Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Vườn quốc gia Bạch Mã - điểm đến của du khách ưa khám phá

Với cảnh rừng xanh ngắt, các con suối và thác Đỗ Quyên trong vắt, Bạch Mã ở ngoại ô Huế hút du khách từ tháng 3 đến tháng 9.
Cách thành phố Huế 40 km, vườn quốc gia Bạch Mã là một điểm đến thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài mê khám phá. Cảnh vật ở đây hoang sơ, yên bình, những ngày có mây trôi bồng bềnh rất đẹp. Ảnh: Thanh Tuyết.
 
Vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập vào năm 1991, tổng diện tích tự nhiên hơn 37 nghìn ha, bao gồm trên 36 nghìn ha đất lâm nghiệp và 522 ha đất khác. Đến cổng vườn quốc gia, du khách sẽ được hướng dẫn các tuyến tham quan, đi xe hơi theo con đường lên đến trạm dừng chân là 19 km. Ảnh: Thanh Tuyết.
 

Vườn quốc gia Bạch Mã nhìn từ trên cao. Video: Trần Hào - Nguyễn Đông
 
Từ Ngũ Hồ đi thác Đỗ Quyên khoảng một tiếng sẽ đến nơi. Thác có tên gọi này bởi loài hoa đỗ quyên mọc rất nhiều ở hai bên thác và thường nở rộ vào tháng 3. Đây sẽ là một trong ba điểm dừng của hệ thống cáp treo xuyên rừng Bạch Mã. Ảnh: Thanh Tuyết.
 
Trong khi khám phá, du khách được đơn vị tổ chức tour hướng dẫn cách sử dụng các dụng cụ, leo thang, di chuyển theo quy tắc nghiêm ngặt. Ảnh: Thanh Tuyết.
 
Vọng Hải Đài là điểm cao nhất ngắm cảnh trên đỉnh núi Bạch Mã. Từ đây có thể nhìn được vịnh Lăng Cô, Hồ Truồi... Ảnh: Nguyễn Đông.
 
Ở các điểm dừng chân, du khách xuống xe đi bộ, trekking vào rừng khám phá hệ sinh thái. Theo chỉ dẫn đường mòn Ngũ Hồ, đến một con suối lớn tạo thành năm hồ nước kế tiếp nhau được hợp thành bởi hai nhánh suối là Hoàng Yến và suối bắt nguồn từ thung lũng Bò Cạp. Ảnh: Phạm Quang Tuân.
 
Mùa khám phá Bạch Mã là từ tháng 3 đến tháng 9. Sau tháng 9, vùng này thường có mưa lớn. Ảnh: Quốc Tài.
 
Tượng phật Quan âm trong vườn quốc gia Bạch Mã, một điểm đến tâm linh được nhiều du khách tìm đến. Ảnh: Phạm Quang Tuân.
 
Thanh Tuyết

Năm quán ăn lâu đời đông khách ở Đà Nẵng

Bánh xèo, mì Quảng, bánh canh... là những đặc sản trứ danh Đà Nẵng, được bán ở các quán hàng chục năm.

nam-quan-an-lau-doi-dong-khach-o-da-nang
Bánh xèo Bà Dưỡng
Từ lâu, bánh xèo bà Dưỡng đã trở thành “thương hiệu” đối với khách du lịch khi ghé thăm Đà Nẵng. Chủ quán là bà Trương Thị Lai, 77 tuổi, mở quán này đã hơn 30 năm. Bà chia sẻ, nguyên liệu làm bánh phải dùng loại gạo xiệc ở Quảng Nam pha thêm ít bột nghệ để tạo màu và ngâm trong bốn giờ để gạo mềm, mịn, khi chiên trên bếp miếng bánh sẽ có vị dẻo và giòn. Dù giá mỗi đĩa bánh xèo lên tới 55.000 đồng, cao hơn những nơi khác nhưng quán vẫn tấp nập. Ảnh: Cẩm Duyên.
Quán bắt đầu mở cửa từ 9h đến 22h nhưng có hôm 20h đã hết. Thực khách nên đến trước 5h chiều để tránh bất tiện phải đứng chờ hoặc ngồi ghép chỗ. Ngoài bánh xèo, bạn có thể gọi thêm bún thịt nướng với giá 25.000 đồng một tô và thịt bò nướng 80.000 đồng một đĩa. Video: Cẩm Duyên.
nam-quan-an-lau-doi-dong-khach-o-da-nang-1
Bánh canh Ruộng
Quán bánh canh ở dưới chân cầu Thuận Phước có tên như trên vì trước đây khu này nhiều ruộng. Quán mở từ năm 1997, trước đây chủ yếu bán cho người lao động và dân chài, về sau được nhiều du khách tìm đến ăn. Nguyên liệu chính làm nên tô bánh canh này là bột gạo, cá, chả cá, hành phi… Cá ở đây thường là cá chỉ vàng, hoặc cá ngừ được tẩm gia vị rồi nướng vừa phải, giã nhỏ cho lớp thịt cá bong ra... Quán mở cửa từ 3h chiều đến 10h tối hàng ngày, cao điểm lúc 5h chiều, phục vụ không xuể. Giá một phần là 8.000 đồng. Ảnh: Xuân Hồng.
nam-quan-an-lau-doi-dong-khach-o-da-nang-2
Mít trộn "bà già"
Mít trộn "bà già" là địa chỉ được nhiều du khách truyền tai nhau khi khám phá ẩm thực Đà Nẵng. Quán nằm trong hẻm nhỏ trên đường Lý Thái Tổ, không có bảng hiệu nhưng luôn đông nghịt khách. Chủ quán là bà Nguyễn Thị Mông, 76 tuổi, đã gắn bó với quán này hơn 30 năm. Các khâu từ đi chợ chọn nguyên liệu, trộn mít, nêm gia vị… đều do chính tay bà làm, con cái trong nhà phụ giúp bưng bê cho khách. Ảnh: Cẩm Duyên.
Quán mở từ 3h chiều đến 10h tối, đông khách nhất là 5-6h chiều. Ai đến trước thì có chỗ ngồi ở mấy bàn nhỏ, ai đến sau phải đứng đợi hoặc mua về. Bà cụ thoăn thoắt trộn mít cho khách vẫn không kịp những khi quán quá đông. Nếu là khách du lịch, bạn nên đến trước 5h để có chỗ ngồi và tìm hiểu thêm về món ăn này. Mỗi phần mít trộn giá 10.000 đồng, bánh tráng ăn kèm giá 3.000 đồng. Video: Cẩm Duyên.
nam-quan-an-lau-doi-dong-khach-o-da-nang-3
Bánh bèo Bà Bé
Quán nức tiếng Đà thành chuyên về các món bánh đặc sản miền Trung như bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, nổi tiếng nhất là bánh bèo. Bánh bèo ở đây mềm được phủ sốt thịt lên trên. Mỗi loại bánh cần có một kiểu nước chấm khác nhau, như bánh bèo chan thì nước chấm phải hơi ngọt pha với tỏi, đường, chanh. Bánh lọc ăn với nước chấm mặn và cay hơn. Giá một phần sáu chén bánh bèo là 15.000 đồng. Ảnh: Thu Vũ.
nam-quan-an-lau-doi-dong-khach-o-da-nang-4
Mì Quảng bà Lữ
Quán mì Quảng nổi tiếng hơn 30 năm, thường bán cả ngày để phục vụ khách du lịch. Thực đơn của quán cũng có nhiều biến tấu để du khách lựa chọn: mì Quảng gà, bò, sườn, cá lóc, thập cẩm… Nước dùng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng. Về rau sống đúng kiểu mì Quảng, gồm 9 loại: cải non mới nụ, xà lách tươi, húng, quế, giá đỗ, rau răm, ngò rí với hành hoa thái nhỏ… trộn lẫn với bắp chuối xắt mỏng. Có lẽ vì thế mà mì Quảng ăn không bị ngán hay cảm giác khô dù ít nước dùng. Giá một tô ở đây từ 20.000 đến 30.000 đồng. Ảnh: Thanh Tuyết.
Thanh Tuyết

Những trí thức lớn người Việt từng học trường Pháp

Ít nhiều thụ hưởng nền giáo dục của Pháp xây dựng ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhiều học sinh đã trở thành trí thức lớn của dân tộc.


Kéo dài gần một thế kỷ, nền giáo dục Pháp ở Việt Nam được đánh giá trái chiều. Năm 1905, Phan Bội Châu cho rằng Pháp "chỉ dạy viết văn Pháp, nói tiếng Pháp, tạm thời làm nô lệ cho Pháp". Song mặt tích cực ngoài ý muốn của Pháp là tạo ra tầng lớp tri thức có trình độ đại học, nắm vững khoa học, kỹ thuật tiên tiến.
Nhà bách khoa của thế kỷ 20 Đào Duy Anh
Đào Duy Anh (1904-1988) là nhà sử học, địa lý, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ở Thanh Hóa, nguyên quán huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
Năm 1923, ông tốt nghiệp Thành chung (trường Quốc học Huế) rồi ra dạy học trường Đồng Hới (Quảng Bình). Ba năm sau, ông tham gia sáng lập báo Tiếng Dân cùng Huỳnh Thúc Kháng rồi gia nhập Việt Nam Cách mạng Đảng (sau là Đảng Tân Việt).
nhung-tri-thuc-lon-nguoi-viet-tung-hoc-truong-phap
Vợ chồng giáo sư Đào Duy Anh. Ảnh tư liệu
Lĩnh vực khoa học đầu tiên mà Đào Duy Anh quan tâm là từ điển học. Ông lần lượt hoàn thành và xuất bản Hán - Việt từ điển (1932) và Pháp - Việt từ điển(1936). Đây là công cụ tra cứu rất cần thiết cho nhiều thế hệ học sinh trung học, được ví như cầu nối giữa lớp người già theo Nho học và lớp người trẻ theo Tây học.
Gần 40 năm sau, ông cho ra đời bộ từ điển độc đáo, chuyên dụng Từ điển Truyện Kiều (1974). Tuy không phải người biên soạn từ điển đầu tiên của Việt Nam, nhưng Đào Duy Anh đã đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại.
Trong lĩnh vực sử học, năm 1938, tác phẩm Việt Nam văn hoá sử cương của ông cùng với Văn minh An Nam (la Civilization Annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên đã đánh dấu và đặt nền tảng hình thành nền văn hóa học Việt Nam hiện đại trên tinh thần khoa học, dân tộc.
Một số tác phẩm tiêu biểu của ông trong lĩnh vực này như Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938), Trung Hoa sử cương (1942), Khảo luận về Kim Vân Kiều(1943) được giới tri thức trong nước và nhiều học giả thế giới đón nhận, hoan nghênh.
Ông tự tích lũy kiến thức về nhiều ngành khoa học xã hội khác như Triết học, Dân tộc học, Xã hội học bằng phương pháp luận sử học và tư liệu lịch sử. Từ một người tốt nghiệp Thành chung, bằng ý chí tự học, Đào Duy Anh đã trở thành nhà bách khoa của thế kỷ.
Tôn Thất Tùng - bác sĩ nổi tiếng thế giới 
Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912-1982) là bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh giải phẫu gan. Ông sinh năm 1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế.
Xuất thân từ gia đình quan lại nhà Nguyễn nhưng ông không theo nghiệp học làm quan. Năm 1931, ông ra Hà Nội học tại trường Trung học Bảo Hộ, hai năm sau đó học trường Y khoa Hà Nội - thành viên của Viện Đại học Đông Dương với quan niệm nghề y là nghề "tự do", không phân biệt giai cấp.
nhung-tri-thuc-lon-nguoi-viet-tung-hoc-truong-phap-1
Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng. Ảnh tư liệu
Một lần phát hiện gan của người bệnh có giun chui ở các đường mật, ông đã nảy ra ý tưởng dùng những lá gan bị nhiễm giun để phẫu tích cơ cấu của lá gan.
Liên tiếp những năm sau đó 1935-1939, chỉ bằng con dao nạo thô sơ, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu và vẽ lại thành sơ đồ đối chiếu. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề "Cách phân chia mạch máu của gan".
Bản luận án được đánh giá cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông. Với bản luận án này, Tôn Thất Tùng đã được Đại học Tổng hợp Paris tặng huy chương bạc.
Khi Tôn Thất Tùng trở thành bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Phủ Doãn (tiền thân của Bệnh viện Việt Đức ngày nay), sau nhiều lần cắt gan người chết, ông đề xuất với thầy hướng dẫn về phương pháp của mình. Phương pháp này sau đó được gửi Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris và bị giáo sư đầu ngành công kích dữ dội, vì ý tưởng của Tôn Thất Tùng quá mới.
Mãi đến năm 1952, tại hội nghị Phẫu thuật quốc tế ở Copenhaghen (Đan Mạch) phương pháp cắt gan có quy phạm của ông mới được thừa nhận. Tôn Thất Tùng được giới y học quốc tế chú ý và ca ngợi là "người cha của cắt gan có quy phạm".
Sau này, ông có nhiều cống hiến cho ngành y học Việt Nam trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại khoa (Đại học Y Hà Nội), Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Thứ trưởng Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giáo sư Hoàng Như Mai - Học giả hàng đầu trong nghiên cứu văn học
GS.NGND Hoàng Như Mai (1919-2013) quê gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở phủ Lạng Thương (tỉnh Bắc Ninh). Ngày vào lớp đồng ấu (lớp 1 ngày nay), ông được một thầy giáo già truyền tình yêu văn chương, qua những bài giảng chữ Nho, chữ quốc ngữ và những bài Pháp văn.
Hồi 8-9 tuổi, có lần ông được người anh dẫn lên Hà Nội vào rạp chiếu bóng chơi, được tận mắt nghe câu thoại của nam diễn viên với người tình "Đôi mắt em xanh như nước biển Địa Trung Hải" bằng tiếng Pháp. Câu thoại đó cứ vấn vương mãi trong đầu cậu bé nhiều năm sau này.
Học xong tiểu học, ông lên Hà Nội vào trường Trung học Bảo Hộ (trường Bưởi) trong hệ thống giáo dục Pháp - Việt, được học chương trình văn học Pháp gồm nhiều tác gia lớn của thế kỷ 16-18 và các tác giả lãng mạn thế kỷ 19.
Cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng mạnh ban đầu cho ông là Graziella của Lamartine, đặc biệt là bài thơ hoài niệm cuối sách Mối hận đầu tiên được Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Việt. Sáu bảy chục năm sau đó ông vẫn thuộc lòng nhiều đoạn trong tiểu thuyết này.
nhung-tri-thuc-lon-nguoi-viet-tung-hoc-truong-phap-2
Giáo sư Hoàng Như Mai. Ảnh: Đại học Văn Hiến
Những năm học trường Bưởi cũng là thời kỳ phong trào Thơ Mới nở rộ nên thế hệ của Hoàng Như Mai đã tìm được những thi sĩ cho riêng mình. Ông khâm phục Xuân Diệu nhưng thích đọc nhất là Thế Lữ, J.Leiba Thái Can, Lưu Trọng Lư và sau này là Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân.
Tiếp đó, Hoàng Như Mai lần lượt theo học ở Đại học Y khoa và Đại học Luật khoa Đông Dương ở Hà Nội. Năm 1943, khi đang là sinh viên Đại học Luật, ông bắt đầu đứng trên bục giảng ở trường Trung học tư thục Đông Hải (Hải Dương).
Năm năm sau, ông được Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình mời làm hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh. Sau đó, ông lần lượt làm giảng viên, hiệu trưởng ở các trường Sư phạm Việt Bắc (1951), Sư phạm Trung cấp trung ương (1953), Đại học Tổng hợp Hà Nội (1959), Đại học Tổng hợp TP HCM (1980).
Ông để lại di sản nghiên cứu văn học khá đồ sộ. Bộ giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại (1945-1960) của Hoàng Như Mai có giá trị rất riêng, bởi đây là công trình đầu tiên mang tính đột phá, nghiên cứu về một chặng đường văn học còn nóng hổi tươi nguyên đối với thời kỳ đó.
Các tập chuyên luận, tiểu luận về thơ Thơ một thờiBản sắc dân tộc trong thơ Hồ Chí Minh hay sân khấu Nhận định về cải lương", Trần Hữu Trang - soạn giả cải lương đến nay vẫn nguyên giá trị cho giới nghiên cứu.
Trong lĩnh vực sân khấu kịch nói, giáo sư Hoàng Như Mai cũng để lại dấu ấn với các tác phẩm nghiên cứu Tiếng trống Hà Nội, Dòng sông biên giới, Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu.
Ngoài ba trí thức trên, còn nhiều người trưởng thành từ nền giáo dục thời Pháp thuộc, như: giáo sư Hoàng Minh Giám (1904-1995); giáo sư Nguyễn Lân (1906-2003); giáo sư, viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993); nhà nông học Lương Định Của (1920-1975); giáo sư Toán học Nguyễn Cảnh Toàn (1926-2017)...
Mạnh Tùng

Giáo dục đại học của Pháp ở Việt Nam

Pháp áp đặt nền giáo dục ở Việt Nam gần 100 năm, nhưng giáo dục đại học ra đời khá muộn, vào nửa đầu thế kỷ 20.


Những năm đầu thế kỷ 20, dưới tác động của cao trào "Châu Á thức tỉnh" và sự du nhập trào lưu dân chủ tư sản vào Việt Nam, tổ chức Duy Tân Hội do Phan Bội Châu sáng lập đã phát động phong trào Đông Du, đưa thanh niên Việt Nam sang du học Nhật Bản.
Tại Hà Nội, Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập và hoạt động sôi nổi (1907), dần trở thành trung tâm tuyên truyền, cải cách văn hóa, giáo dục có ảnh hưởng rộng lớn ở Bắc Kỳ.
Ở Trung Kỳ, phong trào Duy Tân được khởi xướng, dẫn đến sự hình thành của 300 tổ chức trường học, giảng dạy theo lối mới, hướng tới mục tiêu "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Trước sức ép từ ảnh hưởng của những phong trào này và tầng lớp sĩ phu yêu nước, chính quyền Pháp buộc nghĩ đến tổ chức bậc đại học.
Đại học Đông Dương - thiết chế đại học đầu tiên ở Việt Nam
Năm 1907, Pháp ra nghị định thành lập Đại học Đông Dương với một số trường cao đẳng, nhưng thực chất là trường trung cấp chuyên nghiệp. Hoạt động không được bao lâu, Đại học Đông Dương đóng cửa bởi không có sinh viên và thiếu giáo sư.
giao-duc-dai-hoc-cua-phap-o-viet-nam
Một giờ học môn Vật lý tại Đại học Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu
Hơn 10 năm sau đó, Pháp tổ chức một số trường cao đẳng (trên danh nghĩa mô hình đại học) nhưng vẫn phải nhận những sinh viên có trình độ cao đẳng tiểu học nên khi ra trường, bằng cấp chỉ tương đương trung cấp. Khoảng 20 năm tiếp theo (1920-1939), Pháp nâng cấp các trường cao đẳng thành đại học, mở thêm trường cao đẳng mới như Thương mại, Văn khoa, Khoa học, Mỹ thuật. 
Một trong những đại học có tuổi đời lâu nhất ở Việt Nam là Y khoa Hà Nội, thành lập năm 1902 như một trường thuốc École de Médecine. Sinh viên muốn vào trường phải có bằng thành chung (cấp hai), được đào tạo 3-4 năm rồi ra trường với danh xưng Y sĩ bản xứ, Y sĩ Đông Dương, Y sĩ phụ tá.
Kỳ thi tuyển đầu tiên vào trường Y khoa có 121 thí sinh ở Bắc Kỳ, với tiêu chuẩn cao nhất là biết tiếng Pháp, kết quả 15 người trúng tuyển. Tiếp đó, trường tuyển sinh viên với chất lượng cao hơn, yêu cầu tốt nghiệp tú tài toàn phần (cấp ba), bắt đầu cấp phát bằng Bác sĩ đa khoa.
Trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), một số trường đại học được thành lập hoặc nâng cấp từ cao đẳng. Hai trường Y Dược và Luật (từ cao đẳng Luật khoa) trở thành đại học theo quy chế đại học ở Pháp nhằm cung cấp nhân lực chăm sóc sức khỏe cho nhân viên bộ máy hành chính.
giao-duc-dai-hoc-cua-phap-o-viet-nam-1
Khóa y sĩ Đông Dương 1921-1925 trường Y khoa Hà Nội. Ảnh tư liệu
Năm 1941, Pháp thành lập Cao đẳng Khoa học đào tạo sinh viên lấy bằng cử nhân khoa học như đại học khoa học ở Pháp. Tiếp đó, Pháp mở rộng Cao đẳng Nông lâm đào tạo kỹ sư nông nghiệp và lâm nghiệp, Cao đẳng Công chính đào tạo kỹ sư và phó kỹ sư công chính.
Tất cả cao đẳng và đại học trên đều nằm trong một tổ chức chung là Viện Đại học Đông Dương, cơ quan mới được thành lập để chỉ đạo bậc giáo dục cao đẳng và đại học. Những người muốn thi vào các trường trên phải có bằng tú tài toàn phần hoặc tú tài thứ nhất.
Mục tiêu mở các đại học này là cho thanh niên Pháp ở Đông Dương có nơi học lên cao, thay vì phải về Pháp - vốn đang bị cắt đứt bởi chiến tranh leo thang. Mặt khác, Pháp phải cạnh tranh giành ảnh hưởng với Nhật trong tầng lớp thanh niên trí thức Việt Nam. Các hoạt động mở rộng, nâng cấp trường cao đẳng thành đại học được Pháp tuyên truyền rầm rộ khắp Đông Dương.
Năm 1941, Pháp thành lập ký túc xá khang trang cho sinh viên Đại học Đông Dương ở Hà Nội, nhằm tách sinh viên ra khỏi ảnh hưởng của Nhật.
Đại học phải sơ tán vì chiến tranh, nhiều trường được mở ở Sài Gòn
Sau tháng 8/1945, nhiều đại học ở Hà Nội phải sơ tán theo kháng chiến, phần còn lại mãi hai năm sau mới bắt đầu dạy và học lại. 
Năm 1947, Sài Gòn bắt đầu có một số cơ sở của Đại học Y khoa, nơi đầu tiên mang tên Y Dược do giáo sư Massias người Pháp làm Khoa trưởng. Kết quả khóa tuyển sinh đầu tiên có 39 người đỗ ngành Bác sĩ Y khoa, 22 người ngành Nữ hộ sinh. Cũng trong năm này, Đại học Luật khoa được phục hồi ở Sài Gòn với hàng trăm thí sinh dự thi cử nhân và cao học Luật. 
giao-duc-dai-hoc-cua-phap-o-viet-nam-2
Trụ sở Y dược Đại học đường Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Do tình hình chính trị phức tạp nên Pháp bỏ tên Đại học Đông Dương, tập hợp các trường Y khoa, Luật và Khoa học thành Viện Đại học hỗn hợp Việt - Pháp. Viện trưởng là một người Pháp, viện phó là người Việt. Họ còn mở thêm một trung tâm của viện này ở Sài Gòn do nhu cầu theo bậc đại học ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ phát triển khá mạnh.
Lần lượt đại học Văn khoa, Sư phạm (ở Hà Nội); Công chính, Truyền thanh - Điện khí (ở Sài Gòn) được ra đời. Nhiều nhà trí thức cách mạng lớn vốn xuất thân từ các trường này như Nguyễn Khánh Toàn (Sư phạm), Trường Chinh (Thương mại), Võ Nguyên Giáp (Luật khoa).
Cuối năm 1954, các trường ở Hà Nội với đa số nhân viên, trang thiết bị cùng một phần nhỏ sinh viên được di chuyển vào Sài Gòn và hợp nhất với các trung tâm giáo dục đại học đã có sẵn, giao cho chính quyền ở thành phố này quản lý, trở thành Viện Đại học Sài Gòn.
Đây cũng là dấu mốc kết thúc nền giáo dục của Pháp xây dựng ở Việt Nam.
Mạnh Tùng 

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Làng nghề làm nước mắm 'tiến vua' dưới chân đèo Hải Vân

Nguyên liệu làm nước mắm chỉ có cá cơm than tươi và muối Cà Ná một năm tuổi.

Nước mắm tiến vua là đặc sản thơm ngon nức tiếng của Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ngôi làng nhỏ nằm ngay chân đèo Hải Vân gắn bó với nghề từ cách đây hàng trăm năm
Quy trình làm nước mắm truyền thống ở Nam Ô
Theo ông Dương Đức - Phó chủ tịch Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, thương hiệu được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp năm 2009. Trước đây, làng có hơn 100 hộ tham gia, song nay chỉ còn 54 gia đình.
Ông Đức cho biết, để làm ra sản phẩm thơm ngon đúng vị, người dân địa phương phải tốn nhiều thời gian và công sức. Các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn chọn nguyên liệu và quy cách chế biến truyền thống, tạo ra loại nước mắm thơm ngon, không chất tạo màu, tạo mùi hay bảo quản.
Mắm được làm từ cá cơm than tươi trộn cùng muối Cà Ná già hạt, ủ lên men tự nhiên suốt 12 tháng. Các hộ làm nghề thường chủ động liên hệ và ký hợp đồng với chủ tàu, khi có cá cơm than tươi thì làm sạch, ướp muối ngay trên boong. Muối ướp phải trên một năm tuổi để giảm độ mặn và chát. Các thao tác chế biến đảm bảo sạch sẽ mới tạo ra được loại nước mắm có màu hổ phách sánh và thơm.
polyad
Nước mắm Nam Ô thơm đượm, màu cánh gián. Ảnh: Bizmedia
"Thời gian hoàn thành mẻ nước mắm từ công đoạn ủ nguyên liệu cho tới lọc đúng một năm. Nếu sớm hơn, nước mắm sẽ không được thơm ngon tròn vị. Nguyên tắc này được bà con tuân thủ để lưu giữ được chất lượng của loại nước mắm hảo hạng", ông Đức chia sẻ.
Nhiều năm qua, hội luôn giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất nước mắm của các hộ thành viên. Trên mỗi bao bì sản phẩm đều phải đảm bảo đầy đủ thông tin liên hệ cơ sở sản xuất cũng như ban quản lý hội. Điều này giúp người dùng có thể dễ dàng truy vấn được nguồn gốc sản phẩm.
polyad
Dụng cụ "chuột lọc mắm" đan bằng tre của người Nam Ô. Ảnh: Bizmedia
Ông Đức vốn là người gốc Đà Nẵng, gia đình có ba đời làm nước mắm Nam Ô. Tiếp quản nghề truyền thống của gia đình, hiện tại cơ sở của ông duy trì được sản lượng 2.000 lít mỗi năm. Nhiều năm qua, người đàn ông này đã đi quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới các địa phương khác như TP HCM, Đắk Lắk...
Theo ông, khó khăn lớn nhất của bà con làng nghề là vốn vay. Bà con cần vốn hỗ trợ để mở rộng sản xuất, duy trì và vực dậy thương hiệu truyền thống của địa phương. Thành phố đang có chính sách di dời làng nghề, quy hoạch khu vực rộng 3ha để các hộ thành viên tập trung gây dựng cơ sở sản xuất, hỗ trợ vốn cho bà con.
Vũ Đậu

Các 'kỳ quan thế giới' có mặt tại Long An

Không cần đi xa, ngay tại tỉnh Long An du khách Việt cũng tìm thấy những công trình nổi tiếng thế giới như tháp Eiffel, nhà hát Opera Sydney...
Trong công viên khu dân cư Cát Tường Phú Sinh, tại ấp Rạch Sên, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, Long An, mới xuất hiện rất nhiều mô hình phỏng theo các công trình nổi tiếng thế giới. 
 
Mô hình được làm bằng sợi thủy tinh, có tỉ lệ thu nhỏ tinh xảo giống như thật, được nhập về sau đó lắp ráp tại công viên. Mặc dù công trình chưa hoàn thiện nhưng đã thu hút được nhiều bạn trẻ đến tham quan, check-in, chụp hình những ngày gần đây.
 
Mô hình nhà thờ chính tòa Thánh Basil (St. Basil's Cathedral) nổi bật giữa công viên với các màu sắc sặc sỡ. Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của thủ đô Moscow, Nga.
 
Tượng Nữ thần Tự do, biểu tượng của New York, Mỹ, cũng góp mặt trong khuôn viên.
 
Các bạn trẻ háo hức tạo dáng bên mô hình nhà hát Opera Sydney có kiến trúc độc đáo giống hình con sò. Bản gốc của nó là nơi biểu diễn nghệ thuật nằm ở bến cảng Sydney, Australia.
 
Tháp Pisa trứ danh của Italy vốn thu hút hàng triệu du khách tới chụp ảnh nay đã có bản sao tại Việt Nam.
 
Taj Mahal là một lăng mộ nằm tại Agra, Ấn Độ được miêu tả là một kiệt tác của thế giới. Mô hình của công trình ấn tượng này cũng có trong khuôn viên khu Cát Tường Phú Sinh.
 
Cầu tháp London là một công trình kết hợp cầu treo với cầu nâng bắc qua sông Thames tại thủ đô London, Vương quốc Anh. Mô hình này được đặt ngay trước cửa công viên, phía trước có hồ nước đang dần được hoàn thiện. Công viên mở cửa tham quan miễn phí, dự kiến tới 2/9 sẽ hoàn thiện toàn bộ. Du khách đến đây có thể sử dụng bãi gửi xe của khu dân cư cao cấp.
Ngoài ra trong khu dân cư còn có các dụng cụ tập thể dục ngoài trời, công viên trẻ thơ với các mô hình khủng long lớn, công viên tình yêu... 
 
Nguyễn Sỹ Đức

Người dân hóa trang thành tiên cô, thánh bà tham gia lễ rước

Trong trang phục đặc sắc, người dân theo tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu ở Huế đã tham gia lễ cung nghinh Thánh mẫu ở Thánh đường lên điện Huệ Nam.
Sáng 29/8, hàng nghìn người dân theo tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu khắp cả nước đã tập trung về Thánh đường ở đường Chi Lăng, TP. Huế tham dự lễ cung nghinh mẫu.
Thánh Mẫu sẽ được rước lên điện Huệ Nam, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Đây là nghi lễ đầu tiên để tiến hành lễ hội điện Huệ Nam diễn ra ngày 8-10/7 (âm lịch).
Thay mặt cho các tín đồ theo tín ngưỡng thờ mẫu, vị trưởng Tổng hội tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế đã làm lễ tế cung nghinh tại Thánh đường, cung nghinh mẫu lên điện Huệ Nam.
Theo tín ngưỡng của người theo đạo Thiên Tiên Thánh giáo ở Huế, thế giới có ba cõi là Thượng thiên, Thượng ngàn và Thủy phủ. Mỗi cõi do một vị Thánh Mẫu đứng đầu. Dưới mỗi Mẫu lại có các Thánh bà hầu hạ mà người ta thường gọi là các Đức Chầu. Dưới quyền sai phái của Mẫu còn có năm vị Quan Lớn từ Đệ Ngũ tới Đệ Nhất, 10 ông Hoàng, 12 Tiên cô, các cậu Quận và những vong linh chết non (sút sảo, tảo vong) hiển linh thường được gọi là các cô Bé hay các Cậu. Ngoài ra, tín ngưỡng này còn thờ cả Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Quan Công, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh lẫn Đức Thánh Trần Hưng Đạo đại vương.
Một thiếu nữ hóa trang thành tiên cô tham gia lễ cung nghinh mẫu.
Sau các thủ tục truyền thống, đoàn đạo ngự cung nghinh các bằng án ra thuyền rồng di chuyển lên điện Huệ Nam.
Dẫn đầu đoàn rước là một vị quan tướng tay cầm đại đao để dẫn đường.
Một tín đồ hóa trang thành thánh bà mang lễ vật theo đoàn rước.
Trong các lễ vật theo đoàn rước không thể thiếu trầm hương.
Nghệ sĩ hài Hoài Linh cũng về tham gia lễ cung nghinh mẫu lên điện Huệ Nam.
Các tín đồ hóa thân thành các thánh bà, tiên cô theo đoàn rước. Sau lễ hội điện Huệ Nam, các tín đồ sẽ cung nghinh các bằng án, Thánh Mẫu về lại Thánh Đường.
Võ Thạnh