Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Xôn xao mùa cá cháy

Đang độ giêng hai, ngư dân ven sông Trường Giang thuộc các xã Tam Xuân, Tam Tiến (huyện Núi Thành) và Tam Phú (TP.Tam Kỳ) lại hối hả rủ nhau đi đánh bắt cá cháy. Cá cháy hình thon dài, bề ngang chừng 3 ngón tay tựa cá trích biển.


Cá có màu trắng bạc, vảy cứng, sống ở biển nhưng khi nước mặn từ đại dương tràn vào là cá cháy cũng theo con nước tỏa đi các sông Trường Giang, Tam Kỳ và Bàn Thạch. Cá cháy đi theo từng đàn, khi vắng người cá nổi hẳn lên mặt nước quây lại bằng cả một mặt sân rộng. 

Để đánh bắt cá cháy, đợi khi nước êm, 7 - 8 ghe nhỏ của ngư dân dùng lưới ba lớp bủa vây từ bờ sông này qua bờ kia rồi gõ đập xua đuổi. Sau đó, xâu lưới lại và… tha hồ gỡ cá.

Thường một vát lưới, mỗi ghe thu trên dưới 10kg cá cháy, bán sỉ ở chợ Tam Kỳ hoặc chợ Bà Hòa (phường Hòa Hương) cũng được gần 100.000 đồng. Mỗi ghe lưới với 2 người đi đánh bắt cá cháy ở khu vực sông Tam Kỳ hoặc trên sông Bàn Thạch chừng vài tiếng đồng hồ là có thể bắt được 10 - 15 kg cá cháy. Cá cháy thuộc loài cá “sạch” thường sống ở từng nước giữa hoặc nổi trên mặt nước. 

Cá bắt lên có mùi rất đặc trưng từ vảy, thịt cá cháy có lẫn xương nhưng chế biến được nhiều món ăn ngon. Đem cá cháy về chỉ cần làm mang, rửa sạch rồi bắc lên bếp chiên xù dằm nước mắm ớt ăn với cơm nóng thì rất tuyệt. Cá cháy đem nướng than hồng sẽ vàng rộm và tỏa mùi thơm phức. Đặc biệt, cá cháy chỉ cần làm mang, đánh vảy kho ngọt cùng ít thơm hoặc khế chua ăn với cơm rất khoái khẩu.

Cá cháy ngon và rẻ, ở chợ hiện nay giá chừng 8 - 10 nghìn đồng một ký rất hợp túi tiền của những bà nội trợ . Đây cũng là món ăn ưa thích của giới thượng lưu vì cá cháy ngon là loại cá sạch, chỉ có từ tháng giêng đến tháng 6 âm lịch. Khi mùa mưa đến thì cá “chuồn” thẳng ra biển, lúc đó khó mà tìm được món ngon từ cá cháy.

Chợ Nồi Rang - nét văn hóa xứ Quảng

Chợ Nồi Rang (thôn 3, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được hình thành cách đây khoảng 300 năm. Ngôi chợ này mang khá nhiều nét văn hóa của đất và người Quảng Nam.


Theo lời kể của những bậc cao niên đây, chợ Nồi Rang có sự tích khá thú vị. Trên hành trình Nam Tiến, người Việt đã chọn mảnh đất này làm nơi an cư, lập nghiệp. Làng quyết định lập chợ, và đặt ra điều lệ, nếu ai là người đến buôn bán đầu tiên ở chợ này, thì làng sẽ lấy đó mà đặt tên. Và sáng hôm sau, khi phiên chợ đầu tiên bắt đầu, có một ông lão chở nồi niêu, gốm đất, thế là làng quyết định đặt tên chợ là chợ Nồi Rang. 

Khi nghe cái tên Nồi Rang, cảm giác đầu tiên khiến nhiều người nghĩ đến, đó là sự nóng bức, khô khan như cái thời tiết nắng nóng trên mảnh đất Quảng Nam. Trước kia, chợ Nồi Rang chỉ là hai dãy lều lợp bằng dừa nước, là nơi trao đổi buôn bán chính của người Tàu bán mặt hàng chủ yếu là thuốc bắc; người Pháp bán mặt hàng chủ yếu là rượu trắng. Và các cửa hàng tạp hóa, rau quả của các vùng sông nước khác như Hội An, Điện Bàn, Thăng bình...cũng tập họp về đây.

Ngày nay, các tiểu thương trong chợ, hầu hết là những người phụ nữ quê nghèo trong vùng như Duy Phước, Duy An, Duy thành... Họ tập hợp về đây buôn bán với đủ các mặt hàng như gà con, tàn tro, vải vóc, hoa quả. Chợ thường bắt đầu lúc 5h, và tan sớm lúc 9h sáng. Khi gà bắt đầu gáy, những người đàn bà quê, chèo thuyền bơi ghe chở các mặt hàng sang chợ Nồi Rang để bán. Chợ Nồi Rang là ngã ba của các đường sông như Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, nên buôn bán khá sầm uất, nhộn nhịp.

Mặt dầu tồn tại giữa nhịp sống hiện đại, nhưng nét văn hóa quê vẫn in đậm dấu ấn của văn hóa đất Quảng. Bà Lê Thị Bốn (87 tuổi, trú tại thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Tôi gắn bó với ngôi chợ này từ thời con gái. Khi lớn lên buôn bán ở đây, có những lúc vừa bán vừa ôm rổ rau chạy giặc. Tối đến, chúng tôi lại chong đèn bán tiếp. Trước kia, ngôi chợ vừa là nơi để tôi kiếm sống nuôi 7 đứa con, giờ chúng đã lớn và ngôi chợ như ngôi nhà thứ hai gắn bó với tôi”. 

Thời điểm cuối năm, chợ Nồi Rang như đông đúc và nhộn nhịp hẳn lên, xua tan đi cái ảm đạm thường thấy trong một phiên chợ quê nghèo. Tô mỳ gạo mới, những đòn bánh chưng, bánh tét, hay đàn gà đàn vịt làm phong phú thêm các mặt hàng vốn có của chợ. Và cứ tờ mờ sáng, tiếng mái chèo khua nước bì bõm, tiếng nói cười í ới của dòng người qua lại đã xé tan bầu yên tĩnh của một cảnh làng quê. 

Mặt trời lên cao dần cũng là lúc các bà, các chị ra về, nón lá nhấp nhô điểm vài nụ cười trên khuôn mặt đắt hàng. Những chùm bánh ú, cây kẹo treo lủng lẳng trên đôi gánh, sau mỗi buổi chợ, cho bọn trẻ ở nhà chờ đợi, đó như một hạnh phúc đời thường của các chị, các bà ở phiên chợ quê này.

Chùm ảnh chợ Nồi Rang

Bánh chưng, bánh tét - mặt hàng chủ yếu vào cuối năm
Bánh chưng, bánh tét - mặt hàng chủ yếu vào cuối năm
Cổng vào chợ
Cổng vào chợ
đợi khách...
Đợi khách...
hàng hoa...
Hàng hoa...
Một góc hàng mỳ Quảng
Một góc hàng mỳ Quảng

Những chợ nổi trên phá Tam Giang

Không chỉ là nơi ngư dân mua bán tôm cá, các chợ nổi trên vùng đầm phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên- Huế còn là những điểm du lịch hấp dẫn.


4 giờ sáng, vùng đầm phá của thôn Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) đang chìm trong bóng đêm dày đặc bỗng sáng dần lên bởi những ánh đèn pin. Ánh đèn từ tám hướng tiến về theo sự di chuyển của hàng trăm chiếc thuyền bé nhỏ. Rồi những chiếc thuyền tiến đến gần nhau khiến ánh đèn chụm lại, tạo nên một điểm sáng lớn giữa mênh mông đầm phá. Đó là cảnh họp chợ tại chợ nổi thôn Mỹ Thạnh khi quan sát từ trong bờ. 

Một góc chợ Đầm Chuồn lúc chợ sắp tan.
Một góc chợ Đầm Chuồn lúc chợ sắp tan.

Cứ ngỡ là chợ thì sẽ ồn ào lắm, nhưng đến gần thì thấy rất trật tự. Lời nói, tiếng cười giữa người bán và kẻ mua chỉ đủ để cho đối phương nghe. Người trao hàng, người nhận hàng rồi trả tiền, tuyệt nhiên không có lời ngã giá. 

Người bán hàng ở chợ nổi này là những ngư dân hành nghề chài lưới trên phá Tam Giang. Họ ra khơi đánh bắt từ đầu giờ tối, đến khoảng 3 giờ sáng thì chạy thuyền về chợ để bán những mớ cá, tôm còn tươi rói. Ngoài dân trong vùng, khách mua ở đây còn là tiểu thương buôn thủy sản. Người bán thì bán hàng nhanh để trở về nhà ngủ một giấc, người mua thì mua cho kịp buổi chợ sáng. Hoạt động của chợ vì vậy chỉ diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, vội họp và vội tan. 

Ngoài chợ nổi Mỹ Thạnh, trên phá Tam Giang còn có chợ nổi Đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang). Ngoài bán cá, chợ nổi Đầm Chuồn còn bán đặc sản nổi tiếng của xứ Huế là món bánh khoái cá kình. 

Nhiều năm trở lại đây, các chợ nổi Mỹ Thạnh và Đầm Chuồn trở thành những điểm du lịch hấp dẫn của du khách khi đến Huế. Trên những chiếc thuyền tròng trành, họ say mê quan sát, chụp ảnh, quay phim cảnh mua bán ở chợ. Rồi họ mua những mớ cá, tôm, cua còn tươi rói mang lên những nhà chồ được dựng trên phá rồi tự tay chế biến, hay nhờ ngư dân làm giúp để thưởng thức. 

Bà Trần Thu Minh (du khách đến từ Hà Nội) là người đã 5 lần đi chợ nổi Đầm Chuồn bảo, chợ nổi này không quy mô bằng các chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ nhưng sự cuốn hút thì không thua kém. “Tôi thích cuộc sống bình dị ở đây. Thủy sản ở đây thì ngon chẳng nơi đâu sánh bằng”- bà Minh chia sẻ. 

Ông Nguyễn Tường- Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: Chợ nổi Mỹ Thạnh đã có tuổi đời hàng trăm năm và được đưa vào khai thác du lịch để tăng thêm thu nhập cho người dân. “Những trải nghiệm về cuộc sống thường nhật chân chất của người dân vùng đầm phá khiến du khách rất thích thú nên tìm về ngày càng nhiều”- ông Tường kể. 

Kỳ thú thăm làng bên con suối Ma Tua

Làng văn hóa dân tộc thiểu số Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (Quảng Nam) được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, không thể bỏ qua trong mỗi chuyến về miền Tây đất Quảng.


Nối Quốc lộ 14A từ Hoà Cầm, Quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng) lên theo trục lộ ĐT 610 khoảng 87 km và cách Tam Kỳ (thành phố tỉnh lỵ Quảng Nam) khoảng 155 km về phía Tây Bắc là đến BhơHôồng 1. Càng lên cao, một BhơHôồng 1 hoang sơ hiện dần trong mắt du khách bởi cánh rừng nguyên sinh nằm dọc bên bờ con suối Ma tua với những mái nhà sàn, mái Gươl và Moong ẩn mình trên dãy núi cao nép vào những tầng mây.
Đường dẫn vào làng Cơ Tu BhơHôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang(Quảng Nam) nơi chứa đựng nhiều nét văn hoá cần được khám phá.
Đường dẫn vào làng Cơ Tu BhơHôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang(Quảng Nam) nơi chứa đựng nhiều nét văn hoá cần được khám phá.
Mong được Ngành du lịch Quảng Nam hổ trợ để đón khách.
Mong được Ngành du lịch Quảng Nam hổ trợ để đón khách.

Con đường dẫn vào làng BhơHôồng 1 qua con suối Ma Tua từ bao đời nay hoang sơ càng thêm ruyến rủ hơn, đâu đó thấp thoáng mái Gươl và Moong, trang trí chạm khắc hoa văn, họa tiết tinh tế… 
Không những rộn ràng bởi tiếng cồng, tiếng chiêng, trong những tiếng khèn, tiếng sáo a lướt rộn rã và điệu múa tung tung da dá truyền thống bất chợp bắt gặp những em bé được mẹ điệu bởi tấm choàng sau lưng đi về phía làng hoà cùng với màu vàng của lúa.
Dệt thổ cẩm, đan lát và ẩm thực luôn được người làng Cơ Tu BhơHôồng 1 gìn giữ.
Dệt thổ cẩm, đan lát và ẩm thực luôn được người làng Cơ Tu BhơHôồng 1 gìn giữ.

Sau chuyến dạo quanh làng, lội suối băng rừng là bữa trưa đủ món đặc sản, bày biện đẹp mắt giữa nụ cười hồn nhiên chân chất của dân làng Cơ Tu BhơHôồng 1 với măng rừng xào, rau dớn, cá suối, gà kho, thịt lợn thả rông… ăn cùng cơm lam với gạo nếp nương hạt to, tròn, dẻo lấy từ những mảnh rẫy sau làng nấu trong ống tre. 
Với một chút rượu Tà vạt đắng nhẹ, tê tê đầu lưỡi mà người Cơ Tu đã phải băng rừng tìm cây lấy nước ăn kèm với món zơrá vào loại đặc sản của núi rừng làm khách đã thấy lòng lâng lâng.

Người Cơ Tu BhơHôồng 1 vui trong lễ ăn mừng lúa mới của làng vào tháng 9 năm 2007.

Lần theo cung bậc của cồng chiêng, điệu khèn, tiếng sáo đến điệu múa tung tung da dá rộn rã ấy, chúng tôi lần đường về để khám phá BhơHôồng 1. Khi mặt trời khuất núi, đêm xuống bầu trời ở BhơHôồng 1 như dài và tỉnh lặng hơn. Xa xa, từ những căn nhà ẩn mình đâu đó trên cánh rừng đã thấy phụ nữ lục đục rủ nhau ra Gươl làng để dệt thổ cẩm. 
Trong ánh điện lung linh, những thanh niên Cơ Tu trong chiếc khố vai trần cất lên những bài hát dân ca Cơ Tu gọi nhau để tìm bạn tình. Người Cơ Tu ở làng BhơHôồng 1 còn được biết đến như là một kho tàng văn nghệ dân gian của dân tộc Cơ Tu với nhiều bài hát dao duyên, điệu múa, truyện kể được truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác mang nhiều ý nghĩa văn hóa tộc người.
Trẻ em Cơ Tu BhơHôồng 1 chuẩn bị hòa vào chương trình Làng Việt do Đài Truyền hình Việt Nam(VTV3) thực hiện tháng 8 năm 2007.
Trẻ em Cơ Tu BhơHôồng 1 chuẩn bị hòa vào chương trình Làng Việt do Đài Truyền hình Việt Nam(VTV3) thực hiện tháng 8 năm 2007.
Được biết, vào năm 2008, ngành Du lịch Quảng Nam, UBND huyện Đông Giang đã chọn làng văn hóa BhơHôồng 1 là điểm du lịch cộng đồng và đón khách du lịch tham quan. Làng BhơHôồng 1 hứa hẹn đây là tour du lịch độc đáo, bởi nó góp thêm phần đa dạng hóa dịch vụ giải trí du lịch của tỉnh Quảng Nam trong thời hội nhập. 
Khi tour du lịch này đi vào hoạt động, sẽ góp phần giải quyết rất nhiều công ăn việc làm, tạo thu nhập cao cho người dân bản địa, cũng như bảo tồn và giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa bền vững của người dân tộc Cơ Tu.

Du khách đến BhơHôồng 1 khám phá nghề dệt và đan lát truyền thống.
Giã từ làng Cơ Tu BhơHôồng 1 vào sáng sớm tinh mơ, bầu trời vẫn còn đầy sương giăng và tôi lại về xuôi, để lại một BhơHôồng 1 hoang sơ bên con suối Ma tua trên miền Tây Quảng Nam mà còn nhiều người chưa biết đến.

Hoang sơ làng ngừi bên suối Ring

Trước mắt chúng tôi, Công Dồn (làng ngừi) như dải lụa mềm vắt lưng chừng núi, tựa lưng vào ngọn núi Coong Chang như sự chở che, bao bọc cho làng bình yên giữa mây ngàn gió sớm, bên con suối Ring.


Những ngày đầu Xuân, với chiếc xe máy chúng tôi hành trình từ Bến Giằng vượt trên cung đường 14 D để về vùng biên, đi chừng 67 km gặp ngã tư Chà Val thuộc xã Chà Val (trung tâm cụm xã vùng cao huyện Nam Giang). Rẽ phải là con đường nhựa phẳng lì chạy về hướng Tây Bắc khoảng 12 km, vượt nhiều đoạn dốc hiểm trở lúc ngang dọc qua những triền rẫy lúa, nương ngô như níu bước chân người đi, lãng vãn bắt gặp những cô gái thôn nữ Cơtu trên vai gùi đầy măng đi về góc khuất bản.

Trước mắt chúng tôi, Công Dồn như dải lụa mềm vắt lưng chừng núi, tựa lưng vào ngọn núi Coong Chang như sự chở che, bao bọc cho làng bình yên giữa mây ngàn gió sớm, bên con suối Ring. Tất cả khó khăn sẽ tan biến khi bạn đang đứng trước làng trong góc mây chiều, được tận mắt thấy nhịp sống bình lặng của đồng bào Cơtu cứ êm đềm trôi qua...

Trong nắng sớm, lang thang để được say sưa ngắm nghía bàn tay thoăn thoắt của những Mế, các chị em bên khung dệt, hay được hoà cùng nhịp bởi tiếng chày giã gạo bằng tay từ tay chày nhịp nhàng của phụ nữ Cơtu với những âm thanh quen thuộc tạo nên những hạt gạo trắng ngần.

Về đêm, ở Công Dồn thật yên tĩnh, có lẽ cuộc sống ở đây chỉ thấy qua chiếc bóng điện của một số hộ trong thôn được lấy từ việc khai thác thủy điện nhỏ dưới suối quanh làng, còn đa phần là đốt củi ở bếp. 

Ngồi bên bếp nhà sàn hít hà hương vị trong cái lạnh buốt, uống cốc rượu tà vạt khai nồng là cảm nhận phần nào không gian sơn cước bạt ngàn. Bất chợp lại nghe tiếng nước chảy phát ra từ mạch nguồn của con suối Rinh.

Đến Gươl, hòa mình vào vũ điệu cồng chiêng, được nghe lối nói lý đầy chí tình của đồng bào, bạn còn thưởng thức cung bậc phát ra từ cây đàn Abel như quyện vào nhau khi trầm khi bỗng hoà vào vách núi, băng qua dòng suối lúc thì nhẹ như tiếng lá rừng rơi, lúc thì khoan thai như đưa những mối tình trai gái Cơtu qua những lần đi sim để rồi nên duyên chồng vợ.

Trải qua bao đời nay mà vẽ đẹp hoang sơ của làng Công Dồn nằm dưới chân núi Coong Chang vẫn còn đó giữa đại ngàn của Trường Sơn sẽ giúp những ai chưa có dịp đến để khám phá thêm những giá trị văn hóa Cơtu nơi đây.
Làng Công Dồn, nay thuộc xã Zuôih, huyện Nam Giang(Quảng Nam) cách thành phố Tam Kỳ (tỉnh lỵ Quảng Nam) khoảng 198 km và cách Đà Nẵng khoảng 176 km về phía Tây Bắc, có thể đến đây bằng phương tiện xe máy và ô tô.

Làng Công Dồn nép mình dưới chân núi Coong Chang, một nơi còn giữ nguyên những giá trị văn hóa của người Cơtu cần được khám phá.
Làng Công Dồn nép mình dưới chân núi Coong Chang, một nơi còn giữ nguyên những giá trị văn hóa của người Cơtu cần được khám phá.
Bến nước, luôn được người Cơtu Công Dồn gìn giữ như báu vật của làng.
Bến nước, luôn được người Cơtu Công Dồn gìn giữ như báu vật của làng.
Trồng bông và dệt vải thổ cẩm không những nét đẹp văn hóa mà còn giúp nhiều người dân Công Dồn cải thiện đời sống.
Trồng bông và dệt vải thổ cẩm không những nét đẹp văn hóa mà còn giúp nhiều người dân Công Dồn cải thiện đời sống.
Gươl và lễ hội, là hình ảnh luôn được người Cơtu Công Dồn gìn giữ như trái tim của làng.
Gươl và lễ hội, là hình ảnh luôn được người Cơtu Công Dồn gìn giữ như trái tim của làng.
Khai thác rượu Tà vạt, một thức uống không thể thiếu đối với người Cơtu Công Dồn.
Khai thác rượu Tà vạt, một thức uống không thể thiếu đối với người Cơtu Công Dồn.
Ông Bh’ling Hạnh cùng vợ đang chơi đàn Abel-một loại nhạc cụ truyền thống luôn được người Cơtu thôn Công Dồn bảo tồn và gìn giữ gần như nguyên vẹn.
Ông Bh’ling Hạnh cùng vợ đang chơi đàn Abel-một loại nhạc cụ truyền thống luôn được người Cơtu thôn Công Dồn bảo tồn và gìn giữ gần như nguyên vẹn.

“Cà tảm mạn” của dân tộc Kháng là gì?

Người Kháng cho rằng, con người có 2 phần, phần hồn và phần xác luôn luôn gắn kết, giao hòa không thể tách rời. Khi người ốm, phần hồn rời khỏi xác và lưu lạc nơi rừng thiêng, nước độc, bị các thần cây, thần núi giữ lại.

Muốn chữa khỏi bệnh chỉ có cánh làm lễ gọi hồn lưu lạc hay còn gọi là (lễ hội cà tảm mạn).
Với quan niệm đó, từ lâu “Cà tảm mạn” trở thành một loại hình lễ hội tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc Kháng.
Lễ cà tảm mạn được kể lại rằng: trong bản dân tộc Kháng có chàng trai tên là Ọi, đẹp trai, thông minh, khỏe mạnh và chăm làm nhất bản. Sau mùa làm nương, chàng bị ốm, ngày nào chàng Ọi cũng ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc, người chàng càng ngày càng gầy gò, da vàng, chân tay run rẩy, không cầm nổi con dao, cái cuốc. Đã hơn 3 tuần trăng sáng, lúa chín vàng trên nương, chàng uống đủ thứ lá rừng làm thuốc mà vẫn không khỏi bệnh. Biết chàng không còn sống được lâu, cha chàng bèn thịt gà và mời tất cả mọi người đến ăn cùng.
Thầy mo làm lễ cúng gọi hồn. Ảnh: Internet
Thầy mo làm lễ cúng gọi hồn. Ảnh: Internet
Ai cũng thương xót chàng, nên mỗi người bón cho chàng một miếng xôi cùng thịt gà và nói rằng “Đây là hồn cơm, hồn thịt của người khỏe đem đến, ăn vào sẽ thành thuốc” để an ủi chàng. Sau đó mọi người buộc vào tay chàng một sợi chỉ coi đó là sợi dây buộc phần hồn lưu lạc nhập vào chàng. Không ngờ cũng từ ngày hôm đó chàng ăn được nhiều cơm, da chàng hồng hào trở lại, chàng khỏe dần và đi làm nương cùng cha mẹ.
Câu chuyện trên được lưu truyền trong đời sống dân tộc Kháng hết đời này sang đời khác. Cũng từ đó trở đi hễ trong bản có người ốm đều được làm lễ gọi hồn về. Đến nay, tại các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa Ả (thầy cúng) chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa Ả đại diện cho dân bản để tiếp xúc với các thần linh, truyền lời khẩn cầu của người sống và cũng là người có uy tín, được dân bản tin và làm theo.
Mọi người cùng ăn thịt, uống rượu tại mâm lễ để mừng đón hồn về nhà. Ảnh: Internet
Mọi người cùng ăn thịt, uống rượu tại mâm lễ để mừng đón hồn về nhà. Ảnh: Internet
Lễ vật dùng để cúng hồn gồm có xôi, thịt gà, rượu, bánh kẹo, hoa quả. Tất cả được bày trên bàn thờ. Thầy mo mặc áo cúng, đội mũ, tay cầm quạt. Bên cạnh thầy mo còn có 2 mo pí, mỗi lần thầy mo cúng, mo pí thổi theo cùng với giai điệu hành khúc để phù họa cho lời cúng của thầy thêm linh thiêng.
Gia đình mời tất cả những người thân trong nhà và bà con dân bản đến dự lễ cúng hồn làm theo thầy mo, mỗi người cầm một sợi chỉ buộc vào tay người ốm, lấy xôi, thịt gà bón cho người ốm ăn và nói:
“Ăn thịt gà ngọt lưỡi
Ăn thịt lợn ngọt môi
Hồn ăn, hồn ở nhà...”.
Sau đó, gia chủ mời mọi người cùng ăn thịt, uống rượu tại mâm lễ để mừng đón hồn về nhà và trống chiêng cùng nổi lên, con trai, con gái Kháng từng đôi múa Hưn mạy, tăng bu cho đến thâu đêm, suốt sáng.
Không biết, sau đó người ốm có khỏe lại không, chỉ có một điều chắc chắn rằng người được cúng hồn sẽ được giải tỏa tâm lý để chống chọi với bệnh tật.

Bếp lửa, "vị thần" của người Mạ

Cùng với đất, nước, không khí, lửa là một trong những yếu tố tạo nên sự sống của thế giới. Do vậy, lửa có vai trò vô cùng quan trọng với con người. Với người Mạ, bếp lửa được coi là linh hồn trong ngôi nhà của mình.

Lửa là "vị thần" mang lại sự may mắn

Cho đến nay, nhà sàn dài của người Mạ - một trong những cư dân bản địa ở Lâm Đồng vẫn là nơi cư ngụ của nhiều hộ gia đình nhỏ có quan hệ huyết thống theo dòng cha. Mỗi gia đình nhỏ sinh sống trong ngôi nhà đều có bếp nấu ăn riêng, số bếp tùy thuộc vào số hộ gia đình trong nhà, có nhà có tới 10 - 14 bếp. Các bếp được xếp thành một dãy ở giữa dọc theo chiều dài của ngôi nhà.

Cũng giống các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, người Mạ coi lửa là một vị thần linh, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Vì thế, mỗi khi người Mạ làm xong nhà mới, việc đầu tiên là chủ nhà phải tiến hành nghi thức lễ để cúng thần lửa xin cho phép được đặt ba hòn đầu rau và được nhóm lửa. 

Người Mạ rất chú ý đến việc chọn đất làm bếp mới. Đất để đắp làm khuôn bếp và hòn đầu rau phải lấy ở nơi đất sạch trên các gò cao. Người châm lửa nhóm bếp thường phải là người có uy tín nhất trong dòng tộc. 

Khi ngọn lửa thiêng đã được nhóm lên trong khuôn bếp thì gia đình của chủ bếp phải giữ cho được lửa trong bếp liên tục cháy suốt ngày đêm hôm đó không được để bếp tắt, sang ngày hôm sau nếu những khi không đun nấu thì phải ủ than dưới lớp tro để khi cần thì thổi lên và như vậy lửa trong bếp sẽ giữ được liên tục và luôn có hơi ấm. Bởi Người Mạ quan niệm lửa là một vị thần luôn mang lại sự may mắn cho các thành viên trong gia đình.

Không gian sinh hoạt gia đình

Bếp của người Mạ được khoanh theo hình chữ nhật hoặc hình vuông, trong lòng nện đất thật chặt làm lớp ngăn cách với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn, chính giữa đặt ba cục đất nung hình trụ tròn theo các góc của hình tam giác tạo thành chân kiềng dùng để đun nấu. 

Song song với khung bếp cách mặt sàn khoảng 80cm là giàn bếp làm bằng tre, nứa được treo bởi dây mây bốn góc, trên giàn đặt một cái nia để lưu giữ lương thực, thực phẩm cần sấy khô như: một xâu thịt rừng, da trâu, cá, hoặc thịt đã nướng… Trên cùng là giàn khói dùng treo những trái bầu khô, trái bắp giống, lúa giống và các vật dụng đan lát cần được hong khói để tăng thêm độ màu đen bóng và làm cho vật dụng được bền chắc hơn.

Đối với người Mạ bếp không đơn thuần là nơi để nấu nướng, để sưởi ấm, mà còn là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Buổi chiều, sau những bữa cơm gia đình, mọi người thường ngồi lại quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm và trò chuyện, chia sẻ những buồn vui… Người vợ lại miệt mài ngồi bên khung cửi để dệt cái chăn, cái khố hay cái áo… cho chồng con. Có khi chủ nhà lại đem nhạc cụ ra sử dụng, để tìm cảm giác khoan thai sau một ngày lao động mệt nhọc, hoặc mọi người ngồi nghe người già kể chuyện về núi rừng, nương rẫy và bản làng của dân tộc mình... Tất cả thể hiện sự ấm cúng, hạnh phúc của gia đình.

Nơi diễn ra nghi lễ quan trọng

Trên nhà sàn dài của người Mạ ngoài những bếp riêng biệt cho từng hộ gia đình nhỏ, ở gian giữa của nhà sàn, nơi giành cho ông, bà hoặc cha, mẹ ở còn có một bếp chính. Bếp chính chỉ dành riêng cho việc tiếp khách và cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong dòng tộc. 

Vào những dịp lễ hội: Lễ đặt tên cho con, cưới xin, cúng nhà mới hay có khách quý đến nhà… mọi thành viên trong dòng tộc tụ lại quanh bếp chính của ngôi nhà và ngọn lửa trong bếp được thổi bùng lên. Trong âm thanh huyền ảo của cồng chiêng, cùng ngây ngất hương thơm của chóe rượu cần, mọi người ca hát, nhảy múa nhịp nhàng theo vòng tròn xung quanh bếp lửa bập bùng, cứ như thế cuộc vui có thể kéo dài thâu đêm.

Có thể nói bếp lửa của người Mạ luôn gần gũi, gắn bó không thể tách rời trong cuộc sống của họ. Đó chính là những nét văn hóa đặc thù gắn liền với trong đời sống sinh hoạt của các cư dân sinh sống nơi núi rừng hoang dã. Những nét văn hóa độc đáo ấy có từ bao đời và đang được người Mạ lưu giữ theo cùng thời gian. 

Người Ma Coong: "Đập trống đuổi con khỉ"

Đập Trống là một lễ hội lớn của người Ma Coong được tổ chức một lần vào ngày 16 tháng giêng âm lịch để mừng mùa trăng mới. Lễ hội được tổ chức tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.


Theo truyền thuyết: Ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác mầu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, lúa. Khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa, đau ốm. Đời sống người Ma Coong vì thế triền miên đói khổ. 

Dân làng quyết tâm phải đuổi con khỉ ác này đi. Và một hôm khỉ ác tìm đến bản, bà con đã khua trống đánh chiêng đuổi khỉ, tiếng trống tiếng chiêng của cộng đồng người Ma Coong cùng với sự giúp đỡ của Giàng mà khỉ ác đã phải rời xa vùng đất này và từ đó người làm được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa.
Chuẩn bị trống.
Chuẩn bị trống.

Để nhớ công lao vị Già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho quanh bốn mùa làm ăn thuận lợi, hàng năm họ tổ chức việc cúng tế linh đình dâng lên Thần linh những của ngon vật lạ sinh lợi được trên vùng đất họ ở. Hoạt động ấy dần dần thành một lễ hội lớn của dân tộc người Ma Coong ở đây. Lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ khi đó.

Suốt cả ngày 16 tháng Giêng, dân bản Cà Roòng ai cũng bận rộn vì tối này là trung tâm của lễ hội đập trống. Đàn ông thì lo phần chuẩn bị hội, còn đàn bà thì chuẩn bị thức ăn để tiếp đón bà con từ các bản khác đến.

Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân ai có gì đóng góp nấy cho làng, nhưng không thể không đóng góp gạo nếp để làng nấu rượu hiêng - thứ rượu được nấu bằng nếp nương với men lá, có màu trắng như sữa, chỉ được dùng cúng và mời khách quý. Còn làng không thể thiếu gà, xôi làm lễ cúng. Bộ phận chủ lễ thường có năm người, là những người đứng đầu năm dòng họ trong vùng, được coi là những dòng họ có công khai phá ra vùng đất mà người Ma Coong đang sống hiện nay. Họ được quyền cha truyền con nối để làm chủ lễ hằng năm.

Khi mặt trời khuất bà con 18 bản men theo những con đường mòn về đây dâng lễ, già làng Đinh Cửu bước vào lễ tế cúng trời đất, cúng Giàng mặt trời mọc, cúng Giàng mặt trời lặn mong sao năm nay mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, tất cả mọi người khoẻ mạnh, không đau ốm. 

Lễ thức của Lễ hội đập trống diễn ra theo những quy định của dân bản rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Bản trao quyền cho người Già bản già nhất tức là người tìm ra miền đất đang ở (trước đây người dân tộc này di trú 3 năm 1 lần do vị Già bản đi tìm đất đẹp và yên ổn, thuận lợi). Theo nghi thức, Lễ hội đập trống được tiến hành theo Phần Lễ và phần Hội.

Phần Lễ : Trên khoảnh sân rộng nhất của bản, dưới tán của cây cổ thụ, người làng dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà chính làm nơi hành lễ, treo trang trọng chiếc trống. Đến đêm, công việc chuẩn bị đã xong, mọi người cùng chờ trăng lên.Khi trăng nhú lên trên rặng núi sau lưng bản, đồ vật cúng được mang ra sắp đặt. Mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác, một ít lúa gạo... Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế. Trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản.

Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm, đây là khúc ngăn của con suối Aky. Vào khoảng tháng 5 dân bản ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và được quản lý nghiêm ngặt nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng, khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra. 3 giờ sáng ngày 16, Đinh Xon được dân bản tín nhiệm là người thả lưới lấy cá cúng Giàng tại khúc suối cấm Aky.

Lễ hội đập trống.
Lễ hội đập trống.

Khi trăng lên ngửa đầu là lúc vào giờ khai lễ. Già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu... Xong phần hành lễ, lúa gạo được ném ra tứ phía, cầu mong thóc lúa về đầy bồ, đầy nương.

Mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác. Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng phải có 18 mâm cỗ như thế. Trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản.Sau vài lượt cúng khấn, già làng phát lệnh và lễ hội đập trống bắt đầu. Dân bản ùa vào, khách tham dự cũng ùa vào. Ai ai cũng cố tranh cái dùi để đập trống.

Phần hội: Phần lễ kết thúc, là lúc tiếng trống hội mở màn vang lên. Mọi người bắt đầu xúm lại với những ché rượu cần, rượu hiên.Những thanh niên khỏe mạnh giành nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Những người không tham gia đánh trống thì cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa cháy sáng rực.

Trống hội được làm từ buổi sáng, tang trống được làm bằng thân cây gỗ lồi, da bịt mặt trống được lấy từ da bò, bịt trống bằng những cây mây già, chêm mặt trống cho căng là những thân tre già. Thanh niên thường là người khỏe mạnh nhất đánh trống. Trống phải đánh cho kỳ thủng trước khi trời sáng mới thôi, trời đất mới chứng giám cho lòng thành của mọi người, trong năm mới mới được mùa màng. Vừa đánh trống, lũ thanh niên vừa la vang rừng: “Roa lữ Giàng ơi!” (sướng quá, vui quá trời ơi).Trống thủng càng sớm, thanh niên càng mau được dắt tay bạn tình vào rừng tình tự.
Vui bên ché rượu cần.
Vui bên ché rượu cần.

Đêm hội này còn được gọi là đêm “thả cửa”. Nghĩa là mọi người, không kể lạ quen, người bản này bản kia, tất cả đều được dắt tay nhau vào rừng chuyện trò, tình tự. Khi mặt trống bị đánh vỡ,hàng chục thanh niên nam nữ, không chỉ có người Ma Coong ở Thượng Trạch, mà cả người nước bạn Lào ở các bản lân cận biên giới Việt - Lào cũng dắt tay nhau lẩn vào rừng tình tự. Chỉ còn những người già, trung niên và trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần.

Mỗi năm chỉ có một ngày, ngày của núi rừng, của những câu chuyện tình yêu.Một đêm không có ghen tuông , không có giận hờn, chỉ có yêu thương nồng nàn của đam mê, của men nồng đôi lứa…cho đến sáng mai, khi con gà đã thức dậy gáy vang rừng thì họ mới bịn rịn rời nhau trở về. Những người trẻ hơn thì cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến nhà cô gái đặt lễ trầu cau...

Khi đống lửa dần tàn, mặt trời dần nhô lên bên kia ngọn núi, cũng là lúc lễ hội Đập Trống của người Ma Coong kết thúc.

Pang Phoóng và sự kết nối quá khứ - hiện tại

“Muốn ấm no phải lo nương rẫy/ Để hạnh phúc phải nhớ lấy tục Pang”, lời nhắc nhở ấy của tiền nhân dường như đã ăn sâu vào tâm thức dòng họ Lò Khun ở bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.


Pang được nhắc tới ở đây là Pang Phoóng (Pang dịch ra là lễ hội cúng, Phoóng là tổ tiên) chính là nghi lễ cúng tổ tiên hàng năm để tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt, mùa màng được tươi tốt, bội thu, thóc ngô đầy nhà, trâu bò chật bãi đồng thời cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho một năm mới.

Già bản Nậm Mu kể rằng, Lễ hội Pang Phoóng bắt nguồn từ một huyền tích mờ xưa gắn với câu chuyện tình dang dở đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và nàng vượn hóa thân thành mỹ nữ.
(Ảnh: SVHTTDL Điện Biên)
Nghi lễ cúng tạ ơn tổ tiên, trời đất (Nguồn ảnh: SVHTTDL Điện Biên)

Kết quả của tình yêu mê đắm ấy là một đứa trẻ đẹp như tranh vẽ ra đời nhưng khi cả bản làng biết người mẹ trẻ xinh đẹp ấy chính là vượn cái hóa thành thì ai cũng xôn xao, dò xét, đàm tiếu. Xót thương con trẻ và người chồng yêu quý, nàng vượn đã quyết bỏ ra đi. Nàng dặn chồng hãy thay nàng nuôi con. 

Hãy nhớ ngày nàng mãi mãi lìa xa chàng. Sau mùa gặt hái chàng hãy hái hoa bầu, hoa bí, chọn 36 củ khoai lang, 36 củ khoai sọ, 36 miếng bí đao, 36 miếng bí đỏ, 36 ngọn rau, 36 miếng thịt, đồ 1 gói xôi cẩm, 1 gói xôi cốm và làm 2 ống rượu cần bằng tre cùng 4 cần hút để làm cỗ tưởng nhớ về nàng. Từ đó mà Lễ hội Pang Phoóng của đồng bào Kháng ra đời để tỏ lòng nhớ thương, biết ơn Mẹ Vượn. 

Để có một nghi lễ cúng trang trọng, đồng bào Kháng phải chuẩn bị từ vài hôm trước. Thông qua một buổi họp bàn, ông trưởng họ sẽ phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Mỗi người giữ một nhiệm vụ như: Trang trí lại nhà cúng thần, chuẩn bị các đồ thờ cúng, mổ lợn, mổ gà, mời thầy cúng đến làm lễ, mời bà con các dòng họ khác đến dự cùng. 

Mỗi lần lễ hội diễn ra, các gia đình trong dòng tộc nô nức kéo về hội tụ để cùng tưởng nhớ về "Mẹ Vượn" và sau khi các nghi lễ hoàn thành, mọi thành viên trong dòng họ cũng như khách dự đều hào hứng, vui vẻ, cùng nhau quây quần ăn uống, nhảy múa, ca hát... Đây cũng là dịp họ hàng, anh em, bạn bè, trai tài gái sắc gặp nhau sau những ngày tháng lao động vất vả để cả bản Nậm Mu cùng hân hoan trong không khí linh thiêng mà ấm áp tình người của Lễ hội Pang Phoóng. 

“Dù thời gian và năm tháng có qua đi nhưng chắc chắn Lễ hội Pang Phoóng của người Kháng ta sẽ còn mãi bởi nó như sợi dây linh thiêng kết nối quá khứ với hiện tại, tạo nên sự gắn kết cộng đồng và gửi gắm sâu sắc trong đó là thông điệp nhân văn luôn lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn tâm, dưỡng đức và nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng tộc vạn sự may mắn, tốt đẹp...” - già Mùa A Sinh khẳng định. 

Tộc trà, nơi vùng đất "sinh tụ"

Đồng Dương xưa vốn là kinh đô cổ, là “trái tim” của vương quốc Chămpa với quy mô bề thế của một Trung tâm Thiền viện Phật giáo bậc nhất của khu vực Đông Nam Á.


Nơi đây, ngàn năm trước từng là vùng đất "sinh tụ" của hàng ngàn người Chăm tộc Trà nhưng nay có nguy cơ bị mai một.

Chúng tôi có dịp về thăm lại làng cổ Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau những cơn mưa gió bão bùng. Quang cảnh trống vắng, âm u bởi những hàng keo mọc ngang ngửa trên khu di tích, những viên gạch lăn lóc bên tháp Sáng xơ xác và nỗi buồn dòng tộc Trà - hậu duệ người Chăm sẽ làm bất cứ ai yêu những giá trị văn hóa Chăm cảm thấy chạnh lòng.

Ông Trà Tấn Huệ là một nhân chứng sống của tộc Trà.

Phật viện Đông Nam Á nay còn đâu?

Năm 875, Vua Indravarman II của vương triều Indrapura đã cho xây dựng tại làng Đồng Dương một tu viện Phật giáo (Vihara) đồ sộ và tráng lệ lấy tên là Laksmindra – Lokesvara để làm nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapara).

Trải qua hơn 5 thế kỷ tồn tại (875 - 1471), Phật viện Đồng Dương trở thành trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học của Đông Nam Á: năm 982, vua Lê Đại Hành sau đi bình Chiêm thắng lợi đã đưa về nước vị sư Thiên Trúc (Ấn Độ) đang hành đạo thuyết giảng tại đây; năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đi Chămpa đã bắt được Thiền sư Thảo Đường (Trung Quốc); năm 1301, sư tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông cùng hàng trăm tăng sĩ Đại Việt có 9 tháng lưu lại để tu đạo;... Đồng thời tạo khắc vào lịch sử những nét văn hóa đặc trưng của người Chăm, tháp Chàm.

Quy mô và tầm vóc của một Phật viện Đông Nam Á một thuở huy hoàng và tráng lệ như vậy nhưng nay lại có “số phận” hẩm hiu. Phật viện mặc dù đã được công nhận di tích cấp quốc gia nhưng không có người trông coi. 

Đường đi đến khu Phật viện vốn đã gập ghềnh, vắng vẻ lại “lọt thỏm” giữa một khu rừng keo, bạc hà âm u, vắng vẻ. Phật viện chỉ còn một mảnh cổng tháp Sáng đứng xiêu vẹo, sụp phần đế, phải nêm vào những lớp gạch để giữ chân, cùng những thanh đà chống đỡ bằng gỗ tạm bợ, mỏng mảnh rất dễ dàng gãy mục bất cứ lúc nào.

Thấy chúng tôi đến, ông Trà Tấn Tôn (75 tuổi, tổ 6, thôn Đồng Dương, Trưởng tộc nhánh II tộc Trà ở Đồng Dương) vừa chỉ tay xuống khu vực tháp vừa than thở: “Phật viện Đồng Dương là xương máu mà bao đời tổ tiên tộc Trà xây dựng nên, nhưng lâu lắm rồi mới thấy người đến xem”.

Trước đây, khu Phật viện vẫn còn khá nguyên vẹn. Thời chống Mỹ, Đồng Dương trở thành khu căn cứ cách mạng nên chịu nhiều trận oanh tạc nặng nề của đế quốc Mỹ khiến nhiều tháp của Phật viện bị sụp đổ, hư hại... Nếu cứ để thực trạng như trước đây mà không có những biện pháp cấp thiết như hiện nay thì liệu mai đây con cháu có còn nhìn thấy di tích mà tổ tiên ngàn đời đã để lại hay không? Dấu tích hàng ngàn năm cũng sẽ bị sụp đổ trong nay mai mà thôi”.

Cũng qua nhiều đợt nghiên cứu, hội thảo, nhiều đoàn chuyên gia, khoa học trong và ngoài nước đã nhận định đây là di tích quý hiếm bậc nhất của nền văn hóa cổ Chăm-pa còn sót lại ở Việt Nam. 

Ngày 21.9.2000, Bộ VHTT (nay là Bộ VH TT&DL) đã công nhận Phật viện Đồng Dương là di tích quốc gia. Ngày 17.8.2011, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia: “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Phật viện Đồng Dương” nhằm tìm ra phương án tối ưu để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này trước nguy cơ “xóa sổ”. 

Tiếp đó, ngày 6.4.2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định “Trùng tu khẩn cấp tháp Sáng của Phật viện Đồng Dương” trước nguy cơ sụp đổ. Hiện nay, dự án đang được triển khai.

Chủ nhân vùng đất Thánh đô


Người Chăm ở Việt Nam mang 4 họ chính: Ung, Ma, Trà, Chế và phân bố khắp đồng bằng duyên hải miền Trung đến tận cùng đất Nam bộ ngày nay.

Tại vùng đất Đồng Dương, xứ Aravati (Quảng Nam), người Chăm mang họ Trà là chủ yếu. Tộc Trà còn ở lại Đồng Dương có lẽ để bảo vệ các công trình điêu khắc kiến trúc còn lại của tổ tiên như Tháp Sáng, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, tượng Thiên Thần Hộ Pháp, tượng thần Siva, tượng Phật Thích Ca, trong đó Tượng Bồ Tát Ta Ra được khai quật năm 1978 là bức tượng đẹp nhất, là đỉnh cao của nền nghệ thuật Đông Nam Á…

Ngày nay, con cháu tộc Trà với những tập tục đời sống đặc trưng là dấu ấn văn hóa sống động sót lại của người Chăm từng kiến tạo trên mảnh đất Quảng Nam.

Theo gia phả tộc Trà, thuỷ tổ của tộc Trà là Trà Hoà Bố Để (có tài liệu viết là Trà Hoa Bồ Đề, là hậu duệ vua Chế Mân, con rể vua Chế A Nan), đức vua đời thứ 9 của vương triều Vijaya, đóng đô ở Đồ Bàn (Bình Định), được xem là vị tiền hiền đã khai sáng ra tộc Trà.

Tộc Trà là cư dân gốc Chiêm Thành (người Quảng quen gọi là người Hời). Qua thời gian, do chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, dịch hoạn, không gian địa lý và hoàn cảnh lịch sử nên các thành viên trong dòng tộc Trà ngày càng sống xa nhau, không có điều kiện, cơ hội tìm về với cội nguồn. Nhiều phái, chi, nhánh của tộc Trà được thành lập ở mọi miền của Tổ quốc, và vươn xa ra ngoài biên giới, trong đó còn duy nhất 1 nhánh tộc Trà ở lại làng Đồng Dương – vùng đất gốc của dòng tộc.

Theo lời kể của các cụ thâm niên trong làng, tộc Trà Đồng Dương được hình thành cùng với sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo ở khu đền tháp Đồng Dương (thế kỷ IX – XV).

Tộc Trà ngày càng mai một (?)

Hiện nay, tại làng Đồng Dương, số lượng người dân mang họ Trà rất khiêm tốn. Khoảng chưa đến 300 người so với hàng ngàn người đầu thế kỷ XX.

Ông Trà Tấn Tôn cho biết, theo những ghi chép trong gia phả tộc Trà lưu lại: “Thời trước, không chỉ riêng làng Đồng Dương mà còn cả vùng lân cận đều mang họ Trà. Số lượng rất đông, không đếm hết.

Khi ấy, con cháu họ Trà còn lưu giữ được những phong tục tập quán của người Chăm như múa apsara, thờ Phật, thờ thần thánh, cúng bái nơi tháp Thiêng (Phật viện), làm lúa khô, viết chữ Phạn, nói tiếng Chăm,… Truyền thống ấy đến đầu thế kỷ XX vẫn còn bảo lưu”.

Được biết, tộc Trà Đồng Dương hiện có khoảng 110 hộ (so với cả làng là 200 hộ). Trước đây, tộc có 4 nhánh, nay chỉ còn 3 (vì nhánh I không có người nối dõi nên đã nhập vào nhánh II). Nhánh I có 3 hộ do ông Trà Cung làm trưởng tộc (đã mất). Nhánh II có 45 hộ do ông Trà Tấn Tôn làm trưởng tộc. Nhánh III có 50 hộ do ông Trà Tấn Sắn (51 tuổi) làm trưởng tộc. Nhánh IV có 10 hộ do ông Trà Tấn Tư (61 tuổi) làm trưởng tộc. Và số còn lại sống rải rác các xã trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh chưa thống kê đầy đủ.

“Vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, con cháu tộc Trà rất đông, chiếm số lượng nhiều nhất nước. Tộc có nhà thờ tộc, có phả hệ, có nhiều sắc phong, nhiều hiện vật Chăm cổ, nhưng không hiểu lý do gì lại bị thiêu huỷ sau một đêm. Từ đó đến nay, các vị cao niên trong làng đã qua đời, nhiều người không hiểu về gia tộc Trà để sưu tầm, nghiên cứu nên có sự nhận thức mơ hồ về dòng máu mà mình đang mang trong người”

Đến nay, vốn quý nhất mà cư dân nơi đây còn giữ được là ý thức tự giác tộc người, là dòng máu tộc Trà cùng với những bức tượng Chăm kiêu sa và tháp Sáng tráng lệ một thuở huy hoàng” – ông Trà Tấn Huệ (84 tuổi, tổ 6, thôn Đồng Dương) bộc bạch.

Cũng theo ông Trà Tấn Tôn cho biết, nhà thờ Tiền hiền tộc Trà đã trải qua nhiều lần tu sửa, thay đổi vị trí nên mất tính đất địa linh thiêng… May nhờ tộc Trà vẫn còn tổ tiên, Tháp Sáng, nhà thờ Tộc nên hằng năm, con cháu ở khắp mọi miền của Tổ quốc còn hướng về cội nguồn thông qua các cuộc hành hương về thăm tháp Sáng và nhà thờ Tiền hiền tộc Trà.

10 năm trở lại đây, dưới sự trợ giúp của tộc Trà Việt Nam, ông Trà Tấn Lợi (77 tuổi) và ông Trà Quang Thảng (76 tuổi) cùng trú ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, đã bỏ nhiều công sưu tầm, nghiên cứu về tộc Trà để cho xây dựng một nhà thờ tộc Trà ở Việt Nam, đặt ở địa phương. Cứ 3 năm một lần, vào ngày 23/03 (âm lịch), ngày giỗ tổ tộc Trà Việt Nam lại được cử hành long trọng tại nhà thờ tộc Trà ở Điện Thọ.

Canh rau tập tàng

Ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long bà con thường có thói quen cất nhà hướng cửa quay ra sông rộng. Phía sau nhà là vườn trồng cây trái, xa hơn những ao đìa... với um tùm những loại cây lá dại.

  • .
Sau những buổi lao động mệt nhọc ngoài ruộng về, người ta thường ghé tạt vô vườn hái nắm rau dại về nấu canh. Rau má mọc chen trong những vườn mía, hay mương lạn. Rau má lá tròn như đồng tiền có khía cho vị đắng, nhưng tính ngọt mát. Rau dền có hai loại dền xanh và dền tía. Loại dền nào cũng cho vị ngọt mát. Rau huyết bò cũng có sắc màu và tính chất như rau dền. 
Bên cạnh đó là lá mỏ quạ xanh non, mồng tơi là dày, có nhớt, người ta còn hái cả đọt choại non, đọt bình bát dây, cũng được tận dụng. Nhiều thứ rau hỗn tạp ấy đem về rửa sạch để ráo rồi nấu canh. Vì vậy, canh rau tập tàng ấy còn được gọi là canh rau lộnxộn, rau thập cẩm...
Tép trấu (có nơi còn gọi là tép mồng) ra đồng chạy cù (tức chọn những đám năng, láy mọc từng chòm ở các đìa, ao, dùng chân vừa chạy vừa dậm chung quanh cho tép, các bãi trầu hũn hĩn gom lại rồi dùng xà nel hay rổ xúc, nhanh tay xúc lấy). 
Tép mang về lựa, rửa sạch, để ráo nước rồi bằm nhuyễn, nêm ít nước mắm, bột ngọt, tiêu, hành lá cho vừa ăn. Sang hơn thì đặt nò dưới sông nơi có dòng nước chảy mạnh kiếm được mớ tép bạc. Tép bạc có thể bằm nhuyễn, cũng có thể để nguyên con, chỉ ngắt bỏ phần đầu của nó mà thôi.
Bắc nồi nước sôi, thả tép vào khuấy đều, cho rau vào ngay, trộn sơ, nêm thêm ít muối, bọt ngọt và nhắc xuống. Nếu nấu chung với mấy củ khoai lang thì khoai gọt sạch, chặt miệng nhỏ và nấu trước cho mềm rồi mới cho tép và rau vào sau.
Nồi canh rau tập tàng ăn nóng với cơm, cá hũn hĩn, bãi chầu kho quẹt vừa ngon miệng, mồ hôi lại vã ra như tắm, nên bao nhiêu mệt mỏi gần như tan biến. Không cao sang, không cầu kỳ, chỉ là món canh dân dã nơi đồng quê, nhưng ai đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngọt, thanh mát của nó.
Đói lòng nhờ chén canh rau
Chén cơm, hạt muối dạt dào tình quê (Ca dao)
Vậy mới hay, trí tuệ dân gian đã giúp người bình dân tận dụng một cách tuyệt vời, hiệu quả những thứ hoang dại, trời cho để phục vụ một cách hữu hiệu cho đời sống con người.

Về Cà Mau ăn mắm ong rừng

TTO - Biết tôi thích khám phá ẩm thực, nhân chuyến về Cà Mau thăm quê, bạn tặng cho một hũ mắm ong rừng. Cầm món quà, tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú vì từ trước tới nay chỉ biết mật ong rừng nổi tiếng ở địa phương này còn mắm ong rừng thì đúng là quá xa lạ.
Mắm ong rừng Cà Mau - Ảnh: Thanh Tâm
Tò mò, không “giấu dốt”, tôi liền hỏi bạn cách chế biến cũng như việc thưởng thức món ăn quá đỗi lạ lùng này. Thấy tôi “hai lúa” thứ thiệt, bạn hào hứng kể ngay.
Ở Cà Mau, cứ đến mùa ong mật, người dân gác kèo ong dùng dao bén cắt phần tổ vắt lấy mật. Trong tổ có những con ong còn non bé xíu mũm mĩm, mềm béo thơm ngon. Quanh đi quẩn lại xưa nay chỉ biết nấu cháo, xào mỡ hay kho khô... Ăn hoài cũng ngán nên nhiều người nghĩ ra cách chế biến món ăn mới cho lạ miệng, “lai rai” cho đỡ buồn, chưa kể dự trữ được lâu hơn. Thế là món mắm ong ra đời.
Làm mắm ong rừng không khó, chỉ cần lựa những con ong còn non, không giập chảy sữa rửa sạch, để ráo. Cho ong vào hũ cùng một ít muối, canh đừng để quá mặn, và đậy nắp lại đem ra phơi nắng vài hôm.
Khi thấy ong và muối ngấm đều, đổ ong ra trộn đều cùng thính cho có mùi thơm và cho vào hũ lại. Gài chặt phía trên bằng những cọng dừa tươi chuốt mỏng, đậy nắp kín và đem ra nắng phơi khoảng một tuần. Khi thấy thịt ong ngả màu vàng nhạt là đã ăn được.
Dĩa mắm ong rừng và các loại rau ghém ăn kèm - Ảnh: Thanh Tâm
Là món ăn "chạy" bữa, chỉ cần nồi cơm thì bất kỳ lúc nào cũng có ngay bữa ăn ngon lành. Nhưng muốn thưởng thức mắm ong rừng “đúng điệu miệt vườn” thì phải chuẩn bị những nguyên liệu chính như thịt ba rọi, nước dừa tươi, chuối chát, dưa leo, lá cóc, gừng, ớt, ngò rí… 
Đầu tiên, cho nước dừa vào nồi luộc thịt ba chỉ cho chín, xắt miếng nhỏ. Chuối chát, dưa leo xắt miếng, gừng xắt sợi. Tiếp đến, cho mắm ong cùng thịt ba rọi, gừng vào trộn đều để ra dĩa, xung quanh dĩa là chuối chát, dưa leo, lá cóc non, điểm xuyết vào đó là một vài lát ớt sừng chín cùng ngò rí cho có màu sắc bắt mắt, dọn ra bàn là xong…
Dùng đũa gắp miếng mắm ong rừng kẹp thêm miếng dưa leo, chuối chát, lá cóc cho vào miệng nhai chậm rãi sẽ cảm nhận vị mềm béo, thơm của ong, chua nhẹ của mắm và lá cóc, chát chát của chuối, giòn giòn của dưa leo… cùng mùi thơm đặc trưng của thính lan tỏa. 
Không chỉ ngon cơm, mắm ong rừng để nhắm với rượu đế càng "bắt". Dân xứ này chỉ cần vậy là đã có một món để lai rai bạn bè.
Nếu có dịp đến Cà Mau, mời bạn hãy khám phá món ăn đặc trưng và không kém phần “độc đáo” nơi vùng đất tận cùng Tổ quốc thân yêu này.
THANH TÂM