Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Những hàng bún mắm nổi tiếng ở Sài Gòn

Xóm bún mắm ở đường Minh Phụng (quận 6) hay quán bún mắm Trần Huy Liệu (quận 3)... là địa chỉ ưa thích của những tín đồ trót mê hương vị món này.
Bún mắm là món ăn của người dân miền Tây Nam bộ, được chế biến từ con mắm cái, nấu cho rã thịt, lược lấy phần nước trong, nêm ít gia vị cho vừa miệng. Ăn kèm là bún tươi và các loại rau có trong vườn như rau đắng, cọng bông súng... Thỉnh thoảng, khi đãi khách phương xa, tô bún mắm lại được điểm xuyết thêm vài con tôm, lát cá. Khi du nhập vào Sài Gòn, món ăn được kết hợp thêm nhiều nguyên liệu khác như thịt heo quay, mực... làm cho bát bún mắm trở nên hấp dẫn hơn.
Bún mắm miền Tây là món ăn đậm đà được người Sài Gòn ưa thích.
Nước dùng là thành phần quan trọng nhất, điểm thu hút thực khách của món ăn dân dã này. Thành phần món nấu từ mắm các loài cá linh, cá sặc, cá lóc hay cá trèn cùng với bí quyết riêng của từng quán, được gia giảm để tránh đi cái nặng mùi cũng như vị gắt của mắm mà không làm mất đi hương vị đậm đà đặc trưng của món ăn. Nó phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn, không quá ngọt, quá mặn hay cay nhưng cũng không hề nhạt nhẽo.

Ăn kèm bún mắm là đĩa rau với các loại đặc trưng của miền Tây như cọng bông súng, rau đắng, kèo nèo, bắp chuối, rau muống chẻ... Đĩa rau chính là thành phần quan trọng làm cân bằng vị mặn của mắm trong món ăn.
Các loại rau đặc trưng miền Tây được dùng để ăn kèm với bún.
Nói đến bún mắm Sài Gòn, không thể không kể đến khu bún mắm nổi tiếng ở ngã tư Minh Phụng - Hậu Giang (quận 6). Từ sáng sớm cho đến tối mịt, các hàng quán ở đây luôn tấp nập khách ra vào. Với dân nghiền bún mắm, thì đây là địa chỉ được đánh giá cao về chất lượng, hương vị nước lèo đậm đà, nồng nàn đúng điệu miền Tây.

Một địa chỉ thành danh, nổi tiếng không kém là quán lẩu mắm, bún mắm nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Huy Liệu (quận phú Nhuận). Đây được xem như là quán bún mắm lâu đời nổi tiếng ở Sài Gòn. Chính việc giữ được nguyên vẹn hương vị mắm trong từng bát bún làm nên điểm đặc biệt thu hút thực khách hơn 30 năm qua. Quán bún mắm trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) cũng là một địa điểm nằm lòng của những người mê món ăn này. Không giữ hương vị đậm đà của món ăn, chủ quán đã gia giảm đi vị mắm để phù hợp hơn với khẩu vị của người Sài Gòn. Vào giờ cao điểm mỗi buổi chiều tối, rất đông thực khách nhẫn nại đứng chờ dưới lòng đường.
Ngoài những địa điểm nổi danh kể trên, có thể kể đến các quán khác như bún mắm Bạc Liêu (quận 10), bún mắm Cần Thơ (quận 5), quán bún mắm trong cửa Tây chợ Bến Thành hay quán bún mắm vỉa hè ở đường Hoàng Sa (quận Bình Thạnh), đây là địa chỉ thu hút nhiều khách Tây đến ăn vào mỗi buổi trưa.
Theo vnexpress

Cay nồng bún tiêu Sóc trăng

Nước dùng được nấu từ gia vị chủ yếu là hạt tiêu, tạo ra hương vị cay nồng đặc biệt cho món ăn này.
Cái vị cay nồng của tiêu trong nước dùng làm nên sự hấp dẫn cho món ăn bình dị này
Nếu có dịp đến Sóc Trăng, bạn sẽ được thỏa sức thưởng thức những món ăn ngon mang đậm bản sắc của người dân ở đây như bún nước lèo, bánh pía, bánh cóng, bún gỏi dà hay bún tiêu...

Bún tiêu là món ăn rất đơn giản nhưng lại có hương vị đặc biệt. Tên gọi mộc mạc của món ăn bắt nguồn từ nước dùng được nấu cay nồng vị tiêu. Cũng như những món bún khác của miền Tây, sự tinh túy trong món ăn được thể hiện qua thành phần nước dùng. Nước dùng được ninh từ xương heo và nước dừa tươi nên vừa trong vắt vừa có vị ngọt thanh tự nhiên.

Giò heo hoặc thịt bắp giò ăn kèm với món bún này. Giò heo chặt thành từng phần vừa ăn, cạo sạch lông và hầm chn. Thịt bắp thì thái thành từng lát mỏng, không nên thái quá dày vừa làm món mất đi vẻ thẩm mỹ vừa khó ăn. Ngoài thịt heo, người ta còn sử dụng thịt vịt để nấu món bún này.
Bún tiêu có thể nấu kèm với thịt bắp giò, giò heo hoặc thịt vịt đều ngon miệng.
Bát bún tiêu đơn giản với một ít giá chần, bún tươi, húng thơm, húng quế, kinh giới, hành tím thái lát, thịt bắp giò... chỉ chừng đó thôi là bạn đã có một bát bún ngon miệng cho bữa điểm tâm sáng hay lót lòng khi chiều đến. Hương vị ấm nồng trong món ăn càng ngon hơn nếu bạn ăn trong thời tiết lạnh hay trong những ngày trời mưa.
Theo vnexpress

Cà tím xào trứng

Vốn quen ăn canh cà do mẹ nấu hoặc cà pháo muối xổi, nên trong chuyến đi vào Vinh (Nghệ An), tôi rất ấn tượng với món cà tím xào trứng. Cách thức chế biến món này khá đơn giản nhưng hương vị của món ăn quả thật tuyệt vời.
Vị thơm của lá lốt kết hợp với vị ngậy của trứng hòa cùng những miếng cà ngọt ngọt, đã ăn một lần, bạn sẽ không thể quên.
Đầu tiên, bạn phải chọn được những quả cà tím tươi ngon, màu tím tự nhiên, không bị bầm, cuống cà vẫn xanh, chưa bị héo, cầm trên tay thấy quả cà vẫn còn cứng và chắc. Nếu bạn chọn được những quả cà tươi mới thì coi như món cà tìm xào trứng đã thành công hơn một nửa.
Bắt đầu chế biến cà, dùng dao khía vỏ làm bốn phần, chần qua nước sôi khoảng hai phút, khi thấy vỏ tách ra thì vớt cà lên, thả vào nước lạnh và tách bỏ vỏ cà. Thái cà thành từng miếng nhỏ, cắt khúc dài khoảng 4cm, để gọn trên đĩa sạch.
Trứng được đánh tan, nêm thêm gia vị vừa ăn, phi thơm hành mỡ và đổ trứng vào xào. Bạn phải chú ý dùng lượng dầu ăn để xào trứng chín vừa và không bị dính nhiều vào chảo. Khi thấy trứng đã chín tới, múc trứng ra đĩa. Tiếp tục phi thơm hãnh mỡ và xào cà, nêm thêm gia vị. Sau khi đã đã ngấm gia vị, đổ trứng đã vào vào chảo, xào cùng cà. Khi cà và trứng đã được quyện đều, cho thêm rau thơm là hành hoa và lá lốt đã cắt nhỏ, chú ý dùng nhiều lá lốt hơn hành. Múc ra đĩa, ăn nóng.
Chế biến thử món này, bạn sẽ thấy, cà tím được bỏ vỏ nhìn rất ngon mắt. Bạn chỉ cần chú ý khi chần cà đừng chần quá lâu, cà sẽ bị nát. Trong lúc xào cà và trứng để lửa vừa phải để trứng không bị sát.
Theo vnexpress

Những món ốc lạ ở Sông Cầu

Ốc lông, ốc bướm, ốc đực... là những loại ốc lạ mà bạn sẽ được thưởng thức khi đến Sông Cầu.

Nằm dọc theo danh thắng cấp quốc gia vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu là điểm hẹn của rất nhiều loài hải sản tươi ngon nổi tiếng cả nước như: ghẹ, tôm, sò, cá và đặc biệt hơn là đủ các loại ốc, từ loại quen thuộc như ốc giấm, ốc nón, ốc gai , ốc mỡ, ốc giác, ốc bàn tay, ốc móng tay, ốc đỏ… đến các loại ốc lạ như ốc lông, ốc bướm, ốc đực...
oc-long-1-jpg_1368767033[1332088530].jpg
Ốc lông xấu xí nhưng thịt ốc thì rất ngon.
Nói đến ốc lạ, đặc sản đầu tiên cần phải kể đến là ốc lông. Ốc lông có hình như con ốc quắn nhưng to hơn, màu đen, bên ngoài rong rêu bám đầy. Điểm phân biệt ốc lông với các loại khác là trên vỏ của có có nhiều lông dài, xấu xí. Tuy xấu xí nhưng thịt ốc lại hơi giòn giòn và ngọt đến không ngờ. Ốc thường được chế biến bằng cách luộc hoặc hấp sả. Thịt ốc lông chắc, dai ngọt và thơm, ăn nhiều cũng không thấy ngán. Món này ăn nóng chấm với nước mắm gừng thì không còn gì bằng.

oc-duc-1-jpg_1368767056[1332088530].jpg
Ốc đực nhỏ nhưng cho thịt ngọt, là món ăn được nhiều người ưa thích.
Một loại ốc lạ, ngon không kém phần hấp dẫn nữa chính là ốc đực. Khác với ốc lông, ốc đực có thân hình nhỏ bằng ngón tay cái người lớn như con ốc đá ở suối, vỏ màu trắng vàng có xen những nét hoa văn, miệng cuốn tròn, mép khứa răng cưa. Thịt ốc đực có màu mỡ gà, hơi dai dai. Ốc đực ngon nhất là hấp sả ăn với mắm gừng. Nếu như ăn ốc lông phải dùng tay đập mạnh thì ốc đực chỉ cần lấy que khều nhẹ là có thể thưởng thức.

oc-buom-1-jpg[1332088530].jpg
Ốc bướm thịt mềm, ngọt thơm rất ngon miệng.
Ghé ở sông Cầu mà bỏ qua ốc bướm là một sự thiếu sót thật đáng tiếc dành cho bạn. Ốc bướm có thân hình to bằng cán dao, thân ốc có màu tím với những chấm bi thật đẹp, nhìn thoáng qua không khác là mấy so với ốc chim. Ốc bướm hấp hoặc nướng đều ngon, đặc biệt hấp hơi với sả, gừng. Thịt ốc bướm nhiều, dai, ngọt thơm nên chất lượng không thua gì các loại ốc khác. Nhiều người thích chấm ốc bướm với muối ớt hoặc muối tiêu cho đậm đà khẩu vị hơn chấm nước mắm gừng. Ngoài ra, ốc bướm nướng than hồng cũng là một món ngon mà bạn nên thưởng thức.

oc-huong-1-jpg[1332088530].jpg
Ốc hương được chế biến thành nhiều món ngon như hấp, nướng, rang..
Cuối cùng là ốc hương, đây là loại ốc có giá trị kinh tế cao, thịt ngọt cùng hương thơm thoang thoảng rất đặc trưng. Ốc hương là một đặc sản có nhiều ở vùng biển miền Trung. Ốc hương làm được nhiều món ngon như rang muối, nướng, luộc, hấp.... với những vị ngon riêng biệt rất khó quên.
Theo vnexpress

Khéo tay làm 3 món thịt dê

Thịt dê là món ăn thuộc hàng “top” được ưa chuộng của người Việt từ xưa tới nay, cũng bởi ngoài vị ngon hấp dẫn
Gỏi xương rồng
Nguyên liệu:
Xương rồng: 3 nhánh
Thịt dê: 400rg
Ớt chuông xanh: 1 trái
Ớt chuông vàng: 1 trái
Khoai môn: 1 củ vừa
Mắm, muối, bột ngọt, bột nêm, chanh, sả cây, ớt, ngò rí, riềng.
Cách làm:
Nướng sơ nhánh xương rồng trên bếp, trẩy gai, gọt lấy phần thịt, xắt lát mỏng, ngâm sơ với muối, vắt ráo.
Thịt dê xử lý sơ qua lửa, rửa sạch với rượu, để ráo. Thái mỏng thịt dê, ướp với gia vị, riềng, ớt, tiêu cho khoảng 30 phút. Khi ướp thịt dê, nhớ ướp hơi cay một chút.
Phi thơm dầu ăn với sả cây băm nhuyễn, cho phần thịt dê vào, xào nhanh tay trên lửa lớn. Thịt chín, trút ra đĩa, để nguội.  
Khoai môn gọt vỏ, thái sợi, chiên giòn.
Ớt chuông đỏ, ớt chuông xanh rửa sạch, xắt mỏng vừa ăn.
Pha xốt trộn gỏi: 3 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng nước cốt chanh, bột ngọt, ớt xay, tỏi bằm. Nếm vừa miệng là được.
Cho thịt dê, ớt chuông xanh, ớt chuông vàng, xương rồng vào thố, từ từ cho xốt vào, trộn đều.
Cho gỏi ra đĩa, trang trí với khoai môn thái sợi chiên giòn, chanh tươi thái mỏng, ngò rí và ớt tỉa hoa.
Món ăn này có vị giòn sần sật của xương rồng, giòn tan của khoai môn chiên, cay thơm của ớt chuông và ngọt mềm của thịt. Bạn có thể dùng món này với bánh tráng nướng hay bánh phồng tôm.
Thịt dê nướng dương liễu
Nguyên liệu
Thịt dê: 400gr
Dương liễu: 1 nắm
Cà rốt: 1 củ
Boa rô: 100gr
Hành tây: 1 củ
Mirin, xốt terayaki, rượu sake, gừng, mật ong.
Cách làm:
Làm sốt ướp thịt:
Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch. Hành tay lột vỏ. Boa rô làm sạch. Nướng sơ tất cả.
Cho cà rốt, hành tây, boa rô, terayaki, gừng, mật ong, mirin, rượu sa kê vào máy sinh tố, xay nhuyễn.
Cho hỗn hợp vừa xay xong vào nồi, nấu trên bếp khoảng 30 phút cho hỗn hợp sệt lại.
Thịt dê thái lát mỏng, dài, ướp với sốt vừa làm khoảng 30 phút cho thấm.
Quấn thịt dê vào cây dương liễu, nướng chín trên lửa than. Khi nướng nhớ thướng xuyên trở để thịt chín đều.
Bày thịt dê nướng ra đĩa, trang trí với lá, trái dương liễu, ớt xắt lát và một ít sốt dùng để ướp thịt. Đây là món ăn kết hợp với gia vị Nhật, rượu nên khi có vị mềm thơm, kết hợp với nhánh dương liễu mang đến cảm quan như thịt xông khói. Bạn có thể dùng chung món náy với cơm hay bánh mì. 
Sườn dê nấu mẻ
Nguyên liệu:
Sườn dê, chọn phần sườn có da: 400gr
Sữa tươi: 100ml
Cream: 50gr
Hạt điều: 20gr
1 thìa súp sa tế
1 thìa súp tỏi xay
1 thìa súp củ hành tím xay
2 thìa súp tương ớt
1 thìa súp hạt nêm
3 thìa súp mẻ
1/2 thìa súp đường
1 thìa súp dầu ăn 
Cách làm:
Nướng sơ thịt dê trên bếp, rồi rửa với rượu để khử mùi. Để ráo, chặt khúc vừa ăn. Ướp dê với sa tế, tỏi, hành, hạt nêm, đường, dầu ăn để khoảng 30 phút cho ngấm đều gia vị.
Nấu sôi nước dùng với sả cây, mẻ cho thịt dê vào hầm khoảng 20 phút. 
Phi hạt điều với dầu nóng, lọc lấy phần màu điều, bỏ hạt. Trộn sữa tươi, cream, màu điều với nhau thành một hỗn hợp. Nấu sôi hỗn hợp trên rồi cho vào nồi nước dùng đã vớt sả cây ra. Đun sôi một dạo, nêm nếm vừa ăn, tắt bếp.
Múc thịt dê và nước sốt ra tô, trang trí với sả cây đập dập. Món ăn này có vị béo mềm, sần sật của da, ngọt của thịt dê, thơm của sữa tươi, của sả và chua của mẻ. Bạn có thể ăn chung với bánh mì, cơm nóng hay bún tươi.
Theo infonet

Chả da hấp dẫn xứ Huế

rong ẩm thực của người Huế, chả da không chỉ là món ngon, hấp dẫn mà người ta còn dùng nó làm phụ gia, chế biến các thức ăn khác như gỏi, phở, bún, cháo… tạo nên nhiều hương vị riêng và lạ.
Chả da còn làm phụ gia để chế biến trong nhiều món ăn khác. Mỗi khi mua chả ngoài chợ về, các bà nội trợ thường rửa sơ qua nước sôi cho sạch, trước khi chế biến món ưa thích. Bóc hết các lớp lá, chả da có màu hồng tươi gần giống nem, cắn vào thấy giòn giòn, ngòn ngọt thấm ngay từ đầu lưỡi. Chả da dễ làm nên khi nhà có giỗ kỵ, phụ nữ Huế thường tự tay làm chả.
Ảnh minh họa

Mùi thơm của thịt quyện với hạt tiêu khi nướng hay chiên trên bếp hương thơm nức mũi. Trong những món chế biến từ chả da, cầu kỳ nhất là món gỏi, món khai vị đầu tiên trên bàn tiệc. Để chế biến món gỏi này có chả da, thịt ba chỉ, mực nướng (xé nhỏ) dưa leo, đu đủ (thái sợi), rau răm, rau húng, đậu phộng, chanh, ớt, đường, nước mắm; tất cả trộn đều. Nộm ăn ngon miệng hơn với bánh tráng, bánh phồng tôm kèm theo. Bình thường chả da ăn kèm với một số loại rau thơm, rau răm, chấm muối tiêu, chanh, tỏi, hoặc xắt lát mỏng bỏ lên mặt các tô bún chả, bún cá, phở gà….

Với người Huế, chả da là đặc sản thân quen trong bữa ăn hàng ngày. Những buổi chiều đi qua các phố ăn uống bình dân ở đường Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Đào Duy Từ… bạn sẽ thấy món chả da và bia ướp lạnh được các đệ tử “lưu linh” rất ái mộ.
Cách làm chả da

Nguyên liệu:
Hình thức chế biến:
Thể loại:
Địa phương:
Nguyên liệu chính
Thịt lợn
- 500g thịt heo, 500g da heo hoặc lỗ tai heo, trộn vào 1 muỗng súp tiêu xay mịn.

- 3 muỗng càphê muối bột

- 1 muỗng càphê bột ngọt.
Cách làm:

- Đem thịt heo xay hai lần hoặc bằm cho thật mịn rồi cho vào tủ lạnh.

- Lấy da heo hoặc lỗ tai heo để tươi sống xắt thành sợi mỏng. Xắt xong, lấy thịt heo ra và cho da heo, hoặc lỗ tai heo cùng với tiêu, muối, bột ngọt vào trộn thật đều.

- Dùng cối, chày quết tay, đến khi thấy thịt và da, lỗ tai heo dính vào nhau thành một khối mịn là được. Sau đó, đem gói bằng nhiều lớp lá chuối, khoảng năm lớp là đủ.

- Kế tiếp, nấu nước cho sôi trào mới bỏ đòn chả vào, đậy nắp kín, giữ lửa vừa để chả chín đều mà nước trong nồi không bị vơi. Khoảng 15 phút sau, dùng đũa đảo đòn chả rồi luộc thêm 15 phút nữa là chả đã chín.

- Vớt chả bỏ vào thau nước đá ngâm khoảng 10 phút, cất vào tủ lạnh.
Theo SGTT

HALONG MARINE PLAZA: Nơi niềm vui bắt đầu

Với lợi thế nằm trong thành phố du lịch Hạ Long, Halong Marine Plaza là Trung tâm thương mại dịch vụ giải trí đa dạng và hiện đại nhất Quảng Ninh có tổng diện tích hơn 110,000m2.

Với thiên đường ẩm thực, thiên đường mua sắm, thiên đường giải trí và thiên đường lễ hội, đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn và lý thú nhất tại Hạ Long.

Trung tâm mới của Bãi Cháy: Hạ Long là một trong những Vịnh đẹp nhất hành tinh đã được UNESCO hai lần công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới và một điều đặc biệt, có lẽ, Vịnh Hạ Long của Quảng Ninh là tỉnh duy nhất tại miền Bắc thu hút du lịch cả bốn mùa, mùa hè nghỉ mát và các mùa còn lại là tấp nập khách trong và ngoài nước đi tham quan Vịnh.
Khách đến Vịnh Hạ Long chủ yếu đi thăm quan Vịnh, các địa điểm vui chơi và ăn uống chỉ có tính chất nhỏ lẻ và không có sự tập trung. Nằm trên đường Hoàng Quốc Việt, cửa ngõ đi vào Bãi Cháy, Hạ Long Marine Plaza sẽ trở thành ấn tượng đầu tiên của du khách về sự phát triển của thành phố.
Đặc biệt, với định hướng chung của UBND Tỉnh, từ năm 2013, đườngHoàng Quốc Việt sẽ trở thành con đường thân thuộc để tổ chức Lễ hội Carnaval – một trong những lễ hội to nhất và được chờ đón nhất trong năm. Với những ưu thế vượt trội, Halong Marine Plaza sẽ trở thành trung tâm mới của Bãi Cháy thu hút khách du lịch và người dân tới vui chơi.
Thiên đường mua sắm: TTTM – Vui chơi giải trí Marine Plaza rộng hơn 110,000 m2. Bước chân vào Marine Plaza bạn sẽ ngỡ ngàng và choáng ngợp bởi sự lộng lẫy của một kinh đô thời trang hội tụ những thương hiệu trong và ngoài nước.
Khu phố shopping được thiết kế với phong cách kiến trúc hiện đại và ấn tượng với hàng trăm cửa hàng có không gian mở, thỏa mãn nhu cầu về thẩm mỹ và đáp ứng tối đa nhu cầu về mua sắm. Đa dạng về giá cũng như mặt hàng, đến Marine Plaza khách hàng sẽ luôn lựa chọn được những món đồ vừa ý về thời trang, mỹ phẩm, giầy dép, túi xách, đồ lưu niệm, điện tử, hàng gia dụng, phụ kiện…

Thiên đường ẩm thực: Halong Marine Plaza gồm nhiều mô hình ẩm thực, đáp ứng tối đa nhu cầu về không gian lãng mạn, sự tiện ích và phù hợp với kinh tế của từng cá nhân.
Khu nhà hàng nằm ven bờ Vịnh sẽ mang đến cho bạn một không gian rộng rãi thoáng mát, giữa hương biển nồng nàn, vừa có thể thưởng thức những món ăn ngon, vừa có thể nhìn ngắm và lắng nghe tiếng sóng biển rì rào cùng tiếng nhạc du dương và ánh nến lung linh…đây sẽ là một điểm đến lãng mạn nhất không thể bỏ qua khi bạn muốn lưu lại những dấu ấn đặc biệt giành cho người ấy và cho những người thân yêu nhất của bạn.
Ngoài ra, thiên đường ẩm thực với không  gian rộng rãi, thoáng mát, có sức chứa cho cả trăm người với vô số món ăn, hội tụ những tinh hoa ẩm thực truyền thống sẽ  giúp bạn tiết kiệm được nhiều chi phí, mà còn đáp ứng được yêu cầu của đại đa số thành viên.
Thiên đường giải trí: Đến với Halong Marine Plaza, bạn cùng gia đình sẽ được trải nghiệm những giây phút tràn ngập niềm vui với rất nhiều các dịch vụ giải trí như: Rạp chiếu phim quốc tế đầu tiên tại Hạ Long – Megasta, với phòng chiếu phim tiêu chuẩn 3D lớn nhất Việt Nam.
Megastar sẽ mang đến cho khán giả đam mê điện ảnh một thế giới giải trí chất lượng với những bộ phim Điện Ảnh trong nước và Quốc Tế kinh điển, cập nhật theo nền điện anh Hollywood. Ngoài ra, Megastar còn là nơi tổ chức liên hoan phim quốc tế và Việt Nam hàng năm.
 Vòng tròn đu quay khổng lồ lớn nhất Việt Nam cao 90m nằm sát bên bờ Vịnh với những những chiếc đu quay khổng lồ vẫn đều đặn xoay tròn trên không trung đưa bạn vào một không gian lãng mạn với những ánh đèn lấp lánh rực sáng cả một bầu trời mang đến một sự khám phá mới về Vịnh Hạ Long.

Khu vui chơi giải trí trong nhà giành cho trẻ em được Tini World đầu tư có tổng diện tích 1700m2 sẽ trở thành điểm vui chơi giải trí hàng đầu giành cho trẻ em tại Quảng Ninh. Với những trò chơi vui nhộn và độc đáo, Tini World mở ra một thế giới cổ tích đầy màu sắc để trẻ em được thoả thích vui chơi và tràn ngập trong tiếng cười; Bãi biển nhân tạo đầu tiên tại Quảng Ninh với làn nước trong xanh mát lạnh dập dìu trên bờ cát…

Thiên đường lễ hội: Thiên đường lễ hội tại Marine Plaza mang nhiều màu sắc phong phú và hấp dẫn như Carnaval Hạ Long, liên hoan phim, chương trình biểu diễn âm nhạc, lễ hội thời trang, các chương trình lễ hội truyền thống của Việt Nam cùng nhiều sự kiện khác, quy tụ những ngôi sao hàng đầu tại Việt. Halong Marine Plaza với 365 ngày lễ hội sẽ thu hút hàng nghìn người dân Quảng Ninh nói riêng và khách du lịch cả trong và ngoài nước đến tham dự.
Theo 24h

Tưng bừng lễ hội Thác Côn 2013

Như thông lệ, cứ đến ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người có được cuộc sống an lành, hạnh phúc... lễ hội Thác Côn được tổ chức tại chùa Mahasal Thatmon, xã An Hiệp huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham dự.
Lễ hội Thác Côn được tổ chức cách nay gần trăm năm, gắn với truyền thuyết rằng: ngày xưa ở vùng đất này có nổi lên một cái gò hình dạng giống chiếc cồng. Chân người dẫm lên phát ra âm vang như tiếng cồng. Được ít lâu, tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Bà con vùng An Trạch tin đây là điềm lành nên tổ chức lễ hội Thác Côn kể từ đó. Trong tiếng Khmer, Thác có nghĩa đạp, Côn có nghĩa là cồng, gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất. 

Quầy bán bình bông dừa

Lễ hội này còn có một tên khác là lễ hội Cúng Dừa vì lễ vật chủ yếu là những chiếc bình bông làm bằng trái dừa tươi, người Khmer gọi là Slathođôn (bình bông làm bằng trái dừa). Trái dừa được vạt bằng, có gắn thêm nhang, đèn cầy, lá trầu và một số hoa tươi. Những trái dừa có sẵn trong vùng dễ tìm, nước dừa tượng trưng cho sự thanh khiết. Riêng về hoa người ta chọn những loài hoa có tên gọi đẹp và màu sắc sặc sỡ như: hoa sen, hoa vạn thọ, hoa huệ, hoa cúc...

Cổng chùa Mahasal Thatmon

Vào dịp này, xã cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí diễn ra náo nhiệt suốt đêm. Công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cũng được đảm bảo, góp phần giúp cho du khách và bà con có được những ngày lễ hội an toàn.

Đây thật sự là một trong những lễ hội tiêu biểu của bà con Khmer Sóc Trăng, cần được tiếp tục duy trì và phát triển thành một trong những lễ hội phục vụ khách du lịch khi đến Sóc Trăng, gắn với tour du lịch đến viếng chùa Bốn Mặt, Giếng Tiên và thăm làng nghề đan đát, đâm cốm dẹp, làng nghề bánh pía ở 02 xã Phú Tân và Phú Tâm.
Theo dulichsoctrang

Đi bộ để khám phá Pù Luông

Là một huyện miền núi ở tỉnh Thanh Hóa, Bá Thước có nhiều cảnh thiên nhiên nên thơ, phong tục tập quán, lễ hội độc đáo của cộng đồng ba dân tộc Thái, Mường và Kinh cùng hệ thống nhà sàn truyền thống còn nguyên vẹn đến 85%…
Đặc biệt Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ở đây đang được những người yêu thích trekking (hình thức du lịch khám phá bằng cách đi bộ) chú ý nhờ có hàng nghìn ha rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ, hệ động, thực vật phong phú, nhiều khe suối, thác đẹp…

Nhà sàn dưới chân đồi
Con đường 15C đưa chúng tôi từ thị trấn Cành Nàng đi đến các xã xa xôi của huyện Bá Thước. Đường hẹp và dằn xóc nhưng không ai phàn nàn gì vì cảnh xung quanh quá đẹp.

Đường chạy qua Pù Luông, nơi nổi tiếng là phong phú và đa dạng về sinh học. Không chỉ thế, hệ sinh thái núi đá vôi nơi đây còn lưu giữ nhiều hang động hoang sơ huyền bí.

Các làng bản ruộng nương của người Thái, người Mường cũng khá thơ mộng với những ngôi nhà sàn mộc mạc trên sườn đồi, cách đó không xa là ruộng bậc thang đang xanh mơn mởn lúa non.

Mấy năm gần đây, ngày càng nhiều khách du lịch trẻ và người nước ngoài đến Pù Luông theo hình thức trekking để có thời gian khám phá kỹ càng vùng đất này.

Suối cá thần
Tỉnh Thanh Hóa vốn nổi tiếng với các “suối cá thần” – những dòng suối trong vắt đặc nghẹt đàn cá sống lâu năm. Huyện Bá Thước cũng có một dòng suối như vậy ở bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, cách thị trấn Cành Nàng 15 cây số.

Những người dân trong bản cho biết suối cá đã có từ rất lâu đời nhưng không ai dám đánh bắt vì họ cho rằng đây là “cá thần”. Du khách không khỏi trầm trồ khi chứng kiến cảnh dòng nước chảy từ trong khe núi trong đến độ thấy rõ mồn một từng đàn cá đông đúc, tung tăng bơi lượn.

Cá ở đây con lớn nặng khoảng từ 4 – 5kg, con nhỏ khoảng nửa ký. Sau khi phát hiện ra suối cá này, người dân trong bản đã lập bàn thờ bên khu vực hang động phía trên suối.

Đường qua Pù Luông
Một cảnh đẹp khác của Bá Thước là Thác Mơ hùng vĩ giữa đại ngàn xanh thẳm. Dòng thác bắt nguồn từ đỉnh núi Muốn có độ cao 500 m so với mực nước biển, len lỏi qua cánh rừng già, tưới nước cho ruộng nương rồi chảy ra sông Mã.

Đỉnh Muốn có một thung lũng nhỏ khí hậu quanh năm ôn hòa, cây trồng tốt tươi cho nhiều hoa thơm, quả ngọt. Nước từ các khe núi chảy vào thung lũng, đổ xuống sườn núi tạo thành 43 tầng thác liên hoàn như những bậc thang.

Du khách leo bộ từ chân thác ngược lên tận đỉnh mà không cần bỏ dép vì đá mòn nhẵn, không có rêu trơn trượt. Ở mỗi tầng thác, cảnh sắc và tiếng nước đổ xuống khác nhau.

Có thác nước tràn qua mềm mại, nơi lại cao vút, nước đổ ào ào tung bọt trắng. Những hạt nước nhỏ li ti tạo nên màn sương mỏng bao trùm cả vùng rộng lớn.

Chợ ở thị trấn Cành Nàng
Không khí thoáng đãng xen lẫn mùi hương thoang thoảng của hoa rừng hít vào thật sảng khoái. Nằm trong quần thể thác Muốn, thác Gió tuôn nước mạnh mẽ trắng xóa, đổ xuống dưới tạo thành một hồ nước trong vắt in bóng mây trời.

Tiếp đó là thác Bến Bai khói nước bay mịt mờ như mây. Phía sau làn nước là hang Bến Bai có nhiều nhũ đá rủ muôn hình, muôn vẻ nhiều màu sắc óng ánh…

Với những ai đủ sức để lên đến tầng thác trên cùng, phần thưởng sẽ là giây phút khám phá cánh rừng còn nhiều loại cây quý như dổi, vàng tâm, lim, lát, nhiều loài thú hoang và các loại thảo dược quý hiếm...
Theo doanhnhansaigon
Giữa đại ngàn Pù Luông

 Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông hiện đang lưu giữ những giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú, hệ động thực vật đa dạng, là điểm đến hấp dẫn với những ai ưa thích khám phá thiên nhiên…
Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông có diện tích 17.662 ha, hiện là khu vực rừng núi đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền Bắc Việt Nam với 3 kiểu rừng chính: Rừng rậm trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi; các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi.
Con đường 15C lịch sử chạy xuyên suốt từ thị trấn Cành Nàng của huyện Bá Thước tới cuối địa phận xã Phú Lệ thuộc huyện Quan Hoá và được nối với đường 47 đi về bản Lác của huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình đã chia cắt Pù Luông thành hai hệ sinh thái khác biệt với một bên là hệ sinh thái núi đá vôi và một bên là hệ sinh thái núi đất.
Pù Luông được biết đến như là một điểm đến thú vị với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đó là những khu rừng tự nhiên còn giàu tài nguyên động thực vật rừng, những thửa ruộng bậc thang trải dài xanh tươi, những thác nước uốn mình trên các triền đá, những ngôi nhà sàn cổ, những khu làng ven rừng và trên đỉnh núi mang dáng vẻ nguyên sơ, nhiều hang động kỳ bí, hấp dẫn.  Bên cạnh đó là những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc và đa dạng của đồng bào người Thái nơi đây đã làm cho Pù luông càng có một dáng vẻ độc đáo và riêng có của mình.
 

Với những ai ưa thích mạo hiểm, thì chuyến leo núi chinh phục đỉnh Pù Luông, ngọn núi cao nhất vùng với độ cao 1700m sẽ là một trải nghiệm khó quên. Những khó khăn, vất vả sau một chặng leo núi hơn 5 tiếng dường như tan biến khi được ngắm từ trên cao vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Pù Luông. Dù đi theo hướng nào, du khách cũng được hòa mình với thiên nhiên, qua những bản làng dựa lưng vào núi, những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp xen kẽ những khu rừng nguyên sinh xanh mướt.


Dừng chân ở bản Hang, du khách được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, được tìm hiểu tập quán canh tác truyền thống của người dân nơi đây. Đến với bản Kho Mường, ngoài cảnh quan, địa thế hùng vĩ, du khách được khám phá hang động với những nhũ đá huyền bí.
Một địa danh không thể bỏ qua khi đến Pù Luông là bản Hiêu. Trên con đường không xa từ thị trấn Phố Đoàn vào bản, du khách có thể bắt gặp rất nhiều guồng nước đặc trưng của người Thái. Qua cầu treo, vượt lên con dốc trên đồi đất, từ xa đã nghe tiếng thác nước bản Hiêu ầm ầm đổ. Thật lạ lùng, dòng suối với những nhánh nhỏ len lỏi chảy quanh bản, ngay cạnh chân cầu thang của những nếp nhà sàn, chảy ra ruộng lúa rồi bất chợt đổ xuống tạo ra hai thác nước hùng vĩ tung bọt trắng xóa.
Sau một ngày khám phá đất Pù Luông, du khách có thể nghỉ ngơi lưu trú trong các ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của người dân bản địa. Tại KBTTN Pù Luông hiện đang phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là loại hình du lịch do chính người dân tổ chức dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống song song với việc bảo vệ, gìn giữ cảnh quan môi trường. Bên bếp lửa nhà sàn, chủ và khách cùng thưởng thức các món ăn lạ miệng như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng…, cùng say men rượu cần và say mê thưởng thức những điệu múa sạp, múa xòe, hát lượn…
Đến Pù Luông, một màu xanh mướt trải đều trên các cánh rừng bất tận, ruộng bậc thang trùng điệp đem lại cho du khách cảm giác như lạc vào một thung lũng cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Pù Luông vẫn còn ẩn chứa không ít điều thú vị, hiện là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Khánh Chi (TTVN)
Tổng hợp

Đi thăm bản làng cô độc ở Trường Sơn

Từ lâu, các bản làng dân tộc ẩn mình trong những cánh rừng bạt ngàn trên dãy Trường Sơn luôn có sức hấp dẫn đối với giới yêu du lịch ở miền Trung. Cảm giác len lỏi giữa rừng già, vượt hết ngọn núi này đến ngọn núi khác rồi vỡ òa sung sướng khi thấy thấp thoáng xa xa làn khói trắng tỏa ra từ những mái nhà lá cọ nằm quây quần bên nhau thật khó diễn tả.
Từ Đà Nẵng đi theo hướng Hòa Phú, vượt qua con dốc Kiền thì đến Trung Mang. Từ đây tiếp tục chạy thẳng lên Prao, men theo đường Hồ Chí Minh, tới xã A-Vương, qua một cây cầu sẽ bắt gặp một tấm bảng nhỏ chỉ đường vào làng Arec và làng Aur của người Cơ Tu.

Đường lên xã A-Vương uốn lượn quanh co theo những con suối róc rách và từng đồng lúa xanh chớm vàng lọt thỏm dưới thung lũng. Đường vào Arec khá khó đi.

Dọc đường vào Arec chúng tôi gặp nhiều trẻ em đang mải mê lặn hụp bắt cua cá, mò ốc dưới dòng suối trong veo. Tới làng Arec xế trưa, ăn uống xong mọi người kéo nhau đi tắm suối.

Được nhảy ùm xuống dòng nước đầu nguồn trong veo, mát rượi mới thấy cuộc sống nơi hoang dã cũng thật thú vị. Gần 20 giờ, cả đoàn lên nhà gươi (nhà rông trong tiếng Cơ Tu) uống rượu cần với dân làng.

Lời ca, tiếng lách cách cụng chén rượu nồng, những câu chuyện như níu kéo những người trẻ dưới xuôi lại gần bà con hơn. Cuộc vui kéo dài đến khuya mới tạm dừng.

Một ngôi nhà ở làng Aur
Sáng hôm sau, khi tiếng gà còn chưa kịp dứt, chúng tôi đã thức dậy để kịp bắt đầu chuyến đi bộ xuyên rừng vào thăm làng Aur – bản làng cô độc giữa đại ngàn Trường Sơn. Aur cách Arec 9 km đường chim bay, còn đường đi bộ dài 16km, ngoằn nghèo qua nhiều thung lũng và vượt qua trên dưới mười ngọn núi.

Từ làng Arec đến làng Aur, đi ba phần tư đường sẽ có một lán trại do dân làng dựng lên để con em của họ đi học về có chỗ dừng chân, hoặc nấu ăn khi đói. Lán trại có hai tấm phản lớn, nồi niêu, gạo muối đầy đủ.

Mặt trời mỗi lúc một lên cao, dù đi trong rừng nhưng người nào người nấy mồ hôi ướt đẫm, mặt ửng đỏ cả lên, thở hắt ra vì mệt. Đoạn đường đầu có những con dốc cao dằn mặt như muốn hạ gục ý chí mới chớm nổi lên của các thành viên.

Trẻ em tắm suối
Trong giờ đầu tiên len lỏi qua các sườn núi, mọi người còn cao hứng trò chuyện nhưng càng vào sâu, không khí càng yên lặng. Chỉ đến khi gặp một khe nước nhỏ chắn ngang, nghỉ ngơi, trò chuyện, thì mới ai nấy mới lấy lại được tinh thần chiến đấu.

Vượt qua chừng ba ngọn núi, đường bắt đầu hẹp hơn nhưng phong cảnh cũng đẹp hơn hẳn. Những thung lũng sâu thẳm với dòng suối chảy rì rào. Thảm rừng xanh trải dài tít tắp, thỉnh thoảng điểm thêm vài loại cây có màu sắc sặc sỡ.
Nhiều đoạn đường hoa rụng kín như một tấm thảm nhiều màu sắc. Một bức tranh thiên nhiên đẹp như không thể đẹp hơn. Cả đoàn bắt đầu đói bụng và dùng bữa bằng ăn đậm chất núi rừng, bao gồm: hoa chuối, trái thơm nấu với cá hộp và lá nghệ.

Nhóm du khách và dân làng Aur
Từ chỗ dừng chân bên bờ suối, đi hơn một tiếng thì tới bãi đất nơi dân làng Aur cũ trước đây định cư. Đây là nơi đầu tiên trước khi làng dời lên một ngọn núi, rồi từ núi chuyển đến làng hiện nay bây giờ.

Khoảnh đất của làng xưa kia giờ là bãi cỏ xanh mượt mà, vài con trâu thả hoang thủng thẳng gặm cỏ. Từ đây, đường trở lên ẩm ướt hơn bởi những tán lá cây rậm rịt ánh nắng không xuyên qua nổi.

Đến hơn bốn giờ chiều thì niềm vui của cả đoàn như vỡ òa khi thấy xa xa xuất hiện những mái nhà lá cọ tròn tròn xinh xinh quây quần bên nhau. Người Aur nổi tiếng về vệ sinh môi trường, cả làng không có một cái bao nylon hay cọng rác nào.

Phòng tắm của mỗi nhà không khác gì các resort với nền lót bằng những tấm gỗ lớn, nước thì dẫn từ trên núi cao về, trong veo. Người làng Aur cực kỳ hiếu khách.

Thấy chúng tôi, người làng ai nấy đều chào hỏi rất vui vẻ, già làng mời cả đoàn về nhà gươi nghỉ ngơi. Mọi người vừa cởi balô, bà con đã đem đặc sản rừng là thịt mang xông khói, cá niên phơi khô và… rượu tới mời.

Đường rừng
Người làng Aur có một phong tục rất hay thể hiện rõ lòng mến khách. Đó là đến giờ ăn, mỗi gia đình đều tự động bưng cơm, thức ăn đến mời khách từ xa đến.

Cả đoàn chỉ có bảy thành viên nhưng lượng thức ăn người làng đem tới phải 20 người mới ăn hết. Đêm sinh hoạt giao lưu, tặng quà thật vui.

Gần như tất cả bà con đều đến ngôi nhà lớn – nơi chúng tôi ở nhờ để ca hát, uống rượu và tham gia các trò chơi giao lưu. Trên dãy Trường Sơn này không còn nhiều ngôi làng mà cách sống còn được thân thiện, hồn nhiên nhưở Aur.

Sáng hôm sau cả đoàn chia tay bà con trong sự luyến tiếc không nguôi. Nhìn ánh mắt bịn rịn của người làng mà ai cũng không nỡ bước chân quay về.

Mọi chuyến đi rồi cũng kết thúc nhưng kỷ niệm thì còn mãi trong những cánh rừng nguyên sơ, lấp lánh trong ánh mắt trong veo của mấy em bé người Cơ Tu.
Theo doanhnhansaigon

Nét xưa ở Diên Khánh

Nằm bên dòng sông Cái thơ mộng, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, trung tâm của phủ Diên Khánh một thời giờ đây mang màu xanh mát rượi của non cao nước biếc, những cánh đồng bát ngát và những vườn cây nặng trĩu quả.
Năm 1793, Nguyễn Ánh đã cho xây dựng một tòa thành theo hình mẫu phổ biến ở phương Tây, có diện tích khoảng 36.000 m² với sáu cửa thành ở sáu mặt tường. Hiện nay chỉ có cửa Đông và cửa Tây còn nguyên vẹn và hiện vẫn là hai cửa ngõ chính ra vào khu vực trung tâm thị trấn Diên Khánh.

Ra khỏi thành, tới thôn Phú Lộc là đến với Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử, người được tụng xưng là “Vạn thế sư biểu” (Người thầy của muôn đời). Văn Miếu được xây dựng từ năm 1853 và đến năm sau thì cơ bản hoàn thành: phía trước có nhà bi đình, chính giữa có tòa tiền đường và chính đường cao rộng, làm bằng gỗ xây tường gạch bao, các cột kèo được chạm trổ sơn son thếp vàng đẹp đẽ, uy nghiêm. Hiện nay, trong Văn Miếu vẫn còn một tấm bia khắc tên những người trong phủ đã từng học hành và đỗ đạt cao trong các khoa thi.

Nằm phía tả ngạn sông Cái trong phạm vi hai xã Diên Sơn và Diên Thủy, dọc theo tỉnh lộ 8, được xây dựng cách đây gần 300 năm, nhà thờ giáo xứ Cây Vông là một kiến trúc đẹp và ấn tượng với khu giáo đường bề thế ở trung tâm. Phía trước thánh đường là dòng sông hiền hòa uốn khúc bao bọc đồng lúa Ðồng Hiền tươi tốt hai mùa, ðàng sau cũng là một cánh đồng bát ngát trù phú mang tên Ðại Ðiền và xa hơn nữa có hai dãy núi Ðại An, Hòn Ngang hùng vĩ chạy dài từ đông sang tây che chở cho cả vùng đất hữu tình.  

Cách đó không xa, một di tích gắn liền với truyền thuyết dân gian, đền thờ nữ thần Thiên Y Ana được xây dựng nơi sườn núi Đại An, xây gạch, lợp ngói đơn sơ, núi cao khoảng 300 m, nhiều phiến đá to và rừng rậm, trước mặt là đồng rộng.

Đền có tượng thờ Bà Chúa, ngồi trên bệ rồng, tay cầm quạt đặt trên đầu gối. Mũ miện và trang phục của tượng rất gần gũi với lối triều phục của người Việt Nam.Theo truyền thuyết đây chính là nơi thờ Bà Chúa xứ đầu tiên, mãi đến thế kỷ VII-VIII mới được dời về Ponagar (Nha Trang ngày nay). Qua nhiều biến thiên của thời gian và lịch sử, miếu và tượng thờ cũng nhiều lần thay đổi, phục chế lại. Riêng hai ngôi mộ trước miếu có hai cây cổ chi (cây mã tiền) tỏa bóng, cũng theo truyền thuyết dân gian đây là mộ của vợ chồng người tiều phu già vẫn ở nguyên vị trí như xưa, được người đời sau xây lại bằng đá thành hai ngôi tháp như ngày nay.

Đền thờ nữ thần Thiên Y Ana 

Nhà cổ ở Diên Khánh

Một di tích không kém phần cổ kính nữa là chùa Thiên Lộc nằm ở thôn Phú Ân Nam, xã Diên An. Đây là một ngôi chùa cổ đẹp, nằm sâu trong một vùng thôn quê yên tĩnh với lũy tre làng và dòng sông uốn lượn, hàng chục ngàn du khách đến vãn cảnh mỗi năm. Mặt chùa nhìn về dãy núi Chín Khúc (còn gọi là núi Hoàng Ngưu), bên cạnh chùa có dòng sông chỉ có nước vào mùa mưa lũ, nên gọi là sông Cạn. 

Thật khó xác định đúng niên đại xây dựng chùa, nhưng những cổ vật có mặt trong chùa và các Long vị thờ Tổ sư tiền bối cho biết chùa Thiên Lộc đã được xây dựng cách nay gần ba thế kỷ. Trong chùa còn lưu giữ một đại hồng chung và một bảo chúng là hai vật rất xưa có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Trong sân chùa có 12 cây tùng được trồng thẳng tắp. Sau chùa là một cây bồ đề to lớn, phải bốn người dang tay ôm mới xuể.
Theo doanhnhansaigon

Gỏi sứa: ăn thả cửa mà không sợ tăng cân

Sứa còn có tên gọi là hải triết, không những là một món ăn ngon mà còn có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, hạ huyết áp, chống đầy bụng khó tiêu rất hiệu quả, thích hợp cho người ăn kiêng và bệnh tim mạch.

Gỏi sứa
Gỏi sứa
Nguyên liệu:
- 1 kg sứa tươi hoặc sứa muối
- 2 củ cà rốt, 2 củ hành tây, 3 củ hành tím, 2 trái ớt sừng, 1 củ tỏi, 1 trái chanh, 1 trái dưa leo, 50 gr mè trắng, 50 gr sả bào, 1 muỗng rượu trắng, nước mắm ngon, đường, muối, tương ớt.
Cách làm:
- Đối với sứa muối, ngâm nước muối loãng cho nhả chất muối ngấm trong sứa, xả nước sạch nhiều lần cho bớt mặn. Còn đối với sứa tươi thì xả nước sạch nhiều lần cho sạch cát.

- Cà rốt, ớt sừng cắt sợi; hành tây cắt nhỏ; hành tím bào mỏng; tỏi băm nhuyễn; mè trắng rang vàng.
- Trộn đều nguyên liệu gồm: sứa, cà rốt, ớt sừng, hành tây, hành tím, tỏi, 2 muỗng đường, 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng rượu trắng, nước cốt chanh.
- Trút gỏi ra đĩa, rắc mè lên trên mặt, trang trí bằng cọng cần tây và dưa leo cắt mỏng, ăn với nước mắm chua ngọt.
- Món gỏi sứa ăn rất ngon trong bất cứ bàn tiệc nào của gia đình, đặc biệt ngày lễ, tết. Gỏi sứa trộn nên ăn liền, nếu để lâu sứa sẽ bị teo lại vì thành phần chủ yếu của sứa là nước.
Lưu ý: Sứa có nhiều hoạt chất gây ngứa, người có cơ địa dị ứng nên cẩn trọng khi ăn.
Yến Nhi

Đổi món cuối tuần cho cả nhà với tép rong cuốn bún

Mùa này tép rong đang tươi, giá lại rẻ. Hãy đổi món cho cả nhà với món tép rong cuốn bún do nhà hàng Hải Hòn Chồng (quận 03) hướng dẫn. Mách bạn, ngày cuối tuần rảnh rỗi nên đi chợ vào sáng sớm để có thể mua được tép ngon, tép tươi là còn nhảy tanh tách, vỏ óng ánh. Mua về phải chế biến ngay, không nên cho vào tủ lạnh vì sẽ làm mất vị ngọt tự nhiên.

Cuối tuần, đổi món cho cả nhà với tép rong cuốn bún
Cuối tuần, đổi món cho cả nhà với tép rong cuốn bún
Tép rong có vị ngọt tự nhiên, khi cuốn với rau và bún giúp ngon miệng
và không tăng cân - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nguyên liệu:
- Tép rong tươi: 300gr
- Bún: 200gr
- Tỏi Lý Sơn; ớt hiểm: mỗi thứ 50gr
- Tía tô (50gr); húng quế (50gr); xà lách búp và ngò rí (100gr)
- Dưa leo: 1 quả; chuối chát: 1 quả; khế chua: 1 quả
- Gia vị. 
Cách làm:
- Tép rong nhặt kỹ để loại bỏ các loại rong biển, cỏ dại. Rửa sạch, để ráo.
- Rau tía tô, húng quế, xà lách, ngò nhặt lấy lá, rửa sạch.
- Dưa leo, chuối chát, khế chua rửa sạch, bào mỏng.
- Nước chấm: 1 muỗng canh nước mắm; 1 muỗng cà phê nước lọc; ½ muỗng cà phê đường; 1 muỗng cà phê nước cốt chanh; thêm tỏi ớt đập dập.
- Cho chảo nóng, phi thơm với đầu hành. Cho tép vào đảo nhanh tay, cho 1 muỗng cà phê nước mắm ngon, bột nêm và tiêu vào trộn đều. Tắt bếp.
- Bày các loại rau sống ra đĩa và bún ra đĩa. Cuốn với rau xà lách hoặc bánh tráng tùy thích. Ăn kèm tỏi và ớt hiểm.

Đồng Văn

Tẩm bổ cho cả nhà với lưỡi bò tiềm táo đỏ và hạt sen

Hạt sen và táo đỏ giúp an thần, dễ ngủ và giải nhiệt hiệu quả. Lưỡi bò bổ dưỡng lại không chứa nhiều mỡ như các bộ phận khác nên rất lý tưởng để làm món tiềm.

.
Tẩm bổ cho cả nhà với lưỡi bò tiềm táo đỏ, hạt sen
Táo đỏ ngọt thanh, hạt sen thơm bùi cùng vị ngọt đậm từ lưỡi bò mang đến thố
nước tiềm thơm ngon, giàu dưỡng chất - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nguyên liệu:
- Lưỡi bò: 1 cái (khoảng 500 gr)
- Hành tây: 2 củ
- Táo đỏ: 300 gr
- Hạt sen tươi: 200 gr
- Gia vị: gừng; hành đỏ; nước tương; dầu ăn; tiêu; muối …
Cách làm:
- Lưỡi bò làm sạch, sau đó rửa lại với muối và gừng băm nhuyễn cho hết mùi. Cắt khúc, ướp với 2 muỗng canh nước tương và 1 muỗng canh dầu ăn trong 30 phút.
- Hành đỏ băm nhuyễn, phi thơm và cho thịt bò vào xào săn lại. Đổ ngập nước và hầm liu riu bò trong vòng 2 giờ. Thỉnh thoảng nên cho vào vài viên đá lạnh cho bò nhanh mềm.
- Táo đỏ ngâm nước ấm cho mềm và rửa sạch; hành tây bổ làm tư, cắt khoanh; hạt sen tươi rửa sạch để ráo.
- Thịt bò mềm cho hạt sen vào; 15 phút sau cho tiếp táo đỏ vào. 10 phút sau cho hành tây vào, nêm nếm vừa ăn rồi cho tiêu lên trên, tắt bếp.
- Cho ra thố. Dùng nóng với bánh mì. 
Đồng Văn

Thử tài khéo léo làm chả đẫy - món ngon của làng Vẽ

Chả đẫy, còn gọi là món túi trứng, là món ngon lưu truyền trong dòng tộc của chuyên gia ẩm thực Phạm Vân Loan, gốc làng Vẽ, một làng cổ ở Hà Nội xưa.

.
Nguyên liệu:
Chả đẫy, món ngon đãi khách
Nguyên liệu tươi ngon với nhiều màu sắc bắt mắt - Ảnh: Bếp Gạch
- Tôm đồng bóc nõn: 150g
- Thịt nạc vai xay: 150g
- Hành tây: 1 củ 50g
- Nấm hương hay nấm đông cô: vài chiếc
- Cà rốt: 1 củ nhỏ
- Trứng vịt: 4 quả
- Rau mùi (ngò): 1 bó
Cách làm:
Chả đẫy, món ngon đãi khách
Món chả đẫy thể hiện sự tinh tế, khéo léo của gia chủ và sự trang trọng
dành cho khách - Ảnh: Bếp Gạch
- Nấm ngâm mềm, rửa sạch. Tất cả nguyên liệu gồm nấm, thịt, tôm, hành tây, cà rốt thái hạt lựu nhỏ rồi xào chín, nêm nếm vừa ăn.
- Trứng đánh tơi, thêm chút nước mắm ngon. Dùng chảo chống dính, đường kính khoảng 20 cm đun nóng rồi tráng đều mặt chảo bằng một miếng mỡ heo hay miếng bông gòn tẩm dầu ăn. Để lửa nhỏ cho chảo vừa nóng.
- Dùng 1 thìa canh, múc trứng vào chảo, nhẹ lắc để có 1 lớp trứng thật mỏng, trứng thừa phải đổ ra. Khi bề mặt trứng vẫn còn hơi ướt, múc 1 thìa cà phê chỗ nhân đã xào đổ vào giữa miếng trứng mỏng, cầm đũa gấp trứng làm đôi và túm từ hai bên vào giữa sao cho giống như thắt một cái túi nhỏ. Phần trứng mỏng bên ngoài xoè ra trông rất đẹp mắt, giống như chiếc đẫy mà người phụ nữ miền Bắc xưa hay dùng khi đi xa.
- Dùng cọng rau ngò (mùi) thắt vào cổ của miếng chả đẫy, hoặc lấy miến (bún tàu) nhuộm màu xanh, đỏ, vàng buộc vào cổ miếng chả cho đẹp. Món này rất hợp để đem ra đãi khách.
Bếp Gạch