Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Chợ phiên Thăng Long - Hà Nội xưa và nay

Chợ là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội, nơi hiển thị đầy đủ, rõ ràng và sâu sắc nhất đời sống của một vùng, miền.


Chợ Hà Nội xưa
Hà Nội xưa gọi là Kẻ Chợ, có nghĩa là vào thời đó Hà Nội - chính tên là Thăng Long, là nơi hội tụ các ngành nghề, là nơi họp chợ, là thị trường lớn nhất Việt Nam ngày ấy. Mà chợ Thăng Long thì bao gồm một mạng lưới thương nghiệp lớn nhỏ rải rác khắp đô thành. Mật độ chợ dày đặc nhất là chốn mà nay ta gọi "khu phố cổ."

Chợ ở Hà Nội cổ đã xuất hiện từ rất sớm. Năm 1035, Vua nhà Lý "mở chợ Tây nhai với hành lang dài" (ở vào quãng chợ Ngọc Hà). Cũng thời gian này, Vua Thái Tông cho mở chợ về Cửa Đông (quãng phố Hàng Buồm ngày nay), hàng quán chen chúc sát đến bên đền Bạch Mã, rất huyên náo.

Trong thế kỷ 17-18, mạng lưới chợ ở Thăng Long đã phát triển mạnh mẽ. Vì là nơi đô hội, tụ tập đông người, có nhiều phố xá nên mật độ các chợ ở đây dày đặc hơn ở các nơi khác, nhất là tại khu 36 phố phường buôn bán tập trung. Riêng ở khu buôn bán trung tâm, theo "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú đã kể ra tám chợ lớn, đó là chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ông Nước.
Một phiên chợ Bưởi xưa. (Nguồn: Internet)
Đến thế kỷ 19, theo "Đại Nam thống nhất chí," Thăng Long có thêm chợ Mới (quãng phố Hàng Chiếu), chợ Đông Thành (quãng phố Hàng Vải-hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Yên Thái (Bưởi).
Địa điểm họp chợ
Cũng như ở các địa phương khác, các chợ ở Thăng Long-Hà Nội thường được lập nên ở những nơi công cộng, thuận tiện cho việc giao thông đi lại, trao đổi buôn bán, nhìn chung chợ thường được họp ở các cửa ô, cửa thành và bờ sông, bờ kênh.

Cửa ô là nơi dân chúng thuộc các làng xã phụ cận mang hàng hóa vào Kinh thành trao đổi với khối dân chúng nội thị. Trong đó có một số chợ đặt địa điểm tại các cửa ô như các chợ Yên Thái (Bưởi); chợ Dịch Vọng (Ô Cầu Giấy); chợ Cầu Dừa (Ô Chợ Dừa); chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền).

Cửa thành là nơi ra vào, trao đổi thường xuyên giữa khối quan lại - quân sĩ trong Hoàng thành và khối bình dân ngoài phố xá. Hàng ngày, các gia nhân, nha lại của vua quan đã ra ngoài thành mua sắm một khối lượng lớn các thức ăn, vật phẩm cần thiết. Vì thế chính ở cạnh các của thành, đã sớm xuất hiện các khu chợ đông đúc, sầm uất.

Chợ Cửa thành xưa nhất của Thăng Long có khả năng là chợ Cửa Tây, thành lập từ đời Lý. Chợ Cửa Đông cũng là một chợ cổ và sầm uất, vì cửa Đông Môn (thời Lý Trần là của Đông Hoa) trực tiếp ăn thông ra khu vực buôn bán của Kinh thành (ở vào quãng Hàng Đường-Hàng Buồm bấy giờ).

Thời nhà Nguyễn, Hàng Vải, Hàng Gà có chợ bán thực phẩm có tên là Hàng Gà. Chợ Cửa Nam là một chợ lớn của Thăng Long-Hà Nội, vì Cửa Nam (thời Lê là Cửa Đại Hưng) là nơi ra vào chính của vua chúa, quan lại và "tất cả những ai có việc phải đi đến Hoàng Thành."

Bến sông, bờ kênh cũng là nơi tập trung của các loại chợ. Sông Hồng là một trục buôn bán, chính yếu của Thăng Long-Hà Nội. Ngoài những hoạt động buôn chuyến đường dài, những hoạt động buôn bán tại chỗ ngay trên sông và bến người ta còn dựng nên những chợ họp tại hai bên bờ sông để trao đổi hàng hóa. Chợ Bát Tràng là một chợ lớn họp bên bờ sông tả ngạn, thuộc làng Bát Tràng.

Hai bên bờ sông Tô Lịch cũng là nơi họp chợ đông đúc, buôn bán tấp nập. Các chợ mọc lên hai bên bờ sông Tô, trong đó có một số là chợ đặc sản, như chợ Gạo (đầu cửa sông Tô), chợ Hàng Cá. Chợ cầu Đông (quãng ngã tư Hàng Đường-Chợ Gạo ngày nay) là một chợ bên bờ sông Tô, nổi tiếng của kinh thành, đã đi vào nhiều câu ca dao. Chợ Bạch Mã (tên gọi khác của chợ Cửa Đông) liền sát đó (quãng phố Hàng Buồm ngày nay), họp sát bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền, hoạt động buôn bán rất tấp nập.

Ngoài những nơi kể trên (cửa ô, cửa thành, bờ sông) còn phải kể đến một số lượng lớn các chợ lưu động, không tên của Thăng Long-Hà Nội, ở đó những người buôn bán rong, vặt vãnh, đã dọc theo các đường phố, những ngã ba, ngã tư, những khoảng đất trống, tóm lại là ở tất cả mọi nơi có người qua lại, ngồi bán hàng không cần hàng quán.
Các mặt hàng buôn bán
Chợ ở Thăng Long-Hà Nội là một loại chợ lớn trong toàn quốc, cho nên số lượng các mặt hàng buôn bán cũng rất lớn và phong phú. Hầu như tất cả mặt hàng trong và ngoài nước đều bầy bán ở đây.

- Hàng nông sản: Do vị trí thuận lợi, đầu mối của các trục giao thông thủy bộ, do mật độ dân cư đông đảo và sự có mặt thường trực của một bộ máy hành chính-quân sự to lớn với những nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của nó, một khối lượng nông sản khổng lồ từ các địa phương lân cận đã đổ về các chợ ở Thăng Long-Hà Nội để rồi được bán buôn bán lẻ trực tiếp cho người tiêu thụ. Đó là gạo, nông hải sản, thực phẩm, rau quả.

- Hàng thủ công nghiệp: So với các mặt hàng nông sản thì hàng thủ công nghiệp không chỉ bày bán tại các chợ mà còn bán nhiều tại các phố dành riêng cho từng mặt hàng, như các phố Hàng Đào bán tơ lụa, Hàng Ngang bán xiêm áo, Hàng Bạc bán đồ trang sức và kim hoàn, Hàng Đồng bán đồ đồng, phố Hài Tượng bán giầy dép, phố Bát Sứ bán đồ sứ. Tuy nhiên, đối với quảng đại quần chúng, nhất là đối với những người nông dân, các vùng phụ cận kéo về Kẻ Chợ-Hà Nội trong các ngày phiên chợ thì họ vẫn thích mua trực tiếp các loại hàng đó ở ngay tại chợ, nó tiện lợi và cũng có thể giá rẻ hơn.

Trước hết đó là các dụng cụ hàng ngày của người nông dân như cày cuốc, nối niêu bát đĩa, các loại hàng vải vóc thông dụng mà quần chúng gọi là hàng tấm, các loại thuốc men cần dùng. Một số chợ buôn bán tập trung các mặt hàng đặc sản như chợ Hàng Tơ ở Hàng Đào buôn bán tơ lụa, chợ Bưởi chuyên bán các loại giấy sản xuất ở Yên Thái, Hồ Khẩu.
Phương thức mua bán
Ở Việt Nam trung đại, từ lâu chợ vẫn là một nơi trao đổi tiếp xúc toàn diện giữa các cộng đồng người của các vùng lân cận, về các mặt kinh tê, văn hóa, lối sống và thông tin đại chúng Ở Thăng Long-Hà Nội, chợ không những là một nơi trao đổi và tiếp xúc giữa các tầng lớp người trong phạm vi nội bộ đô thị và chủ yếu là một trung tâm trao đổi tiếp xúc giữa Kẻ Chợ và các vùng phụ cận. Nó là một sự đối ngoại thường trực, toàn diện giữa thành thị và nông thôn.

Nông dân các vùng phụ cận mang sản vật nông nghiệp hoặc thủ công nghiệp của mình vào bán tại các chợ, rồi dùng tiền đó mua sắm một ít các vật dụng cần thiết cho công việc sản xuất vào đời sống hàng ngày. Ở chợ Thăng Long-Hà Nội còn có một loại người buôn bán chuyên nghiệp, bán hàng trong các lều quán dựng sẵn, nhưng phần lớn cũng chỉ là những người buôn bán nhỏ hoặc trung bình.

Đa số những người đi chợ mua bán tại các chợ ở Thăng Long-Hà Nội là giới phụ nữ. Các lái buôn và giáo sĩ phương Tây khi đến Việt Nam đều nhận xét là phụ nữ Việt nam nói chung và phụ nữ Kẻ Chợ nói riêng đã có một "năng khiếu đặc biệt" về buôn bán.

Đến thời Pháp thuộc, các chợ vẫn được duy trì, xây dựng cầu chợ hẳn hoi, để gom các chợ nhỏ vào thành một chợ lớn. Như chợ Đồng Xuân làm năm 1896 là gồm các chợ Bạch Mã, chợ Cầu Đông. Chợ Hàng Da và là gom các chợ Hàng Gà, chợ Đông Thành Thị. Chợ Mơ là gom các chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền) chợ Trung Hiện, Chợ Cửa Nam là gom các chợ Cửa Nam, Đình Ngang, Ong Nước… cũng thời này có thêm loại chợ Đuổi.
Số là các chợ lớn cứ sẩm tối, là Khán chợ đuổi hết người ra khỏi khuôn việc chợ để khóa cổng. Những người bị đuổi này liền tụ tập ở gần đó. Vả lại dân nghèo nhiều người lúc ấy mới đi làm về, cũng tìm tới chợ Đuổi để mua hàng. Ban đầu họ họp ở đầu Chợ Đuổi (tức phố Tuệ Tĩnh nay) sau do thành phố mở mang, lính cấm đã dồn chợ về ngoại ô Vân Hồ.

Ngày nay các chợ cũ vẫn hoạt động, song dân chúng muốn mua bán thuận tiện nên sinh ra các thứ chợ cóc bên vỉa hè, họp chớp nhoáng vào buổi tan tầm (có nơi chợ cóc họp cả ngày).
Chợ Hà Nội nay và trong tương lai
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 400 cơ sở thương mại gồm chợ, siêu thị và trung tâm thương mại phân bổ trên tất cả các quận, huyện, trong đó tập trung nhiều nhất tại các khu vực đô thị.

Đáng chú ý là mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại đang từng bước hình thành, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, chỉnh trang và nâng cấp mức độ văn minh đô thị trên địa bàn. Trước thực tiễn quy mô, không gian và cơ hội phát triển mới của thành phố, ngành công thương Hà Nội đang xây dựng một quy hoạch hoàn chỉnh và đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, bền vững để khẳng định vai trò, vị thế Thủ đô - trung tâm thương mại, dịch vụ của cả nước cũng như mang tầm khu vực.

Theo dự án đang được xây dựng thì mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ có 489 chợ, 162 các loại trung tâm thương mại, 178 đại siêu thị và siêu thị.

Hà Nội sẽ không xây dựng chợ ở bốn quận nội thành cũ, hạn chế xây dựng mới các chợ ở các quận, lựa chọn nâng cấp chợ quy mô lớn thành trung tâm mua sắm kết hợp chợ dân sinh. Sẽ hình thành hai chợ đầu mối bán buôn nông sản-thực phẩm tổng hợp cấp vùng thuộc hai huyện Gia Lâm và Thường Tín, một số chợ đầu mối nông sản tổng hợp và chuyên doanh ở quận Hoàng Mai và các huyện Từ Liêm, Ứng Hòa, Ba Vì, Mê Linh.

Dự án cũng đề xuất xây dựng hai trung tâm mua sắm cấp quốc gia tại huyện Đan Phượng và huyện Thạch Thất với quy mô khoảng 500.000m2; xây dựng năm trung tâm bán buôn tổng hợp tại các huyện Gia Lâm, Sóc sơn, Chương Mỹ, Thạch Thất và Thường Tín với quy mô từ 150-200ha.

Dự án này nhằm mục tiêu đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng của thành phố nói chung và tăng trưởng của ngành nói riêng, trong đó có tính đến vai trò dẫn hướng, lan tỏa của Hà Nội với vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận. Bảo đảm các hệ thống phân phối bao gồm nhiều kênh, nhiều phương thức kinh doanh, nhiều thành phần tham gia, huy động được nhiều nguồn lực; xây dựng năng lực cạnh tranh cao và có tác động tích cực trong quan hệ với những ngành, lĩnh vực khác.
Theo TTXVN/Vietnam
+

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét