Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Cà Mau những dấu ấn lịch sử - Lung Lá Nhà Thể: Địa chỉ đỏ của Cà Mau

Cà Mau là vùng đất chứa đựng biết bao huyền thoại của một thời khai hoang, mở cõi. Với lợi thế tự nhiên cộng với bề dày lịch sử hơn 300 năm mở đất và những cuộc đấu tranh cách mạng chống giặc ngoại xâm, nhiều anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trên mảnh đất này có nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa nổi tiếng - những di tích ghi lại dấu ấn một thời hào hùng, oanh liệt của quân và dân Cà Mau.
    Tiềm năng tự nhiên, lịch sử và nhân văn ấy đang từng bước được đầu tư, khai thác để Cà Mau phát triển và hội nhập quốc tế với bản sắc riêng của mình. 
    Nhằm khắc họa phần nào những dấu ấn lịch sử trên vùng đất trẻ này, Báo ảnh Đất Mũi cung cấp đến bạn đọc những góc nhìn khái quát mang đậm tính nhân văn và hào hùng của một thời oanh liệt.
LUNG LÁ NHÀ THỂ - ĐỊA CHỈ ĐỎ CỦA CÀ MAU

Bia kỷ niệm Khu Di tích Lung Lá Nhà Thể. Ảnh: BÌNH ĐẲNG

Ông Bùi Công Bửu - Chủ tịch UBND tỉnh, tham quan phòng trưng bày tại Khu Di tích Lung Lá Nhà Thể. Ảnh: HUỲNH LÂM
    Khu Di tích Lung Lá Nhà Thể thuộc địa phận ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, nằm cách trung tâm Tp.Cà Mau 15km đường ô tô. Đây chính là nhà riêng của đồng chí Trần Văn Thời, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (nay là Cà Mau và Bạc Liêu). Lịch sử ghi nhận, vào những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ 20, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng. Nhiều cơ sở cách mạng trong tỉnh bị lộ, bị phá hoại. Nhận thấy lợi thế bí mật của khu vườn nhà mình, tuy nằm cách thị trấn Cà Mau không xa nhưng có sông rạch chằng chịt, cây cối rậm rạp, nhất là những đám lá dừa nước um tùm dùng để ngụy trang rất tốt. Đồng chí Trần Văn Thời đã chủ động dùng ngôi nhà và khu vườn của gia đình mình làm nơi hoạt động của Đảng. Những năm 1938 - 1940, Lung Lá Nhà Thể là nơi hội họp của Chi bộ ấp Tân Hưng, Quận ủy Cà Mau. Nhiều lần, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu họp ở đây, có Xứ ủy Nam Kỳ tham dự. Sau đó, Lung Lá Nhà Thể trở thành cơ quan thường trực của Tỉnh ủy Bạc Liêu. Tháng 10-1938 Hội nghị đại biểu thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Bạc Liêu cũng được nhóm họp tại đây. Đặc biệt, sự kiện có tính bước ngoặt của lịch sử địa phương mà nơi này chứng kiến là cuộc họp Ban Chấp hành Tỉnh ủy Bạc Liêu mở rộng, diễn ra ngày 26-11-1940, để triển khai quyết định của Xứ ủy về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Hòn Khoai. Hội nghị thống nhất phân khu vực khởi nghĩa tại Cà Mau - Bạc Liêu thành 3 khu vực và chọn Hòn Khoai là điểm khởi phát. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đã nổ ra đúng nửa đêm ngày 13-12-1940 và nhanh chóng giành thắng lợi. Thực dân pháp hoang mang cực độ. Mặc dù sau đó chúng tàn sát dã man những chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa, (trong đó có Phan Ngọc Hiển) nhưng tinh thần cuộc khởi nghĩa đã trở nên bất diệt với thời gian. Sự nghiệp cách mạng tại địa phương thành công không thể không nhắc đến công lao của các chiến sĩ cách mạng thời tiền khởi nghĩa. Để ghi công của những chiến sĩ cách mạng trung kiên này, tên các anh Trần Văn Thời, Phan Ngọc Hiển trở thành tên gọi của hai huyện trong tỉnh Cà Mau hiện nay.

Một tiết học sử địa phương của thầy và trò Cà Mau tại Khu Di tích Lung Lá Nhà Thể. Ảnh: TẤN ĐIỆP

Ảnh: TẤN ĐIỆP 
    Nằm sâu trong lòng dân, Lung Lá Nhà Thể là cái nôi cách mạng của Đảng bộ Cà Mau. Trong hoàn cảnh lịch sử khó khăn, vùng đất và con người nơi đây đã kiên cường, sáng tạo che chở cho lực lượng cách mạng địa phương, góp phần hoàn thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách thực dân. Thăm di tích Lung Lá Nhà Thể, du khách sẽ được hiểu nhiều hơn về lịch sử hào hùng của thời kỳ tiền khởi nghĩa.
    Với những du khách yêu thích nhân vật lịch sử, thì các hiện vật lưu giữ tại Khu Di tích Lung Lá Nhà Thể là vô giá. Nó giúp người xem cảm nhận rõ nét chân dung người nông dân hiền lành, trung trực, người chiến sĩ cách mạng trung kiên Trần Văn Thời. Vượt qua thời gian và bom đạn chiến tranh, những cây dừa, cây me (hiện còn nhiều vết đạn pháo để lại trên thân cây thành những vết lỏm sâu hoắm) do chính tay người thanh niên Trần Văn Thời trồng, không chỉ tỏa bóng mát xuống khu vườn, mà còn đều đặn ra hoa, kết trái làm sinh động thêm khu di tích.
    Thời gian trôi qua, nhưng những sự kiện diễn ra tại nhà đồng chí Trần Văn Thời, (nay là Khu Di tích Lung Lá Nhà Thể) vẫn hiển hiện đậm nét trong lịch sử Đảng bộ cũng như trong lòng người dân Cà Mau. Tri ân lịch sử để thấu rõ hiện tại và định hướng tốt cho tương lai là những giá trị lớn lao mà nhiều du khách tìm thấy tại đây - một trong những cái nôi của lịch sử cách mạng địa phương.
DK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét