Lê Thái Dũng
Trong chiến thắng oai hùng trước quân Nguyên Mông xâm lược thời Trần có vai trò quan trọng của lực lượng thủy binh, đặc biệt là đội quân "đặc công nước".
Tuy nhiên, ngoài kình ngư số 1 nổi tiếng nhất trong lịch sử là Yết Kiêu thì có nhiều người không thua kém về tài bơi lặn lại chỉ được sử sách nhắc đến thoáng qua hoặc chỉ được lưu lại tên tuổi ở một số vùng miền nơi thôn dã.
Sang đến đời Trần, thủy quân được phát triển lên một tầm mới; Chiến thuyền thời Trần có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau, hoạt động hiệu quả nhất phải kể đến thuyền Châu Kiều, thuyền Đinh Sắt, thuyền Cổ lâu (còn gọi là Trung tàu tải lương)… với thủy thủ gọi là "trạo nhi" xuất thân từ những người dân vốn quen với sông nước, rất giỏi bơi lội và thủy chiến.
Người đời thường nhắc nhiều đến Yết Kiêu với tài bơi lặn và chiến công đục chìm thuyền giặc. Tuy nhiên Yết Kiêu không phải là người duy nhất thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này mà còn có nhiều người khác tài năng không thua kém, dưới đây là một số nhân vật tiêu biểu:
1. Hoàng Ngọc Liêu (tên khác là Hoàng Tá Thốn)
Quê ở làng Văn Tràng, (nay thuộc xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Mồ côi cha từ nhỏ, thường đi đánh cá ở sông Bằng để nuôi mẹ. Ông là người khỏe mạnh, là đô vật giỏi nhất vùng, lại có tài bơi lội không ai bì được.
Truyền rằng Hoàng Ngọc Liêu có thể lặn dưới nước hàng giờ, mỗi khi lặn thường ngậm 5 sợi mây dài, lặn xuống bắt cá xâu chặt 5 sợi mây rồi mới ngoi lên mặt nước. Khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, Hoàng Ngọc Liêu lên đường tòng quân, vì có tài bơi lặn nên được xung vào đội thủy quân dưới quyền chỉ huy của Yết Kiêu.
Ông thường lặn xuống nước đục thuyền giặc với cách rất đặc biệt, đục xong lỗ nào lại lấy giẻ nút lại, được bốn năm lỗ rồi mới cùng lúc kéo các nút dẻ ra làm nước ộc nhanh vào thuyền, quân giặc không thể bịt lại kịp, thuyền đắm rất nhanh.
Do lập nhiều công trạng trong hai quốc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, nhất là trận chiến trên sông Bạch Đằng nên Hoàng Ngọc Liêu được vua Trần phong cho tước hầu, cử làm quan trấn giữ cửa Vích ở châu Diễn.
Khi ông mất, triều đình cho lập đền thờ, phong là "Sát hải đại tướng quân", nhiều nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có đền thờ ông
2. Trương Long
Quê ở phường thủy cơ Bố Hải Khẩu, phủ Kiến Xương (nay là phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) từ nhỏ đã nổi tiếng là người có sức khỏe, bơi lội giỏi, lại am tường kinh sách. Khi vua Trần tuyển chọn người tài, Trương Long ứng thí được chấm đỗ, vua Trần Thánh Tông thấy ông có tài mới ban cho chức Đô đài.
Đến đời Trần Nhân Tông, quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược, Trần Hưng Đạo được phong làm Tiết chế thống lĩnh quân sự, Trương Long tình nguyện theo quân đi đánh giặc, ông được lệnh đem quân bản bộ về Sơn Nam đề phòng mặt biển, đóng đồn ở Phú Gia (nay thuộc xã Mỹ Lộc, TP Nam Định).
Tại đây, Trương Long được một cụ già bày cách lặn xuống sông đục thuyền giặc, làm chúng thiệt hại, sợ hãi mà phải lui binh (tương truyền cụ già là do thủy thần biển Nam hóa thân giúp nước).
Theo kế sách đó, Trương Long đã lập ra một đội quân chuyên đục thuyền giặc do đích thân ông chỉ huy. Trong trận chiến Bạch Đằng lịch sử diễn ra vào tháng 3 năm Mậu Tý (1288), Trương Long lập công lớn, được phong làm Hiển Hựu hầu.
3. Hoàng Minh
Quê ở trang Vạn Phấn, huyện Thụy Anh, phủ Long Hưng (nay là thôn Phấn Vũ, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, Thái Bình). Tương truyền trước khi sinh, mẹ ông ra gánh nước, thấy một con trâu trắng đầm mình dưới nước mới dùng đòn gánh đánh đuổi, trâu liền lặn xuống nước. Khi xem lại, bà thấy trên đầu đòn gánh dính mấy sợi lông trâu tỏa mùi thơm, bèn giữ trong người.
Hoàng Minh là người khỏe mạnh, vạm vỡ, có tài bơi lặn trên mặt nước như người chạy trên bộ, lại có thể lặn sâu hàng giờ, mò được nhiều trai ngọc, tôm cá… Dân làng cho rằng chàng là con thủy thần thác sinh.
Khi Trần Hưng Đạo vâng lệnh vua Trần chiêu mộ lực lượng đánh giặc, Hoàng Minh đến đầu quân, tự xưng có tài bơi lội. Khi thử tài, biết ông là người linh dị, vua Trần Nhân Tông phong làm thuộc tướng, cho hầu Trần Hưng Đạo việc binh nhung.
Từ đấy, nơi nào có đồn thủy quân của giặc, Hoàng Minh đều tới thám thính, lại đêm đêm lặn xuống nước đục thuyền giặc. Đặc biệt ở trận Đại Bàng (cửa biển thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình ngày nay), ông đã dẫn một số lính lặn đục làm chìm nhiều chiến thuyền của giặc.
Theo chính sử, trận này diễn ra vào ngày mồng 8 tháng giêng năm Mậu Tý (1288): "Mùa xuân, tháng giêng, Ô Mã Nhi đánh vào phủ Long Hưng. Ngày mồng 8, quan quân họp đánh ở ngoài biển Đại Bàng, bắt được 300 chiến thuyền đi tuần của giặc và chém được 10 thủ cấp. Quân Nguyên bị chết đuối rất nhiều" (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sau khi giặc tan, xét công ban thưởng, Hoàng Minh được triều đình phong chức ban thưởng nhiều vàng bạc. Đến khi ông mất, vua Trần sai lập đền thờ phong làm Đại vương, trung đẳng thần.
4. Đỗ Hành
Sinh ra ở hương Cổ Hoằng, lộ Thanh Hoa (nay là thôn Nhân Mỹ, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhưng cũng có sách viết ông ở Tràng Kênh, lộ Hải Đông (nay thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Bấy giờ nghe lệnh vua truyền cho cả nước tích trữ lương thảo, chuẩn bị vũ khí để chống giặc khi quân Nguyên Mông đang lăm le tràn sang nước ta; Đỗ Hành đã dốc sản nghiệp, bỏ tiền gạo ra chiêu tập tráng đinh, rèn đúc gươm giáo, tập luyện võ nghệ.
Cuối năm Đinh Tị (1257) khi giặc kéo vào nước ta, Đỗ Hành đem đội nghĩa dũng ra Thăng Long và tham gia chiến đấu chống giặc.
Sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, vì có công đánh giặc, Đỗ Hành được vào chỉ huy quân túc vệ bảo vệ vua và triều đình. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai, lúc này Đỗ Hành đang giữ chức Nội Minh Tự đã tham gia nhiều trận đánh, riêng trận Bạch Đằng vào tháng giêng năm Mậu Tý (1288), ông đã lập được đại công.
Khi ấy, Trần Hưng Đạo dùng kế đóng cọc nhọn dưới sông, dùng thuyền nhỏ nhử tàu chiến của giặc vào trận địa, đến khi nước thủy triều rút nhanh, thuyền giặc bị cọc đâm thủ, bị vướng cọc tắc nghẽn lại.
Thủy quân của ta tiến ra vây đánh, phục binh trên bờ dùng lao tre, cung nỏ bắn ra như mưa, giặc chết vô số; những tên liều mạng nhảy xuống nước liền bị quân ta dùng câu liêm móc lôi lên bắt sống.
Trong lúc hỗn chiến long trời lở đất ấy, Đỗ Hành chỉ huy toán quân bảo vệ thượng hoàng và nhà vua. Trên mũi thuyền, ông nhìn thấy một tên tướng giặc cao lớn, mặc áo giáp, đội mũ trụ, nhảy khỏi thuyền, đang ngụp lặn.
Vốn là người rất giỏi bơi lội, Đỗ Hành lập tức lao vút xuống sông, bơi tới túm đầu tên tướng giặc nhấn xuống, đến khi hắn uống no nước người mệt lả mới lôi hắn lên thuyền.
Tướng giặc bị Đỗ Hành bắt được chính là Ô Mã Nhi, tên tướng chỉ huy đạo quân xâm lược hung hãn. Cũng trong trận này, Đỗ Hành còn bắt thêm được một tướng giặc nữa là thân vương Tích Lệ Cơ Ngọc - một quý tộc cao cấp của nhà Nguyên. Dân gian có câu rằng:
"Hai tay tóm chặt hai tên,
Vừa bơi vừa dắt, lôi lên chiến thuyền".
Công trạng này được sử sách chép như sau: "…Quân Nguyên chết đuối rất nhiều. Bắt được hơn 400 chiếc thuyền đi tuần. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc dâng lên Thượng hoàng" (Đại Việt sử ký toàn thư).
Đến tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289) khi xét công đánh giặc, Đỗ Hành được phong chức Quan Nội hầu. Trong lịch sử, ở một trận đánh nổi tiếng với sự tham gia của nhiều danh tướng kiệt xuất, thế mà một viên tướng nhỏ như Đỗ Hành bắt được hai tướng đầu sỏ của giặc thì thật là hiếm thấy.
Ngoài Đỗ Hành, chúng ta cũng cần nhắc đến Nguyễn Khoái – vị tướng chỉ huy đội quân "Thánh Dực" cũng là một người bơi lặn giỏi. Hai ông tuy không trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ đục thuyền giặc nhưng đều được coi là 1 trong những con "cá kình" của nước ta đời nhà Trần.
Tài liệu tham khảo:
1. Bách thần sự tích – NXB Đại học Vinh, 2015
2. Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Văn hóa thông tin, 2006
3. Kế sách giữ nước thời Lý – Trần – NXB Chính trị quốc gia, 1995
4. Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tôn giáo triều Lý – NXB Hà Nội, 1996
5. Nghệ Tĩnh trong Tổ quốc Việt Nam – Ty giáo dục Nghệ An, 1975
6. Nữ thần và Thánh mẫu Thái Bình – NXB Thời đại, 2013
7. Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần – NXB Giáo dục, 2008
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét