Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Cây tự nấu rượu trên dãy Trường Sơn

Bên cạnh các loại rượu ngâm, nấu, đồng bào Cơ tu sinh sống trên dãy Trường Sơn còn có đặc sản rượu rừng lấy trực tiếp từ các loại cây tr’đin, t’vạc, adương. 


Để lên men thành rượu, người Cơ tu có kinh nghiệm lấy vỏ cây chuồn (cây này có hai loại: apăng và zuôn) lột vỏ phơi khô và ngâm vào ống đựng nước tr’đin hay t’vạc, dung dịch tự lên men uống đăng đắng - chát - thơm ngọt rất dễ chịu. 

Hũ rượu trên cây cao
Theo các già làng và những người có kinh nghiệm “cất” rượu tr’đin, muốn lấy rượu thì phải đục vào thân cây tr’đin. Trước tiên, bằng con mắt nhà nghề, nhìn lên cây tr’đin để xác định cây có trúng thời điểm đục thân ra nước không. Thông thường, lúc đọt mới nhú lên gần ngang bằng lá già là thời điểm lý tưởng để đục vào thân lấy nước.
Người đàn ông Cơ tu này đang "chiết" rượu trên cây.

Khi đã xác định chính xác như trên, người Cơ tu làm cầu thang lên giàn bằng nhiều cây lồ ô buộc với nhau bằng dây mây cho chắc sau đó leo lên giàn ngồi và đục, tính từ ngọn xuống chừa lại 4 cuống lá già, tại cuống lá già thứ tư từ trên xuống, đục đối diện với cuống lá này.
Đục xong, thấy ở trong đọt trắng mềm là khả năng ra nước nhiều, ngược lại nếu đọt trong cứng vàng thì ít. Sau khi đục xong, mỗi ngày lại cắt mỏng đi một lớp để tạo “vết thương” và khi nào thấy có đọt mới nhú ở trong lên thì sắp có nước chảy ra. Thông thường 3-6 ngày nếu thấy có nước trăng trắng, sệt sệt tứa ra.
Khi nước ra nhiều từ vết cắt thì làm máng để nước tr’đin chảy vào ống lồ ô lớn hứng sẵn (trong ống lồ ô đã bỏ vỏ apăng để lên men). Từ đó cứ mỗi ngày đến cắt một lát mỏng chỗ “vết thương” và lấy tr’đin về uống. Trung bình mỗi cây tr’đin cho ra khoảng 10 - 15 lít một ngày đêm. Còn nếu cho trẻ con và phụ nữ uống ngọt thì không bỏ apăng, nước ngọt lịm và thơm ngon như hương vị đường thốt nốt.
“Hũ rượu” này tuy nằm trên cây cao nhưng cũng thu hút bởi các côn trùng như ong, bướm, chim, sóc, chuột… vì thế xung quanh ống lồ ô, đồng bào che, bịt lại bằng một loại bùi nhùi lấy từ bẹ của chính loại cây tr’đin.
Rượu tr’đin để vài tháng được nhưng phải thay vỏ cây apăng thường xuyên. Đồng bào có tục lệ là khi uống rượu tr’đin thì không đổ phần thừa trong chén vào bếp tro nóng, họ cho rằng làm như vậy, cây tr’đin cho rượu sẽ tắt nước hoặc không chảy nước trong một thời gian.
Rượu của bà con Cơ tu tại Hội chợ làng nghề Việt 2009 tại Đà Nẵng.

Cây đực, cây cái
Cây tr’đin sống thích hợp nơi ẩm ướt, râm mát, nơi gần các khe suối. Ngoài ra, người cơ tu còn trồng nó bằng hạt và nếu có cây nhỏ thì nhổ cây con mang về trồng gần nhà. Người có kinh nghiệm thường chọn lấy giống từ cây to, cao, lấy hạt dẹt (hạt cái). Một cây tr’đin thường ra 4-5 buồng trong 4-5 năm. Một buồng ra hàng vạn trái, một trái thường 1-2 hạt.
Nên lấy hạt ở buồng ra thứ nhất, thứ nhì về sau khi thu hoạch nước ra nhiều hơn, cây sống thọ không ra buồng sớm. Còn hạt tròn (là hạt đực), cây sớm ra buồng, không thọ và nếu lấy hạt ở buồng ra cuối cây tr’đin trồng ít ra nước.
Kinh nghiệm của đồng bào là chỉ nhổ cây ươm đem trồng khi đã có đọt mới nhú lên khoảng 10-15 cm trở lên để cây có rễ non, dễ sống.
Cây tr’đin sinh trưởng tương đối nhanh 6-7 năm, từ ngày trồng thì khai thác được. Có nhiều cây thọ lâu có thể trên 30 năm vẫn “cho rượu” đến khi ra buồng thì mới hết thời gian khai thác (ngược với cây t’vạc). Song cũng có cây khai thác một lần rồi đã ra buồng không khai thác được nữa .
Các làng người Cơ tu miền sơn cước Quảng Nam nơi nào cũng có cây t’vạt nhưng cây t’đin thì chỉ có ở Tây Giang, nơi sát biên giới Việt Lào.

Theo Khoa học và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét