(Dân trí) - Để đến được hội thi, những chú bò phải trải qua các vòng loại khắt khe trước sự chứng kiến của đông đảo bà con để chọn ra những chú bò tốt nhất đi “thi đấu”. Có 32 con bò chọi, 11 cặp bò mẹ con lọt “chung kết” cuộc thi.
Hàng năm, cứ vào ngày 19, 20/1 âm lịch cuộc thi chọi bò của đồng bào dân tộc Mông (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) lại được tổ chức với quy mô rộng lớn. Theo Ban tổ chức hội thi năm nay có 32 con bò chọi và có 11 cặp bò mẹ con lọt qua vòng loại ở cấp xã để tham gia “chung kết” cuộc thi.
Những chú bò khoẻ nhất, dũng mãnh nhất được lọt vào chung kết cuộc thi
Từ sáng 19/2 (tức 20 tháng giêng âm lịch), hàng nghìn người đã kéo về sân vận động Thị trấn Pác Mjầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) để đón xem những trận quyết đấu gay cấn giữa những chú bò Mông khỏe mạnh của vùng núi đá.
Năm nay là năm thứ 7 huyện Bảo Lâm đứng ra tổ chức cuộc thi độc đáo này. Hội thi sẽ có hai phần, phần thi cặp bò mẹ con đẹp được Ban tổ chức tuyển chọn và chấm giải trước đó một ngày. Còn phần thi chọi bò được chia làm hai hạng để thi đấu, hạng A dành cho những con bò nặng trên 400kg, còn hạng B là những chú bò từ 350 – 399kg.
Để đến được hội thi, những chú bò phải trải qua các vòng loại ở cấp xóm và cấp xã theo hình thức thi đấu loại trực tiếp. Vòng loại diễn ra phải khách quan nhưng không kém phần gay cấn, trước sự chứng kiến của đông đảo bà con để chọn ra con bò khỏe nhất để lên huyện tham dự “vòng chung kết”. Những “vận động viên” này phải là bò của người dân trong huyện Bảo Lâm chăn nuôi được, không lấy bò ở huyện ngoài, đó là nét đặc sắc trong hội thi đầu xuân này.
Hội thi năm nay thu hút đông đảo người dân tham gia cổ vũ
Trao đổi với Pv Dân Trí, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, Trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết: Trước đây, chọi bò là hình thức giải trí tự phát của đồng bào người Mông huyện Bảo Lâm, Cao Bằng. Đầu xuân, khi mà mùa màng đã được cấy hái xong, bà con tổ chức chọi bò để thách đố nhau, khoe khoang những con bò khỏe, bò đẹp của mình. Từ đó, khuyến khích nhau nuôi những con bò to khỏe để lao động, sản xuất hiệu quả hơn.
Để tránh những biến tướng không đáng có, lãnh đạo huyện Bảo Lâm đã thống nhất đứng ra tổ chức hội thi cũng vừa để lưu giữ được nét đẹp văn hóa của bà con. Tuy nhiên, những năm đầu tổ chức, do không có mặt bằng để thi đấu nên Ban tổ chức phải chọn bãi soi ở giữa suối hoặc đám ruộng đã gặt của bà con làm “nhà thi đấu”. Năm nay huyện Bảo Lâm đang hoàn thiện giai đoạn đầu xây dựng sân vận động huyện nên đã có mặt bằng để diễn ra lễ hội. Ban tổ chức lo kinh phí đi lại, công chăn dắt và chỗ ở từ nhiều ngày trước cho chủ nhân của những chú bò nên bà con rất háo hức tham gia.
Theo ông Quang, do không có kinh phí nên huyện Bảo Lâm đã thành lập Ban tổ chức hội thi rồi vận động những doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ cho hội thi, lấy đó làm kinh phí tổ chức. Mặc dù công tác tổ chức cũng khá là vất vả nhưng được đông đảo bà con hưởng ứng nên Ban tổ chức cũng hào hứng. Giải thưởng cuộc thi không cố định, mà theo số tiền vận động được từng năm. Hàng năm, giải nhất hạng A sẽ được trao thưởng khoảng 15 triệu đồng và nhất hạng B khoảng 10 triệu đồng, các giải nhì, ba và khuyến khích cũng theo đó mà giảm dần.
“Hội thi là dịp để tôn vinh những gương chăm sóc và nuôi bò giỏi, khuyến khích bà con tập trung phát triển đàn bò của huyện ngày một hiệu quả hơn. Đây cũng là cơ hội để người dân được giao lưu, chia sẻ và học tập kinh nghiệm trong chăn nuôi bò, góp phần thúc đẩy bà con tập trung trong chăn nuôi, sản xuất”, ông Quang cho biết.
Quốc Đô – Xuân Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét