Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

RỪNG NGẬP NƯỚC TỈNH CÀ MAU - DÂY LEO

Khác với rừng ngập mặn, các loại cây phân chia khu vực để sinh sống, không loại nào lẫn với loại nào, còn rừng U Minh Hạ thì các loại cây, dây leo khác mọc đan xen với cây tràm và nương tựa vào cây tràm để sống, điển hình nhất là dây choại - một loài dây leo phổ biến và có nhiều công dụng trong cuộc sống.


Đọt choại non  
    Có thể nói U Minh là một loại rừng hỗn giao với rất nhiều loài thực vật. Khoảng trống giữa các gốc tràm chen lên nhiều loài cây, dây leo khác um tùm như sậy, ráng, mốp, bòng bong, mỏ quạ mà nhiều nhất là dây choại. Trong các loài thực vật này, có loại thân gỗ, có loại thân leo, nhưng nói chung loại nào cũng có công dụng riêng, có cây dùng trong tiểu thủ công nghiệp và có cả trong y dược như cây sậy dùng để chế biến giấy hoặc bện đăng bắt tôm cá. Cây mốp rất nhẹ và xốp, dùng để làm nón, làm phao, làm nút chai, dùng để cách âm. Trái mỏ quạ, củ ráng là vị thuốc nam chữa bệnh và đặc biệt là dây choại có rất nhiều công dụng trong cuộc sống.
    Ngày xưa, trong chiến tranh, khi nền kinh tế còn tự cung tự cấp thì dây choại phát huy rất nhiều tác dụng trong cuộc sống. Choại là dây leo - phổ biến là dây leo thân tràm, cọng lớn cỡ ngón tay, dài chừng vài chục mét. Sợi choại mềm và chịu được nước nên người ta dùng dây choại để bện đăng, nò bắt cá rất lý tưởng. Ngoài ra, còn dùng dây choại để cột đòn tay, kèo nhà và làm lạt để buột các vật dụng khác hàng chục năm vẫn còn chắc. Một số nơi còn dùng dây choại làm nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu…
Trái mỏ quạ
Dây choại phủ kín thân tràm
    Ngày nay, khi nền kinh tế thị trường phát triển, các loại dây công nghiệp được làm từ nhựa, thép… đa dụng, bền, rẻ thì dây choại đã lùi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, dây choại vẫn còn giá trị của nó - đó là làm món rau ăn rất hấp dẫn và khoái khẩu. Hằng năm, khi mùa sa mưa đến (khoảng tháng 4, 5) thì đọt choại non phủ kín rừng và nó tồn tại cho đến hết mùa mưa. Cứ lớp này lớn lên, già đi thì lớp chồi non khác nhú lên, tươi mơn mởn, người ta chẳng những bẻ ăn mà còn bán ra thị trường như các loại rau rừng khác. Đọt choại non hơi nhớt nhưng giòn, ngọt, dễ ăn. Người ta có thể xào mỡ, nấu canh, xào tép hoặc xào vọp, xào với thịt heo hoặc nhúng lẩu mắm. Món nào cũng ngon và hấp dẫn.
    Ngoài ra, ở rừng U Minh còn có một loại dây leo rất có giá trị trong y học cổ truyền là dây mỏ quạ. Dây này cũng bò trên thân tràm nhưng cho trái. Trái mỏ quạ nhỏ hơn nắm đấm tay và dẹp, có màu xanh và mỗi trái như vậy có một cặp vợ chồng kiến sinh sống. Theo kinh nghiệm dân gian thì trái mỏ quạ có công dụng trị đau nhức và trị thận rất tốt. Người ta bẻ trái mỏ quạ về để nguyên không rửa và để nguyên cả vợ chồng nhà kiến sống bên trong, đem sắc uống hằng ngày hoặc đem ngâm rượu (có người trước khi ngâm rượu còn phơi vài nắng cho trái héo đi). Ngâm lâu ngày nước rượu có màu đỏ sẫm giống như rượu ngoại, khi uống vào có vị hơi chát nhưng rất thơm. Trái mỏ quạ ở rừng U Minh Hạ tương đối hiếm, nó chỉ có ở trong rừng sâu thuộc khu Vồ Dơi của Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
    Rừng U Minh đâu chỉ có cây tràm? Đáng tiếc rằng trong những năm chiến tranh, do chất độc hóa học của Mỹ và do nạn cháy rừng triền miên sau ngày giải phóng đến nay và một số nguyên nhân khác, nhiều loài thực vật còn rất hiếm hoặc đã biến mất như cây mật cật, cây mốp, cây bồn bồn… Do đó, bảo vệ rừng U Minh chính là bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ cái chất U Minh thực thụ chứ không phải chỉ là bảo vệ những khu rừng tràm nhân tạo, không còn nguyên vẹn như vốn có xưa kia.
NGUYỄN THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét