Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Rừng U Minh Hạ

Chia tay rừng ngập mặn, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình đi thăm rừng U Minh Hạ - một hệ sinh thái ngập ngọt với biết bao thú vị và bí ẩn đang chờ khám phá.
“...Nếu như một nửa phần trái đất
Được chở che bằng bóng mát của rừng
Thì lẽ đâu không có bóng cây tràm
Không có bóng một đời lam lũ
Của con người sống chết với U Minh...”
LÊ CHÍ
    U Minh ở về miền Tây Nam Bộ, sát ven vịnh Thái Lan, trải ra trên một vùng đất mênh mông từ sông Ông Đốc ở phía nam lên đến Rạch Giá ở phía Bắc. Phần phía bắc là U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, phần phía nam là U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau, giữa U Minh Thượng và U Minh Hạ là sông Trẹm và sông Cái Tàu hiền hòa, thơ mộng.

Một góc rừng U Minh Hạ
Người dân trồng cây ăn trái trên các bờ bao để cải thiện đời sống
    Rừng U Minh Hạ thuộc địa phận tỉnh Cà Mau, bao gồm 3 huyện là U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời với diện tích hơn 60.000ha trước năm 1975, nhưng hiện nay diện tích chỉ còn trên dưới 30.000ha và đã gom lại toàn bộ cho huyện U Minh quản lý theo quyết định của UBND tỉnh Cà Mau cuối năm 2007.
    Thiên nhiên ở rừng U Minh Hạ hùng vĩ và hoang sơ. Ngoài cây tràm, còn có khoảng 200 loài thực vật khác, ngoài việc cung cấp gỗ, còn cung cấp tinh dầu, dược liệu quý hiếm và làm cây kiểng… Với quần thể thực vật đa dạng và phong phú đó, nên U Minh Hạ là nơi lý tưởng cho các loài chim muông, thú rừng, thủy hải sản trú ngụ và sinh sôi nẩy nở.
    Các nhà khoa học đã từng thống kê được ở rừng U Minh Hạ có khoảng 158 loài động vật, gồm 21 loài thú, 96 loài chim, 30 loài bò sát và 11 loài lưỡng cư, trong đó có rất nhiều loài rất có giá trị về kinh tế và nghiên cứu khoa học như nai, heo rừng, khỉ, kỳ đà, trăn, rắn… đặc biệt có nhiều loài đã được ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới như: tê tê, rùa nắp, rùa răng, trăn mốc, rắn hổ mang, rắn hổ mang chúa, rắn mai gầm, giang sen, già đẫy, hạc cổ trắng, mèo ri, rái cá, mèo cá, tắc kè…
    Ngoài ra, rừng U Minh Hạ còn có một nguồn lợi khác rất lớn đó là cá đồng và mật ong. Cá đồng ở U Minh có rất nhiều chủng loại và có giá trị dinh dưỡng rất cao như cá lóc, cá rô, cá trê, cá bổi, lươn… có thể đánh bắt, thu hoạch cả bốn mùa, riêng mùa khô thu hoạch được nhiều hơn cả. Còn mật ong ở rừng U Minh thì tinh khiết và nổi tiếng cả nước. Vào mùa hoa tràm nở (tháng 4, tháng 5), hương tràm quyến rũ từng đàn ong bay đi hút mật làm tổ, dân địa phương len lỏi vào rừng gác kèo thu hoạch mật và hàng năm rừng U Minh không biết cung cấp bao nhiêu ngàn lít mật ong mà kể.
Đặt trúm bắt lươn
Rừng U Minh là nơi trú ngụ của nhiều loài thú rừng, chim muông  
    Ông Đặng Trung Tấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau, cho rằng: Rừng U Minh là nơi trưng bày tiêu bản sống cho các loài thực vật và động vật thuộc hệ sinh thái ngập úng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Á. Do đó, cùng với quá trình khai thác, Cà Mau luôn chủ trương khôi phục, bảo vệ và phát triển vốn rừng và các nguồn tài nguyên rừng. Đặc biệt là khu rừng Vồ Dơi hơn 3.000ha thuộc Vườn quốc gia U Minh Hạ là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở cả U Minh Thượng và U Minh Hạ sau chiến tranh và sau các thảm họa cháy rừng.
    Bảo vệ rừng U Minh không chỉ là bảo vệ môi trường sinh thái, tính đa danïg sinh học mà còn là bảo vệ di sản văn hóa cách mạng, truyền thống cách mạng bởi trong chiến tranh chống Pháp và đánh Mỹ, rừng U Minh chính là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng cả nước, ghi dấu chiến công oanh liệt của cách mạng miền Nam trong những năm dài xây dựng “Làng Rừng” làm điểm tựa để sống và chiến đấu với quân thù cho đến ngày thống nhất đất nước.
NGUYỄN THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét