Một ngọn núi “trang sức” bằng những khối đá trắng phau hiếm thấy. Một vườn xoài đặc tiến dâng vua mà Gia Long vốn rất ưa thích. Một ngôi chùa cổ được lập thời vua Quang Toản nhà Tây Sơn, lại được vua Thành Thái nhà Nguyễn ban sắc tứ. Một địa điểm bí mật của các sĩ phu, văn thân yêu nước khi Tổ quốc còn chìm đắm trong bóng đêm ngoại xâm. Và những câu chuyện linh thiêng ly kỳ được truyền tụng trong dân gian. Tất cả đã hợp thành một địa chỉ lịch sử - văn hoá quốc gia có sức hấp dẫn lớn ở duyên hải Nam Trung Bộ.
Rủ lên Đá Trắng ăn xoài
Cách đây vừa đúng 435 năm (Mậu Dần - 1578), chúa Tiên Nguyễn Hoàng sắc phong tướng Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan, đưa quân chiêu tập lưu dân vượt đèo Cù Mông vào khai khẩn đất Phú Yên. Sứ mệnh hoàn thành, Lương Văn Chánh được thăng Phụ quốc Thượng tướng quân Phù nghĩa hầu. Sau đó, ông được gia thăng Tiền trấn biên dinh Tham đốc tướng Lương quới phủ phò quận công. Đến khi mất, ông được tặng Phù quốc công Liệt thượng đẳng thần. Đối với Phú Yên, vị khai quốc công thần Lương Văn Chánh trở thành thần hoàng khai sáng duy nhất mà nhân dân tôn thờ, kính trọng ngay từ buổi đầu mở cõi!
Trên bước hành trình khai hoang lập đất mới Phú Yên, Lương Văn Chánh đã dừng ngựa đóng quân tại Bà Đài trong chặng đường thứ hai. Vùng Bà Đài vào thời vua Minh Mạng được đổi thành Xuân Đài. Từ năm 1611 đến 1899 nơi đây là thủ phủ tỉnh Phú Yên. Nhiều dinh thự, cơ sở tôn giáo được xây dựng. Trong đó, có nhà thờ Mằng Lăng - nhà thờ Thiên Chúa giáo cổ nhất Phú Yên hiện còn lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên nước ta: Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 ở thành cổ Roma của Italia. Đồng thời, nhiều ngôi chùa Phật giáo uy nghiêm, cổ kính mang hồn văn hoá truyền thống của dân tộc cũng mọc lên, trong đó có chùa Đá Trắng. Ca dao địa phương có câu:
Rủ lên Đá Trắng ăn xoài
Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì.
Nếu như chùa Thiên Thai có tương ngọt thì chùa Đá Trắng có xoài tiến. Tương truyền, những lần dừng chiến thuyền ở vịnh Xuân Đài trên đường hành quân đánh nhau với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã có dịp thưởng thức đặc sản vùng này và tỏ ra ưa thích xoài Đá Trắng. Vị ngọt thanh của nó không xoài ở đâu có được. Vì vậy, dưới triều Gia Long, cùng với lòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng của Phú Yên trở thành “Nhị bảo ngự thiện”. Vào dịp Tết Đoan ngọ hàng năm, tỉnh Phú Yên phải mang dâng nhà vua từ 1.000 đến 2.000 trái xoài.
Kỳ thực, xoài Đá Trắng không nhiều. Giống như tương ở chùa Thiên Thai, rất hiếm. Hai câu ca trên chỉ là một lối nói ẩn dụ mà thôi. Theo lời sư thầy Thích Đồng Quang hiện trụ trì chùa Đá Trắng, vườn xoài ở đây xuất hiện cả trước khi dựng chùa. Nếu như các giống xoài khác đều ra hoa màu vàng thì xoài Đá Trắng ra hoa màu trắng, trái nhỏ, vỏ mỏng, cùi ngọt thanh, hương thơm bay xa, chín để được lâu.
Vì xoài Đá Trắng quý hiếm nên có lúc quan huyện lệnh phải cắt cử sai nha canh giữ vườn xoài và ghi chép tỉ mỉ quá trình ra hoa, thụ trái, thu hoạch. Ngoài ra, quan tỉnh Phú Yên còn cử một đội quân chuyên lo vận chuyển xoài ra kinh đô Huế. Xoài được ủ cẩn thận vào giỏ tre lót lá thầu đâu (sầu đông), làm sao lúc ngựa chở đến Huế thì cũng vừa chín vàng da. Nhà vua sẽ mở tiệc ngự thiện, thưởng thức xoài và chia lộc cho các quan đại thần.
Tương truyền, trong một lần vua mở tiệc chiêu đãi xoài, có một vị tướng đi trễ nên không kịp được ăn xoài vua ban. Nghe danh xoài Đá Trắng đã lâu mà không được thưởng thức, vị tướng bực bội không vui. Cuối năm ấy có giặc nổi lên chống lại triều đình nhà Nguyễn, vua sai vị tướng kia cầm quân ra trận. Nhận được lệnh, vì trong lòng vẫn chưa nguôi giận bữa tiệc xoài ăn hụt, vị tướng hậm hực tâu lên vua rằng: Thưa bệ hạ, sao bệ hạ không sai những người được ăn xoài Đá Trắng đi đánh giặc!
Tượng Phật Quan Thế Âm bên cây xoài cổ thụ. |
Sư thầy Thích Đồng Quang đưa chúng tôi đi thăm vườn chùa và chỉ cho biết, hiện nay giống xoài gốc ở Đá Trắng chỉ còn lại 4 cây, thuộc vào hàng cổ thụ, nằm ở 4 góc chùa, nhưng tới 3 cây đã không còn ra trái, còn một cây năm ra năm không. Số xoài còn lại trong vườn chùa mới trồng sau này là giống từ nơi khác, còn xoài gốc Đá Trắng ươm trồng mãi mà không sống.
Trước nguy cơ tuyệt chủng của xoài Đá Trắng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên đang vào cuộc, tìm cách lưu giữ và nhân giống xoài tiến vua quý hiếm.
Từ câu ca dao trên, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Trần Huyền Ân có lý khi biện luận rằng: “Khi xoài Đá Trắng đã già, các quan tỉnh Phú Yên cho đếm từng trái, ghi vào sổ, hư rụng phải báo. Đến mùa, quan định hái bao nhiêu, còn lại mới để cho thập phương thiên hạ. Đất ở đây toàn sỏi đá, số cây có quả ít, thử hỏi còn lại bao nhiêu? Chùa Thiên Thai nhỏ, các bà vãi đâu có mấy người, số tương làm ra không thể nhiều. Vậy xoài Đá Trắng, tương Thiên Thai ngon ngọt là đúng, nhưng rủ lên ăn, còn bảo “thiếu gì”, thì chính là một cách nói để khỏi bị từ chối”!
Vào dịp đầu xuân hay khi có khách phương xa về thăm Phú Yên, chúng tôi thường hành hương về chùa Đá Trắng. Chùa nằm trên đỉnh núi Xuân Đài, sát quốc lộ 1A, đoạn giữa thành phố Quy Nhơn của Bình Định với thành phố Tuy Hoà của Phú Yên. Vào mùa xuân, dòng người về chùa tấp nập nhất. Họ vừa leo dốc vừa hát, từ bài chòi, hò khoan đến vọng cổ! Xoài mùa này cành lá sum suê nhưng không có trái.
Đường lên chùa Đá Trắng lát đá tảng lớn trườn qua con dốc thoai thoải gần 1km, rộng khoảng 4m, xưa vốn nằm trong hệ thống đường thiên lý Bắc - Nam do hai tướng Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Chất thời đầu nhà Nguyễn trực tiếp chỉ huy sửa sang. Từ đỉnh dốc có thể phóng tầm mắt bao quát cả vùng sơn thuỷ hữu tình. Xa xa phía Đông Nam là đầm Ô Loan với mặt nước thản nhiên nổi tiếng trong ca dao. Gần hơn, dòng sông Cái loáng bạc chảy qua cầu phường Lụa, ôm lấy ngọn núi Sơn Chà sừng sững giữa đồng bằng xanh thẳm. Còn phía Nam thấp thoáng lăng mộ anh hùng Cần Vương Lê Thành Phương cùng nằm trên dãy núi đá Trắng. Thật là một sự trùng hợp thú vị khi vào năm Mậu Dần - 1578, tổ tiên chúng ta trên đường Nam tiến đã lần đầu đặt chân đến vùng đất này, mà người tiên phong là Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh.
Rồi 120 năm sau đó, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hắc hổ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đoàn hùng binh của ông cha lại lên đường khai khẩn phương Nam, trong đó có Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Thời điểm đáng nhớ ấy cũng “gieo” đúng vào năm Mậu Dần -1698. Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có sự tính toán của cha ông vào những năm mạnh mẽ như Cọp trên đường mang gươm mở nước?
Một công trình nghệ thuật cổ độc đáo
Nằm ở độ cao gần 100m so với mặt nước biển, lại tọa lạc ngay đỉnh núi Xuân Đài, mặt hướng về biển Đông, địa thế chùa Đá Trắng thật hiếm có. Những khối đá trắng phau bao quanh, tôn thêm vẻ lung linh, kỳ bí của chùa. Tên chữ của chùa là Bạch Thạch tự hoặc Từ Quang tự và Linh Quang tự được tạo lập từ năm Đinh Tỵ - 1797 dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn. Vì vậy, có giả thiết cho rằng sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều quân tướng Tây Sơn đã xuống tóc quy y ở chùa này nhằm tránh sự khủng bố của nhà Nguyễn - Gia Long. Tổ khai sơn là Thiền sư Thích Diệu Nghiêm, phái Lâm Tế đời thứ 36. Kế theo, có 9 vị sư tổ khác nối nhau trụ trì. Năm Nhâm Dần - 1842, dưới thời vua Thiệu Trị, chùa được sửa quy mô, có bia ghi chép sự tích. Năm Kỷ Sửu - 1889, chùa được vua Thành Thái ban sắc tứ.
Toàn cảnh chùa Đá Trắng. |
Trong chiến tranh, phần chính của chùa bị phá hoại, phải dựng lại gần như hoàn toàn mới, nhưng vẫn giữ được một số đường nét kiến trúc của thuở ban đầu. Cổng chùa và đặc biệt là khu vườn mộ tháp còn nguyên vẹn, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc cổ. Với quy mô lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, tất cả các bảo tháp đều được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú một cách tinh xảo phong phú. Từ tượng hổ đến tượng nghê, kỳ lân… đều toát lên sức mạnh phi thường trong nhiều tư thế khác nhau. Khu mộ tháp cổ là phần quan trọng hình thành chỉnh thể độc đáo toàn cảnh chùa Đá Trắng. Bên cạnh đó, những phiến đá lát lớn tạo nên con đường từ quốc lộ 1A lên cổng chùa, cũng có một ý nghĩa đáng kể về mặt xây dựng. Tuy không kỳ vĩ bằng những khối đá khổng lồ xây nên Kim tự tháp ở Ai Cập, nhưng những viên đá được đẽo khéo léo, công phu với nhiều kiểu dáng khác nhau, nối dài hằng cây số đã cho thấy óc thẩm mỹ lẫn công tích lớn lao của người xưa…
Mỗi khi đưa khách phương xa thăm chùa Đá Trắng, nhà nghiên cứu lịch sử Phan Đình Phùng - nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - thể thao và du lịch Phú Yên, luôn “thuyết” rằng: “Đối với Phú Yên, chùa Đá Trắng là chùa tổ và là một trong những ngôi chùa cổ nhất. Đồng thời đây còn là di tích lịch sử gắn liền với sự nghiệp của nhà lãnh tụ chống Pháp như Lê Thành Phương, Võ Trứ, Trần Cao Vân…”.
Pháo đài của nghĩa quân Cần Vương
Trường thi Bình Định đầu tháng 8/1885. Tin từ Huế dồn dập loan đến. Kinh đô đã thất thủ. Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng xuống chiểu Cần Vương. Sĩ tử Phú Yên lập tức bỏ thi về quê. Ngày 15/8/1885, ở Bình Định, lãnh tụ Mai Xuân Thưởng dựng cờ Cần Vương khởi nghĩa. Cùng ngày, giới sĩ phu Phú Yên cũng tập hợp lại, xây dựng đội ngũ tổ chức chống Pháp. Tại huyện Tuy An, sau khi làm lễ tế cờ, đọc chiếu Cần Vương, lãnh tụ Lê Thành Phương được tất cả nghĩa quân Phú Yên, từ các bậc sĩ phu đến giới quan lại đồng lòng suy tôn làm thống soái, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Đến tháng 1/1886, vua Hàm Nghi cử sứ thần vào chính thức tấn phong Lê Thành Phương làm Tổng thống quân vụ đại thần (Nguyên soái) của triều đình Cần Vương.
Lê Thành Phương sinh tháng 3/1825, là nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp sĩ phu yêu nước của Phú Yên thế kỷ XIX. Vốn có tiếng thông minh, học giỏi, ông từng đỗ tú tài, nhưng từ chối chốn quan trường, về quê dạy học và phụng dưỡng cha mẹ. Bà con ở quê hương thường gọi ông là Tú Phương. Ở ẩn nhưng ông vẫn luôn luôn theo dõi thời cuộc, lo lắng trước vận mệnh đất nước. Uy tín Tú Phương có sức cảm hoá mãnh liệt nhân dân trong vùng. Ông kết giao với nhiều sĩ phu địa phương mà sau này trở thành các cộng sự đắc lực cho mình như: Nguyễn Lễ, Nguyễn Hào Sự, Nguyễn Sách, Bùi Giảng, Hồ Trọng Đìa, Nguyễn Hữu Dực, Nguyễn Duy Tân, Ngô Kiêm Ký, Võ Thiệp, Nguyễn Văn Thành, Trần Đôn, Trần Hợi, Huỳnh Tần, Bùi Đáng…
Lê Thành Phương còn được phái chủ chiến triều đình nhà Nguyễn là các đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tri Phương hết sức quí mến, đặt nhiều kỳ vọng. Năm 1875, trong vòng 48 ngày công cán ở Phú Yên, Ngô Quang Bích cũng tìm đến thôn trang gặp Lê Thành Phương bàn chuyện quốc sự. Từ Nam Kỳ, Nguyễn Thông cũng bôn ba ra Phú Yên tương ngộ người đồng chí hướng…
Sau khi được nghĩa quân Cần Vương Phú Yên phó thác trọng trách, Thống soái Lê Thành Phương phiên chế binh lính, cắt đặt chỉ huy trong toàn tỉnh. Cuối tháng 8/1885, Lê Thành Phương ra lệnh cho Thống tướng kỵ binh Bùi Đáng chỉ huy một cánh quân phối hợp với quân thứ Phù Mỹ thuộc Bình Định tiến ra Quảng Ngãi và Quảng Nam đánh quân của tên phản bội Nguyễn Thân, mở đường liên lạc với phong trào Cần Vương Bắc Trung Bộ. Đồng thời, ông ra lệnh phó soái Bùi Giảng nắm quyền chỉ huy một đạo quân vượt qua Khánh Hoà, tiến vào Bình Thuận nhằm mở đường liên kết phong trào Cần Vương ở tất cả các tỉnh Nam Trung Bộ.
Chỉ trong vòng 4 tháng, dưới sự lãnh đạo của Lê Thành Phương, nghĩa quân Cần Vương đã làm chủ cả một vùng rộng lớn, gây cho thực dân Pháp nhiều thiệt hại. Nhờ tài năng quân sự và công tích đó, tháng 1/1886, vua Hàm Nghi đã tấn phong Lê Thành Phương và bí mật trao ông quyền thống lĩnh ba quân tiến tới giải phóng toàn Nam Trung Bộ, làm bàn đạp mở đường đánh chiếm Nam Kỳ lục tỉnh…
Ngay từ khi nghĩa quân Cần Vương Phú Yên phất cao cờ khởi nghĩa, với địa thế xung yếu, đỉnh Xuân Đài - nơi toạ lạc chùa Đá Trắng đã trở thành một pháo đài lợi hại. Lê Thành Phương đã cho đặt ở đây hai khẩu thần công đại bác để canh phòng mặt biển, trực tiếp bảo vệ tổng hành dinh đóng cách đó hơn 10km về hướng nam. Chùa Đá Tắng còn là nơi gặp gỡ, hội họp giữa Thống soái Lê Thành Phương với các cấp chỉ huy…
Tuy nhiên, giống như tất cả các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương, sau gần hai năm dựng cờ lập được một số chiến công, cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp dã man. Trúng kế “điệu hổ ly sơn” của tên Việt gian Trần Bá Lộc, vị thủ lĩnh kiên cường Lê Thành Phương sa vào tay giặc. Trước khi đón nhận đường gươm từ tay đao phủ, ông đã ngẩng cao đầu đọc bài Tuyệt mệnh thi đầy khí phách: “Anh hùng mạc quản doanh do luận - Tổ quốc hà cô sỉ nhục ta!”. Mặt trời lên đúng 10 giờ ngày 20/2/1887 khi đầu ông bay xuống đất!
Từ đó hai khẩu thần công ở chùa Đá Trắng cũng chịu chung số phận với chủ soái. Chúng nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, làm bạn với tiếng chuông chùa, với vườn xoài, với đá trắng, với cây cỏ chim muông.
“Ngó ra ngoài đỉnh Xuân Đài
Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông”
Câu ca như một tiếng thở dài bi hận trước nỗi đau mất nước!
Hội nghị bí mật Võ Trứ - Trần Cao Vân năm 1898
Trên đường giã biệt quê hương Quảng Nam tìm đường cứu nước sau khi phong trào Cần Vương bị thất bại, Trần Cao Vân đã gặp Võ Trứ tại Bình Định. Hai bậc chí sĩ yêu nước khá tâm đắc về các kế sách chống Pháp của nhau. Võ Trứ sinh ở Bình Định, học chữ nho, làm lý trưởng, giúp lãnh tụ Mai Xuân Thưởng chống Pháp. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng thất bại, Võ Trứ ẩn mình làm môn đệ của sư cụ chùa Đá Bạc ở cao nguyên Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên nuôi chí tiếp tục đánh Pháp.
Bấy giờ, do không hợp phong thổ Bình Định nên Trần Cao Vân bị sốt rét nằm liệt giường. Còn Võ Trứ thì quá nóng lòng trước thế cuộc, nên tháng 7/1898 ông đã từ giã Trần Cao Vân vào Phú Yên tổ chức lực lượng kháng chiến, tập hợp đông đảo quần chúng, phật tử yêu nước về dưới cờ “Minh trai chủ tể”.
Chùa Đá Trắng rằm tháng 7 âm lịch. Bổn đạo thập phương về chùa rất đông dự lễ Vu Lan. Lợi dụng cơ hội này, lãnh tụ Võ Trứ triệu tập một cuộc họp bí mật tại chùa. Trần Cao Vân nhận được tin, thấy Võ Trứ quá nóng vội trong hành động, nên dù bệnh tình trầm trọng ông vẫn lên võng cho người khiêng rời Bình Định vào Phú Yên dự họp khẩn cấp.
Trong cuốn Thân thế và sự nghiệp Trần Cao Vân của Tô Đình Cơ do Sở VHTT Bình Định xuất bản năm 1995, có đoạn viết về cuộc họp này như sau: “Vào đến nơi Trần xem xét từng mặt và nhận thấy rằng, công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa bộc lộ nhiều nhược điểm, nhất là việc nghĩa quân trang bị còn quá thô sơ, lại chưa trải qua tập luyện thuần thục, phương án tác chiến đơn giản, không dự lường hết những khó khăn nếu khởi nghĩa không thành công, cũng như hướng phát triển phong trào khi thắng lợi đề cập không cụ thể… Ông tranh thủ góp một số ý kiến nhằm hạn chế bớt thiệt hại khi nổ ra khởi nghĩa”.
Đúng như dự liệu của quân sư Trần Cao Vân, cuộc khởi nghĩa non của lãnh tụ Võ Trứ dưới lá cờ “Minh trai chủ tể” đã thất bại nặng. Vũ khí thô sơ, chủ yếu là rựa, nghĩa quân lại chưa có kinh nghiệm chiến trận, không thể đương đầu lại với súng đạn hoả lực mạnh của quân Pháp. Ngôi chùa Đá Trắng chứng kiến thêm một sự kiện đẫm máu bi tráng vì nền độc lập tự chủ của dân tộc, mà quân xâm lược Pháp mỉa mai gọi là “giặc thầy chùa” hay “giặc rựa”!
Võ Trứ và Trần Cao Vân trốn thoát, lánh lên động Bà Thiên ẩn náu. Dân làng quanh vùng bị đàn áp, khảo tra dã man. Để tránh gây thiệt hại lớn cho nhân dân, Võ Trứ từ biệt Trần Cao Vân để ra nộp mạng cho giặc, nhận hết mọi tội lỗi về mình. Không khai thác được gì ở ông, giặc đã đưa ông ra pháp trường xử trảm, bêu đầu lên cọc tre để thị uy dân chúng. Còn Trần Cao Vân tiếp tục lên đường tìm kế sách khác giúp vua Hàm Nghi tiếp tục chống Pháp.
Ngày nay, tại chùa Đá Trắng có lập riêng ngôi miếu nhỏ để thờ hai chí sĩ yêu nước Võ Trứ - Trần Cao Vân cùng các nghĩa quân đã bỏ mình vì nước. Những đêm khuya thanh vắng, các vị sư trụ trì và nhân dân địa phương hay thấy một vị tướng cưỡi ngựa trắng phi qua chùa, cùng những tiếng khua gươm giáo và tiếng bước chân rầm rập như đoàn quân ra trận. Họ bảo rằng hồn thiêng lãnh tụ Võ Trứ cùng nghĩa quân vẫn còn quanh quẩn trên núi Đá Trắng để phù hộ cho “quốc thái dân an”!
Hữu Quang
NGUỒN ĐỌC THÊM:http://phatgiaovnn.com/upload1/modules.php?name=News&op=viewst&sid=10123#ixzz2uJiiJjlz
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét