Hà Thu
"Voi chiến" từ lâu đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong nhiều cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của lịch sử Việt Nam.
Trước đây, voi ngoài việc được nuôi với các mục đích dân sự, phục vụ cuộc sống hàng ngày, chúng còn được sử dụng như những chiến binh thực thụ. Có rất nhiều bằng chứng về các đội quân voi dũng mãnh được ghi nhận trong lịch sử!
Đặc biệt, phương pháp huấn luyện voi trong quân đội được ghi lại rất nhiều trong thời kỳ Tây Sơn. Đội quân voi bao gồm hơn 100 con khỏe mạnh, to lớn, do nhiều quản tượng mà đứng đầu là Đô đốc Bùi Thị Xuân huấn luyện.
Việc huấn luyện voi diễn ra hàng ngày tại gò Xuân Hòa (người dân địa phương gọi là gò Tập Voi), những chú tượng binh to khỏe lồng lên đùa giỡn trước khi luyện tập.
Con to khỏe nhất được Bùi Thị Xuân lựa chọn để chỉ huy. Bà cưỡi trên lưng voi, mặc áo chẽn, lưng đeo song kiếm, tay cầm cờ lệnh. Chỉ cần nghe tiếng tù và rúc của bà vang lên, đàn voi đi vào quy củ, nghiêm túc tập luyện theo tiếng chống, chiêng, tù và cờ lệnh.
Để giúp đội tượng binh quen với chiến đấu, Bùi Thị Xuân bố trí sắp xếp trận địa. Sử dụng những hình nộm bằng rơm giả làm quân địch rồi cho nổ pháo lớn, nổi trống mõ, reo hò, la hét. Dần dần, đội tượng binh của bà có thể nhìn theo bóng cờ để biết lúc nào chạy tới, bước lùi, rẽ phải, rẽ trái...
Sau buổi tập, bà và các quản tượng chăm sóc cho từng chú voi, tắm rửa, cho ăn... để tạo ra mối liên hệ mật thiết với chúng. Đội quân voi chiến của Bùi Thị Xuân đã góp phần không nhỏ trong thành công vang dội của nghĩa quân.
Trước Bùi Thị Xuân, việc sử dụng voi trong chiến đấu đầu tiên phải kể đến cuộc cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng vào những năm 40. Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên được tổ chức quy củ, rộng khắp từ khi phương Bắc đô hộ.
Trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định, hai bà Trưng đã cưỡi voi ra trận và đạt được chiến thắng vang dội, khiến Tô Định bị thương phải chạy về nhà Hán chịu tội. Hai bà lập lại nhà nước độc lập, tự chủ, chấm dứt giai thống trị của phong kiến phương Bắc kéo dài 246 năm (207 TCN - 39 CN).
Tuy thất bại trong cuộc chiến tiếp đó chống Mã Viện vào năm 42 nhưng hình ảnh 2 nữ tướng cưỡi voi chỉ huy đội quân lớn (có lúc lên đến 80.000 người) đã trở thành động lực cho những cuộc kháng chiến chống phương Bắc sau này.
Này, có 1 nữ tướng khác cũng sở hữu đàn voi chiến khiến quân giặc khiếp sợ, chính là bà Triệu. Hình ảnh oai phong lẫm liệt của bà khiến quân Ngô bạt hồn khiếp vía.
Lại nhắc lại về đội quân voi chiến năm 1789 của Quang Trung - Nguyễn Huệ, chúng đã biến thành những chiếc "xe tăng" sống đáng sợ, mang theo cả đại bác và hỏa pháo trên lưng. Những khẩu pháo được đặt cố định trên lưng voi, có bệ đỡ khum khum từ lưng voi xuống hai bên sườn. Để tránh cho voi bị đau, nghĩa quân đã đặt một lớp đệm dày bên dưới, ghim chặt bằng da trâu.
Đội tượng binh này nằm trong đội quân thứ hai đánh theo hướng Tây Nam đồn Ngọc Hồi, đây là vị trí quan trọng nhất của địch. Mở đầu trận đánh, 100 voi chiến dưới sự chỉ đạo của đô đốc Bùi Thị Xuân xông thẳng vào đồn địch khiến những kị binh tinh nhuệ nhất của quân Thanh cũng phải khiếp sợ.
Tiếp đó, những pháo thủ ở phía sau thực hiện khai hỏa vào kẻ thù. Cùng lúc đó, những con voi đó sẽ cong vòi để giữ dây đai vòng trước ức nó, ghim chắc không cho pháo giật quá mức khi súng bắn. Đây thực sự là nỗi khiếp sợ đối với kẻ thù, trước sức mạnh bá đạo đó của đội tượng quân, chúng chỉ còn biết bỏ chạy để giữ mạng sống.
Sau khi vua Quang Trung qua đời, những trụ cột của Tây Sơn, trong đó có Bùi Thị Xuân bị Nguyễn Ánh hãm hại, đội tượng binh cũng dần mất vai trò quan trọng của nó. Vào thời nhà Nguyễn, mặc dù vẫn duy trì đội tượng binh nhưng những chú voi chủ yếu được sử dụng để là trò tiêu khiển của vua chúa như những trận chiến với hổ dữ...
Lời bình
Mặc dù chỉ được nhắc đến trong một vài cuộc chiến nhưng đội quân voi chiến luôn được ghi nhận là có đóng góp không nhỏ trong lịch sử quân sự của Việt Nam. Là kết quả của hàng nghìn năm huấn luyện và sử dụng, voi chiến trong các cuộc chiến đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh quân đội thời bấy giờ.
Tham khảo từ:
- VTC News
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét