Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Hòn Tre ve hát

Chiếc tàu khách cao tốc sơn màu trắng rời bến đậu Rạch Giá xé nước lao ra biển, đưa chúng tôi hướng tới Hòn Tre, huyện lỵ Kiên Hải của tỉnh Kiên Giang.
Nước biển Tây ngả màu lục, khác với nước biển Đông xanh màu dương quen thuộc. Đường ra đảo chỉ chưa đầy một giờ (nhưng nếu đi tàu khách thường cũng phải mất vài giờ)… Cầu tàu Hòn Tre vươn dài ra biển, khá thuận lợi, chắc chắn.
Chúng tôi xách hành lý về nhà khách ủy ban, lúc đó cũng mới xây dựng, rộng rãi, khang trang, nổi bật lên như một khách sạn hai tầng nhìn ra vụng biển rất đẹp. Các phòng đã chật hết, phải đến chiều chúng tôi mới nhận được phòng dù có báo trước. Khách nghỉ lại đây phần lớn là những người trẻ tuổi; có tàu cao tốc, có khách sạn, họ từ đất liền ra đảo vào những ngày nghỉ cuối tuần, chơi thoải mái...
Chúng tôi dạo quanh thị trấn nhỏ và ghé nhà ông Âu Văn Em, một trong những người cao tuổi, sinh ra và cư ngụ lâu năm trên đảo này… Ông Em dáng vẻ đúng là một ông già… phố thị vì tuy ông sống lâu năm trên đảo nhưng trong mấy dãy phố chợ ồn ào, tấp nập có những căn nhà giờ nền đã lát gạch men bóng lộn, bán đủ thứ hàng của một thị trấn đất liền.
Ông là cháu gọi bà Âu Thị Ét bằng cô ruột, bà này là vợ của một người Pháp được chính phủ Pháp ở Đông Dương hồi đó cho phép khai khẩn đảo đầu tiên. Tên ông Tây viết bằng tiếng Pháp ra sao, ở đây không ai nhớ, người ta chỉ đọc theo âm Việt: Lơ Đít Tua; và ông cũng có tên Việt là Lê Đức Tâm, nhại theo âm Pháp. Dấu tích của ông còn sót lại nơi đây là mô hình đảo Hòn Tre (hay còn gọi Hòn Rùa) đắp nổi bằng xi măng giống hình con rùa.

Dân Hòn Tre sống chính bằng các nghề buôn bán, dịch vụ... và từ lâu là một địa bàn hậu cần cho nghề cá của biển Rạch Giá. Một phần không nhỏ cư dân có vườn cây ăn trái mênh mông trên núi, nhiều nhất là xoài, mít, dừa… Người sống bằng nghề biển không nhiều. Cũng dễ hiểu: tuy sống ở đảo, nhưng lại gần đất liền, ít vốn liếng, người ta thu nhập bằng buôn bán, dịch vụ, trồng trọt… vẫn thuận hơn làm biển.
Chúng tôi leo những bậc khá cao lên phiến Đá Chuông, qua những lùm tre lòa xòa che bóng mát. Phiến đá giống mõm của một con cóc. Lấy một hòn đá nhỏ gõ vào kêu boong boong như chuông. Gõ những hòn bên cạnh chỉ nghe cạch cạch. Tôi nhớ tới một phiến đá hình như ở động Tuyết Sơn vùng Chùa Hương đã được Trịnh Sâm đề thơ rất nổi tiếng: Chở mây quanh quất lồng hương Phật / Gõ đá vang lừng thét nhạc Tiên…
Một góc Bãi Chén. Ảnh: N. S.TÂM
Trưa, chúng tôi thuê một chiếc xuồng máy chạy bọc qua Bãi Chén bên kia đảo. Gọi là Bãi Chén vì theo truyền thuyết, bãi này xưa có thuyền chở đồ sành sứ vì lý do nào đó (bị sóng hay buôn không phép) phải đổ chén bát tại đây… Bãi còn khá hoang sơ với mấy nếp nhà dân mộc mạc, một chiếc cầu tre lắt lẻo dắt lên bờ. Vài bạn mang theo võng tìm chỗ treo dưới tán cây lòa xòa mát rượi. Mấy người ham biển thì thay đồ, nhảy ùm xuống tắm giữa làn nước trong xanh, dù bãi nhỏ và nhiều hòn đá lô nhô.
Còn những người thích nhậu thì bắt mối ngay với mấy cô cậu bé mang bàn ghế nhựa và ghẹ tươi ra “tiếp thị”. Cũng đã có nhiều du khách đặt chân đến nên rác vứt lung tung dù các cô cậu bé đã ra sức dọn để đón khách mới. Các cô cậu bé lại rất lễ phép, không chèo kéo, cũng không nịnh nọt, dễ thương như những em học trò. Một bạn nữ thấy vậy liền cho một em quả táo. Em từ chối mãi không được bèn lấy dao bổ ra, mời các cô các chú ăn trước, rồi em mới dám ăn.

Trời trưa gió mát, biển xanh rờn vỗ vào bãi nhỏ. Đột nhiên, bầy ve trên cành đồng loạt cất lên bản nhạc điếc tai. Có người bảo rằng ve ở đâu cũng hát cùng một cao độ: đó là nốt la, không tin cứ đo thử. Chúng tôi chỉ có bút chứ làm gì có diapason (dụng cụ phát thanh âm la mẫu), nhưng chẳng có căn cứ nào nên cũng không ai cãi… Mọi người im lặng, mơ màng nghe nhạc ve trên đảo mà bây giờ hiếm có dịp được nghe…
Trời ngả chiều. Chúng tôi ra về theo con đường mòn vắt ngang qua đảo. Dốc lên thoai thoải, cây cối rợp bóng mát như một đường làng. Phần lớn là cây ăn trái, xoài, mít, dừa… Chúng tôi đã mua mít trên chiếc xe đẩy ở cầu tàu, chắc là bán cả về đất liền. Còn xoài trái nhỏ nắm được trong lòng bàn tay nhưng thật ngọt thanh… Những ống nhựa mềm, nhỏ bằng ngón tay chạy chi chít trên mặt đất, dẫn nước ngọt từ núi, chảy về mỗi hộ dân dưới bãi.
Thỉnh thoảng, bắt gặp nhà trên núi, những ngôi nhà gỗ mái lá trong khu vườn xoài tàn che mát rượi, và những hòn đá nhẵn thín, nhiều hình nhiều vẻ, mịn màng vây quanh thật nên thơ. Tôi có một người bạn ở Hà Nội ra ngoại ô cất nhà mới, đã mua một hòn đá nhỏ hơn rừng đá ở đây nhiều với giá gần chục triệu đồng. Mỗi khi đến nhà bạn, nhìn hòn đá, gốc cây... tâm hồn thấy thư thái hơn...

Chợt nhớ câu thơ của Ôn Như Hầu: Thoát trần một gót thiên nhiên / Cái thân ngoại vật là tiên trong đời... thì việc ra đảo nằm nghe ve hát chẳng thú vị sao
TRẦN THANH GIAO

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Dân tộc Tày




Dân tộc Tày là một trong những dân tộc thiểu số của Việt Nam có số dân đông nhất.

Dân tộc Mạ



Báo Ảnh Dân Tộc Miền Núi xin giới thiệu video về dân tộc Mạ

Dân tộc Bru - Vân Kiều



Video giới thiệu về dân tộc Bru Vân Kiều

Dân tộc Brâu



Xin trân trọng giới thiệu video về dân tộc Brâu

Dân tộc Chứt




Dân tộc Chứt ở nước ta có trên 7.000 người, phân bố chủ yếu ở Quảng Bình. Mời các bạn xem video để tìm hiểu thêm về dân tộc Chứt.

Dân tộc Chơ Ro



Dân tộc Chơ Ro có khoảng gần 30.000 người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Dân tộc Cơ- Ho



Dân tộc Cơ- Ho
Dân tộc Cơ- Ho ở nước ta có trên 130.000 người, sinh sống chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng. Mời các bạn theo dõi video để tìm hiểu thêm về dân tộc này.

Dân tộc La Ha

Dân tộc La Chí



Dân tộc La Chí cư trú chủ yếu ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Hoa gạo chùa Trầm

TTO - Tháng ba hoa gạo thắp đỏ những cánh đồng Bắc bộ, dù trời đất âm u và se lạnh bởi những cơn gió mùa đâu đấy cứ bất chợt ùa về.


Ảnh: Hạ My


Tháng ba với những chiều cuối tuần gạt lại sau lưng bao hối hả, nửa tiếng chạy xe rời khỏi nội thành Hà Nội vẫn không ra khỏi Hà Nội nay, nhưng đã sang đất Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Tây khi xưa.
Chiều lang thang ở chùa Trầm.
Ngôi đền bé nhỏ nằm im lìm dưới chân núi, lẫn trong đám lá xanh rậm rạp và chút khói hương huyền hoặc như cố xua tan những cơn gió lạnh cuối mùa đang lơ lửng nghiêng mình bay qua những tàng cây.
Tháng ba năm nào cũng tới chốn ấy mà năm nào cũng thấy bàng hoàng khi ngước mắt nhìn trời. Trên con đường nhỏ quanh khu chùa Trầm, những gốc gạo đã nở hoa đỏ rực, lung linh như những ngọn nến bừng lên trên nền trời không có nắng.


Ảnh: Hạ My
Ảnh: Giang Nguyên


Cây gạo ở ngã ba đầu đường vào đã có cả hoa và lá, hai thứ màu xanh nõn và đỏ hồng xen kẽ vào nhau, giữa những cành gầy guộc khẳng khiu, chằng chịt đan xen khiến bức tranh mang sắc màu của sự bí ẩn. Mấy gốc gạo bên sườn núi và nơi góc miếu trông có vẻ dịu dàng hơn với kiểu thân cây vươn lên trời thẳng tắp, hoa gạo xòe bung trên từng lớp cành như một búp tay xinh.
Từ phía bên kia sân bóng, thấy đám trẻ con đạp xe đi học về ngang đang nói cười hân hoan, những chiếc xe máy chở theo gánh gánh gồng gồng, kéo theo cả xe cải tiến vội vã ào qua.
Cuộc sống cứ giản dị và bình thản trôi. Như mỗi ngày vẫn thế.


Ảnh: Hạ My


Đẹp nhất có lẽ là cây hoa gạo ở gần cây cầu nhỏ, hình dung cổ quái, cành to, cành nhỏ nổi bật trên nền núi đá vôi xám trắng. Hoa gạo rụng nằm lác đác dưới gốc, tản mản vương trên con đường. Một vài đứa trẻ đạp xe ngang, dừng xe chạy xuống nhặt một bông cầm lên tay vơ vẩn. Nam thanh nữ tú cũng dừng xe nhặt bỏ vào giỏ xe vài bông hoa gạo, như mang những đốm lửa nhỏ trên cả chặng đường đi học, về nhà…
Tôi nằm ườn mình trên chiếc chõng tre, nói chuyện phiếm với cụ bà hàng nước, chuyện làng này, xã kia chơi hội, chuyện người trên phố mấy hôm vừa rồi về chụp ảnh cưới quanh gốc cây gạo thật là nhiều, chuyện một thanh niên Hà Tây đùa vui tếu táo, rằng cây gạo này đẹp thế, ai chụp ảnh phải lên phường để nộp thuế…
Tan cả một buổi chiều hoang…


Ảnh: Hạ My


Thế là hết tháng ba. Hoa gạo đỏ, và hoa gạo rụng, nhưng năm nào rồi cũng lại vội vã chạy xe qua chùa Trầm, để tìm cho mình những thong thả và tĩnh lặng rất riêng của hoa gạo tháng ba.

Bên cầu Phú Cam xứ Huế

Cầu Phú Cam bắc ngang con sông đào An Cựu, cách cồn Dã Viên của sông Hương về phía Nam chừng hơn một cây số. Vào thế kỷ XVII, dưới thời các chúa Nguyễn, khu vực này là phủ, là chỗ ở dành cho các vương tử, rồi được gọi là Phú Cam. Đây cũng là nơi có làng nghề làm nón nổi tiếng lâu đời của Huế.
Đi theo đường Nguyễn Trường Tộ đến cầu Phú Cam rồi qua cầu một đoạn, những du khách yêu thích kiến trúc sẽ tìm thấy hai công trình đẹp đáng tham quan là Nhà thờ chánh tòa Phủ Cam và chùa Quốc Ân.
Ngay chân cầu Phú Cam có một đoạn dốc ngắn dẫn lên Nhà thờ chánh tòa Phủ Cam. Nhà thờ tọa lạc trên một ngọn đồi thấp. Đi từ xa đã thấy hai ngọn tháp chuông cao vút in lên nền trời trong xanh ẩn hiện sau những tán cây. Đây là một trong những giáo đường lớn và lâu đời nhất của cố đô.


Đường vào Nhà thờ Phủ Cam


Được xây dựng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XVII, sau ba lần bị phá hủy toàn bộ, năm 1963 nhà thờ được xây dựng lại và đến năm 1995 mới cơ bản hoàn thành. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã thiết kế thánh đường theo lối kiến trúc hiện đại vẫn trang trí theo phong cách nghệ thuật cổ điển của phương Tây. Dáng vẻ thanh thoát nhẹ nhàng cùng với vị trí ở trên cao của nhà thờ khiến du khách khi ngắm nhìn từ xa cũng đã cảm thấy lòng thư thái hơn.


Hai tháp chuông nhà thờ


Mặt bằng xây dựng nhà thờ mang dạng thánh giá. Các trụ đỡ được đúc sát vào tường, chạy uốn cong dần về phía trước, mềm mại. Lòng nhà thờ rộng, có thể chứa được 2.500 người đến dự lễ. Có hai dãy cửa gương màu nằm ở phần trên, bên trong nhà thờ cung cấp ánh sáng cho nội thất. Cung thánh là một hình tròn có các cấp đi lên, trên cung là một hình tròn nhưng nhỏ hơn với bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối.
Ra khỏi con dốc nhà thờ rồi rẽ trái theo đường Nguyễn Trường Tộ, đi thêm chừng 2km du khách sẽ gặp một ngôi chùa cổ nằm tại chân đồi. Đó là chùa Quốc Ân, một trong những ngôi chùa cổ nhất xứ Huế và cũng là công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa Phật giáo của nhiều thời kỳ lịch sử qua nhiều lần trùng tu.


Cổng chùa Quốc Ân


Mái chùa nâu sẫm nằm trầm mặc giữa khuôn viên rộng thênh thang mướt xanh cây cối. Xung quanh chùa cũng là dải đồi xanh yên ả. Chùa được tổ sư Nguyên Thiều (người ở Triều Châu, Quảng Đông) xây vào khoảng năm 1683-1684. Thời ấy, chùa Quốc Ân là một ngôi tổ đình danh tiếng bậc nhất và có vai trò lịch sử rất quan trọng đối với quá trình phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong.
Kiến trúc chùa Quốc Ân theo kiểu chữ khẩu truyền thống của xứ Thuận Hóa xưa. Chùa hiện lưu giữ được nhiều tượng khí và pháp khí xưa quý từ thời khai sơn cho đến nay, chẳng hạn bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca được chú tạo vào khoảng năm 1851…
Gian bên trái thờ Bồ tát Quan Thế Âm, hai bên là hộ pháp, phía trước thờ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh (Quan Vân Trường). Các tượng khí này đều do tổ sư Nguyên Thiều mang từ Trung Quốc sang. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có hoa văn rất đẹp, được đúc từ thời Minh Mạng và nhiều pháp bảo, pháp khí khác như đại hồng chung, bia ký...
Qua nhiều lần được các đời hoàng thân quốc thích triều Nguyễn trùng tu, xây đắp, chùa Quốc Ân được bổ sung những phong cách kiến trúc, trang trí của nhiều thời kỳ lịch sử. Chùa được coi là một trong những ngôi tổ đình ở Huế còn lưu lại nhiều dấu ấn văn hóa xưa quý nhất của Phật giáo xứ Thuận Hóa.


Một góc khuôn viên chùa




Toàn cảnh chùa

Vãn cảnh chùa Tây Phương

TTO - Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xuôi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, chỉ sau gần một tiếng đồng hồ đi xe máy, chúng tôi đã có mặt tại chùa Tây Phương- ngôi chùa cổ nổi tiếng với 16 pho tượng các vị La Hán.
Chùa Tây Phương (hay còn gọi là Sùng Phúc tự) nằm trên ngọn núi Tây Phương, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Trái với cảnh chen lấn, đông đúc của nhiều ngôi chùa khác trong dịp đầu năm, khung cảnh chùa Tây Phương vẫn yên bình và trong trẻo.


Từ cổng chùa này, đi bộ qua 239 bậc đá, du khách đã đặt chân lên đến đỉnh núi và chùa chính




Lối vào chùa chính


Từ chân núi, đi qua 239 bậc lát đá ong, bạn sẽ đặt chân đến cổng chùa. Trước mắt hiện ra ba nếp nhà song song gồm bái dường, chính diện và hậu cung. Xung quang diềm mái của ba toà đều trạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn. Đầu mái nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng được trạm trổ rất tinh tế. Mỗi nếp có hai tầng mái, tường xây hoàn toàn bằng gạch nung đỏ để trần.
Một cảm giác thô sơ, mộc mạc ùa về dễ chịu...


Tường chùa chính được xây bằng gạch nung đỏ, để trần tạo cảm giác thô sơ và mộc mạc




Tháp cổ bên hông chùa chính


Đi sâu vào bên trong các gian của chùa, được tận mắt chiêm ngưỡng những pho tượng Phật được coi là kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo mới thấy thật ấn tượng.
72 pho tượng cùng các phù điêu có mặt ở khắp nơi trong chùa. Nhiều pho tượng được tạc cao lớn như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp. Theo tài liệu để lại, phần lớn các tượng này đều có niên đại cuối thế kỷ XVIII. Một số khác được tạc vào giữa thế kỷ XIX.
Nhưng du khách vãn cảnh chùa vẫn thích diện kiến 16 pho tượng các vị La Hán. Mười sáu vị, kẻ đứng người ngồi; vị ngước mặt lên trời hướng vào mây khói, người tì cằm nghếch môi cười, vị vẻ mặt trầm tư, đăm chiêu khắc khổ...
Những câu thơ sống động miêu tả “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của nhà thơ Huy Cận được học từ hồi phổ thông giờ lại để mọi người chiêm nghiệm:
... Đây vị xương trần chân với tay
    Cớ chi thiêu đốt tấm thân gầy
    Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
    Tự bấy ngồi y cho đến nay...



Các vị La Hán chùa Tây Phương




Cổng chùa Thanh Am


Vòng quanh ngọn núi, ngoài khuôn viên Tây Phương, những bậc thang bằng đá ong còn đưa bạn đến thăm chùa Thanh Am rồi chùa Quan Âm.
Đường xuống thoai thoải. Hàng tre hai bên đường cao vút. Có khi cuối con đường nhỏ xinh lại bắt gặp những nếp xây toàn bằng đá ong, một đàn gà con líu ríu chạy theo chân mẹ, cảm giác như đang lọt vào một ngôi làng cổ. Có nhà chủ nhà đi vắng, chỉ lấy mỗi cành tre làm “cổng”... Cảnh vật đẹp và quá yên bình.
Tự nhiên thấy lòng nhẹ nhõm, tạm xa cái ồn ào, bon chen của cuộc sống ngoài kia…


Ngôi nhà làm bằng đá ong bắt gặp trên đường đi




Bà cụ coi sóc đền Trình - ngôi đền nhỏ ở đầu lối dẫn vào chùa Quan Âm




Chỉ một nếp nhà với cành tre khô làm “cổng” khiến ta cảm thấy nhẹ lòng


ĐẶNG HÀ -

Văn miếu Xích Đằng: Tự hào đất học Phố Hiến

TTO - Nằm giáp con sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa, thuộc TP Hưng Yên, văn miếu Xích Đằng là một di tích quan trọng trong quần thể cụm di tích Phố Hiến. Với gần 400 năm tồn tại và ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam thượng, nó đã trở thành một biểu tượng về truyền thống hiếu học của người dân mảnh đất “Nhất kinh kì, nhì Phố Hiến”.


Cổng tam quan (Nghi môn) đồ sộ mà cổ kính


Dù nằm trong khu dân cư, nhưng đi ngay trên cầu Yên Lệnh, thuộc quốc lộ 38 nối Hà Nam với Hưng Yên có thể quan sát được văn miếu Xích Đằng từ hai cây gạo đã có hàng trăm năm tuổi được trồng trước cổng. Nằm trên đường dẫn vào còn có tượng hai con nghê đá lớn được tạc từ thế kỷ 18.
Tam quan (hay còn gọi là cổng Nghi môn) của văn miếu Xích Đằng là một trong những công trình còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo trong các văn miếu còn lại ở Việt Nam. Được dựng theo lối kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác. Hai bên Tam quan có hai bục loa, dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi hương.
Thay vì lầu trống như ở các văn miếu Quốc tử giám, văn miếu Mao Điền, ở văn miếu Xích Đằng lầu trống được thay vào bằng lầu chuông. Tiếng chuông và tiếng khánh vang lên chính là lúc báo hiệu  giờ thi đã bắt đầu và kết thúc, đồng thời nó cũng là tiếng cầu thỉnh tỏ lòng biết ơn, tri ân với những bậc hiền nho trong mỗi dịp lễ hội. Hai chiếc chuông và khánh của văn miếu cũng là những di vật cổ được đúc và tạo dựng từ thế kỷ 18.


Sự đối xứng trong đường dẫn vào khu văn miếu Xích Đằng


Từ điển Địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam của Nguyễn Như Ý và Nguyễn Thành Chương ghi rõ văn miếu Xích Đằng là một trong sáu văn miếu còn tồn tại cho đến ngày nay của đất nước và văn miếu Hưng Yên cũng là một trong hai văn miếu lâu đời nhất (đứng sau văn miếu Quốc Tử Giám).
Thế kỷ 17 dưới thời vua Lê Thánh Tông, để chấn hưng lại đạo Nho, triều đình đã cho thành lập nhiều trường học bên ngoài trường Quốc Tử Giám ở các trấn. Ở trấn Sơn Nam (gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và một phần đất của Hà Nội và Hưng Yên) văn miếu Sơn Nam (văn miếu Xích Đằng khi đó) được xây dựng vừa làm nơi để thờ tự các bậc hiền nho, vừa là nơi tổ chức các kỳ thi của trấn.


Bên trong văn miếu


Sau nhiều biến chuyển trong việc chia tách lại địa lý các trấn dưới các triều Hậu Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn, văn miếu Xích Đằng trở thành văn miếu của trấn Sơn Nam thượng và sau này là của tỉnh Hưng Yên.


Văn miếu Xích Đằng kết cấu theo kiểu chữ Tam: gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái được kết cấu theo kiểu “trùng thiềm địa ốc”. Mặt chính quay về hướng nam. Bên trong khu nội tự tỏa sáng với hệ thống các đại tự, cấu đối, cửa võng và một hệ thống các trụ, kèo được sơn son thếp vàng phủ kim hoàn toàn.
Hiện vật quý giá nhất trong văn miếu còn lưu giữ được đến ngày nay đó chính là 9 tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ của 161 vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam thượng xưa. Trong đó có 138 vị ở Hưng Yên và 23 vị ở Thái Bình.
Cũng theo những gì được ghi chép lại trên quả chuông và khánh còn lưu giữ ở văn miếu,̀ sở dĩ văn miếu Hưng Yên còn có tên là văn miếu Xích Đằng vì nó được xây dựng trên nền của chùa Nguyệt Đường, làng Xích Đằng, xã Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động xưa, nay là phường Lam Sơn, TP Hưng Yên. Hiện phía sau văn miếu vẫn còn hai di tích của ngôi chùa Nguyệt Đường còn lưu lại là hai tháp đá, Phương Trượng tháp và Tịnh Mãn tháp.

Trước đây diện tích của văn miếu Xích Đằng rất nhỏ hẹp, phải đến cuộc đại trùng tu vào thời Minh Mệnh thứ 20, tức năm Kỷ Hợi (1839), đời vua Nguyễn Thánh Tổ (1840 - 1840), quy mô của văn miếu mới được mở rộng như ngày nay.
Ngay từ khi được xây dựng vào thế kỷ 17 dưới thời Lê và đến hết thời nhà Nguyễn sau này, văn miếu Xích Đằng là nơi tổ chức các kỳ thi, bái tế các bậc hiền nho vào mỗi dịp “xuân thu nhị kỳ” hằ̀ng năm của toàn trấn Sơn Nam và tỉnh Hưng Yên sau này.


Đài chuông với chiếc chuông cổ từ thế kỷ 18
Đài khánh với chiếc khánh cổ từ thế kỷ 18


HOÀNG ĐAN
Tỉnh Hưng Yên không chỉ nổi tiếng với thương cảng Phố Hiến, từng được mệnh danh là “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, mà còn có một văn miếu Xích Đằng với 138 vị đại khoa xuất thân từ mảnh đất văn hiến, địa linh nhân kiệt này.
Từ các khoa thi đầu tiên dưới thời nhà Trần đến khoa thi cuối cùng vào cuối thời nhà Nguyễn, tỉnh Hưng Yên đều có người đỗ đạt cao. Thời nào cũng có người tài của đất Hưng Yên đỗ đạt ra giúp việc nước, việc dân. Học vị cao nhất được ghi danh ở các bia đá còn lưu lại là trạng nguyên Tống Trân, thời nhà Trần; trạng nguyên Nguyễn Kỳ, triều nhà Mạc; trạng nguyên Dương Phúc Tư, triều nhà Lê. Chức vụ cao nhất được biết đến là tiến sĩ Lê Như Hổ, quận công triều nhà Mạc…
Trước Cách mạng tháng 8-1945 văn miếu Xích Đằng là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của trung ương, xứ ủy, tỉnh ủy Hưng Yên.

Ở văn miếu Hưng Yên hiện tại đang thờ hai pho tượng của Đức Khổng Tử và các bậc chư hiền nho gia. Cùng với đó là pho tượng của người thầy giáo lỗi lạc, người hiệu trưởng đầu tiên của văn miếu Quốc Tử Giám Chu Văn An. Khác với cách bài trí của các văn miếu khác, ở văn miếu Hưng Yên, tượng Chu Văn An được đặt thờ ngay ở phía giữa khu đại bái, còn tượng Đức Khổng Tử và các vị chư hiền nho gia được đặt thờ trong phần hậu cung. Điều này cho thấy sự kính trọng, vinh danh tấm lòng, đức độ người thầy lỗi lạc muôn đời của nền giáo dục Việt Nam mang tên Chu Văn An.

Khám phá Văn miếu Xích Đằng nổi danh Phố Hiến


(Kiến Thức) - Sau 4 thế kỷ tồn tại, Văn miếu Xích Đằng đã trở thành biểu tượng cho nền học vấn đáng tự hào của người dân Phố Hiến. 
Kham pha Van mieu Xich Dang noi danh Pho Hien
Nằm ở địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Văn miếu Xích Đằnghay còn gọi là Văn miếu Hưng Yên là một di tích quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến.
Kham pha Van mieu Xich Dang noi danh Pho Hien-Hinh-2

Căn cứ vào khánh, chuông còn lại ở văn miếu.Văn miếu Xích Đằng xưa kia là văn miếu của trấn Sơn Nam, được xây dựng từ thế kỷ 17 trên nền của chùa làng Xích Đằng. Theo thói quen của người dân, tên gọi của ngôi làng dần dần được sử dụng cho tòa văn miếu này.Kham pha Van mieu Xich Dang noi danh Pho Hien-Hinh-3
Năm 1831, khi tỉnh Hưng Yên được thành lập thì Văn miếu Xích Đằng trở thành một văn miếu thuộc hàng tỉnh của triều Nguyễn. Công trình được trùng tu, tôn tạo lớn vào năm 1839, thời vua Minh MạngKham pha Van mieu Xich Dang noi danh Pho Hien-Hinh-4
Về kiến trúc, Văn miếu Xích Đằng quay về hướng Nam, nghi môn được xây dựng đồ sộ, bề thế, mang dáng dấp cổng Văn miếu Hà Nội. Sau cổng có sân rộng, ở giữa sân là đường thập đạo, hai bên sân có lầu chuông và lầu khánh cùng 2 dãy tả vu, hữu vu. Hai dãy này hiện nay được dùng để trưng bày các hình ảnh và hiện vật liên quan đến giáo dục của tỉnh Hưng Yên.Kham pha Van mieu Xich Dang noi danh Pho Hien-Hinh-5
Khu nội tự có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm các gian tiền tế, trung từ và hậu cung, kiến trúc giống nhau, được làm theo kiểu vì kèo trụ trốn. Hệ thống mái của các tòa được làm liên hoàn kiểu "Trùng thiềm điệp ốc".Kham pha Van mieu Xich Dang noi danh Pho Hien-Hinh-6
Toàn bộ khu nội tự Văn miếu toát lên sự lộng lẫy bởi hệ thống đại tự, câu đối, cửa võng và hệ thống kèo cột đều được sơn thếp phủ hoàn kim.Kham pha Van mieu Xich Dang noi danh Pho Hien-Hinh-7
Hiện tại Văn miếu đang thờ Khổng Tử, người được suy tôn là "Vạn thế sư biểu", và các chư hiền của Nho gia. Cùng thờ với Khổng Tử là Chu Văn An, người thầy giáo, người hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quốc Tử GiámKham pha Van mieu Xich Dang noi danh Pho Hien-Hinh-8
Hiện vật còn lại của Văn miếu hiện nay là 9 tấm bia đá, trong đó 8 bia được lập năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), một bia được lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi danh các nhà khoa bảng Hưng Yên.Kham pha Van mieu Xich Dang noi danh Pho Hien-Hinh-9
Có 138 vị đỗ đại khoa được ghi khắc vào bia từ thời Trần đến năm 1919 - khoa thi cuối cùng khoa cử nho học, trong đó có 21 vị nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình (phủ Tiên Hưng trước kia thuộc Hưng Yên, nay thuộc Thái Bình).Kham pha Van mieu Xich Dang noi danh Pho Hien-Hinh-10
Sau 4 thế kỷ tồn tại, Văn miếu Xích Đằng đã trở thành biểu tượng cho nền học vấn đáng tự hào của người dân Phố Hiến.
Quốc Lê

Văn miếu Xích Đằng – biểu tượng tinh thần hiếu học của người Hưng Yên


(Xây dựng) - Nằm trong quần thể di tích Phố Hiến, Văn miếu Xích Đằng được khởi dựng từ cuối thời Lê ( Thế kỷ XVII – khoảng năm 1701), là biểu tượng cho nền văn hiến và tinh thần hiếu học có truyền thống lâu đời của người Hưng Yên.

Văn miếu Xích Đằng (Văn miếu Hưng Yên) tọa lạc tại địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên.
Văn miếu Xích Đằng được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839) trên nền móng ngôi chùa cổ Nguyệt Đường. Tương truyền, chùa có 36 nóc do Hương Hải Thiền Sư khởi dựng năm 1701. Xét về quy mô, giá trị kiến trúc và các di vật còn lưu giữ được đây là một trong sáu Văn miếu còn tồn tại cho đến ngày nay trên cả nước.

Tam quan Văn Miếu được xây dựng theo kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác là nơi “thưởng nguyêt - bình văn”cho các sĩ tử khi xưa. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng và còn được lấy làm biểu tượng tỉnh Hưng Yên.
Trong quy hoạch tổng thể khuôn viên Văn miếu Hưng Yên được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích gần 6ha bao gồm khu Văn miếu, khu chùa Nguyệt Đường, khu văn hóa khuyến học, dinh Hoàng Cao Khải, đền thờ Lạc Long Quân, phòng trưng bày truyền thống…

Qua Tam quan sẽ tới sân Văn miếu và tòa chính. Khoảng sân này có đường thập đạo thể hiện ý nghĩa về “Thập nghĩa” trong Nho giáo; là nơi diễn ra các kì thi hương.
Hai chiếc chuông và khánh tại Văn miếu là những di vật cổ được đúc và tạo dựng từ thế kỷ XVIII. Tiếng chuông, tiếng khánh được sử dụng trong các kì thi báo hiệu giờ thi bắt đầu và kết thúc. Ngày nay, vào mỗi dịp quan trọng của tỉnh nó cũng được vang lên để tỏ lòng biết ơn, tri ân tới các bậc hiền tài.

Chuông đồng tại Văn miếu được đúc năm Gia Long thứ 3 (1804)

Khánh đá có niên đại 1803

Hai dãy Tả vu và Hữu vu trước dành cho các quan viên tạo soạn, chuẩn bị trang phục trước khi vào lễ thánh. Nay là phòng trưng bày, giới thiệu những hình ảnh tài liệu về nền giáo dục Hưng yên xưa và nay.
Hiện vật quý giá nhất trong Văn miếu còn được lưu giữ đến ngày nay là 9 tấm bia đá ghi danh 161 vị đại khoa trong tổng số 228 vị khoa bảng của tỉnh, từ thời Trần đến thời Nguyễn thuộc trấn Sơn Nam xưa (tỉnh Hưng Yên có 138 vị, Thái Bình có 23 vị). 8 tấm bia dựng năm Đồng Khánh thứ ba (1888), 1 tấm dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943).

Bia đá – nơi ghi danh các bậc hiền tài

Cửa chính điện là bàn thờ thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) – nhà sư phạm tài năng đức độ thời Trần.

Phía sau là ban thờ Khổng Tử (551-479 TCN)- người sáng lập ra Nho giáo và các chư hiền của Nho gia.
Ngày nay, Văn miếu Xích Đằng trở thành trung tâm giáo dục thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, các ngày mồng 4 và mồng 5 tháng giêng nơi đây lại diễn ra các hoạt động văn hóa như: tế lễ, dâng hương, triển lãm thư pháp, hát ca trù, cho chữ thánh hiền…. Văn miếu Xích Đằng là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của tỉnh Hưng Yên, là một trong những điểm văn hóa du lịch tâm linh thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách khi đến với Phố Hiến – Hưng Yên.
Khánh Hòa

Miếu Ông Cọp

TTO - Cứ đến dịp Tết nguyên đán, miếu Ông Cọp lại được bà con trong vùng dọn dẹp, sửa soạn, quét vôi mới sáng đẹp bằng tất cả tâm ý. Những ngày Xuân, lúc nào miếu cũng ấm áp bởi hương trầm khói quyện. Và, dù có đi đâu xa, chân trời góc bể, khi nhắc về miếu Ông Cọp hầu như người Hội An xa xứ nào cũng nhớ.


Miếu ông Cọp Hội An xuân Canh Dần


Đó là một ngôi miếu nhỏ tọa lạc ở Tổ 3, Khối Xuân Mỹ, Phường Tân An, TP. Hội An. Xa xưa, Hội An có 13 ấp, mỗi ấp đều có một đình làng thờ Thành hoàng và các vị thần bảo trợ cho làng. Miếu Ông Cọp được dân làng đóng góp dựng nên từ đầu Thế kỷ 17 và Xuân Thu nhị kỳ đều cúng vọng trang nghiêm. Năm 2007, chính quyền TP. Hội An đầu tư kinh phí trùng tu nên hiện nay, miếu khá khang trang, vững chãi.
Gọi là Miếu Ông Cọp vì có truyền thuyết cho rằng: Ngày xưa, ấp Xuân Mỹ nằm trong vùng đất lâm sa xứ (đất cát và rừng). Ngày nọ, có một con cọp bị thương từ đâu chạy đến Xuân Mỹ ẩn nấp và tự điều trị vết thương. Sau, do vết thương quá nặng, cọp chết. Dân trong làng bèn xây miếu thờ nên gọi miếu Ông Cọp.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng: Gọi là miếu Ông Cọp vì tấm bình phong trước miếu có đắp nổi hình con Cọp đang giương nanh, diễu võ thể hiện sức mạnh của Chúa Sơn lâm. Chính từ hình tượng Cọp mà gọi thành tên.
Cách lý giải này tuy đơn giản nhưng thuyết phục vì, cũng như người Việt ở các nơi, người Hội An quen đặt tên công trình công cộng gắn với người, vật ở nơi đó. Ví dụ: Giếng Bá Lễ vì giếng nằm sau nhà bà Bá Lễ (phường Minh An), miếu ông Điều vì nằm ở vườn ông Điều (xã Cẩm Thanh), chợ bà Lê vì chợ họp ở cạnh nhà bà Lê (phường Cẩm Châu) và cái chợ nhỏ nằm cạnh miếu này cũng gọi là chợ Ông Cọp.
Miếu chia làm 3 gian. Gian giữa thờ thành hoàng và các bị bảo trợ cho làng. Hai gian bên thờ tiền vãng, hậu vãng (các bậc tiền, hậu hiền). Miếu nằm giữa khu dân cư, không có bất cứ hoạt động gì liên quan đến mê tín dị đoan nhưng theo người dân thì miếu linh lắm. Hằng ngày, người buôn bán đều đến thắp hương cầu cho mua mau bán đắt. Có ai tranh cãi lại cùng dắt nhau đến trước miếu nhờ chứng giám, phân định. Những kẻ hung dữ mỗi khi đi qua miếu cũng e dè, lo sợ mà tự điều chỉnh mình.


Bức bình phong với hình ông Cọp đắp tạc từ những ngày xa xưa


Các lão niên đứng chủ tế ở miếu Ông Cọp như cụ Trần Thái Châu, Đỗ Chơi cho biết ngày trước, dân địa phương đóng góp cúng Xuân Thu nhị kỳ mỗi năm nhưng sau này chỉ cúng vào dịp tế Xuân cầu an, ngày 18 tháng Giêng. Vùng dân cư ở miếu Ông Cọp, nổi bật một nét ứng xử rất văn hóa. Cứ dịp tế Xuân, khi cờ xí tung bay, chiêng trống nổi lên, nhân dân lại tự nguyện tìm đến góp kinh phí cho chi phí cúng miếu do các lão niên đặt ngay tại miếu, Ban tổ chức không phải mang sổ đến từng nhà kêu gọi, vận động.
Ông Ngô Đa Tư, đã vào độ tuổi lục tuần, từ bao đời vẫn sống ở Xuân Mỹ, vẫn tham gia vào Ban tế lễ của làng, vui chuyện: “Khi xưa, lúc tôi chừng 10 tuổi, tại miếu còn có cúng cô hồn, xá tội vong nhân vào tháng 7 âm lịch và thường tổ chức xô cộ rộn ràng. Nhưng ấn tượng nhất là sau khi cúng làng thường tổ chức tục rước Long Chu, mà là Long Chu chạy.
Ông mô tả: từ miếu Ông Cọp, Long Chu được các thanh niên trong làng vác chạy quanh xóm. Lúc Long Chu chạy quanh xóm cũng là lúc các nhà có con khó nuôi cầm roi dâu quất vào các góc khuất, ý là để trừ tà ma, ôn hoàng, dịch lệ rồi chờ khi Long Chu chạy qua sẽ ném cây roi vào đó. Điểm đích là ao làng. Nơi đó, Long Chu được thả xuống và đốt cháy, tống tiễn tà ma, ôn hoàng về chín suối.
"Trước khi Long Chu bị đốt, đám trẻ con như tôi nhanh chân chạy đến vặt một chiếc râu hay một chút vảy Long Chu mang về cho mẹ. Mẹ may chiếc túi nhỏ, bỏ râu Long Chu vào đó làm bùa cho trẻ con đeo trước ngực để tà ma sợ không dám đến gần làm cho trẻ con đau ốm. Ngày nay, không còn tục này nhưng trong tế lễ, các vị cao niên luôn khấn cầu cho Quốc thái dân an, xóm làng bình yên vô sự, kinh tế nhà nhà phát triển, đời sống ấm no hạnh phúc”, ông Tư kể.
Xuân Canh Dần, năm Cọp này, miếu Ông Cọp Hội An càng được chăm chút kỹ hơn.

Mênh mông hồ Đa Mi- Hàm Thuận

Đa Mi - Hàm Thuận là 2 hồ thủy điện trên sông La Ngà, chảy qua địa phận huyện Thuận Bắc (Bình Thuận) cách Phan Thiết hơn 60 km. Đây là vùng rừng núi còn nét hoang vu, dân cư thưa thớt.
Có dịp đến đây, các bạn sẽ thấy hồ nước mênh mông, phẳng lặng, bao bọc chung quanh bởi những dãy núi nhấp nhô với một màu xanh biếc. Hình ảnh về hồ thủy điện Đa Mi và Hàm Thuận được bạn Võ Như Quốc chia sẻ.

Mênh mông hồ Đa Mi - Hàm Thuận
Hồ Đa Mi.
Mênh mông hồ Đa Mi - Hàm Thuận
Hồ Đa Mi nhìn từ xa.
Hồ Hàm Thuận.
Mây trên hồ Đa Mi.
Sương sớm ở Đa Mi.

Võ Như Quốc