Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Đầu Xuân, viếng mộ tác giả ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ”

(Dân trí) - Ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ” của tác giả La Hôi chắc có lẽ ai trong chúng ta cũng biết nhưng ít ai biết được cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh này. Đầu Xuân, xin mời cùng đến thăm mộ phần của ông tại TP Hội An (Quảng Nam).

Nhạc sĩ La Hối là người Hoa gốc Quảng Đông (Trung Quốc). Gia đình La Hối sang Việt Nam trong giai đoạn “phản Thanh phục Minh”. Tức là những người trung thành với nhà Minh, không phục nhà Thanh khi nhà Thanh lên cai trị.
 
Nghĩa trang nằm ngay sau lưng trường trung cấp điện Hội An, gần chùa Chúc Thánh
Nghĩa trang nằm ngay sau lưng trường trung cấp điện Hội An, gần chùa Chúc Thánh
 
Họ bỏ quê hương ra đi trên những chiếc thuyền, vượt biển đến Hội An. Hồi đó các Chúa Nguyễn cai trị xứ Đàng Trong vẫn theo chính sách mở cửa nên họ đến sinh sống ở đây một cách dễ dàng. Họ lập các hội quán để sinh hoạt theo kiểu từng địa phương với nhau như: hội quán Quảng Đông, hội quán Hải Nam, hội quán Triều Châu...
La Hối tên thật là La Doãn Chánh, ông sinh năm 1920 tại Hội An. Ngôi nhà hiện nay trên đường Nguyễn Thái Học (Hội An) chính là ngôi nhà mà khi xưa La Hối sinh ra và lớn lên. Thuở nhỏ ông đã có khiếu về văn nghệ, sáng tác nhạc.
Vào thập niên 40, quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản với chủ trương Đại Đông Á đã xâm chiếm  các nước Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam và một số quốc gia ở Đông Nam Á khác. La Hối là một thanh niên người Hoa yêu nước đã tham gia vào phong trào chống Phát xít Nhật. Ông là người đứng đầu một nhóm Hoa kiều tại Việt Nam theo Trùng Khánh (phe Thống Chế Tưởng Giới Thạch) trong tổ chức Quốc Dân Đảng.
 
Nghĩa trang nằm ngay sau lưng trường trung cấp điện Hội An, gần chùa Chúc Thánh
Nếu muốn thăm khu mộ, khi đến Hội An, du khách đi theo đường Hai Bà Trưng đến đường Tôn Đức Thắng thẳng vào. Cuối đường là nghĩa trang chống Phát xít Nhật
Đây là một đảng bộ lớn ở hải ngoại hoạt động tại Hội An và khắp Việt Nam. Hoạt động chống Nhật Bản tại địa phương có nhiệm vụ theo dõi tình hình hoạt động của quân Nhật. Các đồng đội của ông kẻ biểu ngữ, in và phân phát truyền đơn chống Nhật, phá hoại các nơi quân Nhật đồn trú, phá kho lương thực, đầu độc ngựa chiến mà quân Nhật dùng đi lại, đàn áp người dân yêu nước.
Được biết, La Hối sáng tác bài “Xuân và Tuổi trẻ” vào năm 1944. Lúc đầu lời bài hát tiếng Hoa do Diệp Truyền Hoa đặt có tựa là “Thanh niên dữ xuân thiên” (tức Thanh niên với mùa xuân). Theo một số giả thuyết thì La Hối đã dùng mấy nốt nhạc trong phần dạo khúc mở đầu (introduction) của bài hát là là là là, là là là rê, là là là mí, là là lá fá, là là là sól, là là là lá sól mi đô là, sót mi rề làm mật khẩu liên lạc công tác.
 
Tượng đài trong khu mộ
Tượng đài trong khu mộ
Quân hiến binh Nhật tại Việt Nam đã theo dõi và phát hiện những hoạt động của phong trào chống Nhật này. Vì vậy, một ngày trong tháng 4 năm 1945, La Hối và 9 đồng đội bị quân Nhật bắt giam vài tháng trước đó, tất cả đã bị đem ra xử tử tại núi Phước Tường (gần phi trường Đà Nẵng) tất cả chôn chung một hố.
Sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh (cuối năm 1945), Ngũ bang Trung Hoa Lý Sự Hội ở Hội An đã tiến hành cải táng 10 liệt sĩ Trung Hoa này tại nghĩa trang Thanh Minh và lập đài kỷ niệm tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật.
Cho đến bây giờ, qua những người quen ở Hội An cũng như những chứng cứ mà chúng tôi thu thập được thì cho đến khi mất (năm 1945) La Hối vẫn chưa có vợ. Bằng chứng là những người còn sống như các ông La Gia Hồng, La Gia Quảng đã trên tuổi thất thập. Rồi La Vĩnh Sơn, La Vĩnh Hoàng (con ông La Gia Quảng) đều là nhánh gọi ông La Hối bằng ông nội chú, ông cố chú mà không thấy nhánh trực hệ từ ông La Hối. 
 
Tượng đài trong khu mộ
Trở lại câu chuyện với người gữ mộ. Khu mộ ở đây theo chữ trên tấm bia thì có từ năm 1947. Vì trong tấm có một được câu: Trung Hoa dân quốc tam thập ngũ niên thập nhứt nguyệt. Nghĩa là Trung Hoa dân quốc tháng 11 năm thứ 35 (tức lấy năm Tôn Trung Sơn lên tổng thống 1912 cộng thêm 35 là năm 1947). Từ đó đến nay đã qua mấy người giữ nên tới đời người phụ nữ mà chúng tôi gặp (khoảng trên dưới 60 tuổi) thì bà ta chỉ kể lại những thông tin từ ông cha mình.
Bà kể: Tôi là người Triều Châu còn ông La Hối là người Quảng Đông. Cha tôi kể là ông ấy theo một nhóm người chống Nhật, chuyên rải truyền đơn, giết ngựa mà quân Nhật cỡi bằng cách bỏ thuốc độc vào cỏ, giật mìn làm hư hại cầu không cho quân hiến binh Nhật đi lại nên quân Nhật quyết tâm bắt cho bằng được. Có một lần chúng xông vào nơi (như chùa Bà bây giờ) tìm kiếm tài liệu thì gặp một người Hoa, đồng đội với ông La Hối. Ông này kịp thời đem tất cả tài liều đốt đi. Quân Nhật vào thì không tìm thấy giấy tờ gì, chúng tức giận nên rút gươm chém chết ông ấy tại chổ. Như vậy nhờ ông ấy chứ không là chúng cũng tìm ra nhiều người để giết nữa. Vì vậy công ông ấy rất lớn.
 
Tượng đài trong khu mộ
Mãi về sau, năm 1945 chúng bắt được 10 người trong đó có ông La Hối đem tất cả đến vùng núi ở Đà Nẵng (sau này xác định là núi Phước Tường) trói lại và dùng gươm chém chết hết. Chém xong chúng ném tất cả vào một cái hố rồi lấp lại. Về sau khi quân Nhật bị thua, quân đồng minh sang giải giới thì quân Nhật khai với quân đồng minh là có giết 10 người Hoa chôn ở chổ đó. Nhờ vậy mà ban trị sự hội đồng hương người Hoa ở Hội An đến đào và quy tập 10 bộ hài cốt về đây chôn. Tất nhiên là không thể biết ai ra ai trong 10 bộ hài cốt đó nên người ta quyết định chôn tất cả thành một nấm mồ tập thể 10 người.
Thông tin của người giữ mộ thật đúng khi chúng tôi kiểm chứng lại ngôi mộ. Đó là một ngôi mộ dài hơn 5 mét được chia thành mười khoảng bằng nhau. Phía trước là một tấm bia ghi tên 10 người Hoa. Tên của La Hối (tức La Doãn Chánh) ở vị trí thứ 2 bên trái qua.
 
Tượng đài trong khu mộ
Tuy nhiên ở đây lại có đến 2 tấm bia ghi khác nhau. Ở tấm bia bên ngoài lại khắc đến 13 người. Điều này có thể giải thích là có 3 người Hoa bị quân Nhật giết trước đó vào những năm 1941 đến 1943, người ta cũng ghi tên vào để tưởng niệm. Tuy nhiên 3 người này không có phần mộ đã được đưa về quê an táng. Trong đó có một người bị giết như đã kể ở trên.
Phía trước là một tượng đài ghi dòng chữ: Dân tộc chính khí, ca ngợi những người đã hy sinh. Người phụ nữ giữ khu mộ này cũng cho chúng tôi biết thêm những ngày đầu xuân rất nhiều người đến viếng thăm, thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất. Thỉnh thoảng bà cũng thấy nhiều người Trung Quốc du lịch cũng đến thăm, nhiều sinh viên Nhật Bản khi đến Hội An cũng ghé thăm, tìm hiểu.
 
Tên La Doãn Chánh (tức La Hối) nằm ở vị trí thứ 2 từ trái qua ở các tấm bia
Tên La Doãn Chánh (tức La Hối) nằm ở vị trí thứ 2 từ trái qua ở các tấm bia
Mỗi năm cứ vào khoảng 20 âm tháng Chạp, khi không khí tết đến xuân về rộn rịp khắp phố phường thì người ta lại nghe một bài hát rất quen thuộc đã tồn tại hơn 60 năm “Xuân và Tuổi trẻ”. Với tiết tấu vui nhộn, mạnh mẽ, yêu đời, nhịp nhàng trong điệu valse đã làm tâm hồn người nghe như thăng hoa, bay bổng. Từ trẻ tới già ai ai cũng cảm thấy như được tiếp thêm sinh lực cho một mùa xuân mới tràn đầy tự tin, hy vọng.
Hơn 60 năm qua đã có biết bao bài hát ca ngợi về mùa xuân nhưng ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ” luôn là bài hát kinh điển không thể thiếu vắng được.
Nhạc sĩ La Hối sáng tác bài hát này khi mới 24 tuổi (năm 1944) để rồi một năm sau đó ông không còn để tiếp tục cho ra đời những bài hát tràn đầy sức sống. Ban đầu bài hát có tên “Thanh niên dữ xuân thiên” (tức là Thanh niên với mùa xuân) . Sau này khi nhà thơ Thế Lữ vào miền Trung nghe được giai điệu bài hát này đã soạn lời Việt “Xuân và Tuổi trẻ” tồn tại đến ngày nay.
 
Ở Hội An có con đường mang tên của nhạc sĩ La Hối
Ở Hội An có con đường mang tên của nhạc sĩ La Hối
Nếu vì một bài hát hay mà người ta đặt tên tác giả làm tên một con đường thì chưa phải. Ông La Hối còn là một người dân yêu nước tham gia chống phát xít Nhật. Bởi trong bài hát “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi có đoạn: “Loài phát xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân mình, nào nhà tù nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình. Đồng bào ta tuốt gươm vùng lên”. Như vậy ông La Hối đã đi theo tiếng gọi của non sông chống giặc Phát xít Nhật và ông đã hy sinh. Nhạc sĩ La Hối hoàn toàn xứng đáng được vinh danh và đặt tên cho một con đường ở Hội An.
Ở Hội An ai ai cũng biết về ông. Tuy nhiên để biết một cách rạch ròi, cặn kẽ thì lại không mấy người. Ngay cái nơi mà ông được cải táng từ năm 1947 đến nay cũng rất ít người biết. Cũng phải thôi vì tất cả tên người đã khuất cùng những câu chữ khác ở đây (nghĩa trang chống phát xít Nhật) đều được viết bằng chữ Hán.
 
Ở Hội An có con đường mang tên của nhạc sĩ La Hối
Nhà số 91 đường Nguyễn Thái Học (TP Hội An) là nơi nhạc sĩ La Hối sinh sống trước đây. Hiện nay những người trong dòng họ và bà con của nhạc sĩ cũng còn sinh sống ở đây
Có người thuộc làu bài hát “Xuân và Tuổi trẻ” nhưng lại không biết ông La Hối là ai. Điều đó cũng không lấy gì ngạc nhiên bởi mỗi người có hiểu biết, cảm nhận về ông bằng những cách khác nhau.
Riêng chúng tôi, từ hồi rất nhỏ đã nghe bài hát này và cũng đã nghe nói về ông. Nhưng lúc đó kiến thức và hiểu biết thật ít ỏi. Để đến hôm nay chúng tôi đã làm được một việc mà tự mình cảm thấy rất vui. Đó là đã lấp đầy lổ hổng kiến thức về người nhạc sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh này.
Xin cám ơn các bạn người Hoa ở Hội An đã giúp chúng tôi định vị và biết nơi chôn cất ông để có điều kiện đến viếng thăm, tìm hiểu một cách chính xác. Với kiến thức không nhiều nhưng chúng tôi có thể tìm thấy tên ông (La Doãn Chánh) trong cả một “rừng” đầy chữ Hán, được sờ lên tấm bia đá ghi tên ông và được viết những gì về ông.
 
B.Thuyên-C.Bính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét