Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

CHIM MUÔNG RỪNG U MINH HẠ

Nhiều loài chim to như con ngỗng, đậu quằn nhánh cây lớn. Những con giang sen cẳng cao lêu nghêu, nặng đến năm bảy kí lô gam thịt. Chàng bè đồ sộ, mỏ to bằng cổ tay, sếu đen, sếu xám, rất nhiều loài chim trích, nhiều loại cò: cò ngà, còn trắng, cò xanh, cò bông, cò hương, cò bợ, cò ốc, cò tôm, cò ma, cò lửa, cò lửa lùn, điên điển, còng cọc, ó biển, le le, cúm núm, dơi quạ… Chim bầy, chim đàn quy tụ về đây đẻ trứng, sinh con, sinh cháu, làm cho họ nhà chim đông vui ít nơi nào có như ở U Minh”.

Chim non
Trứng chim
Chim điên điển 
    Đó là một đoạn mô tả về các loài chim ở U Minh Hạ trong tài liệu xưa. Ngày nay, những hình ảnh như thế chỉ còn lại trong kí ức của những người cao tuổi và đã trở thành huyền thoại của thế hệ ngày nay. 
    Đọc nhiều tài liệu, ta thấy rừng U Minh Hạ ngày xưa đúng là quê hương, xứ sở của các loài chim muông. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn Tìm hiểu đất Hậu Giang, Sài Gòn đã liệt kê một vài số liệu như sau: “Tại sân chim Chắc Băng vào khoảng năm 1873, ba lần giết chim, tổng cộng chừng 16 ngàn con. Chủ sân chim nọ có hai sân chim, mỗi mùa giết ba lần, phỏng định 30 ngàn con, thu hoạch chừng 9 tạ lông. Quan chủ tỉnh thử làm một bài toán về huê lợi trong hai sân nọ: 30 ngàn con bồ nông, 6 ngàn chàng bè, 6 ngàn lồng ô, trị giá 56.700 quan tiền. Trừ chi phí, còn một số lời khá to: 26.610 quan tiền.
    …Đến năm 1945, nhiều người ở U Minh mạo hiểm vào giữa rừng để tìm sân chim. Họ khởi hành từ xóm Tân Bằng, đi thẳng về phía đông chừng mười cây số… từng đoàn người mang gùi, búa, rủ nhau vạch một con đường giữa các bụi tràm trầm thủy, dày bịt… Phải đi gần hai ngày mới tới sân chim. Đêm đến, họ ra tay giết chim, nhổ lông rồi kéo xác chim ra xa.
    Mỗi năm họ vào lấy lông chừng đôi ba lần, vào khoảng từ tháng giêng, tháng hai, tháng ba. Huê lợi tuy to tát, nhưng phí nhiều sức khỏe, nên ít ai muốn mạo hiểm.
Còng cọc
Mùa làm tổ
Chim nước 
    Từ trước ngày Pháp xâm lược nước ta, các tay “anh chị” của chốn “ tràm xanh củi lục” đã giành nhau việc khai thác sân chim. Kẻ nào có sức mạnh, bè đảng đông và khéo sử dụng dao búa thì làm chủ sân chim. Biết rõ nguồn lợi của sân chim, thực dân Pháp đã nhảy vào để khai thác.
    Ngày nay, theo ghi nhận thì rừng U Minh Hạ còn lại 96 loài chim, nhưng số lượng của mỗi loài còn rất ít. Các loại chim lớn như chàng bè, giang sen gần như không còn, chỉ các loài chim nhỏ như cò, còng cọc, trích… là phổ biến. Và đặc biệt là cả rừng U Minh Hạ với diện tích khoảng 30 ngàn ha hiện nay gần như không còn một sân chim nào đáng kể - đó là một tín hiệu rất đáng buồn.
    Làm gì để phục hồi các vườn chim ở rừng U Minh Hạ như vốn có xưa kia? Có thể là điều không tưởng, nhưng đây là niềm tin và hy vọng của tất cả chúng ta !
NGUYỄN THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét