Theo dấu tháp Chăm 'lớn nhất Đông Nam Á'
- GOOGLE+
Dù chưa ai chỉ ra được ngọn tháp nằm ở đâu, nhưng linh mục Nguyễn Trường Thăng (quản xứ Trà Kiệu năm 1975 - 1989) khẳng định ngôi đền là có thật và “hoàn toàn không mơ hồ”...
Từ một bức không ảnh cách đây gần 100 năm, nhiều người nhận định, nếu còn tồn tại đến bây giờ, kinh thành Sư tử (Simhapura) sẽ có một ngọn tháp khổng lồ và xếp vào loại lớn nhất trong hệ thống tháp Chăm hiện có tại Đông Nam Á.
Đền thờ cao 40 m
Nhiều tài liệu dẫn theo bộ sử Thủy kinh chú của Lý Đạo Nguyên người Bắc Ngụy (Trung Quốc) viết vào thế kỷ 7 cho biết, kinh thành Sư tử được mô tả đặt tại phía tây khúc sông ở kinh đô Lâm Ấp, lập ở Điển Xung, cách bờ biển 40 dặm. Về sau, những chuyên gia người Pháp khi nghiên cứu kinh thành Sư tử cũng dựa theo sử liệu này. Trong đó, cuộc khai quật ở Trà Kiệu với quy mô lớn lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của các học giả người Pháp được tiến hành trong 2 năm (1927 - 1928) dưới sự chỉ đạo của J.Y.Claeys (Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp ở Hà Nội) kéo dài gần 10 tháng đã phát hiện nhiều bức tượng đá, mảnh gốm, vết tích những chân móng tường gạch...
Trong báo cáo khai quật di chỉ Trà Kiệu vào năm 1990, các nhà nghiên cứu Nguyễn Chiều, Lâm Thị Mỹ Dung nhận định: “J.Y.Claeys đã bước đầu phác họa được quy hoạch của thành cổ Trà Kiệu và chứng minh được thành Trà Kiệu chính là kinh thành Simhapura của vương quốc Champa từng được nhắc đến trên các bi ký Chàm và cũng chính là kinh đô Lâm Ấp được mô tả trong Thủy kinh chú”. Từ đây, những tài liệu J.Y.Claeys trở thành nền móng cho rất nhiều nghiên cứu về kinh thành Sư tử. Bằng phương pháp khảo sát hiện đại, nhà nghiên cứu người Pháp xác định: Thành Simhapura có chu vi khoảng 4 km, thành phía tây dài 1.700 m, thành phía tây bắc - đông nam dài 500 m. Đặc biệt, từ bức không ảnh do nhà nghiên cứu J.Y.Claeys ghi lại tại hiện trường cuộc khảo sát đã đưa đến nhận định, tại kinh thành Sư tử có một ngọn tháp khổng lồ với chiều cao có thể đạt đến 40 m.
Ông Nguyễn Văn Nghị (67 tuổi, người trông coi giáo xứ Trà Kiệu, xã Duy Sơn) cho biết thuở nhỏ ông đã được nhiều người trong làng truyền miệng câu chuyện về ngọn tháp khổng lồ nằm ở phía đông đồi Bửu Châu, nơi đặt nhà thờ Đức mẹ Trà Kiệu ngày nay. Ông nói: “Vị trí chính xác của nó thì không ai biết. Qua nhiều giai đoạn, nền móng ngọn tháp đã bị vùi lấp hoặc đã bị người dân đập phá nên có khi nền tháp hiện nằm trong nhà dân”.
Nơi đặt đài thờ trà kiệu ?
Những nghiên cứu về sau của nhiều học giả chủ yếu căn cứ trên những nhận định của J.Y.Claeys rút ra từ cuộc khai quật trong 10 tháng năm 1927 - 1928. Dù chưa ai chỉ ra được ngọn tháp nằm ở đâu, nhưng linh mục Nguyễn Trường Thăng (quản xứ Trà Kiệu năm 1975 - 1989) khẳng định ngôi đền là có thật và “hoàn toàn không mơ hồ”, thông qua bức không ảnh mà ông tận mắt chứng kiến và kỳ công sao chụp tại nước Pháp.
“Năm 1996, khi đang theo học môn giáo sử tại Institut Catholique ở Paris, được sự giới thiệu của linh mục Gerard Moussay, GS Pierre-Yves Manguin đã mời tôi đến nói chuyện một giờ với nhóm sinh viên đặc biệt ngành khảo cổ đến từ nhiều nước tại Etude Francaise d’Extrême Orient về kinh đô Simhapura Trà Kiệu”, linh mục Thăng kể. GS Pierre-Yves Manguin đã cho ông Thăng xem những tài liệu của J.Y.Claeys về cuộc khai quật 1927 - 1928 tại Trà Kiệu. “Đây là những tài liệu chưa thấy ai công bố, nên phải gọi là quý, ít nhất đối với tôi. Trong đó, có 2 bức ảnh tôi cho là lạ. Đặc biệt, qua bức không ảnh, có thể thấy kinh thành Sư tử từng tồn tại một ngọn tháp vào hàng lớn nhất khu vực Đông Nam Á”, linh mục Thăng khẳng định.
Bức không ảnh đen trắng ghi lại toàn bộ khu vực Hoàng Châu với diện tích khoảng 1/2 km2. Với những tài liệu có được tại Pháp, linh mục Thăng nhận định, mỗi cạnh móng của ngôi đền dài 10 m, tháp cao gần 40 m là có cơ sở. “Nếu còn đến ngày nay, rõ ràng đây là ngôi tháp đồ sộ nhất trong hàng kiến trúc Chăm ở vùng Đông Nam Á. Thật là quá sức tưởng tượng vì tháp A1, cao nhất Mỹ Sơn cũng chỉ đo được khoảng 28 m”, linh mục Thăng đặt vấn đề ngọn tháp rộng lớn này có thể chứa được một đài thờ lớn hình vuông, mỗi cạnh 3 m, cao 1,5 m, trên đó tạc 12 vũ nữ Apsara đứng múa trước đài sen.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho rằng các khảo tả về kinh thành Sư tử thường mờ nhạt, những nghiên cứu liên quan cũng chủ yếu qua các hố khai quật nên chỉ phác ra mặt bằng kiến trúc và đưa ra giả thuyết. Do vậy, rất khó đi đến kết luận về một ngọn tháp cao đến 40 m như nhiều tài liệu đã dẫn mà cần thiết phải có thêm những nghiên cứu chuyên sâu.
Simhapura, kinh thành Sư tử tọa lạc tại Trà Kiệu (Quảng Nam) khoảng thế kỷ 4 dưới triều Bhadravarman, nay chỉ còn lại những tường thành vùi lấp trong đất đá. Nhưng bí mật xung quanh kinh đô cũ của vương quốc Champa này vẫn đang lưu truyền, và đã có một vị linh mục chuyên tâm nghiên cứu suốt nhiều năm..
|
Hoàng Sơn
Hai bức vẽ về thành cổ
Bộ sưu tập hiện vật suốt 14 năm quản xứ Trà Kiệu của linh mục Nguyễn Trường Thăng đã góp thêm tài liệu quý về kinh thành cổ. Ngạc nhiên hơn, bức phác thảo về thành cổ của ông có nhiều nét tương đồng kỳ lạ với bức vẽ từ đầu thế kỷ 20 của nhà khảo cổ người Pháp.
Cơ duyên với trà kiệu
Những ngày gần đây, dù đang nằm trên giường bệnh chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, nhưng linh mục Nguyễn Trường Thăng vẫn luôn lạc quan. Ông bảo, còn sức thì còn nghiên cứu văn hóa Chăm bởi kinh thành Sư tử là một “câu chuyện lớn” đối với cuộc đời ông. Ông kể, thuở nhỏ nhìn thấy những hiện vật của người Chăm để lại, ông có cảm giác rờn rợn. Nhưng lâu dần, tiếp xúc với lịch sử và văn hóa Chăm, ông “bén duyên” khi nào không hay rồi tự mày mò thu thập hiện vật, nghiên cứu. Năm 1975, ông được cử về tiếp quản giáo xứ Trà Kiệu và cảm thấy may mắn khi có cơ hội tiếp cận với những hiện vật cũng như tìm hiểu nền văn hóa vốn dĩ lùi xa trong quá khứ.
Mùa hè 1979, Trà Kiệu đi vào giai đoạn mới với phong trào hợp tác hóa nông thôn. Tại các cánh đồng trong giáo xứ như: đồng Cả, đồng Eo, Bảy Mẫu, Hè Chùa, Hoàng Châu... từng lớp người cuốc xẻng, xà beng hăm hở san lấp mặt bằng, chia bờ thửa theo tiêu chuẩn mới. Linh mục Nguyễn Trường Thăng kể, sau 3 ngày cải tạo mặt bằng tại cánh đồng Hoàng Châu, ông nhận được một tin báo bất ngờ: Khi cuốc đất tại cánh đồng, người dân đã phát hiện nhiều mảnh gốm “mặt quỷ”. Nghe xong, ông vội vã cầm túi theo và thu thập được một đống gốm với nhiều hình tượng đất nung tròn, bên trên khắc nhiều khuôn mặt. Nhận ra những hiện vật này có liên quan đến văn hóa Chăm, vị linh mục đã nhờ người dân mỗi khi phát hiện thì giữ lại cho ông...
Nhờ cách này mà sau nhiều năm ở tại giáo xứ Trà Kiệu, linh mục Thăng thu thập được hàng loạt gạch xây thành, tháp đủ kích cỡ, ngói lợp hình mũi tên, ngói âm dương cùng hàng trăm hiện vật là đầu ngói với những khuôn mặt kỳ dị. Cũng trong suốt thời gian này, ông còn bỏ công thu nhặt hàng loạt vật trang trí kiến trúc cực kỳ tinh xảo. Ông đem hiện vật về nhà thờ, đặt trang trọng trong một căn phòng rồi trưng bày theo từng chủ đề. “Kể từ năm 1985, qua các cuộc điền dã khảo cổ tại Trà Kiệu, nhóm sinh viên Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội dưới sự hướng dẫn của GS Trần Quốc Vượng đã cho công bố những thông tin đầu tiên về những đồ đất nung này. Vào những năm đó, bộ sưu tập khiêm tốn này cũng được cuốn sách du lịch của Nhà xuất bản Lonely Planet đề cập, để rồi không ít bạn trẻ thế giới tìm đến. Trong số đó, tôi biết một nghiên cứu sinh là đệ tử của Giáo sư khảo cổ Anh quốc Ian Glover”, vị cha xứ nhớ lại.
Viết sách và phác thảo thành cổ
Nhờ có nhiều cơ hội ra nước ngoài và đặc biệt là đến nước Pháp, vị linh mục đã tiếp xúc được nhiều trang tư liệu quý. Ông không bỏ qua cơ hội sao chụp bức ảnh phác họa hoàng cung Sư tử do chính tay nhà khảo cổ J.Y.Claeys thực hiện. Suốt những năm làm việc tại giáo xứ Trà Kiệu, linh mục Thăng luôn ao ước vẽ lại kinh đô Sư tử và cuối cùng cũng thực hiện được một bức tranh tường 6 × 4 m. Từ kiến thức tích cóp được về địa hình, mặt bằng kiến trúc, vị linh mục đã phác thảo kinh thành nằm bên một dòng sông. Bên trong kinh thành có nhiều ngọn tháp lớn, trong đó ngọn tháp chính giữa đồ sộ hơn hẳn...
“Bây giờ tại Paris, tôi rất vui khi thấy hơn nửa thế kỷ trước, nhà khảo cổ J.Y.Claeys cũng đã thực hiện một bức màu nước tại địa điểm này. Khác một điều là ông có máy bay hỗ trợ không ảnh, lại đang trực tiếp chỉ huy công trình khảo cổ tại Trà Kiệu. Tư tưởng lớn của ông và nhỏ của tôi cuối cùng cũng gặp nhau tại một góc nhìn”, linh mục chia sẻ. Quả thật, khi so sánh 2 bức tranh vẽ về kinh đô Sư tử của linh mục với nhà khảo cổ J.Y.Claeys, thấy có những nét khá tương đồng, nhất là vị trí người Chăm cho xây thành và ngọn tháp khổng lồ được cho là có độ cao đến 40 m.
Hôm chúng tôi đến thăm linh mục tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, thấy ông tuy sức khỏe rất yếu nhưng vẫn gối đầu nhiều cuốn sách viết về Vương quốc Champa để tìm thêm tài liệu cho cuốn Lưu ký Champa về kinh thành Sư tử. “Đó là cuốn sách của đời tôi. Tôi không tham vọng nhiều mà qua cuốn sách tôi chỉ mong những người yêu văn hóa Chăm có thể hiểu thêm một thời kỳ huy hoàng của kinh thành trong lịch sử”, ông chia sẻ. Xuyên suốt cuốn sách, ông phân kỳ trong giai đoạn từ thế kỷ 1 - 11 và “phô” ra những bức ảnh quý giá mà ông đã cất công sưu tầm trong suốt hàng chục năm.
Hoàng Sơn
Kho báu ở Trà Kiệu
Dân gian vẫn lưu truyền kinh thành Sư tử của người Chăm xưa từng là mảnh đất có rất nhiều vàng, thậm chí có hẳn một kho báu trên đồi Bửu Châu.
Bị cướp hàng trăm ngàn cân vàng
|
Năm 1975, khi quản nhiệm chính tại giáo xứ Trà Kiệu, linh mục Nguyễn Trường Thăng đã được nghe nhiều câu chuyện về kho báu tại khu hoàng thành. “Người ta kể, thời Pháp thuộc, Tây yêu cầu cha xứ cho họ phá đồi Bửu Châu để lấy vàng, sau đó họ sẽ lấp lại hoàn trả. Rồi người ta kể vanh vách gia đình ông này bà nọ được “buồng cau, nải chuối” bằng vàng y, nhưng thường kết luận sau đó đều chết vì đại nạn. Lại có người ở Hoàng Châu, cứ sau một trận mưa giông là tà tà đi lượm vàng cốm”, linh mục Thăng nói.
Thời điểm năm 1982, đã có người chứng kiến cảnh người dân tại địa phương mang cuốc xẻng đi đào “vàng Chàm” và số ít trường hợp tìm thấy vàng. Câu chuyện đãi vàng ngay trong vườn sắn tại Trà Kiệu giai đoạn này cũng nhanh chóng lan ra và hình thành một “phong trào đãi vàng”. Chuyện rằng, một người ở thôn Chiêm Sơn Tây thấy đám sắn của ông có dấu vết đào bới lạ, nghĩ có kẻ trộm sắn nên rình bắt. Khi bắt được quả tang, mọi người mới bất ngờ về mục đích của kẻ gian là... trộm đất. Kẻ đó phân bua rằng, do nghề đào đãi vàng trên núi bị trở ngại vì đang mùa lũ lụt, rảnh rỗi ở nhà không biết làm gì nên thử thời vận ra các vườn sắn đào đãi vàng cám, và tìm thấy vàng thật. Thế là đêm đêm lại lẻn đi trộm ít đất mang về... Tin đồn có người “trúng mánh” cả lượng vàng càng khiến nhiều người đổ xô đến khu vực này để tìm vận may. Phải đến khi lực lượng công an địa phương vào cuộc, sự việc mới lắng xuống.
Bộ sưu tập quý của cha xứ
Linh mục Nguyễn Trường Thăng có cơ hội tiếp xúc với người dân địa phương để xin mua lại những đồ trang sức bằng vàng được tìm thấy. Với đam mê tìm hiểu và sưu tập những hiện vật liên quan đến kinh thành Sư tử, cha Thăng đã dành dụm và tích góp tiền bạc để lưu giữ lại nhiều hiện vật. Thế nhưng, kẻ trộm cũng “khoắng” mất một số nhẫn bằng vàng, trong đó có chiếc nhẫn đính viên đá hình thoi với những chi tiết trang trí tuyệt đẹp. Khi rời Trà Kiệu chuyển về Đà Nẵng, ông mang theo bộ sưu tập kim hoàn và để những hiện vật lớn bằng gạch, đá... lại nhà thờ Trà Kiệu.
Năm 1982, khi người dân cải tạo mặt bằng trong hợp tác xã để có thêm đất trồng lúa, nhiều hiện vật trong đó có cả đồ trang sức bằng vàng tiếp tục phát lộ. Nhưng do tài chính quá hạn hẹp, giá nhượng lại cao, nên linh mục Thăng đành ngậm ngùi nhìn những hiện vật quý “tan chảy” dưới máy khò của thợ vàng phân kim. Ông bảo, tiếc nhất là xấp lá vàng có hình người, hay những cuốn “sâu kèn” bằng vàng trên có ghi những hàng chữ Phạn (Sanskrit). Nhưng rốt cuộc, ông cũng bỏ tiền túi để kịp giữ lại được khá nhiều “đồ nhỏ mà quý”, hình thành một bộ sưu tập cực kỳ quý giá có thể phục vụ nghiên cứu về kỹ thuật chế tác kim hoàn của người Chăm. Vì từng bị mất cắp nên khi đề cập đến việc được xem bộ sưu tập này, cha Thăng cẩn trọng cho biết có thể xem những ảnh chụp hiện vật trên trang web cá nhân của ông.
Nhìn vào những hình ảnh, có thể thấy những hiện vật bằng vàng là đồ trang sức và những chi tiết nhỏ rất lạ mắt. Trong số 10 chiếc nhẫn linh mục Thăng sưu tập được, có những chiếc nhẫn mặt hình bông hoa hoặc trơn tru. Một số chi tiết hình đĩa bay được chạm trổ cực kỳ tinh xảo, hình trái khế nhiều múi, hình bánh xe... “Những hiện vật này có thể giúp các nhà kim hoàn nghiên cứu xuất xứ hoặc giao lưu giữa các vùng miền trên thế giới”, linh mục Thăng nhận định.
Hoàng Sơn
'Giải mã' đồng dinar kỳ lạ
Đồng dinar bằng vàng được tìm thấy tại kinh thành Sư tử của người Chăm đã hé lộ câu chuyện giao thương rất sớm giữa Vương quốc Champa với các quốc gia vùng Nam Á.
"Lạ mắt"
Đồng tiền cực kỳ quý giá này thuộc bộ sưu tập đồ trang sức Chăm cổ mà linh mục Nguyễn Trường Thăng đã kỳ công theo đuổi trong suốt 14 năm quản xứ Trà Kiệu. Trong số những “hiện kim” gìn giữ được, ông quý nhất đồng tiền mang những dòng chữ Ả Rập. Đồng dinar bằng vàng này được vị cha xứ tìm thấy thông qua những người đào vàng, cùng nhiều hiện vật bằng vàng nằm lẫn lộn trong các hiện vật gốm, gạch Chăm… mà người dân phát lộ hồi thập niên 1980 ở Duy Xuyên, trong khuôn viên kinh thành Sư tử.
Tự nhận là không có chuyên môn, vả lại trên đồng tiền in những mẫu ký tự “lạ mắt”, nên linh mục Thăng cẩn thận cất giữ đồng tiền và… chờ thời. “Do không tìm gặp được chuyên viên, nên tôi không hiểu gì về xuất xứ và ý nghĩa của những hàng chữ ghi trên đó. Đến năm 1993, tôi mới gặp anh Southworth, một nghiên cứu sinh người Anh. Anh ta quan tâm đến những đồ sưu tầm mà tôi đã để lại tại Trà Kiệu”, vị linh mục kể. Qua trao đổi, vị giáo sư (GS) của anh Southworth rất muốn được “nhìn qua những món đồ quý giá”, đúng vào ngày linh mục Thăng phải rời Đà Nẵng lên đường đi tu nghiệp Thần học ở Pháp. Cuộc gặp ngắn ngủi diễn ra và vị khách lạ ấy không ai khác chính là GS Ian Glover của Đại học Khảo cổ London. Vị GS danh tiếng, từng là thầy dạy của hoàng tử Thái Lan, cũng khiêm tốn bảo mình không chuyên về môn này và hứa sẽ nhờ các chuyên viên của Bảo tàng Anh quốc, Khoa Tiền tệ Trung Đông giúp đỡ. Thầy trò họ sao chụp hình ảnh đồng tiền đem về nước, cho biết sẽ sớm "giải mã".
Đường đi bí ẩn của đồng tiền
|
Khi nhận được kết quả, với những kiến thức về văn hóa Champa, linh mục Thăng cố tìm cách lý giải tại sao đồng tiền tại một xứ sở ở vùng vịnh Ba Tư lại có thể lưu lạc đến Vương quốc Chăm? Phải chăng ngay từ thế kỷ thứ 10, chậm nhất là vào thế kỷ 11, người Hồi giáo đã trực tiếp buôn bán tại thành Sư tử? Vị linh mục đặt nghi vấn, vào các thế kỷ 12 - 13 và sau đó, người Chăm đã rời bỏ kinh thành Sư tử để vào Vijaya thiết lập kinh đô Đồ Bàn nên chắc chắn việc giao thương khó tiếp diễn. “Với lại chỉ một đồng tiền thì chưa đủ chứng cứ để nói về nền ngoại thương của Champa”, linh mục nhận định.
Từ quan sát đồng tiền có đục một lỗ nhỏ để đeo hoặc thường thấy gắn vào khăn đội đầu của phụ nữ Ả Rập, linh mục Nguyễn Trường Thăng suy đoán đồng tiền trên được sử dụng như món đồ trang sức hơn là trong giao lưu thương mại. “Các lái buôn hoặc thủy thủ Chăm khi đi buôn bán ở Malaysia, Indonesia… đã mua hoặc được tặng những đồng tiền vàng này. Họ đem về tặng lại vợ con để làm đồ trang sức”, cha Thăng phân tích.
Dẫn bài viết của vị linh mục lên website của Bảo tàng Nhân học, PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định đồng tiền này có mặt ở lưu vực sông Thu Bồn vào thế kỷ 9 - 10 có lẽ chủ yếu bằng con đường giao thương buôn bán đông tây. “Hiện nay ở một số địa điểm ở miền Trung VN đã tìm thấy những dấu tích liên quan đến tuyến hải thương quốc tế thế kỷ 9 - 10 như: gốm Islam, thủy tinh (trang sức và đồ dùng) Islam…”, PGS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết.
Trong bộ sưu tập của linh mục Nguyễn Trường Thăng với hàng trăm hiện vật, có một viên gạch và một số đồ gốm ẩn chứa trong nhiều bí ẩn rất cần sự kiến giải của giới chuyên môn.
Con rùa mang 52 quả trứng
Lúc đang còn làm việc tại giáo xứ Trà Kiệu, linh mục Nguyễn Trường Thăng được các em nhỏ khoe vừa tìm thấy một con rùa bằng đất nung. Vốn đam mê tìm hiểu vết tích văn hóa Champa ngay tại kinh thành Sư tử, ông liền đề nghị nhóm trẻ bán lại con rùa.
“Về nghệ thuật, con rùa này không có gì đặc sắc. Nhưng bao năm qua nó vẫn là một bí ẩn, một kỳ bí đối với tôi”, linh mục kể. Ngay từ lúc đào lên, khi rung lắc các em nhỏ nghe bên trong bụng rùa phát ra tiếng động nhỏ. Tưởng là bên trong chứa vàng, các em vội đập ra và đếm được 52 hạt gốm nung nhỏ, hình tròn. Nhưng khi chuyển đến linh mục Thăng, các hạt gốm rơi rớt chỉ còn một ít.
Vậy người Chăm nặn con rùa này để làm gì? Tại sao nung kín cả con và trong ruột lại có 52 hạt gốm “trứng”?
Vị linh mục cố tìm cách lý giải và liên tưởng đến con rùa trong văn hóa Ấn Độ giáo, bởi thời kỳ hình thành kinh đô Sư tử, người Chăm chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này. Từ đó, ông đưa ra những kiến giải ban đầu, rùa là hóa thân của thần Vishnu và Kashyapa. Qua tìm đọc nhiều tài liệu, linh mục nhận thấy trong truyền thuyết Ấn Độ, thế giới được 4 con voi nâng đỡ, 4 con voi lại đứng trên mu rùa Akupara, con rùa chở thế giới trên lưng nó...
Quan sát thấy những vòng răng cưa đồng tâm dưới phần bụng con rùa, vị linh mục đặt nghi vấn phải chăng đấy là những đợt sóng đại dương, còn vòm mu tròn là bầu trời cong cong trên đầu, 52 quả trứng là biểu tượng thời gian 52 tuần trong một năm? “Bí ẩn vẫn còn là bí ẩn”, cha Thăng thổ lộ và ngỏ ý mong được những nhà nghiên cứu phân tích thêm.
Ẩn số trên gạch cổ
Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ học khóa 1986 - 1991 của Hoàng Thị Nhung mang tên Một số đồ gốm Chàm cổ ở Trà Kiệu đã nghiên cứu trên 15 viên gạch thuộc bộ sưu tập của linh mục Nguyễn Trường Thăng. Dẫn lại những tài liệu này, linh mục Thăng cho hay gạch tại kinh thành Sư tử được chia làm 2 kiểu, gồm: gạch có hình khối hộp, kích thước lớn và gạch hình chữ nhật, mỏng; nhiều loại nung thấp, có loại nung cao biến thành sành. Theo ông, phần lớn gạch được làm bằng đất sét pha, không được lọc rửa. Người thợ sử dụng nguyên liệu địa phương để sản xuất gạch. Đất được lấy ở các đồi, gò vì trong gạch thấy lẫn sạn đá ong. Với độ rắn cao, sức bền tốt, trải qua hàng ngàn năm sương gió, những viên gạch này vẫn duy trì được chất lượng.
PV Thanh Niên đã tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập gạch của ông đặt tại nhà thờ Trà Kiệu. Bộ sưu tập gạch tuy ít về số lượng nhưng rất đa dạng chủng loại. Cụ thể, có 3 cỡ gạch hình chữ nhật từ nhỏ đến lớn. Trong đó, đáng chú ý viên gạch “khổng lồ” khổ 40 x 20 cm ít gặp tại các di tích Chăm khác. Đây là viên gạch được linh mục Thăng đặt nghi vấn có thể được dùng để xây dựng đế móng một ngọn tháp lớn nào đó tại kinh đô xưa. Ngoài ra, trong số gạch này có khá nhiều gạch hình tứ nguyệt.
Linh mục Nguyễn Trường Thăng còn chia sẻ với PV Thanh Niên chuyện đang sở hữu một hiện vật cực kỳ giá trị mà ông gọi là “dấu chân ngàn năm”. Bởi viên gạch này đồng dạng với nhiều viên gạch khác phục vụ xây khu kinh thành và còn in hằn dấu chân của người Chăm xưa.
“Khi bắt gặp, tôi vô cùng vui mừng. Nhìn viên gạch, nhìn dấu chân in lại cách đây cả ngàn năm thấy thú vị lạ lùng. Người thợ Chăm ngày xưa không biết vô tình hay hữu ý mà để lại vết chân này khiến hậu thế phải suy nghĩ mãi”, linh mục nói. Qua bức ảnh do linh mục cung cấp có thể thấy, dấu chân khá giống với vết chân của người Việt hiện nay. Độ sâu vết chân khá lớn để lộ 5 ngón rõ ràng. “Không biết đó là dấu của đàn ông hay đàn bà, nhưng là dấu chân cực kỳ quý giá để nghiên cứu thêm về chủ thể xây thành - những người dân Chăm”, cha xứ nói thêm.
“Nghĩa địa” đầu ngói mặt quỷ
Nhiều năm liền sưu tập hiện vật, linh mục Nguyễn Trường Thăng đã thu về hàng trăm hiện vật ngói, gốm... Trong đó, phần đồ sộ nhất là đầu ngói hình tròn mà người dân địa phương gọi là gạch “mặt quỷ”. Khu kinh thành Sư tử vào những năm 1980 trở thành “nghĩa địa” của đầu ngói vì người dân liên tiếp phát hiện các vị trí chôn vùi. Liên quan đến nội dung này, trên tạp chí B.E.F.E.O số 29 năm 1929 (trang 345 - 346) J.Y.Claeys đã công bố thông tin khi khai quật ở Trà Kiệu, công nhân tìm thấy nhiều mảnh gốm tròn có những hoa văn kỳ lạ. Chính J.Y.Claeys là người phát hiện và xác định đây là những đầu ngói trang trí nhà cửa; hiện vật lớn nhất có đường kính 15 cm. Nhưng tại Trà Kiệu, linh mục Thăng tìm thấy những đầu ngói đường kính trên 30 cm.
Theo giới chuyên môn, kiến trúc lợp ngói của người Chăm tuy khác ở đầu ngói nhưng cách sử dụng ngói âm dương và dùng đầu ngói trang trí thì ảnh hưởng từ Trung Hoa, qua đó cho thấy sự tiếp thu văn hóa Trung Hoa của người Chăm từ sớm.
|
Hoàng Sơn
'Thớt vú' biến mất kỳ lạ
Sự biến mất của thớt đá hình vú đặt ở phần giữa của đài thờ Trà Kiệu (trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) đến nay vẫn là một ẩn số.
Tấm ảnh cũ “lên tiếng”
Đài thờ Trà Kiệu (ký hiệu 22.2) là 1 trong 3 hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012. Không những trở thành hiện vật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phòng trưng bày Trà Kiệu của bảo tàng này, đài thờ Trà Kiệu còn có một “số phận” bí ẩn. Đó chính là câu chuyện biến mất của thớt đá hình vú xảy ra trong giai đoạn từ năm 1936 - 1971. Sự việc này đã tốn không ít giấy mực nhằm lý giải nguyên nhân từ giới có chuyên môn. Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết theo một tấm ảnh chụp vào năm 1931, đài thờ này có một thớt tròn trang trí chuỗi hình vú (gọi là thớt hình vú) nằm giữa 2 bệ tròn chạm hình hoa sen. Nhưng đài thờ Trà Kiệu 22.2 (như đang trưng bày hiện nay) lại không còn cái thớt hình vú nữa.
Trong bài viết Sự biến mất thớt hình vú của đài thờ Trà Kiệu hay sự nhầm lẫn của J.Y.Claeys? đăng trên tạp chí Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng số 26 (năm 2012), ông Võ Văn Thắng cho biết trong hai năm 1927 - 1928, Trường Viễn Đông Bác Cổ đã tiến hành khai quật khảo cổ quy mô lớn tại Trà Kiệu, do J.Y.Claeys chủ trì. Kết quả khai quật đã mang về cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm một số lượng hiện vật đáng kể, trong số này có 3 mảnh vỡ có trang trí hình vú được Claeys ghép vào đài thờ Trà Kiệu. “Chúng ta biết được điều này qua bản báo cáo của Claeys có kèm hình ảnh in trên mục Chronique trong B.E.F.E.O. (tập 26). Ngoài ra, chúng ta cũng nhìn thấy các tấm ảnh chụp đài thờ với thớt hình vú này trong bối cảnh đang thi công mở rộng bảo tàng vào năm 1935 - 1936”, ông Thắng viết.
Vào năm 1936, bảo tàng mở rộng nên các hiện vật được sắp xếp lại theo từng nhóm và đài thờ Trà Kiệu được chuyển vào trưng bày trong nhà. Theo ông Thắng, thông qua những bức ảnh chụp lúc đang thi công trưng bày thì thớt hình vú vẫn có mặt tại đài thờ. “Đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy tấm ảnh nào về đài thờ Trà Kiệu được chụp trong khoảng thời gian từ năm 1936 - 1971. Đến khi Carl Heffrey thực hiện tập sách ảnh The Arts of Champa trong 2 năm 1971 - 1972 thì đài thờ Trà Kiệu đã không còn thớt hình vú nữa”, ông Thắng thông tin và nhận định thớt hình vú đã được lấy ra khỏi đài thờ sau năm 1936 và trước năm 1971.
|
Lục tìm trong kho, ông Thắng phát hiện hiện ở bảo tàng có một nửa thớt vú hình tròn (ký hiệu BTĐN 133) và một mảnh vỡ. Tuy nhiên qua kiểm tra các số đo, ông cho biết các con số giữa thớt vú tại nhà kho không trùng khớp với 2 phần của đài thờ.
Ông Thắng suy luận: Thớt hình vú BTĐN 133 chính là thớt hình vú mà Claeys đã cho đặt vào đài thờ năm 1931, nhưng sau đó nhận ra sự nhầm lẫn nên đã cho tháo gỡ.
“Trên cơ sở tư liệu, hình ảnh và hiện vật hiện có, chúng tôi cho rằng thời gian tháo gỡ thớt hình vú là trong năm 1936, khi có nhiều học giả, trong đó có H.Parmentier đến để tổ chức lễ khánh thành tòa nhà bảo tàng mở rộng, đã phát hiện sự nhầm lẫn trong việc lắp đặt đài thờ Trà Kiệu”, ông Thắng nêu ý kiến.
Từng là người tiếp xúc và nghiên cứu về đài thờ này, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, lại cho rằng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã nhiều lần nâng cấp, mở rộng nên có sự xáo trộn nhất định trong việc bảo quản hiện vật.
“Những nhà khảo cổ và kiến trúc sư Pháp là những người có chuyên môn sâu nên rất khó có khả năng nhầm lẫn trong việc lắp các phần của đài thờ này. Tôi cho rằng thớt hình vú có thể vẫn ở đâu đó trong kho của bảo tàng hoặc đã bị thất lạc từ lâu”, ông Tịnh nói.
Căn cứ vào những hình ảnh ghi lại trước năm 1931, có thể thấy thớt hình vú được đặt giữa 2 bệ đá đài thờ rất trùng khớp và có độ rộng tương thích với tiết diện của cả 2 bệ đá. Do vậy, nhiều người đồng quan điểm có thể trong quá trình cải tạo, di dời hiện vật, thớt đá hình vú đã bị thất lạc.
Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét