Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Ngày xuân thưởng thức bánh uôi đôi lứa

Từ xa xưa, đời sống sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên của các dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra những lễ hội văn hóa độc đáo. Nhưng đâu chỉ có vậy, bản thân từ những món ăn, vật dụng dù là nhỏ nhất cũng toát lên hồn vía của một đời sống Việt.


Bùi Việt Phương

Đó là một phong cách sống dù no, đói, giàu, nghèo... nhưng tinh thần nặng về tình cảm, ưa sự dung hòa gắn kết. 
Nếu như trong một năm, người Việt có tới hơn ba ngàn lễ hội để quy tụ các thành viên làng trên xóm dưới thì cũng ứng với từng thời khắc ấy lại có những món ăn được bàn tay người nông dân khéo léo làm ra để thể hiện những ước mong riêng của mình.

Ngày đầu xuân, tôi lên thăm một người bạn đất Mường với lời nhắn gửi thật hấp dẫn:
- Lên đây tôi mời anh ăn bánh tình yêu, bánh đoàn kết thì thể nào cũng gặp may mắn trong trong năm mới.
Đến khi đã ngồi trên ngôi nhà sàn gỗ đinh hương cổ kính, nhấp môi chén trà xanh đặc quánh mới thấy gia chủ bưng ra một cái đĩa với một cặp bánh gói lá chuối lạ lẫm. Như thể đoán được câu hỏi của tôi anh nói:
- Đây là bánh uôi, món bánh đặc trưng của dân tộc Mường tôi đó. Nếu anh muốn xem cách làm bánh này thì xuống bếp xem mẹ tôi làm mẻ bánh mới tặng anh đó.
Vừa ngồi phụ bếp với bà cụ, tôi vừa nghe cụ kể. Loại bánh này cũng giống với triết lí về âm dương của người Việt – Mương xưa. Chỉ khác là gạo nếp, nhân thịt, đỗ xanh lại được chế biến hơi khác.
Trước tiên phải chuẩn bị được bột nếp hương mịn nhỏ. Sau đó hòa bột vào nước ở mức độ vừa phải không khô quá cũng không để quá nhão. Khi có bột bánh rồi mới nhồi nhân đậu xanh hay nhân thịt (nếu là bánh mặn), nhân đỗ đường (nếu là bánh ngọt). Sau đó phải kiếm cho được những tàu lá chuối rừng thật to bản, đem hơ qua lửa cho mềm để gói.
Điều làm tôi thấy lạ mắt là khi gói, bà cụ lại đặt hai phần bánh đối xứng trong trong một chiếc áo lá rồi dùng lạt giang mềm buộc chặt, sau đó để lại một phần cuộng lá chuối thừa như đuôi tóc của cô thôn nữ mới dậy thì. Bánh được đặt cẩn thận vào khuôn chõ rồi đồ trên bếp củi cháy đều lửa bốn góc kiềng chừng một giờ đồng hồ cho đến khi lá bánh chuyển sang màu đậm thì có thể vớt ra được.
Thấy tôi háo hức, nên cụ bà nhường cho tôi phần việc vớt và mở bóc chiếc bánh đầu tiên. Dù đã được chứng kiến lúc gói bánh nhưng màu sắc sách bóc của bột nếp hương quên hương thơm của thịt mỡ, lá chuối vẫn rất lôi cuốn. Điều đặc biệt là hai chiếc bánh cùng nằm trong một chiếc áo lá tựa như hai viên ngọc bạch sinh đôi với triết lí về cặp đôi, về tình đoàn kết của người miền núi.
Nhấm nháp hương vị của bánh, tôi có liên tưởng tới những món bánh này lại nghĩ đến những món bánh kẹo sặc sỡ màu sắc nhưng đơn điệu cũ kĩ của đô thị mới thấy hết văn hóa ẩm thực của các dân tộc Việt Nam vẫn còn hứa hẹn rất nhiều điều thú vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét