Trong Cung cấm (Tử cấm thành) triều Nguyễn xưa, chỉ có một người đàn ông là đương kim hoàng đế, còn toàn là các bà phi, tần, nữ quan, thị nữ. Từ việc sai vặt, hầu hạ vua và các bà Hoàng thái hậu, các bà phi cho đến việc nặng nhọc khác của đời sống trong Cung đều giao cho thái giám.
Tại các vùng nông thôn Thừa Thiên Huế ngày nay người ta vẫn còn nhớ câu tục ngữ: "Vui như làng đẻ được ông Bộ". Ông Bộ tức là người con trai có bộ phận sinh dục khiếm khuyết, bán nam bán nữ, lớn lên không có khả năng quan hệ với phụ nữ.
Gia đình nào may mắn “đẻ được ông Bộ” thì phải khai báo ngay với làng để các cơ quan hữu trách cấp trên sẽ bẩm báo với bộ Lễ, bộ sẽ cho nuôi nấng đứa trẻ theo nghi lễ trong cung, khi khôn lớn bộ sẽ đưa đứa trẻ vào Nội làm Thái giám phục vụ công việc thường ngày trong cung cấm.
Làng nào đẻ “ông Bộ” sẽ được tha thuế trong ba năm. Vì thế mà dân làng vui mừng khi biết địa phương mình vừa có “ông Bộ”.
Những người mới sinh đã “bán nam bán nữ” gọi là “giám sanh” (mới sinh ra đã giám). Nhiều người đàn ông vì sinh kế tự nguyện cắt bỏ cái “của quí” của mình để được tiến vào Cung làm Thái giám, thì gọi là “Giám lặt”. Người làm Thái giám trong Cung gọi là hoạn quan. Hoạn có nghĩa là làm tôi tớ. Nhưng do cái tên hoạn quan làm cho người ta hiểu từ hoạn là thiến. Ví dụ như hoạn heo có nghĩa là cắt bỏ cái tinh hoàn của heo.
Các thái giám trong tem. Ảnh: art2all.net |
Công việc đặc biệt nhất và nặng nề nhất của các Thái giám là việc sắp đặt cho việc ân ái của nhà vua. Ban đêm, sau giờ vua làm việc, đọc sách, làm thơ, hoặc xem Hát bội, Thái giám đệ lên vua một cái khay đựng các phiến thạch ghi tên các bà phi tần của vua. Vua đọc và chọn những phiến thạch ghi tên người vua muốn gặp.
Thái giám có bổn phận đem miếng phiến thạch được chọn treo trước cửa phòng của người được chọn. Người được chọn mừng rỡ “đội ơn mưa móc” liền đi tắm rửa sạch sẽ và xức một loại nước hoa đặc biệt do các bà tự tạo. Tắm rửa trang điểm xong bà choàng lên mình một tấm vải lớn và ngồi chờ Thái giám đến vác bà lên điện Càn Thành để được vua dùng. Trong lúc vua “ngự dâm”, Thái giám phải ghi chép tên tuổi người đươc vua ân ái, ngày giờ ngự dâm để báo cho Quốc sử quán ghi vào sổ để theo dõi những chuyện về sau.
Việc chọn lựa người để ân ái là do vua quyết định. Nhưng các Thái giám cũng có nhiều “mánh khóe” để có thể “tiếp thị” với nhà vua nên chọn bà nào. Do đó nhiều Thái giám rất được các bà đút lót quà bánh để được vua “sủng ái” nhiều lần. Có nhiều bà khinh thường Thái giám nên suốt đời chưa bao giờ được nhìn thấy mặt vua.
Tuy tất cả đều là tôi tớ nhưng đội ngũ Thái giám cũng được phân chia (kể từ thời Minh Mạng) làm 5 bậc (ngũ đẳng). Mỗi bậc đều được lãnh tiền và gạo khác nhau. Ví dụ thời Duy Tân (1912), lương đồng niên của Thủ đẳng: Quảng vụ 540 đồng, Điền sự 384 đồng; Thứ đẳng: Kiếm sự và Phụng nghi 324 đồng; Trung đẳng: Thừa vụ 376 đồng, Điền thắng 264 đồng; Á đẳng: Cung vụ và Hộ Thắng 204 đồng; Hạ đẳng: Cung phụng và Thừa tá 180 đồng. (Theo BAVH, 1918)
Về trang phục của Thái giám cũng giống như các quan khác đều có lễ phục và thường phục. Lễ phục của Thái giám bằng lụa màu lục (verte) dành cho những vị có đẳng cấp cao, và màu xanh da trời (bleu) dành cho những người đẳng cấp thấp. Trước ngực áo Thái giám có thêu một cái hoa màu lục trên nền đỏ để phân biệt với các quan văn thêu chim muông và quan võ thêu con thú bốn chân (quadrupède). Mũ quan Thái giám không có cánh chuồn. Thường phục của Thái giám là áo dài đen, quần trắng, đầu bịt khăn đóng màu đen.
Thái giám là những người thân cận nhất của vua và biết rõ đời tư của vua. Để tránh sự lộng quyền của các Thái giám, nhà Nguyễn dùng Thái giám để sai vặt chứ không cho dự vào chính sự. Nhà Nguyễn đã có một bài học rút ra từ cận thần Thái giám Lê Văn Duyệt thời Nguyễn sơ.
Lê Văn Duyệt là một thái giám được ở chỗ màn trướng của Nguyễn Vương (sau này là vua Gia Long), có công lớn trong việc khôi phục lại sơn hà của nhà Nguyễn. Về sau Lê Văn Duyệt với chức vụ Tổng trấn đã quyết định nhiều việc quan trọng ở Gia Định Đồng Nai ngoài ý muốn của vua. Điều đó làm cho các vua đầu triều Nguyễn, đặc biệt là vua Minh Mạng hết sức bất bình.
Để tránh sự lộng quyền của Thái giám cho muôn đời sau, vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua Minh Mạng cho dựng tại Văn thánh Huế một tấm bia khắc rõ chủ trương chỉ dùng Thái giám để “sai khiến truyền lệnh trong chốn nội đình mà thôi, không được dự một chút nào mọi việc triều chính bên ngoài. Ai phạm phải điều này đều bị trừng trị nặng không chút khoan tha”. Vua cho dựng bia tại Văn Thánh để truyền dạy sĩ tử - những người sẽ ra làm quan trong tương lai.
Thái giám là người được cấu tạo không bình thường về mặt tâm sinh lý nên nét mặt nhợt nhạt, vóc dáng mảnh mai, giọng nói khao khao, bộ điệu rụt rè, tính tình nhút nhát khác với người bình thường. Trong thời gian tại chức, các Thái giám phải ngày đêm sống trong Cung để phục vụ vua và các bà vợ vua, hoặc sống ở các lăng để phục vụ cho các bà vợ góa của vua quá cố.
Những khi đau ốm hoặc về già các Thái giám phải ra nằm chữa bệnh hoặc sống tiếp quãng đời còn lại của mình tại viện Cung Giám ngay phía Đông bắc bên ngoài Hoàng Thành. Các Thái giám không được chết trong Nội hoặc các lăng - những nơi thiêng liêng chỉ dành cho vua và những người đàn bà thân cận nhất của vua.
Vì không thể lập gia đình để có con nối dõi, nhiều Thái giám kết với nhau làm bạn trăm năm để tâm sự, chuyện trò an ủi nhau hầu làm nguôi ngoai nỗi cô quạnh của đời mình. Cũng có người nuôi con nuôi (ví dụ như trường hợp Lê Văn Duyệt) để thờ phụng họ sau này.
Đầu thế kỷ 19, tại vùng núi xã Dương Xuân có một thảo am mang tên An Dưỡng Am phong cảnh hết sức nên thơ do Hoà thượng Nhất Định lập. Đến thời vua Thiệu Trị (1843), Thái giám Châu Phước Năng đứng ra vận động các Thái giám triều Gia Long, Minh Mạng và dân chúng đóng góp xây dựng thảo am An Dưỡng thành một ngôi chùa khang trang. Về sau được vua Tự Đức sắc phong với biển ngạch “Sắc tứ Từ Hiếu tự”.
Đến triều Thành Thái nhiều Thái giám khác lại quyên góp tiền bạc tu sửa thêm một lần nữa. Họ hiến hết cho chùa Từ Hiếu số ruộng Giám Điền mà trước đây nhà vua đã cấp cho họ ở gần quán Linh Hựu thuộc phường Tây Linh. Từ đó ruộng Giám Điền trở thành ruộng Hiếu Điền. Do các Thái giám trùng tu và hiến ruộng đất để canh tác, chùa Từ Hiếu được xem như chùa của Thái Giám.
Người Thái giám được thờ trân trọng nhất tại chùa Từ Hiếu là tả quân Lê Văn Duyệt. Trong khuôn viên chùa hiện nay còn thấy được 20 ngôi mộ của các Thái giám có công với chùa. Ngôi mộ nào cũng được dựng bia ghi rõ tên họ và chức tước của người quá cố. Vì thế trước đây các nhà nghiên cứu Pháp gọi chùa Từ Hiếu là Pagode des Eunuques (chùa của các Thái giám hay chùa của các Hoạn quan).
Ngày nay, cái tên Thái giám hoạn quan chỉ còn trong sách vở cũ, lớp trẻ lớn lên không biết Thái giám - Hoạn quan là loại người gì. Nhưng không một ai ở Huế hay đã đến Huế một vài lần mà không biết đến chùa Từ Hiếu - một danh lam nổi tiếng không thua gì chùa Thiên Mụ ở Cố đô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét