(Kiến Thức) - Qua quá trình dạy học, Trần Đình Phong đã góp phần đào tạo nên những trí thức ưu tú của dân tộc như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế...
Không làm quan cho vua bù nhìn
Ý muốn ở lại quê nhà của Trần Đình Phong không thể kéo dài. Năm Mậu Tý (1888) vua Đồng Khánh đã ra chỉ dụ triệu ông vào Kinh nhậm chức đi làm giám khảo thụ lễ (đại diện bộ Học) ở trường thi hương Hà Nam. Nhưng ông đã từ chối bởi lẽ tâm trí của giới sĩ phu Nghệ Tĩnh cũng như Trung kỳ chưa ổn định khi vụ vua yêu nước Hàm Nghi, người chủ xướng dựng cờ Cần Vương bị thực dân Pháp bắt đi đày.
Còn Đồng Khánh là vị vua bù nhìn do thực dân Pháp lập nên, các bậc thư nhã trong đó có Trần Đình Phong khó mà phó thác tâm lực cho một con người như thế. May mà ông trì hoãn được, cho đến lúc vua Thành Thái lên ngôi (1889). Thành Thái là con người có tinh thần dân tộc nên Trần Đình Phong chịu trở lại con đường quan lại. Năm Tân Mão (1891), Vua Thành Thái lại cử ông đi làm giám khảo khi thi hương ở Hà Nam.
Năm Giáp Ngọ (1894), Trần Đình Phong được thăng làm thị giảng học sĩ, cũng năm đó ông được cử làm giám khảo thi hương tại Thừa Thiên. Hiểu được dạy học là một sở thích của Trần Đình Phong nên năm Mậu Tuất (1898), Vua Thành Thái xuống chỉ thăng ông làm đốc học tỉnh Quảng Nam, từ đây bắt đầu một thời kỳ đầy ý nghĩa trong cuộc đời của Trần Đình Phong.
Trần Đình Phong đã đem hết tâm trí ra làm việc. Vừa đến nhiệm sở, ông liền đi đến khắp nơi, cho chỉnh đốn lại trường lớp xếp lại đội ngũ những giáo thụ, huấn đạo, chỉ thị cho họ những việc cần làm để huy động người đi học và giảng dạy có chất lượng. Nhờ đó mà công việc dạy và học ở trong hạt Quảng Nam có những tiến bộ mới.
Ngoài việc quản lý, Trần Đình Phong cũng lên lớp chuyên cần như những thầy giáo khác. Những buổi bình văn, bình thơ của ông thu hút rất nhiều nhà khoa học ở cả kinh thành vào tham dự. Tầng lớp nho sĩ, trí thức đất Quảng Nam, Quảng Ngãi do ông đào tạo đều phát triển tốt về phẩm chất, nhân cách và rất nhiều người thành đạt.
Những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục
Năm Canh Tý (1900), Trần Đình Phong được cử làm phó chủ khảo kỳ thi hương ở Thanh Hoá. Với cương vị đó ông đã đề nghị lấy Nguyễn Sinh Sắc, vốn là môn sinh của ông, sung vào bộ phận sơ khảo. Lúc bấy giờ Nguyễn Sinh Sắc đang là cử nhân tọa giám.
Năm Ất Tỵ (1905), Trần Đình Phong được thăng làm Tế tửu Quốc tử giám là trường Đại học hoàng gia của nước Đại Nam lúc bấy giờ và được phong Quang Lộc Tự khanh... làm quản lý một trường đại học duy nhất của đất nước. Trần Đình Phong đã từng bước sửa đổi lại lề lối làm việc, chấn chỉnh đội ngũ tư nghiệp, kết hợp chặt chẽ với Sùng chính viện - là thư viện quốc gia để biên soạn giáo trình, sách vở học tập nhằm đào tạo một nền quốc học có tính dân tộc.
Nhờ sự góp sức của những người có nhiệt tình với sự nghiệp giáo dục như Trần Đình Phong mà ở Quốc Tử Giám cũng như trường học ở các tỉnh, lối học từ chương theo lối cũ được giảm dần thay vào đó là những chương trình mới được cải tiến thiết thực hơn, các môn học mới như toán pháp, cách trí được đưa vào giảng dạy.
Qua quá trình dạy học, Trần Đình Phong đã góp sức đào tạo được nhiều thế hệ nho sĩ, trí thức có phẩm hạnh tốt và năng lực cao. Trong đó có nhiều người hiển đạt về công danh như Hà Thúc Huyên, Phạm Liễn làm đến chức Thượng thư, hoặc giữ các chức vụ tương đương như Hà Xuân Hải, Hà Thúc Tuân, Phạm Hữu Vân. Đặc biệt Trần Đình Phong đã góp phần đào tạo nên những trí thức ưu tú của dân tộc như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Võ, Ngô Đức Kế...
Tháng giêng năm Kỷ Dậu (1909), Trần Đình Phong lâm bệnh rồi mất khi ông đang làm việc tại Huế, thọ 67 tuổi. Triều đình truy tặng ông chức Lễ bộ thị lang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét