Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Đuông dừa: ‘Đặc sản nước Nam’

Những thực phẩm làm từ dừa nhiều vô kể, nhưng những món ăn được chế biến từ con Đuông dừa thì ít ai biết đến trừ người bản xứ, món ăn được liệt vào hàng “đặc sản nước Nam”.


Cây dừa là hình ảnh quen thuộc, gắn liền với đời sống của người miền Tây Nam bộ. Cây dừa không chỉ là lương thực, nguồn sống mà còn mang lại nhiều ích lợi khác như dùng lá lợp mái nhà, làm chổi, tranh trang trí, cầu khỉ, nhóm lửa vào những mùa mưa… Nôm na là không có cái gì của dừa là không dùng được.
Hầu như ở tỉnh nào trong khu vực miền Tây cũng đều có dừa, nhà nào cũng trồng dừa. Nhắc đến dừa người ta thường hình dung ra ngay tỉnh Bến Tre, đơn giản vì Bến Tre là nơi trồng nhiều dừa nhất miền Tây, những sản phẩm làm từ dừa cũng nhiều, từ đó mà có câu: “thấy Dừa nhớ tới Bến Tre…”.
Những thực phẩm làm từ dừa nhiều vô kể, nhưng những món ăn được chế biến từ con Đuông dừa thì ít ai biết đến trừ người bản xứ, món ăn được liệt vào hàng “đặc sản kinh dị”.
Đuông là ấu trùng của loại bọ cánh cứng như con Kiến dương, Bọ rầy, nó đặc biệt thích ăn củ hũ dừa, chúng đục phá trên các cổ hũ non mềm ở ngọn cây. Đến tuổi trưởng thành, sau khi giao phối chúng tìm cây dừa nào khỏe và tốt nhất để đục lỗ rồi đẻ trứng trong đó. Trứng phát triển thành ấu trùng trong thân cây dừa, đến khi ấu trùng lớn cỡ bằng ngón tay thì gọi là Đuông. Củ hũ là phần lõi non nhất — là phần “tủy sống” của cây dừa, nó trắng, dòn, ngọt và ngon. Nhờ vậy con Đuông có vị ngọt, béo rất hấp dẫn. Đuông có xuất thân từ cây dừa nên người ta gọi là Đuông dừa.
Với Đuông, người ta có thể làm rất nhiều món khác nhau như: tẩm nước mắm ăn sống, Đuông tẩm bột chiên, Đuông rang, Đuông nướng, Đuông luộc nước dừa, Đuông nấu cháo, Đuông hấp xôi, Đuông gỏi cổ hủ dừa. Các món Đuông thường thích hợp nhất khi đi kèm với rượu trắng chát, hoặc một vài ly rượu cúc nhẹ, chứ không hợp với rượu đế có nồng độ cồn cao. Đuông cũng thường được thưởng thức theo cách nhấm nháp và hiếm khi kết hợp với các loại đồ nhắm, rau, dưa khác, …
Theo dân “ghiền” ăn thì Đuông nướng là ngon nhất, món này nhờ để nguyên con mà nướng, không tẩm ướp nên nó còn nguyên hương vị của con Đuông, một phần nhờ nướng vàng lớp da bên ngoài mà khi ăn cũng bớt cảm giác ngán. Nhưng cũng có ý kiến Đuông tẩm nước mắm mới ngon nhất vì món này dùng khi con Đuông còn sống “ngọ nguậy trong nước mắm”, ăn sống vừa “nguyên chất” vừa béo bổ.
Đuông là món đặc sản ngon bổ nhưng rất quí hiếm. Dẫu biết con Đuông ngon, hấp dẫn nhưng muốn có được Đuông người ta phải hạ cây dừa xuống, chẻ ngọn ra mới bắt được nó, coi như bỏ luôn cây dừa. Kiến dương, Bọ rầy thường chọn những cây dừa phát triển tốt, trồng được năm mười năm làm nơi để đẻ trứng, nên không người nào dám hy sinh cây dừa để bắt Đuông, chỉ chờ khi thấy cây dừa nào vàng lá, rũ đọt, tức chắc chắn cây dừa sẽ chết, thì người ta mới đốn cây dừa xuống để bắt Đuông.
Người ta gọi Đuông là món đặc sản “kinh dị” vì con Đuông có hình dạng như con sâu, có màu trắng sữa, mềm nhũn, thân nó có nhiều lông măng, không có chân, chỉ cử động thun ra thun vô…
Khác với Đuông chà là, Đuông cau, Đuông mía, … mỗi cây chỉ có một con làm “bá chủ”, Đuông dừa làm ổ hàng trăm con trong một cây dừa, mỗi con khoét một lỗ, cứ ăn cho tới khi nào nát ruột của đọt dừa thì thôi. Cho nên, hầu như con Đuông non nào cũng ứ sữa, mập tròn và mềm nhũn.
Đuông bây giờ không còn là món “lạ” nữa, cũng chẳng là món đặc sản duy nhất của miền nào, bởi nơi nào có trồng dừa là có Đuông. Ngày xưa, Đuông là món để dâng cho vua Minh Mạng. Vì ghiền món Đuông nên nhà Vua cho thợ chạm khắc hình con Đuông trên cửu đỉnh đặt ở Thế miếu ngoài cung đình Huế. Và xem Đuông như là một sản vật lạ và quí của nước Nam…
Ở Sài Gòn, một số quán nhậu có bán Đuông với đầy đủ các món, giá bán khoảng từ 15 – 30 nghìn một con, vì giá khá cao nên khi chọn món Đuông chúng ta có thể gọi một phần chỉ một con để nhâm nhi thử…
Bây giờ, người ta đã sản xuất được nhiều loại thuốc dùng để tiêu diệt Đuông không cho chúng ký sinh và giết chết cây dừa. Đuông dừa ở miền Tây đã gần như “tuyệt chủng”. Còn chăng đó là Đuông bắt từ cây chà là, cây cau, hay là do những ai ghiền Đuông thèm chúng quá nên phải tìm cách nuôi chúng trong thân cây mía… mà thôi!
Nguồn: Vũ Tự Ký

Về Bến Tre nếm vị đuông dừa “tiến vua”

Bến Tre từ lâu nổi danh là quê hương thanh bình mát mẻ cùng với các món ăn đặc sản vốn đã làm ngây ngất lòng người. Nhắc đến ẩm thực nơi đây, người ta không thể nào quên được các món ăn lấy nguyên liệu chính từ con đuông dừa.


Món đuông dừa từ lâu đã được xem là đặc sản của quê hương Đồng Khởi
Từ xưa, dân quê Bến Tre đã xem đuông dừa là một trong những món ăn dân dã nhưng giàu dinh dưỡng. Có thể nói, nguồn gốc của món ăn này xuất phát từ Bến Tre nơi có diện tích trồng dừa lớn nhất nước. Đuông dừa ngày xưa nhiều vô số, bởi nơi sinh sống của chúng ở chính thân cây dừa nên rất dễ tìm. Đuông dừa thường chọn những cây dừa xanh tốt làm nơi trú ngụ, sinh sản. Những cây dừa được đuông dừa chọn để “an cư” thì sẽ bị đuông đục khoét toàn thân, cho đến khi xâm nhập lên củ hủ thì tàu dừa sẽ bị rũ xuống. Đó chính là dấu hiệu nhận biết bên trong cây dừa ấy có chứa đuông dừa.

Đuông dừa trú ngụ trong thân cây dừa
Khi đọt dừa vàng úa ngã ngang là lúc bên trong thân chứa đuông dừa nhiều nhất. Áp tai vào thân dừa sẽ nghe tiếng rì rào của đuông dừa bên trong, bổ ra đuông dừa ngọ ngoậy trông đến vui mắt. Bình quân khi “trúng mánh” một cây dừa bị đuông ăn, dân quê sẽ bắt được gần cả trăm con đuông dừa. Có một điều đặc biệt mà dân lành nghề bắt đuông dừa chia sẻ, khi bắt đuông phải quan sát kỹ đọt dừa, khi những tàu dừa non nhất ngả màu là đuông dừa mập ú, béo tròn. Đuông dừa to nhất là bằng ngón tay cái, đặc biệt những con đuông vừa mọc cánh thịt mịn và ngọt hơn.

Dùng dao khoét thân dừa để bắt đuông
Trước đây, người dân nơi xứ dừa xem đuông dừa là loài phá hoại vì khi chúng chọn trú cây dừa nào, tức thì cây ấy sẽ không còn đường sinh sống. Những tay sành ăn thường bắt đuông dừa mang đi nướng than hoặc lăn bột chiên giòn để làm mồi trong những bữa nhậu. Sau này đuông dừa trở thành món ăn đặc sản, vì thế người ta cũng có nhiều cách chế biến đuông dừa.

Đuông dừa mập ú, béo tròn nếu được bắt đúng thời điểm
Đuông dừa sống trong thân cây dừa nên rất sạch và có nhiều protein có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, trung bình nó chỉ to bằng ngón tay trỏ hoặc ngón chân cái người lớn, dài chừng 3 - 5 cm, toàn thân màu vàng nhạt. Con nào cũng ứ sữa, mập tròn và mềm nhũn khiến nhiều người nhìn bên ngoài đều thấy có chút ghê sợ. Tuy nhiên, dân sành ăn thường gọi là món ăn đặc biệt mà ít có loại đặc sản nào có thể sánh bằng. Người dân xứ dừa kể lại, đuông dừa ngon nhất khi được chế biến ngay sau lúc bắt, bởi di chuyển thời gian lâu, đuông sẽ mất sữa và mất đi hương vị đặc trưng.

Đuông dừa nước than là một trong cách chế biến đuông dừa nhanh nhất
Đuông dừa có thể chế biến thành nhiều món và món nào cũng “hớp hồn” đối với những người sành ẩm thực. Nếu muốn ăn nhanh có thể rang mặn, nướng muối ớt hay luộc nước dừa. Cầu kỳ hơn, đuông dừa có thể dùng để nấu xôi, làm gỏi hay mang đi nấu cháo. Đặc biệt đuông dừa còn có thể tẩm nước mắm nêm nếm gia vị để dùng ngay. Tuy nhiên, đây là món ăn có phần ghê sợ chỉ phù hợp với những người thích khám phá những món lạ miệng.

Món đuông dừa giờ đã có mặt trong các nhà hàng sang trọng
Giờ đây, các món ăn được chế biến từ con đương dừa đã có mặt ở khắp mọi nơi và được xem là đặc sản độc đáo nhất có nguồn gốc từ quê hương Đồng Khởi. Đối với người dân ở xứ dừa, họ luôn tự hào rằng, món đuông dừa nướng than từng được “tiến vua” dưới triều đại nhà Nguyễn. Nhiều chuyên gia ẩm thực đã ví ấu trùng đuông dừa với “sơn dương trùng” mà Từ Hy Thái Hậu đã thiết đãi các sứ thần phương Tây.

Hoàng Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét