Về vùng biển Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang- Thừa Thiên Huế), nhiều người tỏ ra thích thú với món bánh canh cá thởn (cá mối, cá thửng) đậm đà, thơm ngon mà lạ miệng.
Trưa hè, khi đang ngồi uống nước bên gốc bàng mát rượi ở thị trấn Thuận An, tình cờ bắt gặp chị Nguyễn Thị Hoa (43 tuổi, trú thôn Hải Tiến) gánh hàng rong vừa đi vừa rao: “Ai bánh canh cá thởn đây!”. Tiếng rao lạ ấy đã thôi thúc tôi một lần được khám phá món ăn dân dã của người dân xứ biển. Trong chốc lát, trên bàn là những tô bánh canh nóng hổi với bột gạo và chả cá thởn nổi phía trên. Từng viên chả cá nhỏ, dai, mềm, khi ăn có hương vị tự nhiên chính là điểm hấp dẫn tạo nên sự khác biệt cho món ăn bình dị chỉ với mười nghìn đồng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Ngọc Gia - người có hàng chục năm sinh sống ở Thuận An chia sẻ, giống như bánh canh cá lóc Thủy Dương, bánh canh Nam Phổ… bánh canh cá thởn vùng biển Thuận An là một nét ẩm thực độc đáo, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân miền biển. Sở dĩ món bánh canh này thường được bán vào lúc trưa đến chiều là để phục vụ một bộ phận ngư dân sau chuyến đi biển về. Hoặc là bữa ăn lỡ dành cho người lao động. Theo nhiều người ở đây, món ăn dân dã này đã gắn bó từ rất lâu và họ cũng không nhớ rõ nó xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng, qua năm tháng, ngoài thịt cá thởn, các loại gia vị, nguyên liệu nấu món này cũng có ít nhiều thay đổi cho phù hợp với khẩu vị.
Chị Hoa cho biết, khoảng 14h chiều hàng ngày, khi những chiếc thuyền đánh cá cập bến, chị cùng nhiều phụ nữ bán bánh canh khác lại tìm mua loại cá thởn tươi ngon về làm chả cho gánh bánh canh. Cá thởn sau khi mua về bỏ đầu, làm vảy và rửa sạch, sau đó úp bụng cá xuống rồi dùng chày chần đều trên lưng cá và dùng muỗng để nạo từ xương sống. Gia vị gồm đường, muối, tỏi và hạt tiêu đập dập (nếu xay sẽ không ngon). Cho cá và gia vị vào cối giã tay liên tục cho tới khi cả thịt và xương đều nhuyễn hết thì chả mới dai, ngon. Bắc chảo dầu lên, viên từng hạt chả nhỏ cho vào đến khi lớp da bên ngoài vàng, vừa giòn là được. Cách chế biến nước dùng cũng rất quan trọng, để giữ hương vị đậm đà món đặc sản miền biển này bắt buộc phải có “nước cốt” được hầm từ xương cá thởn. Ngoài ra, người nấu thường sử dụng thêm xương bò, xương heo và tôm ninh nhừ tạo nên vị thanh, ngọt.
Phải ăn mới “thấu” được vị ngon từ món ăn bình dân xứ biển. Bánh canh chả cá thởn Thuận An có hai loại, bánh canh sợi bột gạo và bánh canh sợi bột mì. Bánh canh cá thởn được ăn kèm với giá sống, rau thơm... Hiện, ở Thuận An và Phú Thuận có khoảng 6-8 người thường xuyên bán rong món bánh canh này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét