Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Nhờ ấn cổ tìm ra mộ một hầu gia Tây Sơn

Chiếc ấn cổ cổ thời Tây Sơn (1789-1802) mới được phát hiện tại Hà Tĩnh đã góp phần xác định chính xác phần mộ của một vị quan được phong tước hầu Đậu Khắc Tuấn.


Ấn cổ được cất giữ tại nhà thờ dòng họ Đậu ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ấn được đúc bằng chất liệu đồng, theo khuôn hình chữ nhật, trọng lượng 600 gram, bề mặt ấn dài 10 cm x 7 cm, bề dày 1,3 cm, chiều cao của núm ấn cao 5 cm, ở đỉnh núm có khắc rõ chữ Thượng, phía sau lưng ấn có hai dòng chữ Hán được chạm khắc theo hướng nằm đối xứng với nhau, gồm: Tiền khuông đạo Đô Ty Tuấn Nghĩa Hầu và Tân Hợi niên đông tạo (nghĩa là: Quan Đô Ty, tước Tuấn Nghĩa Hầu, đúc mùa đông năm Tân Hợi- tức niên hiệu Quang Trung năm thứ 4-1799), xung quanh bề mặt của ấn có khung viền gờ nổi 1 cm, trên đó có chạm khắc nổi 9 chữ chia đều thành ba dòng chữ, mỗi dòng có ba chữ theo thế chữ Triện.
Chiếc ẩn cổ được đựng trong một chiếc hộp sơn bóng. 
Theo các bậc cao niên của dòng họ Đậu, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên vốn có tên cũ là làng Khả Luật, tổng Thổ Ngọa. Cuối năm 2003, tại khu vực cồn Hoang Hầu, xứ Đồng Bắt, người dân nơi đây đã bất ngờ đào được một ngôi mộ đất cổ nằm sâu dưới lòng ruộng. Bên trong ngôi mộ còn có nhiều hiện vật như vật dụng bằng gỗ, sơn son thếp vàng, vải vụn… và đặc biệt hơn là trong đó có chiếc ấn đồng trên. Sau đó, người dân đã trình báo và bàn giao chiếc ấn lại cho chính quyền địa phương để quản lý và xác minh niên đại, người dân đã làm thủ tục cát táng ngôi mộ tại khu vực cồn Hoang Hầu của xã.


Một thời gian ngắn sau, một số bậc bô lão trong xã biết chữ Hán đã trực tiếp ngồi lại nghiên cứu đi đến kết luận chiếc ấn đồng trên có liên quan đến dòng họ Đậu của xã vì thế chính quyền nơi đây đã cho làm thủ tục bàn giao chiếc ấn lại cho dòng tộc này trực tiếp lưu giữ và bảo quản. Hiện chiếc ấn đồng trên được ông Đậu Đình Văn, tộc trưởng dòng họ Đậu, lưu giữ tại nhà thờ họ.
Dòng họ Đậu gìn giữ chiếc ấn như một báu vật.

Dòng họ này có nguồn gốc từ tỉnh Bắc Ninh chuyển vào định cư tại làng Khả Luật, từ vị khởi tổ đầu tiên của dòng họ này cho đến nay có 12 đời, đời thứ 4 có ông Đậu Khắc Tuấn, làm đến chức quan Đô Ty dưới thời vua Quang Trung, ông đã tham gia chiến dịch Kỷ Dậu (1789) đánh bại Nhà Thanh. Sau đó, ông được vua Quang Trung phong tước Hầu. Đến năm 1802, khi Gia Long lên ngôi vua thì những người tham gia phong trào Tây Sơn phần lớn đều bị sát hại, một số lui về sống ẩn dật và ông Đậu Khắc Tuấn bị bắt, xử chém bêu đầu tại vùng Bãi Vọt (nay là Thị xã Hồng Lĩnh). Sau đó, các con cháu của dòng họ này đã bí mật tìm cách chuyển thi hài ông về mai táng tại làng Khả Luật.
Phó phòng Quản lý Di sản Hồ Bách Khoa cho biết, chiếc ấn đồng cổ có ý nghĩa lịch sử gắn liền với triều Tây Sơn. Vì vậy, rất cần được các nhà nghiên cứu địa phương và trung ương vào cuộc quan tâm, nghiên cứu một cách khoa học…  

Hải Triều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét