai Long được tạo hóa ban tặng cho một vị trí hết sức đặc biệt. Đứng ở cửa biển Khai Long khi bình minh ló dạng ta thấy được mặt trời tròn như vành thúng chói đỏ nhô lên từ mặt biển phía đông và khi chiều xuống cũng ở vị trí ấy ta lại thấy vầng kim ô vàng rực từ từ lặn xuống mặt biển phía tây. Cũng tại nơi đây, du khách ngắm nhìn trọn vẹn hình dáng, vẻ đẹp hoang sơ của cụm đảo Hòn Khoai hùng vĩ. Biển Khai Long hằng năm cứ lấn dần ra biển, như muốn nối liền với cụm đảo Hòn Khoai. Mỗi lần đến Khai Long để ngắm biển, ta thấy khoảng cách giữa đảo và bờ nơi đây như thu hẹp dần.


Khu nghỉ dưỡng Lý Thanh Long ở Khai Long
    Có một điều rất thú vị, nếu như khu vực Ông Trang, Cá Mồi và bãi bồi Đất Mũi... là bãi bùn, thì ở Khai Long lại là bãi cát vàng rộng mênh mông và tương đối bằng phẳng. Khi thủy triều xuống, cát phơi mình trên nắng chạy dài với những hình thù kỳ lạ và đẹp mắt. Khu vực này chính là thiên đường của nhiều loài sinh vật biển sinh sản, đặc biệt nơi đây có một bãi nghêu rộng lớn, mỗi ngày có hằng trăm người khai thác, tạo cho không khí vốn yên bình như Khai Long thêm náo nhiệt. 
    Biển Khai Long không đẹp quyến rũ như Lăng Cô xứ Huế hay nhiều vùng biển khác, nhưng Khai Long lại có hệ sinh thái đa dạng không nơi nào có được. Đó là hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều loài cây như: vẹt, mắm, bần... đặc biệt là cây đước - biểu tượng của rừng ngập mặn, đã gắn bó lâu đời với đời sống của người dân Đất Mũi. Khai Long cũng không thiếu những hàng dương chạy dài trên cát trắng, đêm ngày đón gió biển reo ca.
Săn nghêu khu vực biển Khai Long
Tượng bà Nam Hải
    Cách đây 3 năm (2005), Công ty Công Lý đã đầu tư 24 tỷ đồng thành lập khu du lịch Lý Thanh Long trên vùng đất Khai Long này. Khu du lịch có diện tích 76ha, trong đó 50ha nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái, 26ha xây dựng khu du lịch gồm: nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi giải trí... đặc biệt có khu tượng Nam Hải Phật đài Quan Thế Âm Bồ Tát được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 2006, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Tượng làm bằng đá Tây Tạng do nhà điêu khắc Trương Công Thành thiết kế, cao 18m (thực hiện theo nguyện vọng của nhân dân trong vùng). Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân trong và ngoài tỉnh, Nam Hải Phật đài còn tạo thêm vẻ mỹ quan cho Khu du lịch Lý Thanh Long, phục vụ khách tham quan du lịch nơi vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc. 
    Hiện nay, Khai Long mới chỉ là một điểm du lịch rất đơn sơ, nhiều hạng mục công trình đang đầu tư chưa hoàn chỉnh, nhưng du khách đến tham quan mỗi ngày một đông thêm. Chỉ tính vào dịp lễ, tết, Khai Long đã đón trên 50.000 lượt khách, một số lượng rất lớn đối với một khu du lịch mới mở cửa, tạo nên sự trù phú cho vùng đất giàu tiềm năng du lịch sinh thái này.

ANH DUY

Biển - rừng Đất Mũi

Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau - địa phương cuối cùng nằm ở cực Nam của dãy đất hình chữ S. Toàn xã được bao quanh bởi 34km đường bờ biển, rồi đổ thẳng ra biển Đông và biển Tây. Một vùng trời đất bao la, trên rừng dưới biển vẫn còn lưu giữ nét hoang sơ của thời cha anh đi mở cõi. Đồng thời, ở Mũi Cà Mau hàng năm, từng hạt phù sa màu mỡ giữa hai dòng hải lưu Bắc - Nam vẫn tiếp tục lấn biển thêm rừng, đưa con thuyền đất nước vươn xa cánh sóng - tiến thẳng về phía Tây.
Điểm mốc tọa độ quốc gia ở khu du lịch Mũi Cà Mau, ấp Mũi, xã Đất Mũi
Đời sống thường ngày của ngư dân cửa biển Vàm Xoáy (Rạch Tàu)

BA MẶT GIÁP BIỂN
    Về Đất Mũi - Rạch Tàu (địa danh Rạch Tàu không rõ có từ khi nào, nhưng nó đã trở thành tên gọi quen thuộc mà người dân dành cho mũi đất tận cùng này) chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng và tiếng sóng biển rì rào. Với ba mặt giáp biển, Đất Mũi có tới 9 cửa sông, như chín con rồng đổ ra biển lớn. Nhưng tiêu biểu có thể kể đến cửa Vàm Xoáy, Rạch Mũi và cửa Khai Long. Riêng cửa Vàm xoáy (Rạch Tàu), đổ trực tiếp ra biển từ con sông Rạch Tàu, là cửa rộng và sâu nhất, thuận lợi cho tàu thuyền ra vào neo đậu. Cửa Vàm Xoáy nằm ngay trung tâm xã, là nơi phản ánh rõ nhất sự phát triển của vùng chóp mũi, trên bến dưới thuyền, con người tất bật, chợ búa xôn xao. Nối liền với Vàm Xoáy là cửa Rạch Mũi - được con người cải tạo, luồng lạch, xuyên qua những cánh rừng đổ ra biển Đông. Đầu nguồn con rạch là Xóm Lò đông đúc, hạ nguồn  là xóm nhà sàn ven biển bao quanh bởi rừng phòng hộ. Ngư dân ở Đất Mũi sống với biển chủ yếu bằng phương tiện đánh bắt thô sơ và ghe cào công suất nhỏ. Những năm gần đây, xã đã thành lập được 4 tổ hợp tác sản xuất, chuyển đổi từ khai thác đáy cạn sang làm lưới cá lẹp, với 104 thành viên. Bao quanh đất rừng là vùng biển rộng, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết: “Tiềm năng biển của địa phương rất lớn, Đất Mũi có ngư trường đánh bắt rộng và hơn 200km2 vùng cấm, nơi để các loài hải sản sinh trưởng”.
    Ngoài khai thác biển truyền thống, Đất Mũi còn nổi tiếng với các HTX nuôi hàu lồng trên sông Rạch Tàu và khoảng 2.000 ha nghêu Rạch Thọ. Đây là những mô hình cho hiệu quả và năng suất cao. Để phát huy lợi thế của mình, Đất Mũi đang triển khai mô hình thí điểm nuôi sò huyết, tìm hướng đi mới cho cư dân vùng mũi.
Chợ Đất Mũi - trung tâm mua bán của vùng chót mũi Cà Mau
Lồng bè nuôi hàu ở cửa biển Vàm Xoáy
Nhà hàng Mũi Cà Mau, một trong những nhà hàng phục vụ du khách đến với khu du lịch Đất Mũi
Tiểu cảnh Mũi Cà Mau đang được tôn tạo để phục vụ du khách trong dịp xuân về
VỀ VỚI “MŨI THUYỀN” CỦA ĐẤT NƯỚC
    “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”. Từ  trụ sở Ủy ban xã Đất Mũi đi thẳng về phía biển, dọc theo cửa Rạch Mũi để đến với khu du lịch Mũi Cà Mau. Đến đây, du khách sẽ có cảm giác thật đặc biệt khi bước chân lên cột mốc số 0, nơi tận cùng của Tổ quốc. Và sẽ thật tuyệt vời khi đứng bên biểu tượng Mũi Cà Mau để nhìn ra đảo Hòn Khoai lịch sử và khu vực nam biển Đông bát ngát. Khu du lịch Mũi Cà Mau không hấp dẫn du khách bởi vẻ sầm uất, hoa lệ mà làm nao lòng người bởi nét hoang sơ, trầm tích của nó. Ngoài ra, du khách còn có thể ngược về Khai Long - cửa biển duy nhất của tỉnh Cà Mau có bãi cát vàng thoai thoải, phía xa ngoài bãi, là màu đen đặc trưng của phù sa bồi lắng.
    Nằm ở nơi tận cùng Tổ quốc, như bao địa phương khác, Đất Mũi đang đi lên theo đà phát triển của đất nước. Tuy nhiên, địa thế chót mũi vừa là tiềm năng, đồng thời cũng mang nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất của Đất Mũi là dịch vụ giao thông vận tải - nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế và du lịch. Vì thực trạng du lịch Đất Mũi hiện nay chưa xã hội hóa cao, chủ yếu còn mang tính chính trị. 
    Về Đất Mũi, thấy đất nước ngày càng dài ra bởi mũi đất tận cùng như “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, hằng năm lại bồi lắng phù sa lấn biển thêm rừng. Hành trình lấn biển về phía Nam của Xóm Mũi như mang dấu ấn cha anh thời khai hoang mở cõi, gợi lại trong lòng chúng ta niềm tự hào và cảm phục.

TRÚC THI

Cửa biển Gành Hào

Sông Gành Hào chảy giáp ranh giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, rồi đổ ra biển Đông tại thị trấn Gành Hào. Dòng sông Gành Hào thơ mộng, gắn bó bao đời với người dân vùng cực Nam Tổ quốc đã đi vào thơ ca với những làn điệu “Xề u xế u liu phạn...” tha thiết lòng người. Con sông có chiều dài 55km, tại cửa Gành Hào sâu 19m và rộng 300m. Cửa biển Gành Hào ngày nay sầm uất, với một bên là thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu và một bên là xã Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau.
Kinh xáng Nông Trường đổ ra cửa biển Gành Hào

Những con đò nối hai bờ ở cửa biển Gành Hào
Ruộng muối Tân Thuận
Bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ ở xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi

    Cửa biển Gành Hào - giao nhau giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Bên này sông là Tân Thuận - trước kia thuộc khu vực năm của thị trấn Gành Hào, năm 1992, địa bàn được giao về cho huyện Đầm Dơi quản lý. Nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát nên đời sống bà con nơi đây đã có nhiều đổi thay khởi sắc. Đặc biệt, ấp Lưu Hòa Thanh, xã Tân Thuận còn là địa phương nổi tiếng với nghề làm muối truyền thống. Người dân miền biển không chỉ khai thác các loại hải sản quý mà còn tận dụng nguồn nước biển vô tận để cung cấp vị mặn cho đời. Muối chỉ làm vào mùa nắng gắt, bắt đầu từ tháng 11 cho tới tháng 2, tháng 3 năm sau. Với 165ha diện tích ruộng muối, năng suất 70 tấn/ha đã nuôi sống khoảng 65 hộ dân ven biển Gành Hào. Những vuông muối được cải tạo công phu, nền thật dẽ và lán bóng để đón luồng nước mặn từ biển đổ vào, rồi nhờ cái nắng chói chang của đất trời kết tạo nên những hạt muối trắng tinh. Chất mặn của muối - vị mặn của giọt mồ hôi làm cho cuộc sống con người trở nên đậm đà hơn.
    Và bên kia sông là thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu, phát triển mạnh nhờ cảng cá Gành Hào - công trình có ý nghĩa nhiều mặt, tạo hiệu quả rất lớn cho các chủ thu mua và ngư dân khai thác biển. Tuy chưa thể so với cửa biển Sông Đốc, nhưng sự sầm uất ở Gành Hào cũng đã được khẳng định. Những người dân bao đời gắn bó với cửa biển này luôn tự hào trước sự thay da đổi thịt của vùng rừng biển hoang sơ “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”. Nhìn thành quả phát triển ở Gành Hào ngày nay, bà Trần Tuyết Nga - người gắn bó lâu năm với vùng đất này, kể lại: “Trước kia, xung quanh đây chỉ toàn là rừng đước, nhà dân thưa thớt, từ ngã ba Vàm Xáng đến cửa biển Gành Hào chỉ chừng vài chục hộ dân sinh sống. Bà con từ các nơi đổ về sống chủ yếu bằng nghề đáy sông, với khoảng 17 hàng đáy, chạy dài từ cửa biển tới Hộ Phòng”.

Cá khoai - món quà biển cả ban tặng cho con người

Cửa biển Gành Hào luôn dạt dào những con sóng
Con người, hiểu và sống chan hòa cùng biển cả
    Lợi thế của Gành Hào là đã được đầu tư xây dựng cảng cá - động lực lớn cho phát triển kinh tế biển. Bởi thế, Gành Hào cũng sở hữu một lực lượng tàu thuyền khá hùng hậu, tạo nên sự sung túc cần có của một vùng cửa biển. Như bao vùng cửa biển khác, ngư dân ở Gành Hào cũng tín ngưỡng thờ cá Ông. Lăng Ông ở Gành Hào hiện nay nằm gần đường vào thị trấn và đường ra đê biển. Tại miếu thờ hiện nay có tới 4 cốt (sọ đầu) cá Ông, 9 xương sườn và khoảng mười đốt xương sống. Theo lời những người sống lâu năm nơi đây, những bộ xương này chí ít cũng có khoảng 100 năm tuổi. Lễ hội nghinh Ông ở Gành Hào được tổ chức vào ngày 9, 10, 11 tháng 3 â.l hằng năm.
    Ngoài ra, ở Gành Hào còn có khu vực bờ kè thông thoáng, phân cách giữa một bên là cuộc sống hiền hòa với biển cả bao la, ồ ạt những con sóng dập thẳng vào bờ như đe dọa, như mời gọi con người tìm đến sự giàu có của nó. Đồng thời, nằm ở ranh giới hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, cửa biển Gành Hào còn là ranh giới xã hội, tại đây, mọi người có thể tạm quên sự chen chút, bận rộn nơi thị trấn sầm uất khi trở về bên này sông - đến với sự yên bình của quê biển Tân Thuận. 
    Vị trí cửa biển Gành Hào thuộc hai tỉnh khác nhau nên sự đầu tư phát triển còn chưa đồng bộ và tương xứng. Thế nhưng, cửa biển Gành Hào vẫn mang những nét đặc trưng riêng làm say lòng du khách. Dòng sông Gành Hào thơ mộng, dịu dàng “như dải tơ vàng” mãi “xuôi về biển Đông”, để cửa Gành Hào tiếp tục vươn mình ra biển lớn.

TRÚC THI