Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Khai thác du lịch ở huyện Trần Văn Thời – Thời cơ và thách thức

Tiềm năng du lịch ở huyện Trần Văn Thời khá đa dạng,  phong phú. Việc khai thác nguồn lợi này đã được thực hiện từ lâu, tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Điều này đang là nỗi trăn trở của ngành chức năng ở địa phương.
    Hưởng ứng năm du lịch quốc gia Mêkong - Cần Thơ 2008 - “Miệt vườn sông nước Cửu Long”, Cà Mau chọn lễ hội Nghinh Ông ở thị trấn Sông Đốc làm sự kiện tham gia. Đây là cơ hội cho hoạt động du lịch ở huyện Trần Văn Thời tiếp tục hoàn thiện. Hình ảnh của vùng đất và con người nơi đây sẽ được nhiều người biết đến, nhờ được quảng bá nhiều hơn. Lễ hội Nghinh Ông là sự kiện văn hóa, tín ngưỡng có trên 80 năm. Theo thời gian, quy mô của lễ hội ngày càng mở rộng và các nghi thức cũng được chuẩn hóa hơn trước. Mỗi năm, lễ hội này thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Dự kiến, số lượng khách  đến Sông Đốc trong rằm tháng hai tới sẽ còn tăng nhiều hơn. Doanh thu du lịch tại thị trấn miền biển chắc chắn tăng cao, nếu có sự chuẩn bị và quản lý tốt của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân.

Thắng cảnh Hòn Đá Bạc – huyện Trần Văn Thời

Nghi lễ Nghinh Ông Sông Đốc

Nhà Bác Ba Phi 
    Hiện tại, Lễ hội Nghinh ông Sông Đốc chỉ là một trong nhiều tiềm năng du lịch của huyện Trần Văn Thời. Ông Đỗ Quốc Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho biết: “Theo khảo sát của chúng tôi, tiềm năng du lịch ở huyệnTrần Văn Thời rất đa dạng. Tuyến du lịch Tắc Thủ - Vồ Dơi - Hòn Đá Bạc có thể phát triển du lịch sinh thái, vườn, rừng, biển. Cụm du lịch có khu nhà nghệ nhân Ba Phi ở Khánh Hải, Đầm Thị Tường ở xã Phong Điền thích hợp cho du lịch sinh thái, điền dã...”.
    Nhận thức du lịch là ngành kinh tế quan trọng, vừa đáp ứng đời sống tinh thần cho nhân dân, vừa tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho những người kinh doanh. Hòn Đá Đạc, với vị trí thuận lợi, phong cảnh thiên nhiên hữu tình đã sớm được khai thác. Ngoài ra, một số nông dân trong huyện cũng tự phát lập vườn du lịch. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chưa thể đáp ứng nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí ngày càng cao của người dân. Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch ở đây còn nặng tính nghiệp dư, các sản phẩm du lịch đơn điệu, chủ yếu là tham quan. Khách du lịch tìm đến nhiều trong dịp lễ tết. Thời gian còn lại mọi người ít lui tới, vì không có trò chơi giải trí mới mẻ, hấp dẫn. Các địa điểm khác có khả năng khai thác như: nhà nghệ nhân Ba Phi, Đầm Thị Tường... vẫn chưa xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, rất khó kết nối. Hệ quả là tiềm năng du lịch bị lãng phí đáng kể. “Cái khó của chúng tôi là chưa được tỉnh cho chủ trương quy hoạch chi tiết, khiến dự định đầu tư khai thác phải dừng lại ở ý tưởng. Nguồn nhân lực du lịch thì vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn. Các doanh nghiệp và người dân lần đầu làm quen ở lĩnh vực này nên còn lúng túng trong xây dựng và khai thác”, ông Đỗ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Trần Văn Thời cho biết.

Cuộc sống người dân vùng quê huyện Trần Văn Thời

Làng nghề truyền thống xã Trần Hợi – huyện Trần Văn Thời – Ảnh: Đặng Quang Minh 
    Hiện tại, ngoài điểm du lịch đặc trưng Hòn Đá Bạc, Lễ hội Nghinh ông, các địa chỉ văn hóa, tín ngưỡng, huyện Trần Văn Thời còn giữ được nhiều làng nghề. Đây cũng là những “kho vàng” du lịch. Tuy không sôi động như trước, nhưng nếu có biện pháp khôi phục thì khả năng khai thác và phát triển là rất lớn. Điển hình là nghề làm bún, ép chuối khô, trồng rau màu, nuôi cá đồng, làm khô... tập trung nhiều ở xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây; nghề làm mắm ruốc ở Đá Bạc; nghề đánh bắt thủy sản, làm khô biển ở thị trấn Sông Đốc. Thời gian qua, ngành chức năng cũng đã tiến hành khảo sát, điều tra nhằm phục hồi, nhưng vẫn chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân. Nguyên nhân là do bà con chưa từ bỏ thói quen sản xuất cũ, ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, làm ăn nhỏ lẻ... nên ngại tiếp xúc. Khắc phục vấn đề này, huyện tổ chức cho người dân tham quan các mô hình làng nghề kết hợp du lịch ở các tỉnh để về áp dụng. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tranh thủ để tỉnh sớm có chủ trương cho huyện lập quy hoạch chi tiết. Sau đó, tiến hành xây dựng khu du lịch nghệ nhân Ba Phi thành nơi tham quan, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí mang phong cách điền dã như câu cá, chài lưới, thả diều, ẩm thực đồng quê... Các tuyến, cụm, khu, điểm du lịch hiện có và sắp xây dựng, sẽ định hướng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ gắn chặt với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái...”, ông Đỗ Quốc Tuấn khẳng định.
    Năm 2008, Cà Mau chọn Lễ hội Nghinh Ông làm sự kiện Năm du lịch quốc gia. Kết hợp với lễ hội này là Hội chợ Thương mại Du lịch; triển lãm hình ảnh giới thiệu đất và người Cà Mau; Liên hoan văn nghệ, thể dục - thể thao; Hội thi ẩm thực và vui chơi giải trí khác... trong những ngày diễn ra lễ hội, Cà Mau còn tổ chức những chuyến du lịch khám phá vùng biển, đưa khách đi du lịch các tuyến Sông Đốc – Hòn Đá Bạc, Cà Mau – Sông Đốc, Sông Đốc – nhà bác Ba Phi...
    Ông Phạm Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ - Du lịch tỉnh Cà Mau: Năm 2008, Ngành du lịch Cà Mau tổ chức thực hiện những công việc cụ thể: 
    Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch khu du lịch Vuờn Quốc gia Mũi Cà Mau; khu du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Khu du lịch cụm đảo Hòn Khoai. Trước mắt tập trung xây dựng điểm Đất Mũi, Khai Long; Bến trung chuyển khách du lịch Năm Căn để tạo thành tuyến du lịch Cà Mau – Năm Căn - Đất Mũi – Khai Long. Điểm du lịch Công viên văn hóa Cà Mau; Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Đá Bạc; Sông Đốc thành tuyến du lịch. Năm 2008 ngành du lịch Cà Mau liên kết với các hãng lữ hành lớn ngoài tỉnh xây dựng được ít nhất từ 3-4 tours; củng cố các điểm hiện có, đồng thời xây dựng thêm điểm tập trung tại thành phố Cà Mau, Khai Long, Đá Bạc, chủ yếu chế biến món ăn từ nguyên liệu đặc sản của Cà Mau. Tổ chức các sự kiện, hoạt động giải trí đặc sắc, thu hút khách như: Lễ hội Nghinh Ông, thi Hoa hậu Đất Mũi, thi Tiếng hát về biển...
    Với nhiều loại hình du lịch, sản phẩm dịch vụ đưa vào khai thác thu hút khách, ngành du lịch quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 16% năm 2008, trong đó khách quốc tế tăng trên 20%; doanh thu đạt 160 tỷ đồng. Tạo thế cạnh tranh lành mạnh, phát triển ổn định, bền vững trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.


DƯ KHANH - ANH DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét