Triều Nguyễn, Thới Bình được chia thành 4 thôn: Tân Thới, Kiến An, Cửu Vạn và Tân Bình. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Thới Bình, chúng sáp nhập 4 thôn nhỏ này thành một làng mới, gọi là làng Thới Bình. Năm 1924, Thới Bình thôn chỉ là vùng đất hoang sơ, khắc nghiệt nên rất ít cư dân sinh sống. Chỉ một số người từ vùng trên xuống mưu sinh bằng nghề chính là trao đổi mua bán. Dần dần, Thới Bình trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Thấy được sự phát triển của ngã ba sông Thới Bình thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán, nên quan lại phong kiến tranh nhau cất phố, lập thôn và hình thành nên chợ Thới Bình.
Ban đầu, dãy phố chỉ được cất tạm bợ, đến năm 1940, thực dân Pháp cai trị, cất lại khu phố bằng gỗ dầu, lợp ngói, cột được xây bằng gạch. Khu phố có tất cả trên 100 căn, mỗi căn rộng 4m và dài 12m, chia làm hai dãy, được che mát bởi những cây còng to. Khu phố sau khi cất xong được bán lại cho những thương lái người Việt, người Hoa. Từ đó, khu phố lầu bên bờ sông Trẹm được hình thành. Gọi là phố lầu nhưng thật ra cả dãy phố chỉ được khoảng hai hoặc ba căn có gác cao, được xây cất khang trang hơn so với những căn khác. Khu phố được hình thành bởi hai dãy phố đối mặt và cách nhau bằng một con đường, mỗi dãy đều có kiến trúc riêng và rất thuận tiện cho việc trao đổi buôn bán.
Trải qua bao thăng trầm biến đổi của thời cuộc, Thới Bình ngày nay đang từng ngày thay da đổi thịt, nhiều nhà cao cửa rộng được xây cất khang trang, nhưng vẫn còn đó dấu vết khu phố ngày xưa, vài mái ngói đã phủ rêu phong, nằm khuất mình dưới hàng còng đại thụ. Bà Ba, chủ tiệm thuốc bắc Thái Bình An trước kia, năm nay tuổi đã ngoài 80, là người sống lâu năm ở khu phố lầu này. Ngôi nhà cổ của bà vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Bà nói: “Ở đây, những người có tiền đã xây nhà mới hết rồi, chỉ còn lại mấy căn nhà cổ thôi. Nhà tôi trước kia bị mối ăn, nhưng tôi chỉ thay mới phần gỗ thôi, tôi già rồi nên không muốn sửa sang nhà làm gì, mà nhiều lúc nghĩ sống trong căn nhà cổ cũng có cái hay của nó”.
Khu phố cổ Thới Bình - vẻ đẹp cổ kính một thời của người dân sông Trẹm, không chỉ là vẻ đẹp truyền thống mà khu phố lầu còn có giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Nên chăng, các ngành chức năng, các tổ chức xã hội cần có một chiến lược để trùng tu, tôn tạo khu phố cổ Thới Bình và đây sẽ là một địa danh du lịch đầy thú vị...
MỘNG THƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét