Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Lễ dạm ngõ kỳ lạ của người Churu

TTO - Họ nhà gái kéo nhau sang nhà trai dạm ngõ, nếu đồng ý thì “bắt” chàng trai về làm rể để nuôi nhà mình. Đó là một trong nhiều điều lạ lùng trong hôn nhân gia đình của người Churu sinh sống chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng.
Lễ dạm ngõ kỳ lạ của người Churu
Cô gái KaTơn đeo chuỗi hạt cườm cho chàng trai với ý nghĩa “tròng cổ dắt về” trong lễ dạm ngõ - Ảnh: THÁI LỘC
Từ sáng sớm, nhà bà Bơnhong Ma Giác ở bản Pró Ngó, xã Pró, huyện Đơn Dương có rất đông bà con chòm xóm và thanh niên tập trung chờ nhà gái sang “bắt chồng”...
“Soát xét cho kỹ lưỡng”
Mọi người cùng uống trà, uống rượu trong tiếng nhạc inh ỏi, tiếng cười to nói lớn đua chen như để át tiếng nhạc xập xình. Trong trạng thái rất hồi hộp, chàng rể Bơnhong Ya Brom cứ đi lui đi tới từ sân ra nhà, ra chiều bận rộn nhưng chẳng làm việc gì.
Người mẹ Ma Giác và người cha Pinăng Ya Than cũng bần thần, thỉnh thoảng liếc đồng hồ xem đã đến 9h chưa, là giờ họ nhà gái hẹn đến để hỏi chồng cho con gái KaTơn Mai Châu.
Đến giờ, hơn chục người họ nhà gái ăn vận như ngày thường kéo đến, được những người bà con trong họ nhà trai bắt tay chào đón và cùng vào trong nhà.
Tất cả cùng quây quần trên chiếu, nam theo nam, nữ theo nữ; Brom và Mai Châu ngồi giữa vòng cung bên cánh nam.
Ông Bơnhong Ya Lao, cậu chàng rể, huấn thị: “Người ta đến nhà rồi, cháu cứ soát xét cho kỹ lưỡng. Nếu cháu đồng ý thì cha mẹ, cậu mợ và mọi người ở đây sẽ đồng ý. Cháu nhận lấy người ta rồi thì cháu phải lo, thành vợ thành chồng rồi thì phải xây dựng gia đình êm ấm, lo cho vợ con là trách nhiệm của cháu, hay nay mai mà có bỏ nhau thì cháu là người chịu trách nhiệm!”.
Ya Brom gật gù tỏ vẻ đồng ý.
Tiếp đến, ông Ya Thơng, cậu cả của nhà gái, răn dạy cháu mình: “Brom đồng ý rồi đó, cả hai sẽ nên vợ nên chồng. Hỏi được rồi, cháu phải nghe lời ăn tiếng nói của chồng; đã đồng ý lấy nhau rồi thì phải nhường nhịn, phải tâm đầu ý hợp dựng xây gia đình hạnh phúc”.
Lễ dạm ngõ kỳ lạ của người Churu
KaTơn Mai Châu đeo nhẫn đính ước cho chàng trai Bơnhong Ya Brom tại lễ dạm ngõ - Ảnh: THÁI LỘC
“Tròng cổ dắt về”
Trong khi những ông cậu hai bề nhà trai nhà gái đang “tranh đua” giáo hóa cháu mình, bỗng giọng một người phụ nữ rắn rỏi cất lên: “Thế lấy nhau như thế này là ép uổng hay tự nguyện? Nè cháu KaTơn Mai Châu, khi đi đến đây, gia đình, bố mẹ có ép không, có thế nào thì cứ nói rõ điều đó cho chúng tôi biết”. Lời đó là của bà Ma Pâm, chị cả của mẹ chàng rể.
Cô gái ra chiều đồng ý. Bà tiếp lời: “Từ nay đã là vợ chồng của nhau rồi thì hãy yêu thương nhau, bồi đắp cho nhau. Nếu có đói khổ thì đói phải cho sạch, rách phải cho thơm. Đừng có vì việc hai vợ chồng mà làm liên can đến dòng họ. Mình làm mình ăn, người khác làm người khác ăn, đừng vì chuyện vợ chồng mà chửi dòng họ, mà chửi bới người ta!”.
Sự đồng ý của cả đôi lứa trước mọi lời hỏi gặng và thử thách của gia đình hai phía trong gần hai giờ đồng hồ cũng có hồi kết khi nhà gái đưa cặp nhẫn bạc và chuỗi hạt cườm ra giữa chiếu.
Mai Châu cầm lấy chiếc nhẫn và đeo vào tay Brom, biểu thị giao ước, gắn kết vợ chồng. Đồng thời cô lấy chuỗi hạt cườm đeo vào cổ Brom với ý nghĩa “tròng cổ dắt về nhà”...
Tiếp đến, chàng trai cũng xỏ nhẫn và đeo cườm cho cô gái, họ chính thức thành vợ thành chồng...
Trong hôn nhân của người Churu, quan trọng nhất vẫn là ở lễ dạm ngõ, bởi ở đó có sự chứng giám của gia đình, dòng họ, cộng đồng và thần linh thông qua sự thành khẩn của đôi lứa, gia đình và những lễ vật giao ước.
Những bước tiếp theo như cô gái về làm dâu nhà chồng ít hôm, lễ cưới và người vợ rước chàng rể sang ở hẳn bên nhà mình... chỉ mang tính thủ tục.
Chính vì vậy, lễ dạm ngõ - thời khắc mở đầu cho đôi lứa nên duyên - bỗng trở thành buổi giáo hóa làm hành trang cho đôi lứa đem theo đến suốt cuộc đời.
Lễ dạm ngõ kỳ lạ của người Churu
Ông cậu đang giáo hóa chàng rể Bơnhong Ya Brom trong lễ dạm ngõ - Ảnh: THÁI LỘC
Vấn nạn thách cưới
Trong lễ dạm ngõ của Mai Châu và Brom, nhà trai thách cưới nhà gái 8 chỉ vàng, một ít tiền và một số chuỗi hạt cườm cho thân tộc gần gũi của nhà trai.
Nhiều người ví von số tiền nhà gái chấp nhận bỏ ra chẳng khác nào mua sức lao động về nuôi gia đình mình. Tuy nhiên, theo giải thích của các nhà chuyên môn, số tiền thách cưới chẳng phải để nhà trai dùng vào việc riêng, mà họ thường để bù lại vào khoản cưới chồng cho con gái.
Hình thức hỏi chồng của người Churu - một trong những dân tộc theo chế độ mẫu hệ, dẫu vậy đã cải biến rất nhiều đến ngày hôm nay, mà sự biến đổi nhất là đi ban ngày, không đi 1h-2h sáng như trước đây.
Ngày xưa người ta thường đi hỏi chồng ban đêm vì nhà gái... sợ xấu hổ nếu nhà trai không đồng ý. Có nhiều trường hợp đi hỏi đến năm lần bảy lượt nhưng nhà trai vẫn chưa đồng ý.
Hiện nay thì trai gái tìm hiểu, yêu nhau trước khi đi đến hôn nhân, do đó khi đàng gái đi dạm ngõ là “ăn chắc phần thắng”. Duy chỉ có việc thách cưới, nhà gái luôn nín thở hồi hộp trước nhà trai...
Nhiều vị già làng cho rằng trong chuyện thách cưới, đang có hai xu hướng trái ngược nhau trong xã hội Churu.
Xu hướng thứ nhất khá “nhẹ nhàng”, chỉ đòi hỏi lễ vật cho lấy lệ rồi thôi.
Ngược lại có nhiều gia đình rất câu nệ, thách cưới tùm lum thứ với giá cao khiến gia đình nhà gái vô cùng mệt mỏi, như gia đình bà H.M. ở xã Tà Năng, huyện Đức Trọng khi sang xã Tà Hine cùng huyện hỏi chồng cho con gái vào đầu năm nay.
Nhà trai đã thách cưới 1 lượng vàng, 16 xâu cườm cùng nhiều trang phục, loại khăn và mười mấy chiếc nhẫn cho bà con trong họ. Riêng lễ vật cho đôi lứa cũng được đòi hỏi phải là nhẫn bạc cổ và loại cườm cổ rất đắt tiền...
Để tìm được loại cườm quý và nhẫn cổ, gia đình bà H.M. phải đi khắp nơi, sang nhiều xã lân cận và sang huyện Đơn Dương để lùng mua. Con của bà H.M. than thở với chúng tôi: “Gia đình mình rất mệt mỏi vì phải đi khắp nơi để mua lễ vật với giá rất cao, vậy mà mua hoài vẫn chưa đủ!”
Người Churu gốc Chăm?
Theo kết quả điều tra dân số ngày 1-4-2009, dân tộc Churu có 19.314 người, trong đó nhiều nhất là ở tỉnh Lâm Đồng với 18.631 người, chủ yếu quần cư tại hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng.
Theo Ủy ban Dân tộc: “Có lẽ xa xưa, tổ tiên người Churu là một bộ phận trong khối cộng đồng Chăm; về sau, họ chuyển lên miền núi sống biệt lập với cộng đồng gốc nên thành người Churu”.


THÁI LỘC

Quyền lực của mẹ và cậu


TTO - “Mình đi bắt chồng, bỏ của thách cưới thì mình làm chủ nhà thôi!” - bà Ma Sia, làng R’Lơm, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), diễn giải về lý do người phụ nữ làm chủ gia đình.

Vợ chồng bà Ma Sia và ông Ya Đạt - Ảnh: THÁI LỘC
Vợ chồng bà Ma Sia và ông Ya Đạt - Ảnh: THÁI LỘC
Mọi việc lớn việc nhỏ trong mỗi gia đình riêng, từ chuyện chi tiêu, sản xuất hay có việc gì cũng đều hỏi mẹ hết. Vì mẹ là chủ gia đình mà!
Ma Vương Nai Huyền
Trong khi người chồng là Ya Đạt - bí thư chi bộ làng R’Lơm - ngồi bên cạnh cùng gật gù đồng ý.
Dù là người phụ thuộc trong gia đình của chính mình, song người đàn ông Churu lại có vai trò lớn trong cộng đồng và quyết định những việc quan trọng tại nhà mẹ đẻ và các chị em gái của mình...
Đại gia đình mẫu hệ
Sau cơn mưa trắng trời đổ ụp xuống mặt đất Đơn Dương, bà Ma Sia kêu người chồng Ya Đạt che dù đi coi ngó nhà cửa và vườn tược của những người con gái sống trong khu vườn của mình.
Đó là ba ngôi nhà của con gái cả Touneh Nai Tâm, con gái thứ Touneh Nai Thảo và con gái kế út Touneh Nai Tuyết nằm bên cạnh, cùng dãy ngôi nhà vợ chồng bà.
Ông bà có sáu người con, bốn gái hai trai. Người con gái út Touneh Nai Hảo đã lấy chồng và đang sống chung trong nhà. Còn hai con trai là Ya Thiện và Ya Thiệu đều làm rể khác làng, ở nhà người ta.
Năm 1976, bà Ma Sia sang làng Pró Trong (xã Pró, cùng huyện Đơn Dương) “bắt” ông Ya Đạt về làm chồng. Họ có với nhau sáu người con và có đến bốn con gái.
Đó cũng là gánh nặng, nỗi lo lắng lớn vì phần của cải nhận được từ thách cưới hai con trai chỉ đủ bù lễ vật cho hai con gái “bắt chồng”.
Họ phải tập trung làm lụng, tích cóp của cải để bù vào phần thiếu “bắt chồng” cho hai con gái còn lại.
Người vợ Ma Sia nói vợ chồng bà làm lụng dữ lắm mới lo đầy đủ chuyện cưới xin, lễ vật thách cưới cho bốn con gái.
Bắt một chàng rể về nhà là bà cắt đất vườn và hỗ trợ tiền xây nhà cho con gái, chưa kể cấp thêm trâu bò và nương rẫy...
Một điều đặc biệt là cho dù gia đình các con gái sống riêng, nhưng hầu hết mọi chuyện của họ từ kế hoạch làm ăn, trồng trọt hay mua sắm... đều phải thông qua bà Ma Sia.
“Cũng may cả bốn chàng rể không cãi vợ, chỉ thỉnh thoảng có xích mích nhưng bằng lời nói chứ không có rượu chè đánh đập gì cả. Cả mấy đứa đều chí thú làm ăn” - bà Ma Sia tỏ sự bằng lòng.
Cũng như bà Ma Sia, người mẹ Ma Nai Bồ ở làng Tà In, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) làm chủ cả bảy tiểu gia đình của các con mình.
Hôm chúng tôi đến, bà đang ngồi chuyện trò với mấy người con gái và con dâu trên sân rộng giữa cụm nhà gỗ ở ngọn đồi sát hồ thủy điện Đại Ninh.
Lúc 20 tuổi, năm 1976, bà Nai Bồ “bắt chồng” là Churu Gia Giới về nhà. Ông bà có với nhau bảy người con, ba trai và bốn gái; ngoài những người con gái lấy chồng về ở quanh nhà mẹ đẻ đã đành, ba con trai là Ya Diên, Ya Dế và Ya Dới cũng được vợ đồng ý về sống cạnh mẹ chồng do được tạo việc làm ổn định.
“Mọi việc lớn nhỏ trong mỗi gia đình riêng từ chuyện chi tiêu, sản xuất hay có việc gì cũng đều hỏi mẹ hết. Vì mẹ là chủ gia đình mà!” - Ma Vương Nai Huyền, người con gái kế út của bà Nai Bồ, cho biết.
Theo Nai Huyền, trước đây tất cả gia đình người Churu đều sống trong cùng một ngôi nhà dài. Có gia đình lên đến 3-4 thế hệ với rất nhiều cặp vợ chồng nên ngôi nhà sàn cứ được kéo dài thêm ra mỗi khi có thành viên trong gia đình “bắt chồng” về nhà.
Và tất cả mọi chuyện diễn ra trong ngôi nhà đều do người mẹ lớn làm chủ, nắm toàn bộ của cải, công cụ lao động và điều tiết toàn bộ hoạt động sản xuất.
Ngày nay, dù tình trạng ở chung dưới một mái nhà dài không còn nhưng các con gái sau khi lấy chồng (thường được mẹ chia đất làm nhà bên cạnh) vẫn phải tuân lệnh người mẹ...
Giang san đại gia đình của bà Nai Bồ cùng các con và cháu ở làng Tà In, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng - Ảnh: THÁI LỘC
Giang san đại gia đình của bà Nai Bồ cùng các con và cháu ở làng Tà In, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng - Ảnh: THÁI LỘC
Ông cậu quyền lực
Dù người mẹ là chủ, quyết định mọi việc trong gia đình, nắm toàn bộ của cải do chồng làm nên, song quyền quyết định mọi sự kiện trọng đại đều thuộc về người cậu, anh hoặc em trai của mẹ.
Người cha gần như không quyền hạn gì ở gia đình vợ con, nhưng trong vai trò ông cậu lại quyết định những vấn đề lớn trong gia đình mẹ đẻ của mình.
Hôm chúng tôi ghé nhà bà Ma Sia, ông Touprong Ya Đạt cũng vừa từ xã Ka Đơn về nhà. Ông cho biết vừa đi hỏi chồng cho cháu gái về.
Được biết Nai Trinh, con chị gái của ông, từ xã Pró sang xã Ka Đơn hỏi chồng là Ya Yan. Cậu của Ya Yan nêu ra một loạt điều kiện cùng các lễ vật thách cưới.
Là ông cậu đại diện cho nhà gái, sau một hồi “đấu trí”, cuối cùng Ya Đạt cũng đồng ý các khoản thách cưới của nhà trai là tám chỉ vàng, 25 triệu đồng cùng một số khăn, áo, xâu cườm và nhẫn bạc cho gia đình và họ hàng thân tộc nhà trai.
Ông Ya Đạt nói: “Trong khi đó, tất cả sự kiện quan trọng trong nhà, kể cả cưới hỏi cho sáu đứa con của tôi đều do anh em của vợ tôi quyết định hết cả!
Theo tập quán của người Churu, cho dù ông cậu đi làm rể nhà người khác nhưng với nhà chị em gái của mình, quyền lực của ông ta rất lớn!”.
Các sự kiện trọng đại như chia chác của cải, cưới hỏi, hiếu sự, tang ma, mua bán tài sản lớn... các ông cậu luôn được mời về nhà trong vai trò có tiếng nói quyết định cuối cùng.
Ông Jơrlơng Ya Loan - một trí thức người Churu - giải thích về quyền quyết định của người cậu như sau: người cậu thuộc dòng họ nhà mình mà đang ở nhà người khác (vợ) nên sẽ giải quyết vấn đề một cách khách quan, chín chắn và công bằng hơn.
Trong khi đó người cha thì thuộc về dòng họ khác nên không được quyền quyết. Còn những người dì thì không được quyết định bởi dễ rơi vào bảo thủ, lạm quyền và mưu cầu lợi ích cho chính mình.
Trong khi đó theo già làng Ya Ga thì: “Trong gia đình, những người cha sẽ được trả về nhà mẹ đẻ nếu vợ ông ta chết, cho nên người cha chỉ tạm thời sống trong nhà mình nhưng phải gánh vác trách nhiệm ở nhà mẹ đẻ. Trong khi đó vai vế của ông cậu lại được nối tiếp truyền đời”.
Trong gia đình mẫu hệ Churu, người phụ nữ làm chủ - Ảnh: THÁI LỘC
Trong gia đình mẫu hệ Churu, người phụ nữ làm chủ - Ảnh: THÁI LỘC

Trong gia đình mẫu hệ, vai trò làm chủ thuộc về người vợ, nhưng ra khỏi phạm vi gia đình thì người đàn ông Churu lại có vai trò to lớn hơn đối với cộng đồng, xã hội.
Đó là các vị trí: trưởng thủy (chia nước để làm ruộng), trưởng làng, trưởng họ, quyết định các vấn đề xung quanh luật tục hay hòa giải giữa các gia tộc, dòng họ với nhau...

Được 'mua', chàng rể Churu phải làm quần quật


TTO - Khi cưới vợ, chàng rể Churu xem như được gia đình vợ “mua” về, quanh năm suốt tháng làm việc để nuôi gia đình bên vợ. Thân phận làm rể có nhiều tâm sự trắc ẩn trong lòng...

Già làng Ya Ga cũng phải chịu “thân phận chàng rể” theo phong tục Churu - Ảnh: THÁI LỘC
Già làng Ya Ga cũng phải chịu “thân phận chàng rể” theo phong tục Churu - Ảnh: THÁI LỘC
“Phong tục người mình (Churu) như vậy rồi, không theo thì không có được. Ở nhà vợ phải làm quần quật nhưng thấy có chuyện gì chướng mắt, va chạm với ai mình cũng bị thiệt cả, không thể nói được!
Ya Thương
Làm quần quật để nuôi nhà vợ
Dưới cái nắng chang chang và gió giật phả bụi mù rát cả mặt, chúng tôi gặp Ya Thương đang đào khoai lang cùng nhóm nông dân ở đám nương thuộc xã Ka Đô (huyện Đơn Dương).
Chàng trai này năm nay 24 tuổi, đang sống trong nhà vợ ở cách rẫy đang làm chừng 20km.
Ya Thương cho biết đào khoai lang gần một tuần rồi. Sau rẫy khoai lang này, anh đã nhận lời sang thu hoạch vườn su bắp cho một người dân xã Ka Đơn cùng huyện.
“Ai thuê gì mình làm nấy thôi, có thể cuốc đất, làm cỏ, chặt củi, phá gốc cà phê hay thợ hồ, thợ sơn, đào đất làm gạch, kể cả bốc xếp... Rảnh người ta ới là đi làm ngay ấy mà!” - Ya Thương nói.
Công việc quần quật của Ya Thương kiếm được mỗi ngày khoảng 200.000 đồng về đưa cho vợ, nhưng gần như không đủ để trang trải trong gia đình.
Ngoài người vợ trẻ 18 tuổi tên Konsa V. và một con gái gần 2 tuổi, Ya Thương còn cáng đáng thêm mẹ vợ và bà của vợ nên khó khăn thiếu thốn cứ chồng chất...
Gần ba năm trước, Konsa V. cùng những người cậu từ làng Đa Hoa sang làng Ma Đanh “bắt” Ya Thương về làm chồng.
Biết nhà V. nghèo, cha mất sớm nên gia đình Ya Thương chỉ thách cưới lấy lệ, mấy chỉ vàng, một số nhẫn cưới, khăn áo, chuỗi hạt cườm... cho một số rất ít thân tộc.
Thương con trai, gia đình bố mẹ cũng gửi Ya Thương đem theo về nhà vợ một số của hồi môn.
Nhưng về nhà vợ còn trẻ quá, lúc đó chỉ mới 16 tuổi nên người chồng trẻ vừa phải lo lắng đủ thứ việc lớn nhỏ trong nhà, vừa phải lao động quần quật để kiếm tiền nuôi gia đình nhỏ của mình và gia đình bên vợ.
“Hồi đó mình muốn đưa vợ về nhà mẹ đẻ lắm mà bên ngoại không chịu. Ở nhà thì mình rất được cưng chiều, có cha mẹ lo hết. Phong tục người mình (Churu) như vậy rồi, không theo thì không được.
Ở nhà vợ phải làm quần quật nhưng thấy có chuyện gì chướng mắt, va chạm với ai mình cũng bị thiệt cả, không thể nói được!” - Ya Thương chia sẻ.
Cách nhà Ya Thương không xa là nhà già làng Ya Ga, cũng là một trí thức người Churu của xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Chúng tôi gặp ông khi đang làm cỏ cho nương cà phê gần nhà.
Ông nói tranh thủ làm buổi trưa để chiều còn ra ruộng lo mấy sào lúa nữa. “Giờ già rồi làm ít chứ khi trẻ, còn sức thanh niên làm quần quật chú à, mà phải làm mới nuôi đủ gia đình, lo cho bầy con nên người, khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng được!”.
Dù lao động quần quật như vậy nhưng đến khi người vợ qua đời, theo luật tục của người Churu thì chàng rể sẽ phải đi tay không về nhà mẹ đẻ, ở với mẹ, chị em gái hoặc cháu gái của mình.
Những người lớn tuổi kể rất nhiều trường hợp trước đây sau khi vợ chết đi, người đàn ông bị đuổi ngay về nhà mẹ đẻ một cách tàn nhẫn như thế nào, phải xa rời con cháu và xa rời nhà cửa, vườn tược do chính công sức mình tạo lập một cách đau đớn ra sao...
Những hình ảnh đó trở thành mối bi kịch ám ảnh các cụ già người Churu cho đến mãi bây giờ.
Nhiều trường hợp khi về nhà mẹ đẻ, ở với chị em gái của mình hoặc có khi chẳng còn ai để nương tựa, trong khi người đàn ông tuổi đã lớn, khó khăn trăm bề.
Cũng có trường hợp gia đình nhà vợ cho ở lại nhưng gia đình nhà trai cương quyết đưa cho được “người của mình” về nhà theo luật tục, dù biết trước người ấy sẽ phải sống trong cảnh cô đơn, buồn bã.
Những năm gần đây do ảnh hưởng của người Việt, đàn ông Churu góa vợ mới được hai bên gia đình chấp thuận để ở lại cùng con cháu của mình.
Ya B (giữa) thu hoạch su bắp thuê cùng các chàng trai Churu khác - Ảnh: THÁI LỘC
Ya B (giữa) thu hoạch su bắp thuê cùng các chàng trai Churu khác - Ảnh: THÁI LỘC
Nỗi lòng chàng rể
Chúng tôi gặp Ya B. khi anh đang cùng nhiều người khác thu hoạch su bắp thuê trên một đám rẫy của xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương.
Nhìn khuôn mặt đen sạm trải đời, không ai nghĩ đó là chàng trai 25 tuổi. Ya B. nói: “Bọn tui toàn làm việc nặng dưới mưa dưới nắng thôi, mà làm riết cũng quen rồi!”.
Ya B. vốn người làng K’Lot sang làm rể ở làng Kambut cùng xã Tu Tra. Vợ anh là con gái út, theo phong tục Churu là người sống với bố mẹ vợ, đồng thời được hưởng phần lớn gia tài bên gia đình vợ.
Vậy mà tháng trước, người chị gái của vợ đã âm thầm đem 3 trong số 4,5 sào đất của gia đình vợ đi cho người ta thuê trồng màu trong 10 năm.
Biết chuyện, Ya B. xin canh tác 1,5 sào còn lại nhưng chị gái cũng không chịu. Quá uất ức, anh rời vợ con bỏ về nhà mẹ đẻ ở làng K’Lot.
Ít hôm sau, mấy ông cậu và anh trai bên vợ đành phải sang nhà Ya B. xin lỗi, hứa sẽ dàn xếp, tính toán lại chuyện chia đất đảm bảo vợ chồng Ya B. không bị thiệt. Nhờ vậy Ya B. mới trở về, tiếp tục làm lụng nuôi gia đình vợ và nuôi vợ con mình.
“Mình làm rể đâu nói gì được dù có nhiều chuyện chướng tai lắm. Vợ mình thường xuyên bị chị gái hà hiếp và xâm phạm quyền lợi, nhưng mình phải nhịn vì tiếng nói của mình trong gia đình vợ không có giá trị.
Nhiều lúc thấy phận làm rể như mình vô lý quá, khổ quá, tự dưng nai thân đi nuôi nhà bên vợ mà lại không có quyền hành, không được nói một tiếng nào!” - Ya B. tâm sự.
Thường để giải tỏa ấm ức trong lòng, cũng như hầu hết chàng rể Churu, Ya B. thường đem chuyện nhà tâm sự với những chàng rể khác những lúc làm công trên nương rẫy hoặc tụm năm tụm ba quanh chén rượu cay...
Chàng rể Ya Thương và con gái - Ảnh: T.LỘC
Chàng rể Ya Thương và con gái - Ảnh: T.LỘC
“Trong xã hội mẫu hệ của người Churu, người đàn ông có vai trò nhất định trong gia đình mình và dòng họ mình. Nhưng khi lấy vợ, cư trú bên nhà vợ, anh ta trở thành người thừa hành các công việc đã được gia đình vợ bàn bạc quyết định. Người làm rể, ngoài trách nhiệm, nghĩa vụ lao động nuôi sống bản thân mình và tôn trọng lễ phép với ông bà chủ nhà, sống hòa hiếu với tất cả thành viên trong đại gia đình, anh ta phải hết lòng thương yêu vợ mình, làm việc siêng năng chăm chỉ để xứng đáng với số của cải mà dòng họ nhà vợ đã bỏ ra cưới anh ta về”.
TS Võ Tấn Tú (trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Đà Lạt, tác giả nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Churu)

Anh em cô cậu lấy nhau


TTO - “Anh đến đây làm gì? Nhà này không có việc gì của anh cả, mời anh đi liền cho!”. Đó là thái độ phản ứng rất gay gắt của người vợ, người mẹ trẻ Bơnhong Ma Nhị khi biết chúng tôi hỏi về chuyện hôn nhân gia đình...

Bà Touprong Rơdy là người lấy con cậu ruột làm chồng (ảnh chụp bà và gia đình con gái út) - Ảnh: THÁI LỘC
Bà Touprong Rơdy là người lấy con cậu ruột làm chồng (ảnh chụp bà và gia đình con gái út) - Ảnh: THÁI LỘC
Hồi xưa ai cũng vậy cả, toàn con cô con cậu lấy nhau cả thôi, hễ con cô con cậu là được cả dòng họ ưu tiên. Sau này thì chính quyền không cho lấy như vậy nữa!"
Bà Rơdy
Người Nhị “bắt chồng” là con trai của cô ruột mình, dù chính quyền xã lẫn linh mục quản giáo xứ ngăn cản cũng chẳng ăn thua...
Ưu tiên lấy người cận huyết
Nhiều người trong bản Pró Ngó (xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đến nay vẫn còn nhớ như in về cuộc hôn nhân của Ma Nhị và Dơnơng Sang Ya Thị với nhiều lời đàm tiếu, nhất là trong giới trẻ. Mẹ của Nhị, bà Bơnhong Ma Soang, là chị ruột của ông Dơnơng Sang Ya Đây, ba của Thị.
Ba năm trước, theo sự thống nhất từ trước, gia đình bà Ma Soang dẫn con gái sang “bắt chồng” là con ruột em trai mình. Thuận lời bố mẹ, Thị đồng ý lấy Nhị dù trong vai chị, và gia đình Nhị chấp nhận mọi khoản thách cưới.
Sự việc xì xào trong giới trẻ của bản Pró Ngó, sau đó lan rộng ra nhiều bản lân cận. Trong những lần đi nhà thờ, chuyện đôi lứa bà con đồng ý lấy nhau cũng được người ta bàn ra tán vào. Và linh mục quản giáo xứ trong xã cũng khuyên răn gia đình và đôi lứa không nên lấy nhau vì bà con quá gần, quá cận huyết thống, chẳng khác chi là anh em ruột.
Theo chị Ma Hô, cán bộ tư pháp xã Pró, chính quyền mấy lần tuyên truyền, vận động cả đôi lứa lẫn gia đình. Thế nhưng, hai gia đình và đôi lứa đã quyết tâm và thực hiện theo mọi lễ nghi, trình tự thủ tục cưới xin theo luật tục, Thị về nhà Nhị sinh sống và đến nay họ đã có với nhau một cu cậu lên 2 tuổi lấy theo họ Bơnhong của mẹ...
Thực ra, tình trạng con cô con cậu ruột lấy nhau rất phổ biến trong xã hội Churu, nhất là thế hệ lớn tuổi. Đây là hình thức hôn nhân đặc biệt được ưa chuộng. Trong mỗi buôn làng Churu ở hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng đều rất dễ dàng bắt gặp những cặp vợ chồng có quan hệ huyết thống gần gũi.
Có làng chưa đầy 200 hộ gia đình đã có đến hàng chục trường hợp con cô lấy con cậu ruột. Tại bản K’Lot, xã Tu Tra, chúng tôi ghé vợ chồng bà Rơdy và ông Ya Biơi. “Con cô con cậu lấy nhau à, thì vợ chồng tôi là con cô con cậu đó” - bà Rơdy cho biết.
Mẹ của bà Rơdy là Touprong Ma Phun - em ruột của ông Touprong Ya Hra, cha của ông Biơi. Theo lời kể của bà Rơdy, trong một đêm tối trời năm lên 16 tuổi (1959), gia đình đã tổ chức đưa bà sang nhà cậu để “bắt chồng” là người em Ya Biơi vốn thân thiết, chơi với nhau từ nhỏ. Họ sống với nhau có năm mặt con.
“Hồi xưa ai cũng vậy cả, toàn con cô con cậu lấy nhau cả thôi, hễ con cô con cậu là được cả dòng họ ưu tiên. Sau này chính quyền không cho lấy như vậy nữa!” - bà Rơdy nói.
Đối với giới trẻ, hầu hết đều ý thức được việc cận huyết thống “như anh em trong nhà” lấy nhau có quá nhiều điều không hay, nhất là về mặt hậu duệ, ảnh hưởng đến giống nòi. Sự ý thức có được từ nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thường xuyên được tiến hành, do nhà trường, chính quyền xã cùng nhiều tổ chức xã hội...
Thế nhưng, những trường hợp như Nhị và Thị nên duyên vợ chồng, đây đó vẫn âm ỉ diễn ra mà đa số là do các bậc cha mẹ sắp đặt và quyết định.
“Con anh, con em, con của chúng ta”...
Trong một buổi chiều trời mưa dông, chúng tôi quyết vượt con đường đất rất xấu dài 4-5 cây số, băng qua cánh đồng rộng để tìm ông Jơrlơng Ya Loan - ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, một trí thức dân tộc Churu.
Nhà ông như một trang trại biệt lập giữa thung lũng thuộc làng Malay của xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, nơi có bãi cỏ xanh chăn thả gia súc, khu vườn rộng trồng rau và cây ăn trái cùng ao cá lớn. “Đường khó đi như vậy mà chú đến được đây là khá rồi!” - ông vừa nói vừa kêu vợ pha trà mời khách. Vợ ông là bà Touprong Ma Wy, vốn là một dòng họ quý tộc của người Churu.
Điều đặc biệt của đôi vợ chồng này chính là ở duyên phận được nối từ hai cuộc hôn nhân trước đó. Bà Ma Wy kể năm 1976, bà đi cưới chồng lần đầu là ông Jơrlơng Ya Toan, anh ruột của ông Ya Loan.
Năm 1981, ông Ya Toan chết vì bệnh, để lại bà cùng ba đứa con thơ. Năm 1985, cuộc hôn nhân của ông Ya Loan cũng đứt gánh vì người vợ qua đời để lại ông với năm đứa con nheo nhóc. Sau hai năm mãn tang, ông Ya Loan đã đồng ý lấy bà Ma Wy vốn là chị dâu của mình, và đám cưới của họ đã diễn ra trong nội bộ dòng tộc. Đôi vợ chồng này có với nhau thêm ba người con nữa.
Cho dù hai gia đình sáp lại, có “con anh, con em và con của chúng ta”, song theo lời bà Ma Wy: “Tất cả chúng nó sống với nhau rất hòa thuận, yêu thương nhau lắm vì chúng đều được hai vợ chồng tôi yêu thương và chăm sóc như nhau!”. Theo ông Ya Loan, lý do hai vợ chồng lấy nhau là để cùng nuôi nấng con cháu mình đàng hoàng!”.
Hình thức hôn nhân chị em vợ lấy anh em chồng khi hai gia đình có người qua đời như trên là khá phổ biến, thường được dòng tộc khuyến khích và gia đình hai phía đồng tình trong cộng đồng người Churu.
Ngoài ra, một số hình thức hôn nhân “nối dây” khác cũng được cộng đồng ở đây lựa chọn. Đó là khi người chồng chết thì anh em trai của chồng lấy người vợ góa. Hay người vợ chết thì người chồng lấy em hoặc chị vợ... Những trường hợp đó cũng nhằm nối tiếp gia đình, bảo vệ con cháu và bảo vệ của cải không rơi vào dòng họ khác...
Vợ chồng bà Ma Wy và ông Ya Loan - Ảnh: THÁI LỘC
Vợ chồng bà Ma Wy và ông Ya Loan - Ảnh: THÁI LỘC
Không muốn tài sản vào tay nhà khác
Theo giải thích của các trí thức người Churu, sở dĩ hình thức hôn nhân con cô con cậu ruột được ưu tiên vì họ đều trong cùng một nhà, có bà con, nay có thêm mối quan hệ dâu, rể thì càng gắn kết, việc thách cưới phần nào nhẹ nhàng, và quan trọng hơn chính là người Churu không muốn tài sản của gia tộc rơi vào dòng họ người khác.

Người Churu muốn thay mà không đổi tập tục hôn nhân


TTO - Mấy năm trước, Kajon Ya Quân ở làng Hawai, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã không tuân thủ luật tục khi đi cưới vợ và đưa vợ về nhà mình sinh sống.

Một ngôi nhà dài truyền thống của người Churu ở làng Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương - Ảnh: THÁI LỘC
Một ngôi nhà dài truyền thống của người Churu ở làng Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương - Ảnh: THÁI LỘC
Chúng tôi cũng bàn nhau chủ trương lấy theo họ cha nhưng chưa được thống nhất, bởi vì áp lực của đồng bào dân tộc Churu chúng tôi còn lớn, do truyền thống từ trước đến giờ họ đã theo họ mẹ rồi!
Già làng Ya Ga
Con của Quân cũng không theo họ mẹ mà lấy theo họ Kajon của cha như kiểu phụ hệ.
Dịch chuyển quyền lực trong gia đình?
Theo lời kể của một số người dân, sự việc lúc ấy cũng “có bàn ra tán vào” nhưng sau đó người ta quen dần. Vài năm sau, gần nhà Quân có Bơju Ya Thương khi lấy vợ đẻ con, chàng rể này đã “thương lượng” với nhà vợ để lấy họ Bơju của mình đặt cho con chứ không theo họ của vợ.
Trường hợp lấy theo họ cha trong cộng đồng mẫu hệ Churu như Ya Quân hay Ya Thương bây giờ cũng khá phổ biến.
Ngoài ra, cũng có trường hợp trong gia đình mà đặt hai họ. Đó là trường hợp gia đình ông Chu Ru Ya Giới ở xã Tà Hine (huyện Đức Trọng), bốn người con gái lấy theo họ Ma Vương của người mẹ, trong khi ba người con trai lấy theo họ Chu Ru của người cha.
Chưa hết, có khá nhiều gia đình theo hình thức “song họ”, ghép cả hai họ mẹ và cha, mà phần nhiều họ mẹ đặt trước, họ cha đặt sau.
Song cũng có không ít trường hợp người cha “thương lượng” đặt họ của mình trước, họ vợ đặt sau...
TS Võ Tấn Tú, trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Đà Lạt - người chuyên nghiên cứu về văn hóa Churu, nhận xét rằng đang có sự biến đổi về quyền lực trong các đại gia đình mẫu hệ.
Trong một số gia đình, vị trí làm chủ của người phụ nữ chỉ còn mang tính hình thức, tượng trưng; ngược lại thì quyền lực của người chồng ngày càng chiếm ưu thế.
Chàng trai Ya Tỉnh ở làng K’Lot (xã Tu Tra) làm nhà chuẩn bị cưới vợ về. Ngày càng có nhiều đàn ông Churu đưa vợ về nhà sống và lấy họ cha cho con - Ảnh: THÁI LỘC
Chàng trai Ya Tỉnh ở làng K’Lot (xã Tu Tra) làm nhà chuẩn bị cưới vợ về. Ngày càng có nhiều đàn ông Churu đưa vợ về nhà sống và lấy họ cha cho con - Ảnh: THÁI LỘC
Hai chiều quan điểm
Ở làng K’Lot, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, hôm chúng tôi ghé đến, Ya Tỉnh đang cùng nhóm thanh niên trong làng đóng căn nhà gỗ nhỏ ở góc quả đồi, thuộc khu vườn nhà cha mẹ.
Tỉnh cho biết chỉ ba hôm nữa là đến ngày rước dâu về nhà rồi, cho nên phải tranh thủ làm ngày làm đêm mới kịp xong nhà.
Chàng trai này có 5 năm xuất khẩu lao động ở Malaysia và một thời gian làm việc ở Sài Gòn. Đến nay 30 tuổi, như chim bay cánh mỏi, anh về quê lấy vợ, xin đất cha mẹ làm nhà để đưa vợ về sinh sống...
“Thì cứ đưa vợ về nhà đã, nếu thấy làm ăn ở đây không được thì dắt nhau về thành phố hoặc chỗ nào làm ăn được thì đến thôi” - Tỉnh nói.
Lứa thanh niên người Churu ngày nay đi ra bên ngoài như Tỉnh không phải ít. Đó có thể là đi học đại học, cao đẳng, sau khi tốt nghiệp thì ở lại để tìm cơ hội làm việc ở các đô thị như Đà Lạt, Bảo Lộc hay TP.HCM.
Có nhiều trường hợp đi làm ăn xa, rồi lấy vợ, lấy chồng là người ngoài dân tộc Churu. Nhờ nhiều con đường giao lưu và tác động từ bên ngoài như thế mà quan niệm về hôn nhân gia đình trong cộng đồng Churu hiện nay đang có những biến chuyển nhất định.
Ngay cả những thành phần hiểu biết, có uy tín, những già làng, trưởng họ cũng đang chủ ý thay đổi dần dần khá nhiều điều trong luật tục ấy.
Già làng Bơni Ya Ga, với vai trò chủ tịch Hội đồng bào tự quản xã Tu Tra, cho biết kể từ năm 1997, công việc thường xuyên của ông là “làm công tác phong tục tập quán, cái gì hay thì giữ lại cho văn hóa của dân tộc, cái gì không phù hợp với thời đại thì hạn chế rồi dần bỏ đi. Nhưng làm từng bước chứ không phải một sớm một chiều!”.
Riêng đối với những luật tục liên quan đến chế độ mẫu hệ, ông cho biết từng bàn bạc với rất nhiều già làng, trưởng họ và những người uy tín của các cộng đồng Churu nhằm thay đổi những tập quán không phù hợp như thách cưới quá cao; đám ma và đám cưới rình rang lãng phí; hoặc con cô con cậu và cận huyết thống không được lấy nhau; lấy chồng lấy vợ phải đủ tuổi theo pháp luật quy định; khi vợ chết thì người chồng không về nhà gốc...
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều phụ nữ Churu cho rằng chế độ mẫu hệ sẽ không mất đi mà sẽ song hành mãi mãi cùng dân tộc Churu.
Ma Vương Nai Huyền là một người học hành khá cao và hiểu biết nhiều về mặt phong tục, đang ở làng Tà In, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, cho rằng: “Chế độ mẫu hệ không mất đâu, vì mỗi dân tộc có một phong tục riêng thì không thể mất được. Nếu để mất cái đó nữa thì còn gì là dân tộc mình nữa!”.
Huyền cũng cho rằng một số biểu hiện trong lớp thanh niên hiện nay học theo kiểu phụ hệ chỉ để hòa nhập, để nâng cao nhận thức và nâng cao đời sống, chứ khó có chuyện quên đi giềng mối cơ bản nhất của dân tộc mình.
Nhận xét về cả hai quan điểm trái chiều này, TS Võ Tấn Tú cho rằng về hình thức, có thể bắt gặp các trường hợp người Churu theo phụ hệ, nhưng không phổ biến và thường rơi vào các nhóm Churu “lưu lạc”, bị ảnh hưởng trong điều kiện xen cư tại cộng đồng mà người phụ hệ chiếm đa số như người Kinh.
Song, việc ngả hẳn theo phụ hệ thì khó có thể diễn ra trong những cộng đồng người Churu quần cư tập trung. Hơn nữa, do gốc gác tách ra từ người Chăm nên người Churu bị chi phối rất mạnh bởi nền văn hóa mẫu hệ của dân tộc Chăm.
Nghiêm cấm kết hôn cùng huyết thống
Thế hệ thanh niên Churu ngày nay làm đám cưới theo kiểu người Kinh. Ảnh chụp tại một đám cưới ở xã Tà Hine, huyện Đức Trọng - Ảnh: VÕ TẤN TÚ
Thế hệ thanh niên Churu ngày nay làm đám cưới theo kiểu người Kinh. Ảnh chụp tại một đám cưới ở xã Tà Hine, huyện Đức Trọng - Ảnh: VÕ TẤN TÚ
Chính phủ đã có văn bản điều chỉnh những bất hợp lý liên quan chế độ mẫu hệ thông qua nghị định 32 năm 2002. Trong đó có các điều khoản như: nghiêm cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ hoặc có liên quan dòng họ trong phạm vi ba đời.
Đồng thời, nghiêm cấm việc thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng, ché... để dẫn cưới).
Các dân tộc có quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng thì ủy ban nhân dân cấp xã, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức thành viên, các già làng, trưởng bản, các vị chức sắc tôn giáo vận động, thuyết phục người dân từng bước xóa bỏ sự bất bình đẳng ấy, bảo đảm họ có các quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
THÁI LỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét