Dưới thời trị vì của mình, để giữ yên xã tắc, vua Minh Mạng có những biện pháp xử lý rất nặng đối với quan lại có hành vi tham nhũng.
Vua Minh Mạng có tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ tư của vua Gia Long, sinh năm Tân Hợi (1791) tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định. Sau khi lên ngôi, ông lấy niêm hiệu là Minh Mạng, đặt quốc hiệu là Đại Nam.
Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn, Minh Mạng là ông vua hết sức cần mẫn, làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng vì nước, là tấm gương sáng cho các bậc đế vương noi theo.
Dù Gia Long là người đặt nền móng, nhưng phải dưới thời Minh Mạng, kỷ cương đất nước mới đi vào quy củ. Năm Tân Mão (1831), nhà vua tiến hành cải cách hành chính trên toàn quốc, chia đất nước làm 31 tỉnh theo từng địa hình và cương vực hợp lý như ngày này.
Dưới thời Minh Mạng, Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn và hùng mạnh hàng đầu khu vực, các nước lân bang đều phải kiêng nể.
Để đất nước thịnh trị, một trong những biện pháp Minh Mạng rất coi trọng đó là trị quan tham. Nhà vua thường đưa ra những hình phạt rất nặng với những ai có hành vi đục khoét của công.
Vua Minh Mạng. |
Theo sách Đại Nam thực lục, vào năm 1823, Lý Hữu Diệm làm quan tại phủ nội vụ lấy trộm hơn một lạng vàng. Theo luật, tội này sẽ bị chém đầu, nhưng xét thấy trước đây có ít nhiều công trạng nên Bộ Hình giảm xuống thành tội bắt đi đày viễn xứ.
Khi án được tâu lên, Minh Mạng không chấp nhận đề nghị giảm án. Thay vào đó, vua ra lệnh phải đem can phạm ra trước chợ Đông Ba chém đầu, cho mọi người trông thấy mà sửa mình với khẩu dụ:
“Thời Gia Long, bọn Nguyễn Đăng Được thông đồng với thợ bạc đúc trộm ấn giả, để trộm đổi ấn cất ở kho, đều xử chém ngay. Nay Hữu Diệm ở đấy cân vàng mà còn dám công nhiên lấy trộm.
Thế là trong mắt hắn không có pháp luật. Chi bằng theo đúng tội danh mà định để răn người sau. Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông, chém đầu cho mọi người biết. Hồ Hữu Thẩm phải truyền cho bọn viên lại Nội vụ phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy lòng sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắc tội, há chẳng là một phương thuốc hay cho bọn người sao?”.
Tháng 11/1831, Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên lại ăn bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Gian dối bị phát hiện, đáng lẽ cũng bị xử tử và chặt tay treo ở kho.
Thấy chưa đủ độ răn đe và muốn thủ phạm phải ăn năn, hối lỗi, ông ra chỉ dụ: “Lũ Nguyễn Đức Tuyên đã ăn bớt từ trước, lại dám lấy mật trộn lẫn vào để ít hóa nhiều, ý định lừa gạt che giấu. Trước còn chối cãi, đến lúc cả kho xưng ra, mới chịu thổ lộ thực tình, những người tai nghe mắt thấy ai mà không ghét.
Đáng lẽ cho trói đem ra chợ Cửa Đông chém đầu, nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian”.
Năm 1834, tuần phủ Trịnh Đường tham ô tới một nghìn quan tiền nhưng lại nói dối là bị giặc lấy mất. Đến khi vụ việc bị phát hiện, vua Minh Mạng rất tức giận, tuyên dụ. Sau khi thành án, Trịnh Đường bị xử tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay).
Tiếp đó vào năm 1834, mặc dù không có công trình nào lớn xây dựng, vua Minh Mạng thấy gỗ trong Bộ Công hết rất nhanh, liền sai Bộ Hộ và Viện Đô sát tra xét kỹ.
Kết quả điều tra cho thấy Quản mộc Hồ Văn Hạ thông đồng với thợ thuyền tham ô. Để răn đe, vua lập tức đưa ra xử chém. Không chỉ có vậy, liên đới trách nhiệm, Đốc công Trần Văn Hiệu không quản lý sát sao cũng bị nhà vua cách chức, bắt làm việc chuộc tội.
Với những biện pháp mạnh tay và cực kỳ nghiêm khắc với quan lại tham nhũng, vua Minh Mạng đã phần nào làm nhụt chí bọn “sâu mọt”, giúp đất nước phát triển cường thịnh. Đó chính là bài học đáng suy ngẫm cho hậu thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét