Bánh “Péng rày” được làm từ trứng kiến của đồng bào Định Hóa – Thái Nguyên. Bánh có hương vị thơm ngon, không lẫn với hương vị của bất cứ loại bánh nào và trở thành món ẩm thực trong nét đẹp văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng báo dân tộc Tày ở Thái Nguyên.
Hằng năm vào dịp cuối xuân, đầu hạ bà con dân tộc Tày ở Định Hóa lại vào rừng để lấy trứng kiến về làm bánh. Trứng kiến được lấy là loại loại kiến đen, có thân nhỏ, đuôi nhọn mà người Tày thường gọi là “tua rày”. Loại kiến này thường làm tổ trên cây vầu, cây găng, cây xoan… Một tổ kiến to có thể lấy được vài ba chén trứng. Trứng kiến có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, căng mọng. khi lấy về được nhặt, sẩy cẩn thận cho hết vỏ kiến, tạp chất, rửa sạch, để ráo. Sau đó, bắc một chiếc chảo lên bếp, phi thơm hành với mỡ, cho trứng kiến vào rang kỹ cùng với thịt ba chỉ băm nhỏ và một chút lá kiệu hay lá hẹ cho đến khi trứng và thịt chuyển màu vàng sậm, thơm lừng thì nhấc xuống để nguội rồi trộn đều với vừng hoặc lạc rang giã nhỏ để làm nhân bánh.
Còn vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp. Bột có thể là bột khô hoặc bột ướt nhưng theo kinh nghiệm của người làm bánh thì bánh làm từ bột ướt sẽ mềm dẻo hơn, ngon hơn. Để bánh không dính, người ta thường trộn thêm một chút bột tẻ vào bột nếp. Sau khi bột ráo nước được nhào thật mịn cùng với một chút bột canh, mỳ chính. Một thứ nguyên liệu khác cũng rất quan trọng khi làm món bánh trứng kiến là lá cây vả, tiếng Tày là “bâu nỏa”, một loại cây mọc hoang trong rừng, to như lá khoai môn. Chọn lá vả để làm bánh phải chọn lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Vì lá non quá khi hấp bánh chín thì lá nát không cầm được bánh, còn nếu lá già quá thì khi ăn, bánh sẽ bị dai và không còn vị thơm, bùi của lá. Lá vả rửa sạch, bỏ phần gân lá ở mặt dưới rồi trải bột lên đó với độ dày vừa phải.
Tiếp đến, rải đều trứng kiến lên trên lớp bột và gập đôi chiếc lá lại, người cẩn thận thì bọc thêm một lớp lá vả ở bên ngoài rồi dùng dây buộc lại, đem hấp cách thủy chừng 30 – 40 phút là chín. Khi bánh chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải, đẹp mắt.
Bánh trứng kiến với hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể ăn nóng hay nguội tùy ý, mỗi lúc đều có vị ngon riêng. Khi ăn bánh, người ta ăn cả phần lá vả. Bánh có vị thơm ngon rất lạ, vừa có độ dẻo, thơm của bột nếp lại có vị bùi của lá vả, đặc biệt là vị béo béo, ngậy ngậy của nhân bánh được làm từ trứng kiến. Một số người đã ăn bánh trứng kiến nhiều lần thường thích ăn những chiếc bánh mà nhân chỉ có trứng kiến với hành khô phi thơm, không trộn thêm các nguyên liệu khác.
Tuy nhiên ngày nay người làm còn trộn thêm thịt ba chỉ, lá kiệu, vừng, lạc…, một phần vì trứng kiến ngày nay khan hiếm và những nguyên liệu thêm mới còn làm cho chiếc bánh béo ngậy, nhiều hương vị hơn và với những người có cơ địa dị ứng với một số loại ấu trùng như nhộng ong, nhộng tằm… thì khả năng bị dị ứng thấp hơn.
Bánh trứng kiến cùng với bánh cooc mò, bánh ngải, những loại bánh mang đậm chất núi rừng đã trở thành một thứ đặc sản không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết của dân tộc Tày vùng Định Hóá và từ lâu nó trở thành món quà của du khách khi đến thăm Thái Nguyên trở về, ai cũng cố gắng mua cho mình vột vài tấm bánh Péng rày về cho người thân thưởng thức hương vị mới lạ của núi rừng Việt Bắc…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét