Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Đình Vĩnh Phong




Di tích nghệ thuật đình Vĩnh Phong

Có dịp xuôi dòng kinh Trà Cú, đến vàm Rạch Cây Gáo du khách sẽ nhìn thấy một ngôi đình cổ nằm soi bóng bên dòng nước - đó là đình Vĩnh Phong, nơi lưu niệm ông Mai Tự Thừa, người đã có công khai cơ lập làng, lập chợ tạo nên sự phồn thịnh của Thị trấn Thủ Thừa ngày nay.
      Khoảng cuối thế kỷ XVIII, ông Mai Tự Thừa đến làng Bình Lương Tây khai khẩn một dây đất 4 mẩu dọc theo kinh Trà Cú (kinh Thủ Thừa) và cất một ngôi quán nhỏ ở bờ kinh để buôn bán. Do quán của ông ở ngay giáp nước kinh Trà Cú nên ghe thương hồ tụ hội mua bán, trao đổi rất đông, dân cư tìm đến sinh sống ngày một nhiều. Vì thế ông Mai Tự Thừa đã đắp đường, làm bến ghe và lập một cái chợ bằng lá để có nơi mua bán, đó chính là chợ Thủ Thừa ngày nay. Hình ảnh có liên quan
Đình Vĩnh Phong
      Dần dần, dân số xung quanh khu vực chợ phát triển, ông Mai Tự Thừa liền làm đơn xin tách khỏi làng Bình Lương Tây, lập làng mới lấy tên là làng Bình Thạnh. Ông còn hiến một khoảnh đất để cất đình làng - đó chính là tiền thân của đình Vĩnh Phong ngày nay. Tương truyền, ông Mai Tự Thừa đã đóng góp nhiều công của trong việc nạo vét kinh Trà Cú vào năm 1829 và tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi rồi mất tích. Vì thế, tài sản của ông gồm cái chợ và ruộng đất bị triều đình sung công và phát mãi, vợ con ông cũng bị lưu đày. Làng Bình Thạnh do ông lập cũng bị đổi tên thành làng Vĩnh Phong, đình làng cũng bị dời đi nơi khác. Mãi sau này khi Thực dân Pháp chiếm Nam Bộ, Triều Nguyễn không còn thế lực ở phương Nam nên đồng  bào quanh chợ Thủ Thừa mới quyên tiền xây cất lại đình Vĩnh Phong năm 1886 và đưa bài vị ông Mai Tự Thừa vào thờ với 7 chử hán: ''Tiền hiền Mai Tự Thừa – Chủ thị''.
      Qua nhiều lần trùng tu, gần nhất vào năm 1998, đình Vĩnh Phong vẫn còn giữ được phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Hiện tại đình Vĩnh Phong nằm trong khuôn viên 1132m2 với 3 lớp nhà: võ ca, võ quy, chánh điện trông ra kinh Thủ Thừa. Chánh điện đình Vĩnh Phong được xây dựng theo lối cổ với kết cấu cột tứ trụ, mái lợp ngói âm dương, trên nóc có đôi rồng bằng sành trong tư thế lưỡng long tranh châu. Bên trong chánh điện được bài trí rất trang nghiêm với 2 lớp bao lam, 3 bàn thờ, Long Đình và Lỗ Bộ. Bao lam bên ngoài là tuyệt tác của cánh thợ Thủ Dầu Một có niên đại Mậu Ngọ (1918). Các nghệ nhân đã thể hiện trên bao lam này các đề tài truyền thống như Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), Tứ hữu (Mai, Lan, Cúc, Trúc), Bá điểu quy sào. Bên trên bao lam có những khung gỗ kết cấu theo kiểu ô hộc chạm long hình tượng Long Mã, Mai Lộc, Cuốn thư, Cá hóa Long, Dơi, hết sức tinh xảo. Trước bàn thờ chính là bộ bao lam cổ có niên đại Bính Tuất (1886). Vẫn là đề tài tứ hữu, nhưng các chi tiết trên bộ bao lam này được tạo dáng to khỏe mang phong cách cuối thế kỷ XIX. Nét đặc biệt ở bao lam này là nghệ thuật sơn son thếp vàng hết sức tinh xảo. Trải qua thời gian hơn 100 năm mà bộ bao lam này vẫn còn nguyên vẻ rực rở như buổi ban đầu. Chánh điện đình Vĩnh Phong hiện còn 2 bức hoành phi cổ cùng 8 cặp liễn đối có giá trị niên đại Bính Tuất (1886) và Bính Thìn (1916). Đa số các câu đối đều viết theo lối quán thủ (2 chữ đầu của 2 câu đối ghép lại thành tên Đình hoặc tên Thủ Thừa). Đặc biệt cặp liển ở bàn thờ ông Mai Tự Thừa:
''Tiền chấn anh linh ư bách thế
Hiền lưu danh dự tại thiên thu''
đã nêu bật được công lao to lớn của ông và tấm lòng tri ân sâu sắc của nhân dân Thủ Thừa đối với ông. Chính vì lẽ đó mà ngày nay hàng loạt địa danh ở Long An được đặt là Thủ Thừa như kinh Thủ Thừa (kinh Trà Cú), chợ Thủ Thừa, quận Thủ Thừa (có từ năm 1922). Trên mảnh đất ngày xưa ông Mai Tự Thừa đã quy dân, lập chợ, lập làng, vét kinh, đắp lộ, ngày nay là một thị trấn dân cư đông đúc, kinh tế thịnh vượng, đình Vĩnh Phong vẫn còn đó như nhắc nhở cho chúng ta về một thời đã qua. Đến với đình Vĩnh Phong, chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm trổ tài hoa của những nghệ nhân thời trước, hiểu thêm về những đóng góp lớn lao của ông Mai Tự Thừa trong quá trình khai phá đất đai của cha ông chúng ta. Với ý nghĩa ấy, đình Vĩnh Phong đã được Bộ VHTT ra quyết định xếp hạng là di tích Quốc gia vào ngày 31/8/1998.


Mỗi miền đất đều có lịch sử riêng của nó.Khi đến thị trấn Thủ thừa,huyện Thủ Thừa,tỉnh Long An thì du khách không thể không ghé thăm đình Vĩnh Phong,ngôi đình cổ nằm bên cạnh kinh Trà Cú(kinh Thủ Thừa).Nơi đây là nơi thờ tự ông Mai Thừa Tự,người có công lập ra và xây dựng nên thị trấn Thủ Thừa ngày nay.

Ngôi đền cổ này trước đây là đình làng Bình Thanh,ngôi làng do ông Thừa Tự lập ra.1886 nhân dân chợ Thừa Tự quyên tiền xây lại ngôi đình và đưa bài vị ông vào thờ để ghi nhớ công lao khai phá vùng đất phía đông Long An..Vào ngày 10 tháng 10 âm lịch,nhân dân làm lễ để tưởng nhớ đến công ơn của ông ở đình Vĩnh Phong.

Đình nằm trong khuôn viên khá rộng,mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.Đình có ba gian nhà : võ quy.võ ca,chánh điện. Chánh điện quay về hướng kênh Trà Cú,đón gió làm cho không gian trong đình rất thoáng đãng,mát mẻ.

Chánh điện là nơi thờ cúng,cũng là nơi được thiết kế công phu và đặc sắc nhất.Chánh điện được thiết kế theo kiểu cột  tứ trụ,mái lợp ngói âm dương,trên có đầu rồng bằng sành trong tư thế lưỡng long tranh châu.


Bao trùm lên toà bộ kiến trúc trong chánh điện là lối kiến trúc cổ điển,từ kết cấu cho đến các hình chạm khắc trên bao lam. Bao lam này có niên đại Mậu Ngọ(1918),được sơn son thiếp vàng tinh xảo. Các đề tài được thể hiện lên bao lam là những đề tài truyền thống như Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), Tứ hữu (Mai, Lan, Cúc, Trúc). Các khung gỗ đặt trên bao lam kết cấu theo kiểu ô hộc chạm long hình tượng Long Mã, Mai Lộc,..

Phần chánh điện được bày trí nghiêm trang, có treo 2 bức hoành phi cổ và 8 cặp liễn có niên đại lâu đời Bính Tuất(1886) và Bính Thìn(1916) được gìn giữ cho đến nay.Khi đọc các cặp liễn này,du khách sẽ khám phá ra điều thú vị là khi chữ đầu của 2 câu đối ghép lại thành tên đình.Trên bàn thờ ông Mai Thừa Tự có hai câu liễn đối ca ngợi công ơn và bày tỏ tấm lòng tri ân của nhân dân  đối với ông:

''Tiền chấn anh linh ư bách thế
Hiền lưu danh dự tại thiên thu''

Đền Vĩnh Phong là một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ lại lịch sử khai hoang của cha ông ta.Hiện nay trong đền còn giữ những vật thể giá trị như hai bức hoành phi cổ,các bức liễn đối và phi vật thể như nghệ thuật kiến trúc cuối nhà Nguyễn.Đình Vĩnh Phong đã được Bộ VHTT ra quyết định xếp hạng là di tích Quốc gia vào ngày 31/8/1998.

LÝ LỊCH DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐÌNH VĨNH PHONG
ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM NHÂN VẬT MAI TỰ THỪA

I. TÊN GỌI DI TÍCH:
Đình Vĩnh Phong là ngôi đình cổ của làng Vĩnh Phong, nay thuộc thị trấn Thủ Thừa có từ đầu thế kỷ thứ XIX. Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852) Vua Tự Đức đã sắc phong cho Thành Hoàng bổn cảnh làng Vĩnh Phong làm “Quảng hậu chính trực hựu thiện chi thần” và cho phép dân làng được phụng sự. Cũng như ngôi đình khác, đình Vĩnh Phong là một thiết chế văn hoá cổ truyền của làng xã Việt Nam đảm nhận tất cả các chức năng mà quyền Đình làng Nam bộ tín ngưỡng và nghi lễ của Trương Ngọc Tường, Huỳnh Ngọc Trảng, Hồ Tường nêu như sau: “ Đình được coi là nhà công cộng của làng. Theo đó, nó đảm nhận chức năng hành chánh xã hội của cái gọi là chế độ tự trị của làng xã”. Đình Vĩnh Phong còn gắn liền với ông Mai Tự Thừa, người đã có công khẩn hoang lập chợ Thủ Thừa được nhân dân tôn làm Tiền hiền của làng và liên quan mật thiết đến địa danh Thủ Thừa một đơn vị hành chánh cấp huyện của tỉnh Long An: như chợ Thủ Thừa (có từ đầu thế kỷ XIX, kinh Thủ Thừa (đầu thế kỷ XIX), quận Thủ Thừa (1992).
                       Múa mâm vàng trong lễ cúng bà Ngũ Hành ở đình Vĩnh Phong (Thủ Thừa)
II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ, ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH:
1. Địa điểm phân bố:
Đình Vĩnh Phong hiện toạ lạc tại Vàm rạch Cây Gáo, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cách thành phố Tân An 6km về phía Tây Bắc.
2. Đường đi đến di tích:
Du khách đến với di tích bằng hai đường bộ và thuỷ đều thuận lợi:
a) Đường bộ: Từ thành phố Tân An du khách theo Quốc lộ 1A đến ngã ba Thủ Thừa rẽ trái, theo tỉnh lộ 834 khoảng 4,2km thì đến thị trấn Thủ Thừa. Theo đường Vàm Thủ đến cầu Cây Gáo rẽ trái 20m thì đến di tích.
b) Đường thuỷ: Từ thành phố Tân An du khách ngược dòng Vàm Cỏ Tây đến Vàm kinh Thủ Thừa rẽ phải theo kinh Thủ Thừa 0,5km đến vàm rạch Cây Gáo thì đến di tích.
III. SỰ KIỆN VÀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ:
1. Ông Mai Tự Thừa và ngôi đình Vĩnh Phong:
Vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có một người tên Mai Tự Thừa quy ở làng Bình Cách, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hựng, trấn Định Tường (nay thuộc Chợ Gạo, Tiền Giang) đến làng Bình Lương Tây (nay thuộc thị trấn Thủ Thừa) khai phá đất đai. Ông có 3 anh em nhưng 2 người em của ông không muốn ở vùng này nên chỉ có một mình ông ở lại. Ông Mai Tự Thừa là người chân thực hay giúp đỡ mọi người, cách ăn ở của ông được hương chức đồng bào yêu mến. Ông Mai Tự Thừa đến cất nhà tại bờ Nam kinh Trà Cú ngay Vàm rạch Cây Gáo. Kinh Trà Cú nối 2 sông Thuận An (Vàm Cỏ Đông) và sông Hưng Hoà (Vàm Cỏ Tây) chỗ ông cất nhà tại ngay giáp nước ghe thuyền xuôi ngược đều dừng lại nơi đây để chờ con nước nên mua bán sầm uất. Ông lại cho nạo vét con kinh này cho rộng, có nhiều nhà dân ở dọc hai bên bờ kinh nên còn gọi là Rạch Giang Cư. Khi ông Mai Tự Thừa đến đây đất còn hoang khá nhiều, ông mới khai khẩn một dây đất 4 mẫu dọc rạch Giang Cư từ rạch Cây Gáo chạy về phía Đông Bắc. Ban đầu ông khai phá một khoảng đất nhỏ ở bờ tây rạch Cây Gáo cất nhà và một tiểu quán để buôn bán và khai phá đất đai. Ông Mai Tự Thừa xin làng Bình Lương Tây lập giấy tờ chủ quyền có hương chức làng An Hoà và Bình Lương Đông làm chứng. Ông hứa với làng hàng năm Lễ Kỳ Yên ông sẽ cúng một mâm trầu, 1 chén rượu và 5 quan tiền. Để thuận tiện giao thông buôn bán, ông đã đắp một con đường cặp theo rạch Cây Gáo tới tiểu quán. Lúc ông lập quán ở hai đầu đã có hai cái chợ, một ở gần Rạch Đào là chợ Ông Tửu và một chợ ngoài rạch Cây Gáo là chợ ông Ban.
Quán của ông nhờ lập ngay giáp nước nên mọi người đến mua bán rất đông, dần dần trở thành trù mật. Vì đường nước lưu thông nên dân chúng lần lượt đến cư trú. Ông Mai Tự Thừa thấy người mỗi ngày mỗi đông, sức mua cũng tăng lên,… nên lập ra một cái chợ bằng lá, dưới rạch ông vét ụ làm bến để xuồng ghe đậu lại cho dân buôn bán. Chợ của ông ngày một thịnh vượng, dân chúng do ông qui tập tới ngày càng nhiều. Lúc bấy giờ dưới đời vua Minh Mạng, khu vực xung quanh chợ của ông đã đủ số dân để lập một làng mới nên ông làm đơn xin tách khỏi làng Bình Lương Tây xin lập làng mới gọi là làng Bình Thạnh và lập an hội tề. Triều đình chấp thuận đơn ông và vẽ đại đồ làng mới có các làng lân cận chứng kiến. Lập làng có ban hội tè nên phải xây dựng đình làng, ông bèn cất một ngôi đình bằng lá ngay trên phần đất ông cất tiểu quán trước đây.
Năm Minh Mạng thứ 10 (1829) vua Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế ra lệnh cho tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt huy động 16.000 dân công nạo vét từ Vàm Thủ Đoàn đến Gò Dứa thông Bình Ảnh dài 1.220 trượng, rộng 9 trượng, sâu 1 trượng, nhờ vậy ghe thuyền đi lại thuận tiện. Vua Minh Mạng đổi tên kinh thành sông Lợi Tế. Gần đường Thiên Lý Cù sát sông Lợi Tế ghe thuyền lưu thông ngày đêm, rồi dừng lại nơi giáp nước, nên làng Bình Thạnh và chợ của ông Mại Tự Thừa ngày càng trù mật. Trong công cuộc nạo vét kinh Trà Cú năm 1829 ông là người đóng góp nhiều công của cũng như chiêu mộ dân công.
Sau khi vua Minh Mạng vét thông con kinh Lợi Tế năm 1829 thì chợ của ông càng sung túc dân chúng gọi là chợ Thủ Thừa. Đến 1833 xảy ra việc Lê Văn Khôi nổi dậy và Thái Công Triều lấy các tỉnh, thì ông ra đi vào ngày 10/10 rồi mất tích. Về việc này có nhiều giả thuyết giải thích việc ông mất tích khác nhau, có người bảo là ông Thừa theo triều đình dẹp ngụy Khôi rồi từ trần, có người cho rằng ông Thừa theo ngụy Khôi bị chết trong thành Gia Định, có người nói ông theo Thiện Hộ Dương – Nguyễn Trung Trực kháng Pháp rồi mất tích.
Năm 1990 một phái đoàn của Bộ Văn hoá Thông tin đền Đình Vĩnh Phong xin xem sắc thần, ông Từ giữ đình mời đại diện chính quyền địa phương, chức sắc Hội đình đến chứng kiến rồi mở hộp cây. Nhờ dỡ hộp cây để khán sắc, ông Từ tìm tình cờ tìm được một tài liệu quý giá và giải thích việc mất tích của ông Mai Tự Thừa.
Đọc tờ trình của Hương chức làng Vĩnh Phong này những giả thuyết về sự mất tích củ ông Thừa bi phá tan. Vì đây là tài liệu chính xác nhất có được từ trước đến nay cho biết rằng ông Mai Tự Thừa đã theo Lê Văn Khôi và mất tích trong thành Gia Định.
Như vậy những gì do công lao của ông Mai Tự Thừa đã đổ mồ hôi, nước mắt để tạo ra như quy dân lập chợ, lập làng, cất đình đã bị triều đình Phong kiến xoá sạch vì tội tùng nghịch đảng, vợ công ông cũng bị lưu đày nhưng ít năm sau được ân xá cho về sống tại Cai Tài (nay thuộc huyện Tân Trụ - Long An)
Thời gian trôi qua, tuy ông bị triều đình Nguyễn kết tội nhưng nhân dân vẫn nhớ tới công ơn của ông ngôi định mới của làng Vĩnh Phong cất tại nhị tì hẻo lãnh, nhiều mồ mã nên nhang tràn khói lạnh, thường nhật chỉ làm nơi cư ngụ cho kẻ hành khất.
Sau đó các ông kỳ lão mới vận động bà Hứa Thị Thích vốn là người có tín ngưỡng, lại giàu có ở địa phương đứng đơn xin với chính quyền Phong kiến thời bấy giờ để cất một miếu thời bà Ngũ hành trên nền đình cũ của làng Bình Thạnh do ông Mai Tự Thừa lập hồi đầu thế kỷ.
Dụng ý của mấy ông kỳ lão muốn mượn tay người đàn bà đứng ra xin phép, tuy nói là cất miếu nhưng kỳ thực nếu được phép sẽ cất lớn ra vừa thời bà Ngũ Hành, vừa thờ ông Mại Tự Thừa chung trong đó.
Chuyện cũ đã tôi qua theo ngày tháng, không còn ai chú ý, nên Miếu bà Ngũ Hành được cất trên phần đất Đình cũ của ông Mai Tự Thừa và cũng là nơi toạ lạc của Đình Vĩnh Phong ngày nay. Đầu tiên Miếu Bà Ngũ hành được cất bằng lá, chính giữa thờ thần bên trái thờ ông Mai Tự Thừa, bên phải là bàn thời bà Ngũ hành. Lúc bấy giờ Pháp đã chiếm Nam bộ, nhà Nguyễn đã mất thế lực ở nơi đây khong còn làm khó dễ nữa. Vì vậy, nhân dân quanh chợ Thư Thừa quyên tiền lại, mở rộng ngôi Miếu, bỏ lá xây gạch, lợp ngói để bảng hiệu VĨNH PHONG ĐÌNH. Xét lạc khoản của tấm bảng có 3 chữ Hán VĨNH PHONG ĐÌNH đề năm Bính Tuất (1886) ta có thể suy ra ngôi đình mới này hoàn thành vào năm 1886. Ông Mai Tự Thừa được đưa vào thờ trong Đình Vĩnh Phong với bài vị “Tiền hiền Mai Tự Thừa – Chủ thị” tức chợ Mai Tự Thừa – Tiền hiền làng Vĩnh Phong.
2. Ông Mai Tự Thừa và địa danh Thủ Thừa:
Hiện nay có nhiều cấp hành chính ở Long An mang địa danh Thủ Thừa, cao nhất là cấp huyện. Những địa danh này đều liên quan mật thiết với nhân vật Mai Tự Thừa.
Huyện Thủ Thừa, thị trấn Thủ Thừ, chợ Thủ Thừa, ấp Thủ Khoa Thừa, kinh Thủ Thừa… đã được mọi người truyền tụng và chính thức ghi lên bản đồ như một hành động ghi nhớ công ơn của Tiền hiền Mai Tự Thừa.
Thế nhưng vẫn có một điều tình nghi là tại sao có chữ Thủ trước tên của ông? Có nhiều kiến giải khác nhau về vấn đề này.
Có người cho rằng ông Mai Tự Thừa đỗ Thủ Khoa nhưng không ra làm quan nên người ta gọi ông là Thủ Thừa. Nhưng việc giải thích ông Mai  Tự Thừa đổ thủ khoa không có cơ sở.
Huỳnh Ngọc Trảng trong quyển Ngàn Năm Bia Miệng bài “Lai lịch địa danh Thủ Thừa” có viết “Thời Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định Thành, Mai Tự Thừa được giữ chức Thủ ngự (phụ trách thu thuế) hay chức Phấn Thủ (phụ trách việc canh gác, gữi gìn an ninh trật tự) do vậy mà dân chúng gọi Mai Tự Thừa là Thủ Thừa.
Về điểm này Địa chí Long An trang 183 có viết “Việc lưu thông hàng hoá phát triển, đã đem lại cho Triều đình ( Triều Nguyễn) nhiều khoản thu lớn về thuế. Nhà Nguyễn đã đặt sở Tuần Ty coi việc thu thuế cước, mời phần thâu lấy một phần, ở thương lưu sông Hưng Hoà (tức Vàm Cỏ Tây) đặt chức Thủ Ngự lo việc thu thuế ở Kinh Trà Cú (tức kinh Thủ Thừa)”.
Như vậy lý giải của ông Huỳnh Ngọc Trảng tỏ ra có cơ sở vì lúc bấy giờ kinh Trà Cú là con đường thuỷ quan trọng nhất để từ Vàm Cỏ Đông đổ xuống Miền Tây, ghe thuyền đi lại tấp nập, chỗ của ông Mai Tự Thừa cùng ngôi chợ của ông lập ngay giáp nước rất thuận tiện trong việc thu thuế. Vì vậy, việc triều đình cử ông Mai Tự Thừa làm chức Thủ Ngự để thu thế là điều có thể xảy ra.
Cũng có giả thuyết cho rằng ông Mai Tự Thừa giữ chức võ quan trọng trong hệ thống các đồn thủ trấn giữ các nơi hiểm yếu ở đời Nguyễn nên người ra gọi ông là Thủ Thừa cũng như các danh từ Thủ Thiêm, Thủ Đức.
Ở tỉnh Long An địa danh Thủ Thừa được đặt cho nhiều cấp hành chính trong những thời gian khác nhau.
Sớm nhất có lẽ là chợ Thủ Thừa hiện toạ lạc ở bờ Ban kinh Trà Cú (này là kinh Thủ Thừa). Có một thời gian chợ Thủ Thừa là một ngôi chợ rất sầm uất nhờ nằm ở một vị trí thuận lợi bên cạnh đường Thiên Lý (đắp 1790) và sông Lợi Tế (vét 1829).
Chợ Thủ Thừa là Trung tâm điểm của hai đầu kinh. Kinh Thủ Thừa quân bình mực nước hai con sông Vàm Cỏ vì nó đào thông ra hai đầu kinh nên đoạn kinh sát chợ Thủ Thừa là một giáp nước quan trọng.
Tiếp theo ngôi chợ tên Thủ Thừa cùng được đạt cho con kinh ngang thị trấn, ban đầu kinh này có tên Tà Cú hay Trà Cú. Theo các bô lão địa phương Mai Tự Thừa là người thừa lệnh Tổng trấn Lê Văn Duyệt coi sóc và chiêu mộ nhân công để nạo vét kinh Trà Cú thành kinh Thủ Thừa, các tên ấy còn lưu truyền đến ngày nay.
Tên quận Thủ Thừa được chính thức đặt thay cho huyện Cửu An vào 1922. Trước 1945 Thủ Thừa bao gồm cả phần đất huyện Tân Trụ.
Từ khi lập quận Thủ Thừa 1922, chợ Thủ Thừa cũng được chọn làm nơi đóng lỵ sở của quận. Các công sở chính quyền quận cũng được xây dựng trên phần đất ông Mai Tự Thừa đã khai phá vào đầu thể kỷ XIX, và thị trấn Thủ Thừa.
Tên Thủ Thừa cũng được đặt cho một trường Trung học của huyện. Ngoài ra, một ấp và một con đường cũng được đặt tên là Thủ Khoa Thừa.
Tóm lại Đình Vĩnh Phong và các cấp hành chính mang tên Thủ Thừa đêu liên quan mật thiết đến ông Mai Tự Thừa, một nhân vật lịch sử có thật dù không được ghi trong chính sử. Về điểm này, chúng tôi tin rằng có lẽ vì trước đây ông bị triều đình phong kiến nhà Nguyễn kết tội “tùng nghịch Đảng Lê Văn Khôi” nên không ai dám lưu trữ, gìn giữ những tài liệu liên quan tới ông. Tuy vậy, công ơn của ông đối với việc quy dân, lập chợ khai khẩn đất đai vẫn được đồng bào ghi nhớ.
IV. LOẠI DI TÍCH:
Đình Vĩnh Phong là di tích lưu niệm ông Mai Tự Thừa, đã có công trong việc khai hoang, lập chợ Thủ Thừa mở ra con đường phát triển cho khu vực thị trấn Thủ Thừa ngày nay.
V. KHẢO TẢ DI TÍCH:
Đình Vĩnh Phong tọa lạc tại thị trấn Thủ Thừa, phía Bắc giáp kinh Thủ Thừa, phía Đông giáp rạch cây Gáo, phía Nam giáp đường Thủ Khoa Thừa, phía Tây giáp Chùa Vĩnh Phong.
Diện tích của khuôn viên ngôi đình hiện nay đo được 1132m2 (dài 55m20, rộng 20m50). Vào năm 1924 Đình Vĩnh Phong có khuôn viên rộng 3120m2.
Mặt tiền Đình Vĩnh Phong quay về hướng Bắc, trước mặt đình là con kinh Thủ Thừa, bên hông của Đình là tả ngạn rách Cây Gáo.
Trước đây từ dưới kinh bước lên ta đụng một bờ đá nhỏ nhưng nay bờ đã bị nước xói mòn làm lở vô gần đền bàn thờ thần nông gồm một vách xi măng có đắp nổi hình một con hổ.
Tiếp theo bàn thờ là một võ ca chiều dài 17,2m, rộng 10m, cột xi măng lợp thiếc đã bị thủng, nhiều lỗ lớn thấy ánh mặt trời, võ ca này dùng để làm sân khấu hát bội mỗi khi cúng Kỳ yên.
Tiếp theo võ ca là một võ quy sườn cây lợp ngói móc dài 10m, rộng 4,5m dùng để án ngữ cho mặt tiền Đình Vĩnh Phong khỏi bị ướt khi mưa lớn, nên trong võ quy này không bài trí bàn ghế chi cả.
Bên phải võ ca, nằm trước mặt nhà bếp, sát mí rạch Cây Gáo, trước đây là miếu thờ bà Ngũ hành đã lâu đời. Vì nước xói lỡ nên miếu đã nghiên ra mé kinh. Năm 1992, bà Nguyễn Tú Huệ đài thọ tất cả chi phí xây mới lại Miếu này bằng gạch hình vuông mỗi cạnh 3,30mX3,40m, lợp ngói, nền lát gạch bông, cửa sắt, trên cửa Miếu đắp nổi 3 chữ hán :NGŨ HÀNH MIẾU”, hai bên đắp nổi hai câu đối: “Yểu điệu tiên dung thiên hạ ngưỡng, Nguy nga thần nữ thế gian khâm”. Tạm dịch: Dịu dàng vóc dáng của người tiên, thiên hạ điều chiêm ngưỡng. Vòi vọi ân sâu của các vị nữ thần, thế gian đều khâm phục.
Bên trong Miếu có 5 cốt nữ thần mặc 5 sắc áo: Xanh, đỏ, trắng, vàng, đen. Đồ tế lễ gồm: Lư hương, chò, cặp đèn vẽ hoa bằng đồ sành sứ theo phong cách hiện đại.
Qua võ quy là đến mặt tiền chánh điện Đình Vĩnh Phong, chánh điện được xây bằng gạch, bên ngoài tô xi măng lợp ngói âm dương, bên trên nóc có hai con rồng châu vào trái châu theo thế “Lưỡng long tranh châu”. Cũng như các đình, miếu ở Nam bộ, chánh điện Vĩnh Phong được xây dựng theo lối tứ trụ có diện tích mở rộng ra 4 phía bằng các bộ kèo đâm vào kéo quyết.
Bước vào chánh điện người ra nhận thấy hai câu liễn đối đáp nổi trên hai cột đá ở giữa: “Vĩnh nhựt thần ân quy xã tắc. Phong thiên thánh đức triệu hoằng cơ”.
Tạm dịch: Từ lâu ngày rồi, ân của các vị thần linh đã về đây gắn chặt vào cuộc đất này. Những năm thịnh vượng, nhờ công đức của các thần nhân ấy, mới mở mang sự nghiệp phát triển như hôm nay.
Trên hai cột bìa ở hai gian bên cạnh gian chính có đắp nổi hai câu đối: “Thiên thu bất đoạn tam ngương hoả, cổ vảng kim lai tứ qúi hương”. Tạm dịch: Ngàn năm cũng không bao giờ dứt đóm lửa, ngọn đèn cúng tam ngươn xưa nay qua lại vẫn còn hoài hương thơm của cây nhang bốn mùa.
Qua khỏi ngạch cửa cái bước vào trong chánh điện là khoảng trống lối 3m2 có đặt một cái bàn tròn bằng cây và 10 cái ghế. Đây là bàn danh dự dùng để tiếp rước các vị lão thành hoặc quý khách của đình.
Trên cao là một tấm bảng gỗ, sơn son thếp vàng 3 chữ Hán VĨNH PHONG ĐÌNH đề năm Bính Tuất (1886)
Qua khỏi bàn danh dự là bàn thờ Tổ Quốc ở giữa có 4 chữ Hán QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG bằng thiếc sơn màu vàng được gắn vào một khung mắt cáo. Hai bên là hai câu liễn nhắc nhở các thế hệ sau về nòi giống Việt Nam “Hồng Bàng huyết thống thiên thu hệ. Việt quốc thanh danh vạn cổ đề”. Tạm dịch: “Tuyền thống Hồng Bàng ngàn năm, đến nay vẫn còn quan hệ với ta: Tiếng tâm tốt đẹp của nước Việt Nam ngàn xưa vẫn còn ghi tạc.
Trên bàn thờ Tổ quốc có một lư hương và hai chân đèn bằng đồng, 1 độc bình để cắm hoa, 1 chò cây và một đĩa lớn để chưng mâm ngũ quả. Chưa xác định được niên đại của những hiện vật này nhưng căn cứ hình thức của nó chúng tôi phỏng đoán đây là đồ thờ cúng thuộc thế kỷ XX.
Sát bàn thờ Tổ quốc là hai cây cột gạch, bo tròn với cặp liễn nền vàng chữ đỏ: “Linh thần quảng hậu khai ngươn vĩnh; Thổ vũ họt kỳ lịch đại phong”. Tạm dịch: “Ơn của thần linh rộng rãi và dày chặt nên đã mở đầu sự trường cửu; cuộc đất sống động, sáng sủa nên đã trải qua nhiều đời phong phú”.
Qua khỏi hàng cột bên trên có treo một biển cây khung đen chạm óc xà cừ. Mặt trong biển sơn son có chạm nổi hình lưỡng long tranh châu, hoa văn cách điệu mây thếp vàng và 4 chữ đại tự màu đen VĨNH PHONG LINH THẦN. Biển này do vợ chồng Tri huyện Võ Văn Quảng phụng cúng năm Bính Thìn (1916) kỹ thuật chạm nổi, mạ vàng phong cách thế kỷ XIX rất độc đáo.
Tiếp đó là bộ bao lam bằng danh mộc chạm tổ hết sức tinh vi theo đề tài truyền thống.
Đặc sắc nhất là 3 khung cây, khung giữa dài 3,3m, rộng 0,51m, hai khung bên dài 2,5m, rộng 0,51m được đặt trên 3 khuôn bao lam.
Trên 3 khung cây có chạm lộng những đề tài cổ truyền như: Long mã, cá hoá long, mai lộc, cuốn thư, dây lá, dơi.
Qua khỏi khuôn bao lam ở giữa chánh điện, người ta thấy trên cao có treo một tấm biển bằng cây, sơn nền đỏ chữ vàng đè năm Bính Tuất (1886) có khắc 4 chữa Hán QUỐC THỚI DÂN AN.
Dưới tấm biển là bộ bao lam thứ hai cao 3,5m, rộng 3,3m được sơn son thếp vàng rực rỡ.
Tiếp theo là bàn thờ Thần, bên trên có khánh thờ chạm trổ bốn phía, sơn son thếp vàng trên có chạm lưỡng long tranh châu. Chính giữa khánh thờ chạm trổ chữ THẦN là hai chữ Hán TẢ BAN, HỮU BAN khắc sâu vào bài vị. Trên bàn thờ thần có một lư hương và chân đèn bằng đồng, 3 mão nạm kim tuyến, hai gươm cây sơn đỏ, một hộp màu đỏ đựng sắc thần, 1 độc bình, 1 chò cây, 1 cặp lọng.
Trước bàn thờ thần là một cặp hạt bằng cây sơn trắng cánh xanh, chân đỏ, mỏ đỏ đứng trên lưng cặp qui màu đen.
Trước cặp hạc giữa hai hàng cột là bộ lỗ bộ gồm 10 cây: Cờ mao, cờ tiết, gươm đao. Giáo, đồng, chuỳ kích, phủ vịêt, tay văn, xà mâu, lưỡi đinh ba (là các đồ nghi tượng, binh khí để rước sắc) làm bằng cây sơn đỏ, lưỡi son vàng.
Bên trái bàn thờ thần là bàn thờ ông Mai Tự Thừa trong các khánh thờ chạm trổ 4 phía, sơn son thếp vàng có một bài vị bằng cây cao 1m, rộng 0,85m khắc sâu 7 chữ Hán: “Tiền hiền Mai Tự Thừa – Chủ thị” (Tiền hiền Mai Tự Thừa chủ chợ). Hai bên có hai liễn đối: “Tiền chấn anh linh ư bách thế; Hiến lưu danh dự tại thiên thu. Tạm dịch: “Trước đây tiếng anh hùng của ông vang dội ngoài trăm cõi. Đức hiền của ông để lại danh dự đến muôn đời.
Ngoài bài vị có hai câu liễn đóng dính liền vào khánh thờ cũng bằng chữ Hán.
Trên bàn thờ, đồ tế lễ gồm có: một bộ lư và một cặp chân đèn bằng đồng, 1 độc bình có màu xanh, 1 chò cây, 1 cặp lọng đỏ và 1 lư hương.
Khoảng trống trước bàn thờ ông Mai Tự Thừa là một long đình có hình thức của một ngôi đình thu nhỏ, dùng để nghinh sắc thần trong lễ cúng Kỳ Yên, do ông Võ Văn Đắc tự đóng, hiến cho Đình năm 1933. Một cái trống chầu (đại cổ) của ông xã Thinh hiến 1933 làm bằng một khối gỗ lớn dài 1,40m khoét rỗng. Ngoài ra, còn có hai cái chiêng và một trống nhỏ.
Bên phải của bàn thờ thần là bàn thờ bà với bài vị bằng giấy hồng đơn viết 4 chữ Hán, chữ lòng trong khung kiếng.
Một bàn thời nhỏ nằm ở vách bên hông trái, cạnh bàn thờ cụ Mai Tự Thừa có bài vị viết lên tường vôi bằng hàng chữ Việt “Lịch đại hương chức” để thờ các vị Hương chức Hội hương qua các đời đã quá vãng từ kế tiền trở xuống đã có công xây dựng, gìn giữ ngôi đình từ trước đến nay.
Vách bên hông phải, cạnh bàn thờ bà, cũng có bài vị được viết vào tường với hàng chữ bằng Việt ngữ: “Lịch đại phẩm phụ” để thờ các bà, các vị ân nhân phái nữ đã ủng hộ xây cất bảo vệ ngôi đình.
Để làm ấm cúng và tăng vẽ mỹ quan cho Chánh điện 5 khung chạm trổ nghệ thuật thế kỷ XIX đề tài mai, lộc điểu, thú, cẩn ốc xà cừ đánh bóng màu nu xen lẫn với nền đỏ chữ vàng của những câu liễn đối chữ Hán, khung cảnh của Chánh điện càng trở nên nghiêm trang cổ kính.
Năm 1990 (Canh Ngọ) nhân dịp trùng tu ngôi đình các nhà hảo tâm có đắp hai câu liễn ở hai bên cửa cái để kỷ niệm “Cựu tích trùng tu tồn cổ huấn. Tân phong tái tạo bảo linh từ” Tạm dịch: “Di tích cũ được trùng tu lại để bảo tồn truyền thống cũ. Trong phong trào đổi mới tạo dựng lại để bảo vệ ngôi đền thiêng”.
Năm 1992 theo ý kiến của ông Huỳnh Văn Năng và Ban trị sự đình, bàn thờ Quan Công – Châu Xương và Quang Bình được đưa vào Chánh diện với các đồ thờ tự.
Trong quá trình di dân khẩn hoang vùng đất mới, làng mới luôn đòi hỏi những cơ sở công ích. Trước hết là lập chợ, xây cầu, đắp lộ đồng thời thiết chế văn hoá đình, chùa, miếu, võ là nhu cầu tinh thần cơ bản của một làng. Đình thành lập song song với hệ thống tự quản của làng. Những người có công khai hoang lập làng lúc sống được làm Hương chức, khi chết được tôn làm: “Tiền hiền khai khẩn”, có người có công tu kiều, bồi lộ, khai thị được tôn làm “Hậu hiền khai cơ”, ông Mai Tự Thừa là “Tiền hiền chủ thị” vừa khai khẩn vừa khai cơ vậy.
Cũng như các đình khác, hàng năm Đình Vĩnh Phong tổ chức ba đại lễ:
1. Cúng Kỳ yên: 17 – 18 tháng giêng âm lịch
2. Giỗ ông chủ chợ - Mai Tự Thừa 10/10 âm lịch
3. Giỗ vía bà: 18 – 19 tháng hai.
Đây là 3 lễ hội chính có đông đảo nhân dân đến chiêm bái, ngoài ra đúng giao thừa, cửa đình rộng mở để anh em trong hội đình và dân chúng đến lạy mừng năm mới, cầu phúc và chúc mừng nhau trong dịp xuân về. Đình mở cửa trong suốt ngày mùng 1 tháng giêng âm lịch, ai đến lễ bà cũng được.
VI. CÁC HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH:
Tại Đình Vĩnh Phong hiện nay còn tồn tại nhiều cổ vật như:
1. Sắc thần năm Tự Đức thứ 5 ngày 29/11 (1852 Sắc được viết trên lối kim tiện màu vàng có hình rông mây đống dấu “Sắc mạgn chi bảo” của Vua.
2. Biển đại tự sơn son thếp vàng có hoa văn dây lá cáhc điệu, 3 chữ lớn sơn vàng Đình Vĩnh Phong có niên đại thế kỷ XIX (1886)
3. Biển đại tự Quốc Thới dân an sơn son thếp vàng có năm Bính Tuất 1886
4. Bộ bao lam và câu đối Sơn son thép vàng
5. Đại tự “Vĩnh phòng Linh thần”
6. Bộ bao lam 5 khung chạm trổ mai, mộc, điểu, thú, tứ linh, tứ hữu, bá điều quy sào
7. Khánh thờ thần và khánh thờ ông Mai Tự Thừa
8. Bài vị thần tả ban -  hữu ban
9. Bài vị tiền hiền Mai Tự Thừa chủ thị và hai câu đối hám tự hai bên
10. Long Đình và đại cổ có niên đại 1933
11. Ngoài ra còn có một số đồ thờ cúng trong đình cũng có niên đại vào đầu thế kỷ XIX: lư hương, chân đèn, chò, độc bình và lỗ bộ.
VII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HOÁ CỦA DI TÍCH:
Đình Vĩnh Phong là một di tích lịch sử văn hoá đặc sắc với những giá trị cơ bản sau:
1. Về hiện đại: Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất của tỉnh Long An, khởi thuỷ là Đình Bình Thạnh có từ đầu thế kỷ XIX. Sau đó đình được sắc phong và xây cất qui mô vào năm 1886.
Các hiện vật trong ngôi đình cũng có niên đại thế kỷ XIX (1886) một số có vào đầu thế kỷ XX, đến nay đã trở thành quí hiếm.
2. Về văn hoá:
Đình là một thiết chế văn hoá, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người Việt cổ. Đình làng đã theo chân những người lưu dân Nam tiến và có mặt khá sớm ở những vùng đất mới. Vì vậy, Đình làng là nơi bảo lưu những truyền thống, tập tục, hội lễ cổ truyền. Đình Vĩnh Phong cũng như các ngôi đình khác đã tỏ ra xứng đáng là “một cơ quan văn hoá” của làng trong quá khứ và là nơi gìn giữ những đặc sắc văn hoá truyền thống dân tộc qua các lễ Kỳ Yên, lễ Vía Bà… xây chầu hát bội hàng năm.
3. Về lịch sử:
Lưu niệm nhân vật Mai Tự Thừa, ghi nhớ công lao khai hoang lập ấp, ông đã khai cơ cho vùng thị trấn Thủ Thừa ngày nay. Tuy thân thế, sự nghiệp ông Mai Tự Thừa có nhiều điểm chưa rõ ràng nhưng tựu trung lại ta thấy có mấy điểm nổi bật như sau:
- Ông là người đầu tiên đến vùng chợ Thủ Thừa ngày nay để khai hoang, lập ra một làng mới, cất đình Bình Thạnh tiền thân của Đình Vĩnh Phong ngày nay.
- Ông cũng là người đầu tiên qui dân lập chợ, mở đầu cho sự phồn thịnh của Chợ Thủ Thừa và cả thị trấn Thủ Thừa.
- Góp công vào việc vét nạo kinh Trà Cú năm Minh Mạng thứ 10 (1829)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét