Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Chu du đôi bờ sông Trà

Chỉ mất chưa đầy nửa giờ bon bon xe máy theo một trong hai tuyến đường dọc sông Trà, du khách có thể thong dong ngắm cảnh sông nước nên thơ, sau đó lại được thỏa sức vẫy vùng trong nước biển mát lạnh hết sức thú vị.
Cuối đường bờ nam sông Trà Khúc là thắng cảnh Cổ Lũy cô thôn nay vẫn còn giữ nguyên nét mộc mạc, thuần phát.
Đường bờ bắc sông Trà rộng thênh thang, nối thẳng từ cầu Trà Khúc xuống biển Mỹ Khê - một trong những bãi biển đẹp của Quảng Ngãi. Theo cung đường này, ngoài đích đến Mỹ Khê, du khách có thể dừng chân tại rừng dừa nước Tịnh Khê (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), nằm cuối cùng đường.
Cứ tầm 4 giờ chiều hằng ngày, lẩn khuất trong các rặng dừa, những người nông dân lại nhẹ nhàng xuôi thuyền đi kéo lưới rập. Khung cảnh mộc mạc lúc ấy, chắc chắn sẽ làm hài lòng những “tay máy” nghiệp dư, thích tìm về những vùng quê để tận hưởng cảm giác thư thái, yên bình. Sau khi trải nghiệm thỏa thích, bạn chỉ cần đi thêm tầm 3km là đến bãi biển Mỹ Khê - bãi biển hằng năm thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch.
Đặc biệt, ngoài thưởng thức các loại hải sản tươi sống, bãi biển Mỹ Khê còn nổi tiếng với "đặc sản" bánh xèo tôm thơm ngon và không ngấy. Chả thế mà, nhiều người dù không yêu thích biển, nhưng cũng tìm về Mỹ Khê để thưởng thức món bánh xèo “trứ danh” ấy.
Khám phá xong đường bờ bắc sông Trà, du khách có thể ngược trở về trung tâm TP.Quảng Ngãi và tiếp tục theo cung đường bờ nam sông Trà để cảm nhận sự thú vị khác biệt. Xuất phát từ đường tránh đông ngay dưới chân cầu Trà Khúc 2 xuôi về hướng đông tầm 6km là du khách có thể nhìn thấy núi Phú Thọ nằm ngay phía bên phải con đường.
Núi Phú Thọ (ở xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi) với những tảng đá đen tuyền nhiều kích thước lớn nhỏ, có phiến xếp sát nhau, tạo thành hình thù kỳ lạ. Không chỉ là điểm đến để thưởng ngoạn phong cảnh, núi Phú Thọ còn là lựa chọn thú vị cho những ai thích khám phá lịch sử. Bởi trên núi vẫn còn để lại dấu vết thành quách do người Chăm xây dựng, mà rõ nhất là thành Bàn Cờ.
Theo hồ sơ của Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi, thành này có hình thang cân, cạnh trên 52m, đáy 60m, cao 25m, diện tích mặt thành khoảng 500m2. Bờ thành Bàn Cờ vốn được xây bằng gạch. Trên mặt thành có tháp Chăm, nhưng nay đã bị phá, chỉ còn ngổn ngang gạch vỡ...
Rời núi Phú Thọ, du khách tiếp tục tìm về Cổ Lũy cô thôn, nằm cách núi Phú Thọ chưa đầy 2km. Đây là một địa danh có vị trí đặc biệt - trước biển, sau sông, là một trong thập nhị thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Ngãi. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, Cổ Lũy cô thôn vẫn còn giữ lại nét mộc mạc, yên bình. Những thân dừa già bên hông nhà khẽ nhoài người ra lòng sông đón nắng. Từng chiếc thuyền, ghe sau những ngày mệt mỏi ngoài khơi xa, lại bình yên nằm gối bãi bên sông...
Thêm một điều thú vị nữa cho những ai muốn khám phá dọc đôi bờ sông Trà, là mùa này đang ngập tràn hoa cỏ lau. Những thân cỏ lau cao hơn đầu người, nở trắng xóa cả dòng sông, cứ chao mình theo gió chiều... thì còn gì “ru lòng” hơn thế!
Theo Báo Quảng Ngãi

Ngoằn ngoèo Hồng Thu Mèo

Nằm trên đường Phong Thổ (Tam Đường cũ) đi Lai Châu và Điện Biên, xã Hồng Thu Mèo nằm cách ngã ba này khoảng 5km, một địa danh ít người đi qua nhưng lại được nhớ vì cái tên và bao câu chuyện thú vị.

Sau 40km vượt qua Ô Quy Hồ, một trong những con đèo hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất miền núi phía Bắc, chiêm ngưỡng cảnh sắc của thung lũng Hoàng Liên trùng điệp, con đường dần xuống đến đất Lai Châu. Hai bên Lào Cai và Lai Châu là hai khu vực thời tiết khác nhau. Trong khi phía bên kia Lào Cai lúc nào cũng chìm trong sương giá và mây mù thì vượt qua cổng trời sang đất Lai Châu là trời xanh mây trắng, nắng vàng ấm áp. Từ ngã ba của Tam Đường, vượt con đèo Giàng Ma đến Phong Thổ, Hồng Thu Mèo nằm cách đó khoảng 5km.
IMG-2536-JPG-1375761544_500x0.jpg
Những dãy núi chập chùng tạo nên cảnh sắc hữu tình cho núi rừng Tây Bắc
Phong Thổ có 99 ngọn núi liền kề 99 mặt hồ vành vạnh. Truyền thuyết kể rằng 99 hồ Bình Lư là vết tích những cuộc chinh phục triền miên thời Mạc, là vết chân ngựa thần xuất hiện quét sạch giặc giã, giữ yên cuộc sống cho dân chúng (có thơ rằng: Bình Lư chín chín cái hồ/Giang Sơn nhà Mạc cơ đồ còn đây). Lại cũng nghe kể từ xưa, 99 chàng trai Tam Đường sang hỏi 99 cô gái Bình Lư làm vợ. Người già phán hãy chờ một đôi nữa cho đủ trăm tròn số. Chờ mãi, chờ mãi mà không có để cuối cùng những người yêu nhau hóa núi hóa hồ.
MG-5417-1375761544_500x0.jpg
Vào khoảng tháng 9 tháng 10 là mùa lúa Tây Bắc
Đèo Giàng Ma cũng gắn liền với một câu chuyện tình. Chàng là người Mông ở bản Xin Câu, nàng là người Dao ở Tả Chải. Đêm đêm chàng vượt dốc lên đón người yêu vào rừng tình tự, nhưng tình yêu dù đắm say mãnh liệt đến đâu cũng khó lòng vượt qua những luật tục muôn đời của dòng tộc, con trai Mông không thể cưới con gái người Dao... Một đêm trăng, đôi trai gái hẹn nhau trên đèo Giàng Ma với nắm lá ngón độc dược trong tay, họ tự tìm đến cái chết như một cách phản đối những luật tục vô lý.

Hồng Thu Mèo chỉ là một điểm nghỉ nhỏ trên con đường xuyên đất Lai Châu. Đường đến Hồng Thu Mèo thoai thoải dốc, hai bên cảnh sắc còn vẹn nguyên nét hoang sơ với núi rừng hùng vĩ. Vào mùa xuân, phong cảnh hữu tình của những con đường ngoằn nghoèo níu chân người qua. Hồng Thu Mèo có một động nhỏ khá đẹp đang được địa phương khai thác làm điểm du lịch. Trong số những cái tên nghe một lần cứ nhớ mãi như Sì Lờ Lầu, Léng Su Sìn, Tả Kho Khừ…cái tên Hồng Thu Mèo nghe thật dễ thương và dễ nhớ.
DSC-3001-JPG-1375761545_500x0.jpg
Người Dao tuyển ăn mặc rất đẹp nhưng rất khó gặp
Rẽ qua Hồng Thu Mèo, thế nào cũng nhớ phiên chợ Tam Đường ngày thứ 5 với chén rượu ngô Sùng Phài trứ danh, ngắm những cô gái Dao với kiểu uốn tóc lạ mắt và màu áo phấp phới trong phiên chợ đông người.
Lam Linh

Món ngon Hà Tiên níu chân khách phương xa

Hủ tiếu hấp, bánh tằm bì, xôi, cơm gà Hải Nam, nem nướng... được xem là những món ăn ngon, đặc trưng của xứ sở Hà Tiên được nhiều du khách ưa thích.
Khi đã nói đến những món ngon ở miền Tây chắc chắn những người sành ăn sẽ không thể bỏ qua các món đặc sản của người dân địa phương tại Hà Tiên. Đây là vùng đất từ lâu nổi tiếng bởi có nhiều thắng cảnh đẹp và có nhiều món ăn ngon, độc đáo, hấp dẫn, với sự kết tinh giữa các dân tộc Việt - Hoa - Khơme.
Nem nướng
Nem được vo dài dọc hoặc tròn và được nướng chín vàng trên bếp than hồng. Có rất nhiều loại nước chấm ăn khi thưởng thức món ngon này, nhưng đặc trưng và nổi tiếng nhất là nước chấm được làm từ tương ngọt nấu chín với nước me chua để tạo thành nước chấm đậm đà. Xà lách, tía tô, húng thơm, dưa chuột, khế, chuối chát... là các loại rau đặc trưng khi ăn nem nướng. Dùng bánh tráng lót phía dưới, cho rau sống, chuối, dưa chuột, dứa lát mỏng, sau đó tách nửa phần nem đã nướng vàng thơm, cuốn tròn lại chấm vào chén tương có một ít lạc rang vàng, ớt băm cay the the... bạn sẽ cảm nhận được mùi vị thơm lừng đặc trưng.
Bánh tằm bì
Bánh tằm bì có nhiều trong thực đơn miền Tây Nam bộ. Chính vị béo, mặn, ngọt và thơm thơm làm cho món ăn thêm hấp dẫn. Nguyên liệu quan trọng của bánh chính là sợi bánh phải hấp sao cho vừa mềm, vừa dai. Những sợi bánh tằm trắng, dai dai vừa được hấp chín thơm hương vị của bột gạo. Món này sẽ ngon đậm đà hơn nhờ vị béo của nước cốt dừa. Nước mắm pha sao cho có độ chua ngọt và cay cay để món ăn thêm phần hấp dẫn, ăn kèm rau sống, bì, giá sống, dưa leo băm mịn.
Cơm gà
Do Hà Tiên là vùng đất có nhiều dân tộc Việt - Hoa -  Khơme sinh sống, nên món cơm gà Hải Nam cũng góp phần làm cho ẩm thực nơi đây thêm phong phú và đặc trưng. Điểm đặc biệt hấp dẫn ở món cơm gà Hải Nam của xứ sở này là gà được ướp với rất nhiều gia vị thơm ngon và nướng vàng (chứ không luộc). Cơm được nấu gạo dẻo thơm nồng. Món ăn còn có sự kết hợp tuyệt vời giữa đồ chua rau củ, xà lách, rau thơm, dưa leo. Thịt gà mềm, dậy mùi thơm với phần da gà giòn ngon tuyệt ăn cùng cơm và nước chấm pha chua cay ngọt rất hài hòa... đã làm nên sự hấp dẫn cho món ăn.
Hủ tiếu hấp
Hủ tiếu hấp là món ăn dân dã có xuất xứ từ Phnom Penh (Campuchia). Khi được du nhập và giao thoa vào miền Tây Nam bộ, món ăn đã chuyển mình phong phú thành một món ăn ngon, đa dạng và hấp dẫn. Nguyên liệu làm hủ tiếu hấp được sử dụng từ sợi hủ tiếu tươi, có độ dai và mềm. Sợi hủ tiếu cho vào xửng hấp. Những sợi hủ tiếu hấp kết hợp kèm bì trộn thính và thịt heo nạc xắt sợi, chả giò chiên hoặc thịt nướng, dưa leo, giá và một ít rau thơm, mỡ hành, ớt băm nhuyễn... Riêng nước mắm chan món bún này phải được pha bằng nước mắm nấu với đường cát, kết hợp cùng tỏi ớt băm nhuyễn và chanh chua sao cho hài hòa.
Bánh lọt xào
Đây là món ăn khá lạ so với người dân Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu như bạn từng thưởng thức món bánh lọt xào một lần, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng thơm ngon. Ngoài bột để làm thành những sợ bánh, món ăn còn có thêm các thành phần quan trọng như trứng gà, giá hẹ, tôm tươi hoặc có thể thay thế là bò tùy theo sở thích, lạc rang vàng, hành lá, chanh tỏi ớt, và các gia vị nêm… Món bánh lọt xào khi dùng nóng, bạn sẽ cảm nhận hết vị tươi ngon từ thịt tôm băm, vị ngọt từ rau hẹ, giá và hương vị thơm phức từ bánh lọt đã chiên vàng. Món ăn kèm nước mắm pha chua cay ngọt.
Bánh canh hải sản
Một món ăn được xem là ngon không chỉ đánh thức được khứu giác, vị giác mà còn phải thỏa mãn thị giác cho thực khách. Khi đã hội tụ đủ ba yếu tố hương - sắc - vị thì món ăn mới thực sự tinh tế. Chính vì vậy, ngoài loại bột để se nên những sợi bánh canh trắng trong và ngon, không thể thiếu các thành phần phụ như mực, tôm, trứng cút và đặc biệt nước lèo phải đậm đà (nước lèo có thể ninh từ xương hoặc nấu cùng một số hải sản cho ngọt nước và thơm mùi đặc trưng). Tất cả được hòa quyện vào nhau một cách hào hòa và khéo léo, tạo nên một món ăn đặc trưng riêng cho xứ biển Hà Tiên.
Chả cá chiên
Hà Tiên là xứ biển nên rất nhiều tôm cá. Vì vậy, ngoài những món cá ăn thông thường như nấu canh chua, chiên, hấp... chả cá chiên cũng là một món ăn khá thú vị. Món được làm từ cá rựa, cá chai hoặc cá thu quết cùng hành, tiêu cho thật nhuyễn và dai, sau đó cán mỏng, rồi chiên vàng đều. Món chả cá Hà Tiên đặc biệt ở chỗ được kết hợp kèm đu đủ và cà rốt bào thành sợi mỏng, rồi ngâm chua với ớt cay. Chính sự kết hợp khéo léo này đã tạo nên một đặc trưng rất riêng và là điểm nhấn cho những ai có dịp đến Hà Tiên để tham quan cảnh đẹp và thưởng thức món ăn ngon nơi đây.
Xôi
Xôi Hà Tiên có cả xôi mặn và xôi ngọt, được nấu khéo léo với hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Người Hà Tiên dùng loại nếp thật ngon để nấu xôi, nên khi xôi vừa chín tới đã lan tỏa mùi thơm nồng khắp nơi. Xôi mặn Hà Tiên rất ít gia vị, chỉ có tôm khô giã rắc trên mặt xôi nhưng vị đậm đà. Với xôi ngọt, thực khách có thể thưởng thức xôi xoài hay xôi hột gà, còn xôi dừa thì vừa béo, vừa ngọt thơm. Điểm đặc biệt của món xôi nơi đây là người bán sẽ dùng bánh phồng cuộn bên ngoài để giữ chặt xôi và ăn ngon miệng hơn. Sự trộn lẫn tất cả hương vị này đã tạo nên nét độc đáo riêng của món xôi Hà Tiên.
Ẩm thực miền Tây nói chung và ẩm thực Hà Tiên không cầu kỳ nhưng vẫn có sức thu hút và luôn khiến du khách phải nhớ mãi hương vị mà mình đã có dịp thử qua. Những món ăn trên luôn hấp dẫn du khách bởi sự giản dị, mộc mạc vốn có. Vùng đất Hà Tiên xinh đẹp này còn rất nhiều món ngon để thực khách có thể đến thưởng thức và khám phá.
Theo ngoisao.net

Trứng lộn kiểu Huế

Lần đầu tiên ở phố, tôi bất ngờ bởi tiếng rao vào lúc nửa đêm: “Ai… trứng… lôôn … ”. Bộ ai giỡn hay sao, thằng bạn cùng phòng tủm tỉm, người ta bán trứng lộn đó, có thèm ăn không. Nói rồi hắn giải thích luôn, giọng phụ nữ không khỏe, nếu cứ đầy đủ mà rao “Ai ăn trứng vịt lộn không?” hẳn là ở hai bên con đường lớn ồn ào không ai nghe. Vậy nên, chỉ còn cách kéo dài và ngân vang âm cuối, càng vang, càng dài, càng tốt...
Trứng vịt lộn không phải là món ăn riêng có của người Huế, kiểu như bún bò. Thế nhưng người Huế có cách gọi tên, cách chế biến, cách ăn và cả cách bán nữa không giống bất kỳ nơi nào trên đất nước này. Đúng ra, “trứng vịt lộn” là cách gọi của người Hà Nội. Ở Sài Gòn gọi là “hột vịt lộn”, hay chuẩn hơn phải là “hột zịt lộn”. Còn người Huế mình thì ngắn gọn hơn cả, “trứng lộn”. “Trứng vịt lộn” ở Hà Nội được xem là một món ăn sáng, nhiều người chỉ cần xơi một hai quả, rồi làm thêm ly rượu nhỏ là có thể yên tâm đi làm. “Hột zịt lộn” là món ăn chơi cả ngày lẫn đêm của dân Sài Gòn. Còn người Huế, từ chiều muộn trở đi đến đêm khuya mới bán và ăn trứng lộn.
Tầm này, Huế đang vào đông. Đây cũng là thời điểm món trứng lộn trở nên khoái khẩu. Bạn bè đi chơi khuya, đãi nhau, chia tay nhau bằng quả trứng. Vợ thương chồng, mạ thương con, thè thẹ đi mua vài quả trứng lộn mời nhau. Buổi tối có công việc phải thức khuya cần bồi bổ, không có gì ngon và ấm áp bằng được ăn trứng vịt lộn. Có thể ngồi nhà đợi tiếng rao, cũng có thể xuống phố. Xa xa thấy có cây đèn dầu và dáng người ngồi bên chiếc thúng, đích thị đó là hàng vịt lộn trong đêm. Nó ít thấy ở Hà Nội hay Sài Gòn, trứng vịt lộn thường hay bán ở trong các quán.
Kiểu bán khác nên cách ăn cũng thật đặc biệt. Người Hà Nội đập trứng sẵn ra chén, sau đó thêm vài cọng rau răm, bỏ vào tí bột canh, vắt thêm chút nước từ trái quất. Ăn “hột zịt lộn” kiểu Sài Gòn có vẻ thanh lịch hơn. Quả trứng được đặt trên một cái ly nhỏ bằng sứ, dùng chiếc muỗng nhỏ xinh đập ở đầu trứng phía trên, bóc vỏ không quá lớn, không quá nhỏ và dùng muỗng xúc đến khi nào hết. Ăn xong trứng vì thế mà có khi lớp vỏ vẫn như còn nguyên.
Huế mình không như thế. Nhận quả trứng từ người bán hàng là khẻ nhẹ một cái, dùng tay bóc vỏ một ít ở đầu trứng, rồi húp nước “cái rột”, nghe thật đã. Trứng vịt lộn được để trong thúng có bao tải nên giữ được ấm.
Khi nước đã ngót thì bắt đầu ăn, ăn tới đâu mới bóc vỏ tiếp tới đó. Ăn trứng lộn với rau răm và gần đây có thêm loại chua ngọt, chấm với muối tiêu. Kiểu này tiện lợi, vừa ngon, vừa ấm, lại không tanh. Khi ăn xin mấy o, mấy mệ cho thêm tý muối, tý rau, chuyện trò chân tình, rôm rả nên càng thêm ngon miệng.
Giữa phố thị đèn điện sáng trưng, cái lạ của người bán trứng lộn xứ Huế là đã không bỏ quên cây đèn dầu tù mù. Có người bảo, ăn trứng vịt lộn phải tôi tối thế mới hay, còn không đập quả trứng ra thấy rõ hình dáng con vịt cùng bộ lông đen sì, kẻ yếu bóng vía không tài nào nhai được, mất khách như chơi. Cây đèn còn dùng để soi và chọn trứng ngon, trứng tốt cho khách. Cái thúng trứng lộn rồi cũng được bán hết thế nhưng nhìn mệ bán trứng cứ soi soi, chọn chọn, lấy ra, bỏ vào trông thật căng thẳng, người ăn cảm thấy bà chủ như đang ưu tiên cho riêng mình, ăn quả trứng lại càng thấy ngon và ấm áp hơn nhiều. Ấy cũng cái mẹo dễ thương của người bán trứng lộn xứ Huế.


Theo Đan Duy/ Báo Thừa Thiên- Huế

Bánh Péng Rày, đặc sản ở Thái Nguyên

Bánh “Péng rày” được làm từ trứng kiến của đồng bào Định Hóa – Thái Nguyên. Bánh có hương vị thơm ngon, không lẫn với hương vị của bất cứ loại bánh nào và trở thành món ẩm thực trong nét đẹp văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng báo dân tộc Tày ở Thái Nguyên.
Hằng năm vào dịp cuối xuân, đầu hạ bà con dân tộc Tày ở Định Hóa lại vào rừng để lấy trứng kiến về làm bánh. Trứng kiến được lấy là loại loại kiến đen, có thân nhỏ, đuôi nhọn mà người Tày thường gọi là “tua rày”. Loại kiến này thường làm tổ trên cây vầu, cây găng, cây xoan… Một tổ kiến to có thể lấy được vài ba chén trứng. Trứng kiến có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, căng mọng. khi lấy về được nhặt, sẩy cẩn thận cho hết vỏ kiến, tạp chất, rửa sạch, để ráo. Sau đó, bắc một chiếc chảo lên bếp, phi thơm hành với mỡ, cho trứng kiến vào rang kỹ cùng với thịt ba chỉ băm nhỏ và một chút lá kiệu hay lá hẹ cho đến khi trứng và thịt chuyển màu vàng sậm, thơm lừng thì nhấc xuống để nguội rồi trộn đều với vừng hoặc lạc rang giã nhỏ để làm nhân bánh.
Còn vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp. Bột có thể là bột khô hoặc bột ướt nhưng theo kinh nghiệm của người làm bánh thì bánh làm từ bột ướt sẽ mềm dẻo hơn, ngon hơn. Để bánh không dính, người ta thường trộn thêm một chút bột tẻ vào bột nếp. Sau khi bột ráo nước được nhào thật mịn cùng với một chút bột canh, mỳ chính. Một thứ nguyên liệu khác cũng rất quan trọng khi làm món bánh trứng kiến là lá cây vả, tiếng Tày là “bâu nỏa”, một loại cây mọc hoang trong rừng, to như lá khoai môn. Chọn lá vả để làm bánh phải chọn lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Vì lá non quá khi hấp bánh chín thì lá nát không cầm được bánh, còn nếu lá già quá thì khi ăn, bánh sẽ bị dai và không còn vị thơm, bùi của lá. Lá vả rửa sạch, bỏ phần gân lá ở mặt dưới rồi trải bột lên đó với độ dày vừa phải.
Tiếp đến, rải đều trứng kiến lên trên lớp bột và gập đôi chiếc lá lại, người cẩn thận thì bọc thêm một lớp lá vả ở bên ngoài rồi dùng dây buộc lại, đem hấp cách thủy chừng 30 – 40 phút là chín. Khi bánh chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải, đẹp mắt.
Bánh trứng kiến với hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể ăn nóng hay nguội tùy ý, mỗi lúc đều có vị ngon riêng. Khi ăn bánh, người ta ăn cả phần lá vả. Bánh có vị thơm ngon rất lạ, vừa có độ dẻo, thơm của bột nếp lại có vị bùi của lá vả, đặc biệt là vị béo béo, ngậy ngậy của nhân bánh được làm từ trứng kiến. Một số người đã ăn bánh trứng kiến nhiều lần thường thích ăn những chiếc bánh mà nhân chỉ có trứng kiến với hành khô phi thơm, không trộn thêm các nguyên liệu khác.
Tuy nhiên ngày nay người làm còn trộn thêm thịt ba chỉ, lá kiệu, vừng, lạc…, một phần vì trứng kiến ngày nay khan hiếm và những nguyên liệu thêm mới còn làm cho chiếc bánh béo ngậy, nhiều hương vị hơn và với những người có cơ địa dị ứng với một số loại ấu trùng như nhộng ong, nhộng tằm… thì khả năng bị dị ứng thấp hơn.
Bánh trứng kiến cùng với bánh cooc mò, bánh ngải, những loại bánh mang đậm chất núi rừng đã trở thành một thứ đặc sản không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết của dân tộc Tày vùng Định Hóá và từ lâu nó trở thành món quà của du khách khi đến thăm Thái Nguyên trở về, ai cũng cố gắng mua cho mình vột vài tấm bánh Péng rày về cho người thân thưởng thức hương vị mới lạ của núi rừng Việt Bắc…


Theo Mai Sinh/ Báo Du Lịch

Lạ miệng sò bi

Tuy hơi “xấu mã” nhưng phần ruột lại rất thơm ngon, đậm đà, phù hợp nấu canh hoặc làm món nhậu là những gì mà thực khách cảm nhận về món sò bi mà ngư dân đảo Cô Tô hay bắt được thời điểm này.
Sò bi hấp - món ngon khoái khẩu cho thực khách.
Sò bi thuộc nhuyễn thể hai mảnh vỏ, phân bố tương đối phổ biến ở vùng biển Cô Tô. Đây là loài hải sản mới được ngư dân quan tâm khai thác thời gian gần đây. Sò bi là cách gọi của ngư dân địa phương bởi nhìn bề ngoài, loài nhuyễn thể này có những vằn hoặc hoa văn đen, đều nhau kéo dài cho tới mép vỏ trông giống như vỏ nghêu, ngao biển... Ngoài ra, phần thân phình to thành một khối tròn, nhẵn như viên bi. Vì đó mà ngư dân đi biển hay gọi loài hải sản này là sò bi.
“Sò bi là hải sản ngon nhưng khó đánh bắt. Môi trường sống của sò bi là nằm sâu trong cát, chúng ăn phù du, vi sinh vật... Những nơi có thể tìm thấy sò bi là các bãi cát, cồn hoặc các khu vực bãi đá, rạn đá ngập nước ở khu vực lạch hòn Sư Tử, đảo Cô Tô con... Để bắt được sò bi, cần tinh mắt phát hiện lỗ hoặc tăm quanh tổ, rồi lấy một dụng cụ như thanh sắt dài, nhọn đầu để bắt. Nhiều bãi ngập sâu, ngư dân phải đeo kính lặn, bình dưỡng khí để tìm” - Anh Nguyễn Văn Hùng, ngư dân ở thị trấn Cô Tô, có nhiều năm kinh nghiệm đánh bắt sò bi chia sẻ.
Mặc dù vỏ cứng, vằn đen, trông khá “xấu mã” nhưng sò bi lại là món ngon, khoái khẩu của không ít thực khách sành ăn. Sò bi có quanh năm nhưng nhiều và ngon nhất vẫn là dịp cuối hè, sang đông. Theo anh Hùng, việc chế biến sò bi cũng không quá cầu kỳ. Sò bi sống ở môi trường sạch, nước trong nên không cần phải sơ chế hoặc ngâm nước trước khi chế biến. Sò bi ngọt thịt, vị đậm đà nên là nguyên liệu tuyệt vời để nấu canh rau muống, rau cải. Ngoài ra, sò bi có thể bỏ vào hấp hoặc luộc với xả, ớt... Đây là cách phổ biến nhất mà ngư dân, các nhà hàng hay chế biến mà giữ nguyên được hương vị của món ăn. Tuy nhiên, điều lưu ý nhất là khi chế biến cần căn thời gian vừa đủ, trong vòng 3-5 phút cho tới khi miệng sò vừa hé thì phải dừng lửa ngay. Không nên hấp hoặc luộc kỹ bởi sẽ làm thịt sò bi săn lại, dai, ăn mất ngon.
Sò bi nguyên con vừa chín tới, thịt trắng, dòn, ngọt đưa lên đĩa, thực khách khéo léo tách đôi vỏ, lấy phần ruột, húp phần nước còn nóng hổi đọng lại... nhấp chén rượu, bia thì thật là thú vị.
Theo Baoquangninh.com.vn

Vị ngọt món cá sông Đà hấp cam

Mảnh đất Cao Phong, nơi có con dốc Cun hiểm trở, quanh co tựa như thử thách đầu tiên vào cửa ngõ miền Tây Bắc lâu nay được biết đến với thứ cam nức tiếng.
Giống cam bưng trái không lớn, không ngọt lịm nhưng mang đậm hương vị hoang dã và thuần Việt. Nhưng, độc đáo ở chỗ, hương vị của cam bưng còn được hòa quyện với những con cá chép sông Đà tạo nên món cá hấp cam đặc biệt hấp dẫn.
Chúng tôi thật may mắn khi được ngắm nghía chú cá chép sông Đà vừa được câu lên còn tương nguyên. Anh đem cá ra giếng nước mổ, bỏ nội tạng, rửa sạch. Cá được giữ nguyên chứ không cắt khúc, đánh bong hết vẩy.   Sau đó, anh dùng dao khía những rãnh trên mình cá để ngấm gia vị và để cá nhanh chín.
Nhưng công phu nhất là công đoạn ướp cá. Cá được ướp với muỗng café  mắm, muối, gừng, hành thái nhỏ, ớt, đường… Chị chủ nhà lấy những trái cam tươi thái mỏng, lát đều dưới đáy vỉ hấp cá. Trên mình cá cũng rắc một lớp gia vị phủ kín. Anh chủ nhà vắt cam vào bát, đổ nước cam lên mình cá để tăng thêm vị ngọt.
Cá chín, được  vớt ra đặt lên chiếc mâm bằng lá chuối xanh biếc. Xung quanh được tô điểm thêm màu xanh của lá cam thơm, màu đỏ của những lát cà chua tươi. Nhìn món ăn hấp dẫn, gắp miếng cá thơm ngọt ngào và tận hưởng không khí bình yên của nơi đất lành quả ngọt này.
Theo danviet.vn

"Đặc sản" mùa gió chướng

(HQ Online)- Khi những cơn mưa thưa dần, tạm biệt ruộng đồng thì miền Tây đón mùa gió chướng. Khoảng tháng 10 âm lịch, gió bắt vờn mặt sông, đùa sột soạt trên mái lá cũng là lúc những món ngon mùa gió chướng có mặt trên bữa cơm gia đình khắp miền sông nước.
Canh chua bông so đũa
Mùa này, những hàng cây so đũa dọc bờ kênh bắt đầu thả những chùm bông trắng đong đưa trong gió. Mùa gió chướng gắn với mùa bông so đũa. Đây được xem là “rau” đặc sản chỉ có ở miền Tây.
Bông so đũa ngon nhất khi nấu canh chua. Khi người lớn đi săn cá bông lau ở các cửa sông hay đào hang bắt cá trê trắng hoặc đi tát đìa thì trẻ con cũng rộn ràng bên hàng cây so đũa. Con nít vốn thích trèo cây nên chỉ cần người lớn gật đầu là đám trẻ con nhanh như sóc, trèo lên hái bông so đũa ríu rít như những chú chim non.
Bông so đũa đem về nhặt bỏ phần bao xanh ở đầu cuốn, bỏ khúc nhụy vàng ở đầu bông rồi rữa sạch. Cá bông lau, cá trê  được làm sạch hoặc tép là nguyên liệu chính để nồi canh chua bông so đũa thêm hấp dẫn. 
Canh chua bông so đũa có thể nấu me, nấu xoài non, nấu bằng trái bần để  tạo vị chua. Mỗi loại có một vị chua khác nhau tùy thích của mỗi người.
Quây quần bên nồi canh chua bông so đũa mùa gió chướng, cả gia đình rộn ràng cho những ngày tết cận kề.
Mùa gió chướng còn gắn liền với mùa hoa đậu rồng. Sắc tím của hoa đậu rồng sẽ nở rộ và kết trái khi trời chuyển sang se se lạnh.
Đậu rồng xào thịt
Trên đường về miền Tây mùa này, bạn  dễ dàng bắt gặp giàn đậu rồng trước hiên nhà ai lao xao đầy bông tím. Những bông nở trước đã kết trái như những chú rồng con nép mình trong tàn lá.
Còn trái đậu rồng có thể  ăn sống, chấm với mắm kho, thịt kho. Trái đậu rồng có thể nấu canh chua hay xào với thịt các loại đều ngon.
Cũng mộc mạc,  chân quê nhưng bông lục bình mùa gió chướng thì có cái đẹp riêng. Dọc theo triền sông mùa này, bông lục bình đồng loạt trổ hoa. Hoa lục bình được người miền Tây ăn sống chấm với mắm kho, thịt kho hay nấu canh chua như đậu rồng.
Bông lục bình
Trong ký ức của người miền Tây xa quê, những món ăn trong mùa gió chướng khó khai mờ. Đây là món ăn rất đỗi thân quen, bình dị nhưng nó đã trở thành đặc sản của những đứa con xa nhà và cả những người yêu thích miền Tây.
Khắp các chợ tại Sài Gòn, hầu như bạn dễ dàng tìm cho mình một rổ bông so đũa, một bó đậu rồng, bông lục bình để chế biến các món ăn.
Nhưng có cố gắng thế nào, bạn sẽ vẫn cảm thấy thiếu gì rất quen. Đúng vậy, bạn đang thiếu gió chướng lùa qua trước hiên nhà trong bữa cơm chiều trong ký ức.
Đăng Nguyên

5 món đặc sản dân dã ở Bến Tre

Bì cuốn, bánh canh bột xắt hay cháo cua đồng là những món ngon hiếm hoi chỉ có ở đất ba cù lao.
Món chuối đập làm nức lòng thực khách.
Bến Tre là nơi sản sinh ra những món ăn đặc trưng của đất Tây Nam Bộ. Tuy dung dị nhưng sự căng tràn phóng khoáng đã được gửi gắm vào từng món ăn dân dã như chính bản tính con người nơi đây.
Chuối đập
Món ăn vô cùng đặc trưng của xứ dừa này không những là món khoái khẩu của các cô cậu thích ăn vặt mà còn là nỗi nhớ nhung của những người xa quê. Chuối đập khá khó tìm, thường chỉ bán ở những hàng gánh rong ngoài lề đường.
Món này cũng có thể tự làm ở nhà chỉ với một nải chuối và lò nướng. Chuối được lựa chọn phải là chuối Xiêm vỏ còn xanh vừa chuyển vàng, người miền Tây hay gọi là “chín hường hường”. Nếu lựa chuối chín quá thì nướng lên bị nhão, không ngon. Một trái chuối cắt dọc rồi bỏ lên lửa than, nướng chừng 5 phút cho vừa ráo nước rồi đem xuống, bỏ vào “khuôn” có thể là một chiếc túi nilon rồi đập dẹp. Sau đó bỏ chuối lên nướng tiếp, lật liên tục để không bị khét cho đến khi màu chuối từ trắng đục chuyển sang vàng ngà, chuối đạt độ xốp nhất định, sờ vào thấy giòn thì lấy xuống.
Nước cốt dừa đun lên cho đến khi đặc quánh, thêm chút hành xắt để không ngấy là đã có ngay nước cốt để chấm với chuối đập rồi. Đây là món ăn chơi, mỗi đĩa bưng ra gần 10 lát mà giá chưa tới 5.000 đồng. Những ngày mưa lành lạnh, núp dưới mái dù của quán ven đường nào đó, bóc từng miếng chuối vừa giòn trên bếp xuống rồi xì xụp húp nước cốt tới muỗng cuối cùng.
Địa điểm gợi ý: Gánh chuối đập bên bờ hồ Trúc Giang, trước cổng bệnh viện Thị Xã, Bến Tre.
Bì cuốn
Miền Tây là xứ của các món cuốn. Bì cuốn cũng là tinh túy nằm một trong số đó. Món ngon vặt miền Tây này được chính xứ sở sản sinh ra nó đưa lên hàng đặc sản. Ngoài những thành phần phụ trợ cơ bản như rau, bún, thì bì cuốn không có thịt với tôm mà cuốn bằng “bì” – hỗn hợp của thịt ba rọi với da heo cắt nhỏ.
Thịt ba rọi tách da rồi quay trên chảo, nêm nếm gia vị cho đến khi thịt chuyển màu vàng ngà rồi bắt xuống cắt đoạn nhỏ. Da luộc riêng rồi thái mỏng thành đoạn dài chừng 5 cm. Cũng có thể dùng tai heo để biến tấu thêm. Sau đó trộn hai thành phần trên lại rồi nêm nếm gia vị thêm một lần nữa cho vừa miệng, cho thịt sắc xuống đậm đà hơn.
/
Bì cuốn không dùng thịt hay tôm làm dùng bì - hỗn hợp thịt ba rọi với da heo cắt nhỏ.
Một thành  phần nhỏ quyết định gần như là “bản sắc” của món ăn này chính là thính. Để làm thính, phải dùng gạo rang lên cho đến khi cháy vàng rồi bỏ vào cối xay tiêu xay nhuyễn ra. Sau đó trộn thính chung với hỗn hợp thịt da ở trên làm cho bì không bị ngấy mỡ mà vẫn rất dễ ăn.
Để hỗn hợp thấm đều gia vị khoảng 15 phút rồi có thể chế biến món ăn ngay. Bánh tráng nem trải ra, bỏ nhúm bún, mấy cọng rau xắt nhỏ, một muỗng bì chấm nước mắm tỏi ớt thì không còn gì bằng. Ngoài bì cuốn, phần bì trên còn có thể làm món bún bì.
Địa điểm gợi ý: Tiệm bì cuốn gia truyền của bà Hai bên hông chợ Bến Tre.
Bánh canh bột xắt
Miền Tây là xứ sở của bánh canh bột xắt, những vùng khác còn gọi là bánh canh bột gạo. Tựu chung, nguyên liệu chính của món bánh canh này là bột gạo, tùy vào cách chế biến mà có tên gọi khác nhau. Để làm bánh canh bột xắt, người nấu phải cán bột ra thớt rồi xắt từng thanh mỏng bỏ vào nồi nên có tên gọi là bánh canh bột xắt.
/
Nước lèo trắng đục khiến bánh canh bột xắt không thể lẫn với bất kỳ món nào khác.
Bánh canh bột xắt thường là bánh canh vịt chấm với nước mắm gừng. Nhiều nơi người nấu cho tép non hay tôm khô vào để nước ngọt hơn. Thứ nước lèo trắng đục do bột gạo tạo nên làm cho bánh canh bột xắt khó mà lẫn được với các loại khác. Ở Sài Gòn và một số tỉnh thành khác cũng có phổ biến món này nhưng thưa thớt. Khi ăn bánh canh bột xắt ở Bến Tre, đừng quên kêu thêm chén huyết nếp béo ngậy.
Địa điểm gợi ý: Dưới chân cầu Cá Lóc, phường 8, Bến Tre.
Cháo cua đồng
Về xứ ruộng mà không ăn cua đồng thì coi như chưa về ruộng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long ruộng lúa bao la, cua đồng là sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân miệt ruộng. Cháo cua đồng phải nấu trong nồi đất mới bài bản, theo như cách của lưu dân phương Nam từ xưa tới đây đã biết cách dùng nồi đất nấu nướng để giữ nguyên hương vị của món ăn.
/
Cháo cua đồng phải được nấu trong nồi đất để giữ hương vị đặc trưng của món ăn.
Cua đồng tách vỏ lấy gạch để nấu nước dùng, còn phần cua xay nhuyễn làm riêu cua. Cách làm này chắc hẳn không còn xa lạ với nhiều người dù ở Bắc hay Nam. Trong nồi cháo cua đồng ở Bến Tre, người ta thường cho cá, thịt, nấm, trứng vịt lộn, tôm. Quyết định cháo cua đồng ngon hay dở là ở rau ăn kèm. Cháo thường cùng rau đắng, ngắt đọt non bỏ vào nồi để vị đắng của rau át vị tanh của cá, cua. Thi thoảng, những ngày mát trời người ta còn bưng ra cho rổ rau đắng nhưng mát. Để tăng độ ngọt cho nồi cháo, rổ rau ăn kèm còn có mướp hương, mồng tơi, rau ngót, kèo nèo, bông bí, bông thiên lý tùy mùa.
Địa điểm gợi ý: Dãy các quán ăn trên đường tránh quốc lộ 60, thành phố Bến Tre.
Bánh xèo ốc gạo
Bánh xèo không còn là món xa lạ với người Nam Bộ nhưng bánh xèo ốc gạo lại là món đặc sản của cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách - Bến Tre). Cồn này là một trong những nơi hiếm hoi ở miền Tây có số lượng sinh sản của ốc gạo đông đảo nhất. Hàng năm, ốc gạo sinh sôi nhiều nhất vào tháng 4-5 âm lịch, nhưng con ốc gạo đạt đỉnh điểm về số lượng phải vào Tết Đoan Ngọ.
/
Bánh xèo ốc gạo là món đặc sản của cồn Phú Đa, Chợ Lách, Bến Tre
Vào dịp này, khách du lịch các nơi đổ về để thưởng thức các món ngon làm từ ốc gạo. Loại ốc này có thể chế biến thành hàng chục món, từ luộc hấp đơn giản nhất đến bóp gỏi, xúc bánh xèo, chiên xào đủ loại. Trong đó, bánh xèo vẫn là món thông dụng và tiêu biểu nhất. Thay vì những nguyên liệu thông thường như tôm thịt, nấm mối, thì người ta có thể gắp miếng bánh, xúc muỗng nhân, bỏ vài cọng rau, miếng dưa chua rồi cuốn hết trong lá cách. Chấm nguyên cuộn bánh vô chén nước mắm tỏi ớt, con ốc gạo ăn sần sật ngòn ngọt cứ khiến người ta muốn làm thêm cuốn nữa.
Địa điểm gợi ý: Cồn Phú Đa, Chợ Lách, Bến Tre.
Theo vnexpress.net

'Ai bánh canh cá thởn đây!'

Về vùng biển Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang- Thừa Thiên Huế), nhiều người tỏ ra thích thú với món bánh canh cá thởn (cá mối, cá thửng) đậm đà, thơm ngon mà lạ miệng.
Nhiều người ấn tượng với món bánh canh cá thởn ngon mà lạ 
Trưa hè, khi đang ngồi uống nước bên gốc bàng mát rượi ở thị trấn Thuận An, tình cờ bắt gặp chị Nguyễn Thị Hoa (43 tuổi, trú thôn Hải Tiến) gánh hàng rong vừa đi vừa rao: “Ai bánh canh cá thởn đây!”. Tiếng rao lạ ấy đã thôi thúc tôi một lần được khám phá món ăn dân dã của người dân xứ biển. Trong chốc lát, trên bàn là những tô bánh canh nóng hổi với bột gạo và chả cá thởn nổi phía trên. Từng viên chả cá nhỏ, dai, mềm, khi ăn có hương vị tự nhiên chính là điểm hấp dẫn tạo nên sự khác biệt cho món ăn bình dị chỉ với mười nghìn đồng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Ngọc Gia - người có hàng chục năm sinh sống ở Thuận An chia sẻ, giống như bánh canh cá lóc Thủy Dương, bánh canh Nam Phổ… bánh canh cá thởn vùng biển Thuận An là một nét ẩm thực độc đáo, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân miền biển. Sở dĩ món bánh canh này thường được bán vào lúc trưa đến chiều là để phục vụ một bộ phận ngư dân sau chuyến đi biển về. Hoặc là bữa ăn lỡ dành cho người lao động. Theo nhiều người ở đây, món ăn dân dã này đã gắn bó từ rất lâu và họ cũng không nhớ rõ nó xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng, qua năm tháng, ngoài thịt cá thởn, các loại gia vị, nguyên liệu nấu món này cũng có ít nhiều thay đổi cho phù hợp với khẩu vị. 
Chị Hoa cho biết, khoảng 14h chiều hàng ngày, khi những chiếc thuyền đánh cá cập bến, chị cùng nhiều phụ nữ bán bánh canh khác lại tìm mua loại cá thởn tươi ngon về làm chả cho gánh bánh canh. Cá thởn sau khi mua về bỏ đầu, làm vảy và rửa sạch, sau đó úp bụng cá xuống rồi dùng chày chần đều trên lưng cá và dùng muỗng để nạo từ xương sống. Gia vị gồm đường, muối, tỏi và hạt tiêu đập dập (nếu xay sẽ không ngon). Cho cá và gia vị vào cối giã tay liên tục cho tới khi cả thịt và xương đều nhuyễn hết thì chả mới dai, ngon. Bắc chảo dầu lên, viên từng hạt chả nhỏ cho vào đến khi lớp da bên ngoài vàng, vừa giòn là được. Cách chế biến nước dùng cũng rất quan trọng, để giữ hương vị đậm đà món đặc sản miền biển này bắt buộc phải có “nước cốt” được hầm từ xương cá thởn. Ngoài ra, người nấu thường sử dụng thêm xương bò, xương heo và tôm ninh nhừ tạo nên vị thanh, ngọt.  
Phải ăn mới “thấu” được vị ngon từ món ăn bình dân xứ biển. Bánh canh chả cá thởn Thuận An có hai loại, bánh canh sợi bột gạo và bánh canh sợi bột mì. Bánh canh cá thởn được ăn kèm với giá sống, rau thơm... Hiện, ở Thuận An và Phú Thuận có khoảng 6-8 người thường xuyên bán rong món bánh canh này.
Theo Thái Bình/ Báo Thừa Thiên- Huế

Rừng sa mu di sản khổng lồ ở biên giới Việt - Lào

56 cây sa mu dầu và 5 cây phay sừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong, Nghệ An) vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là cây di sản. Trong số này có những gốc đường kính 3,7m, cao 60m.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có 85.200 ha nằm trên địa bàn 9 xã của huyện Quế Phong. Đây là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An có diện tích rừng nguyên sinh lớn, độ đa dạng sinh học cao. Tại khu bảo tồn này quần thể cây sa mu dầu phân bố trong những cánh rừng tự nhiên hùng vĩ chạy dọc biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn 3 xã Nậm Giải, Hạnh Dịch, Tri Lễ cao 1.200 - 1.800m so với mực nước biển. 
 
Quần thể sa mu dầu được chia thành 7 khu vực với số lượng cây lên đến hàng nghìn, trong đó có 56 cây sa mu dầu vừa được vinh danh cây di sản Việt Nam.
 
Cây có đường kính lớn nhất là 3,7m, chiều cao 60m. Còn lại đường kính bình quân 2m; cao gần 50m. Tuổi đời của những cây này lên đến hàng nghìn năm.
 
Một gốc sa mu có đường kính 3,7m. Phải nhiều người nối tay nhau ôm mới xuể.
 
Để tới được vị trí những cây sa mu khổng lồ phải mất 6-7 giờ đi bộ đường rừng, trời mưa gió thì mất cả ngày.
 
 
Sa mu dầu thuộc nhóm 1A (loài thực vật quý hiếm) là loại gỗ có vân thớ đẹp, dễ chế biến gia công và đặc biệt có khả năng chịu nắng mưa rất tốt. Gỗ toát ra một mùi thơm dìu dịu, có tinh dầu xua đuổi ruồi muỗi...
 
Samu dầu không chỉ tượng trưng cho thực vật Pù Hoạt, hay khu dự trữ sinh quyển miền tây, mà là biểu tượng cho thực vật của giải Trường Sơn Bắc, của hệ thực vật Việt Nam. Những loài cây này không chỉ có giá trị về mặt khoa học, giá trị về nguồn gen, các giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị lớn lao hơn đó là các giá trị về mặt văn hóa.
 
Cùng với 56 cây sa mu dầu, 5 cây phay sừng trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng được vinh danh là cây di sản. Những cây này phân bố ở độ cao khoảng 850m so với mực nước biển.
 
Phay sừng là loài cây thân gỗ lớn, thẳng tròn, cao trên 30m, có những cây tới 50-60 m, đường kính có thể lớn hơn 2m, gốc cây có bạnh vè.
 
Gốc phay sừng cổ thụ có đường kính hơn 2m nằm lọt thỏm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, chính quyền huyện Quế Phong gắn biển. Tại buổi lễ vinh danh chiều 28/11, Hội đề nghị khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và nhà chức trách Nghệ An có biện pháp chăm sóc các cây di sản, tránh bị xâm hại.
 
Hải Bình