Vua Minh Mạng muốn phát triển công nghiệp đóng tàu
Trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả rất kỹ phương tiện vận chuyển của tàu chiến Pháp: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”. Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích: “Bòng bong: vải hoặc đệm buồm may màu trắng, làm một bức, kéo lên mà che nắng, thường dùng cho ghe thuyền”; “Trắng lốp: trắng bong, trắng quá”. Rồi đọc tiếp, lại thấy: “Kẻ đâm ngang, người chém dọc làm cho mã tà ma ní hồn kinh; người hè trước kẻ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ”. Những từ như tàu sắt, tàu đồng cho thấy thuyền của giặc Pháp lúc bấy giờ đã hiện đại và tất nhiên chạy bằng động cơ hơi nước, do đó mới có “ống khói chạy đen sì”.
Sách Quốc triều chánh biên toát yếu của Quốc Sử quán triều Nguyễn có ghi lại: “Tháng 4 năm Kỷ Hợi (1839), ngài (Minh Mạng) ngự chơi cầu Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi. Khi trước Sở Võ khố chế tạo tàu ấy, đem xe chở ra sông, giữa đường vỡ nồi nước, máy không chạy, người đốc công bị xiềng, quan bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lâu, vì cố tâu không thật đều bị bỏ ngục. Bây giờ chế tạo lại, các máy vận động lanh, thả xuống nước chạy mau, ngài ban thưởng người giám đốc là Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh mỗi người một cái nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn. Đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng: “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”. Tháng 10, lại chế thêm một chiếc tàu máy lớn, phí tổn hơn 11.000 quan tiền. Ngài truyền bộ Hộ rằng: “Ta muốn công tượng nước ta đều biết tập nghề máy móc, vậy nên không kể phí tổn” (NXB Thuận Hóa - 1998, tr.300).
Có thể, Hoàng Văn Lịch và Võ Huy Trinh giỏi nghề, có nghị lực, có tinh thần trách nhiệm nên mới dám đứng ra cáng đáng công việc, và họ đã hoàn thành một cách xuất sắc. Từ thành công này, qua năm sau (1840) hai ông “giám đốc” này đã cho xuất xưởng thêm ba chiếc tàu chạy bằng hơi nước nữa. Vua Minh Mạng hài lòng lắm, ngài đặt tên “chiếc lớn gọi là Phi Yến, chiếc vừa là Vân Phi và chiếc nhỏ là Vũ Phi”.
Cử người đi học nghề đóng tàu
“Ngoằn ngoèo mặt biển khói mù đen/Đích thị quân Tây diễu hỏa thuyền/Hư thực lòng Tây còn chửa rõ/Ngàn trùng khắc khoải dạ nào yên” (Khương Hữu Dụng dịch) - đây là nỗi lòng ưu tư của nhà nho cấp tiến Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), một nhà cải cách theo Phan Bội Châu là: “Một trong những người trồng cái mầm khai hóa đầu tiên ở VN”. Năm 1865, khi đi công cán với nhiệm vụ “Thám phỏng Dương tình” - thăm dò, xem xét tình hình ở nước ngoài, lúc đến Hương Cảng, ông Trứ đã viết bài thơ trên. Và chính ông là người tác động vua Tự Đức cử người đi học về nghề đóng tàu hiện đại.
Trong lời tiểu dẫn: “Chép lại việc nước ta mới đóng chiếc tàu lớn bằng đồng có máy ngầm”, ông Đặng Huy Trứ kể lại ngọn ngành, tựa như Đại Nam thực lục của triều Nguyễn đã ghi chép. Xin tóm lược: Tháng giêng 1865, vua Tự Đức sai quan bộ Công là các ông Hoàng Sưởng, Lê Bân và 9 người thợ vào Gia Định “trình lên Súy phủ Tây dương xin học tập kỹ thuật chế tạo máy tàu thủy”. Họ đồng ý nhưng mỗi ngày chỉ cho vào nhà xưởng tham quan chừng 2 tiếng đồng hồ rồi về. Học như vậy, chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa, nản quá nhưng những người đi học chẳng biết làm sao. Độ tháng sau có người Anh tên là Vị Sĩ Lặc đến nơi này, ông Hoàng Sưởng than phiền và kể rõ nội tình. May quá, ông này đồng ý dẫn họ qua Hương Cảng học nghề, phiên dịch đi theo là ông Nguyễn Đức Hậu. Ngày 2.7.1865, khi công cán sang đây, ông Đặng Huy Trứ có đến gặp họ và viết: “Ở đấy mấy ngày thấy bọn ông Sưởng tận tâm học tập, tôi rất mừng”.
Điều thú vị là ông Trứ được mời lên tàu do nhóm ông Sưởng chế tạo để chạy thử, ông kể: “Chạy vòng qua các hòn núi trong vịnh, trông lên bờ thấy cây bay, núi chạy rất là nhanh. Hôm ấy cùng chứng kiến có lãnh sự nước Anh, những người có thế lực, người Tây, người Thanh (Trung Quốc) rất đông, đều hết lời khen: Nước Nam tự cường, tự trị nay đã thấy một phần”. Bấy giờ, ông Trứ “bèn xét hành lý có sẵn, biếu ông Hoàng Sưởng một cái áo lương thuần tơ, màu lam rất quý; ông Lê Bân 1 lạng bạc; ông Vị Sĩ Lặc 1.000 hạt sen, 8 lạng yến sào; chia cho những người thợ 1 lạng vàng”.
Sự kiện này đã tạo ra nguồn cảm hứng văn chương cho ông Đặng Huy Trứ; và có lẽ, đây cũng là bài thơ trước nhất ca ngợi tài trí đóng tàu chạy bằng hơi nước của người Việt. Ông Trứ thổ lộ: “Cái vui mừng không ngờ tới và khó nói hết với ai được, nên làm bài thơ này ghi lại: “Nồi hơi, ống khí khéo làm sao/Chớp mắt mây bay, núi chạy nhào/Ngựa nước, phút đi trăm dặm thẳng/Rồng vàng, chốc đã mấy vòng lao/Ngoại phòng, chắc đã kinh hồn giặc/Nội trị đều khen có chước cao/Cửa bể Thuận An về chạy thử/Mặt rồng hớn hở biết dường bao” (Bồ Giang dịch).
Thật vậy, ngày 13.9.1865, chiếc tàu này về đến cửa Thuận An (Huế), vua Tự Đức đặt tên Mẫn Thỏa, và nó được sử dụng đi đánh dẹp giặc biển. Rồi năm 1866, nhà vua lại sai đóng tàu Thuận Tiệp, năm 1870 đóng tàu Đằng Huy... Chắc chắn về chiếc tàu chạy bằng hơi nước thuộc “hàng VN chất lượng cao” đã khiến vua Tự Đức hào hứng, mãn nguyện lắm. Trước đó, trong bài Ký tầu Ngũ Lợi, ngài cho biết: “Nước Pháp tặng ta 5 chiếc thuyền máy, đặt tên là Ngũ Lợi” và phân tích năm điều lợi của nó, chẳng hạn: “Dùng toàn bằng đồng gang vỏ sắt, chế thành nồi đồng, trục máy, vận dụng nước và lửa làm thành ra hơi nước bốc lên, quay máy cán nước, làm cho thuyền chạy đi, không cần dùng đến cánh buồm mái chèo, cùng sức người sức gió mà thuyền vẫn rẽ nước chạy mau là một điều lợi” (Tự Đức thánh chế văn tam tập - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1973 tại miền Nam, tr.225). Nay, người trong nước cũng đã đóng được, “Mặt rồng hớn hở biết dường bao” là lẽ tất nhiên.
Đọc lại những gì sử sách đã ghi, tất nhiên lòng mỗi người Việt chúng ta cũng tự hào không khác gì tâm thức người xưa. Tiếc rằng, tài liệu chỉ có thế, không biết thêm gì hơn và lấy làm đáng tiếc vì không thể trả lời được câu hỏi mà trước đây nhà sử học Nguyễn Thiệu Lâu đã nêu ra: “Các tàu lớn, vừa, nhỏ dài rộng là bao nhiêu, trọng tải bao nhiêu tấn, chạy bằng nồi xúp de nhưng có cánh quạt hay có guồng, tốc độ bao nhiêu, có thể mắc súng được không và có thể chở được bao nhiêu binh sĩ, ra biển có thể lênh đênh được bao nhiêu ngày mới phải cập bến để ăn than?” (Quốc sử tạp lục, NXB Cà Mau - 1994, tr.276).
Lê Minh Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét