Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Về phía Tây Cà Mau

Gần đây, khi đi du lịch về Cà Mau - mảnh đất ở cuối trời của Tổ quốc, người ta hay đến tham quan các huyện phía tây Cà Mau, là U Minh và Trần Văn Thời. Huyện U Minh có tiềm năng du lịch phong phú, chưa khai thác hết. Còn huyện Trần Văn Thời nổi bật với cảnh đẹp Hòn Đá Bạc.
Một góc vườn quốc gia U Minh Hạ

Đục hào ở Hòn Đá Bạc

    Huyện U Minh có bờ biển dài 31km với 2 cửa biển lớn là Khánh Hội và Hương Mai. Cách chợ Khánh Hội chừng vài trăm thước là Kênh Hội. Nơi đây, ngày 2.11.1997, cơn bão lịch sử Linđa hoành hành khiến làng chài bên cửa sông tiêu điều và trở thành “làng góa phụ”! Ngày nay, bên cửa sông có bia tưởng niệm đồng bào tử nạn...
    Sông Cái Tàu ở U Minh dài 43km, tiếp giáp sông Trẹm. Sông Cái Tàu xưa nổi tiếng với những trận đánh tàu địch của quân và dân ta trong hai thời kỳ kháng chiến và còn nổi tiếng với vườn dâu, cùng nghề đan đát, dệt chiếu...
    Vườn Quốc gia U Minh Hạ, nơi chuyển tiếp hai hệ sinh thái ngập nước thường xuyên kiểu rừng khô ẩm, có tính sinh học rất cao, chiếm khoảng 45% diện tích tự nhiên của huyện U Minh. Năm 2006, rừng đặc dụng Vồ Dơi chính thức được chuyển thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Vườn có diện tích tự nhiên 8.286ha, gồm 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo tồn hệ sinh thái rừng trên đất than bùn, rộng 2.531ha; phân khu phục hồi sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập nước, rộng 5.195,8ha và phân khu dịch vụ hành chánh, rộng 801ha. Ngoài ra, vườn còn có vùng đệm rộng tới 25.013ha. Vườn có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều động thực vật quý hiếm. Về thực vật, vườn có 78 loài; về động vật, có 23 loài thú, 91 loài chim, 36 loài bò sát, 11 loài lưỡng thể. Riêng rái cá lông mũi và tê tê là hai loài động vật nằm trong Sách Đỏ thế giới. Đặc biệt, cá đồng ở đây “không có khái niệm nuôi” mà được khai thác từ thiên nhiên.
Hòn Trui - Hòn Đá Bạc
Dòng sông Cái Tàu
    Hiện nay, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang từng bước khai thác du lịch sinh thái, bình quân đón vài trăm lượt khách/tháng. Số lượng khách khiêm tốn như vậy là vì vườn chỉ đón khách vào mùa mưa, mùa nắng (những tháng cao điểm) vườn “đóng cửa”, để phòng chống cháy rừng. Vào sâu khoảng 2,5km theo đường nhựa, khách sẽ tới đài vọng cảnh, cao 25m. Lên đài, bạn sẽ nhìn rừng tràm bạt ngàn nối tiếp nhau chạy dài với những con kênh ngang dọc đan xen như bàn cờ. Theo tua câu cá, với chiếc vỏ lãi 7 người (100.000 đồng), chạy vào 3km (từ 7h00 đến 16h00) bạn sẽ thỏa thích câu cá. Số cá câu được (không tính tiền) nhà bếp sẽ chế biến món ăn giúp bạn (nếu có yêu cầu). Sắp tới, vườn sẽ lót đan để du khách tiện vào rừng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia U Minh Hạ còn bổ sung các loài thú để tăng thêm số lượng động vật hoang dã. 
    Cùng thuộc huyện Trần Văn Thời còn có Hòn Đá Bạc. Là địa phận rừng U Minh Hạ nhưng hai bên đường tới đây không thấy rừng tràm, chỉ thấy những bông sậy nở trắng trời, cùng những con kênh nước đỏ đặc trưng U Minh. Muốn tới Hòn Đá Bạc, nếu đi xe trên 25 chỗ, bạn phải xuống xe qua 5 chiếc cầu tải trọng 2,5T/chiếc, khá bất tiện.
    Dù cách cửa sông Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây) chỉ khoảng 700m nhưng nước biển quanh Hòn Đá Bạc không đục mà có màu xanh “ưa nhìn”. Trước đây, từ đất liền ra hòn bạn phải đi vỏ lãi với giá 10.000 đồng/người (vé khứ hồi), khi muốn về, chỉ cần “alô”, vỏ lãi sẽ ra đón. Khoảng 4 năm nay, khi Cty TNHH Minh Nhựt đầu tư xây dựng ở Hòn Đá Bạc một khách sạn và khu du lịch sinh thái, vé vào cửa là 25.000 đồng và đã làm chiếc cầu xi-măng 2 chiều, mỗi chiều rộng khoảng 2m, dài khoảng 400m, giúp du khách đi bộ tới khách sạn Hòn Đá Bạc. Nếu lười đi bộ, bạn có thể thuê xe ôm, với giá 10.000 đồng/người. Khách sạn Hòn Đá Bạc có 24 phòng, giá 150.000 đồng/phòng quạt/3 người, 200.000 đồng/phòng máy lạnh/3 người. 
    Hòn Đá Bạc gồm: Hòn Ông Ngộ, Hòn Trọi và Hòn Đá Bạc. Ngoại trừ Hòn Trọi nằm giữa hai Hòn Ông Ngộ và Hòn Đá Bạc, chỉ toàn đá là đá, hai hòn còn lại đều phủ rợp bóng cây rừng xanh mướt, nhiều nhất là tra bồ đề. Đá tạo thành hòn toàn granite, được hình thành cách nay khoảng 180 triệu năm, thuộc kỷ Jura giữa - Trung sinh. Một số tảng đá có hình thù kỳ lạ mà người ta gọi là Sân tiên, Giếng tiên, Bàn chân tiên, Bàn tay đá... Hòn Đá Bạc (hòn chính) có 2 hòn, đỉnh cao nhất 50m. Xuyên qua tán cây rừng rậm một triền hòn, theo các bậc tam cấp nhân tạo, bạn sẽ đến Sân tiên, Bàn chân tiên. Theo con đường lên đỉnh đối diện, cũng được lót bậc bằng đá hoặc xi-măng, bạn sẽ tới đền thờ Cá Ông, nơi này thờ bộ xương cá Ông dài 13m. Cá Ông này dạt vào Kinh Chùa (Sông Đốc) ngày 20.5.1995. Đến ngày 23, Ông lụy, chôn tại đây. Năm 1996, Ông được đưa về Hòn Đá Bạc thờ. Theo triền dốc xuống bờ biển không xa, bạn sẽ ngạc nhiên nhìn hình bàn tay phải đủ 5 ngón bằng đá khổng lồ xòe ra. Bàn tay đá quả là một tuyệt tác thiên nhiên! 
    Lang thang Hòn Đá Bạc, sáng hoặc chiều tối, bạn sẽ tiếp cận được cảnh ngư dân cạy hàu, câu cá nâu - một đặc sản hấp dẫn của Cà Mau, hoặc dùng ghe câu cá ngát, bắt tôm tích... Bạn sẽ chứng kiến cảnh mặt trời lặn trên biển Tây, đẹp khôn tả...

CÚC TẦN - ANH DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét