(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi tìm đường vào thăm khu di chỉ Làng Vạc, một địa danh ở miền tây Nghệ An nổi tiếng về những phát hiện khảo cổ trong gần nửa thế kỷ qua. Trên Google Map, địa danh Làng Vạc là một chấm nhỏ rất xa xôi!
Từ đường Hồ Chí Minh, đoạn ngang Phủ Quỳ, chúng tôi rẽ phải chừng vài chục cây, đi về hướng thành phố Thái Hoà, một thành phố không nhiều người biết đến trên đất huyện Nghĩa Đàn. Một chút ngạc nhiên về một đô thị trẻ trên vùng đất cổ với những công sở, nhà cửa, phố xá khang trang. Trên đường trục chính Nguyễn Trãi, có một con phố rẽ về phía nam mang tên" Làng Vạc".
Chúng tôi đi theo con đường ấy ra ngoại ô, xuyên qua một vùng đồi đất đỏ gập ghềng chừng dăm cây số thì đến nơi. Thì ra khu di chỉ Làng Vạc giờ đây là một làng của xã Nghĩa Hoà, ngoại thành của thành phố Thái Hoà.
Làng Vạc là một vùng nông thôn đẹp, những chòm xóm yên ấm nép dưới bóng cây xanh. Nhà cửa khang trang, đồng ruộng trù phú. Mỗi khu làng đều có cổng xây khá đẹp. Có cảm tưởng trên vùng đất cổ mấy ngàn năm này, đời này qua đời khác, các thế hệ người Việt cứ tiếp nối nhau trong một nhịp sống bình dị, cần cù. Ngay bên đường chúng tôi gặp một tấm pano cỡ lớn giới thiệu về lễ hội Làng Vạc, một lễ hội từ nhiều năm nay đã là một sự kiện văn hoá của cả vùng.
Dọc theo con đường chạy qua khu đầm lớn, chúng tôi đến thăm đền Làng Vạc, di tích được tôn tạo và xây dựng trong một dự án bảo tồn phát triển khu di tích cổ này. Một công trình có kiến trúc đẹp và bề thế trên một khu đồi cao, tựa lưng vào Rú Giang, trông ra cả một vùng hồ đập có tầm nhìn rộng.
Qua 21 bậc thềm lên, khu đền có cổng với những hàng cột xây theo lối cổ. Sân rồng có tượng voi phục bằng đá trắng. Cả khu là một tổ hợp có đền thờ chính thờ các vua Hùng, đền Quốc Mẫu, gian trưng bày các di chỉ cổ ...; một không gian kiến trúc hài hoà giữa cây xanh, trang nghiêm, thành kính.
Chúng tôi đã vào thăm khu trưng bày di chỉ. Trong một không gian nhỏ, các hiện vật và tranh ảnh đã cho người xem một bức tranh lịch sử của cả một thời. Theo những người quản lý ở đây, các hiện vật chính đã được mang ra Hà Nội, lưu giữ tại các bảo tàng quốc gia và trưng bày ở nhiều trung tâm văn hoá trên thế giới. Số trưng bày ở đây chỉ là một phần rất nhỏ, và điều đáng quý là có những hiện vật sau này do người dân tìm được và tự nguyện góp thêm vào để trưng bày.
Từ năm 1972, ngay trong những năm tháng chiến tranh, khu di chỉ Làng Vạc đã được khai quật lần đầu tiên. Cho đến năm 1999, khu vực này đã có 5 lần khai quật, có những lần tiến hành với sự hợp tác của Nhật Bản. Những kết quả cho thấy, Làng Vạc thực sự là một địa chỉ khảo cổ tiêu biểu, nơi còn lưu giữ những chứng tích phong phú của một nền văn minh của người Việt cổ hơn 2000 năm trước (khoảng 50 năm trước CN)..
Trên diện tích khoảng 3 héc ta ở Làng Vạc, 5 đợt khai quật đã phát hiện 374 ngôi mộ ( nơi có nhiều mộ táng nhất trong số các di chỉ thuộc văn hoá Đông Sơn); hàng ngàn hiện vật các loại, trong đó nhiều đồ đồng (hoa tai, vòng, rìu, dao găm cán tượng đầu người hay voi, hổ...); đồ gốm là các thạp, âu, chén...; đặc biệt là 14 chiếc trống đồng có niên đại khoảng 2.100 năm.
Điều đó chứng tỏ con người thời đại đồng thau ở Làng Vạc đã biết đúc các nông cụ như cuốc, thuổng, xẻng, lưỡi cày để sản xuất, chăn nuôi và có một đời sống vật chất và tinh thần khá phong phú.
Di tích Làng Vạc đã góp vào kho tàng di sản vật thể nhiều trống đồng và các đồ nghệ thuật trang sức độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao. Nhờ đó, các nhà khoa học đã có được cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống người Việt trong giai đoạn này; điều rất có ý nghĩa đối với lịch sử đất nước và dân tộc.
Điều đặc biệt cần nói là, vào thời kỳ đó (thế kỷ I trước Công Nguyên), nhà Hán đã xâm lược nước ta. Với chính sách tận diệt trống đồng, thu trống để đúc ngựa đồng và cột đồng, họ muốn tiêu diệt văn hoá Lạc Việt. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, tộc người Việt cổ ở Làng Vạc vẫn giữ được bản sắc văn hoá của mình và để lại những chứng tích rực rỡ ngay trong giai đoạn đó.
Văn hoá là điều cuối cùng còn lại sau tất cả! Về thăm Làng Vạc, thêm một lần trở lại cội nguồn để tin yêu và tự hào vào sức sống trường tồn của văn hoá Việt!
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét