Chúa Thái Tổ vẫn giữ các cơ quan hành chính do triều Lê lập ra. Tuy nhiên, khi chúa Hy Tông lên ngôi, liền bỏ các cơ quan ấy.
Khu vực hành chính
Khi mới vào Thuận Hóa, Thái Tổ Nguyễn Hoàng đóng ở Ái Tử, chỗ gọi là dinh, các cơ quan chính quyền trung ương của xứ Thuận Hóa đều ở đó. Sau khi được kiêm lãnh xứ Quảng Nam (1570), chúa đặt dinh Quảng Nam. Từ “dinh” ở đây chỉ một khu vực hành chính. Đến thời chúa Hy Tông thì đặt thêm dinh Quảng Bình, dinh Trấn Biên, dinh Bố Chính. Khu vực mà chúa đóng dinh (từ đời chúa Hy Tông gọi là phủ) gọi là Chính dinh. Dinh hoặc phủ chúa dời từ Ái Tử đến Trà Bát (1570), đến phía đông dinh Ái Tử cũ (1600, gọi là dinh Cát), đến Phước Yên (1626), rồi Kim Long (1635), Phú Xuân (1687), Bác Vọng (1712), trở lại Phú Xuân (1739), và sau đó rời khỏi Ái Tử thì khu vực đó gọi là Cựu dinh (đất Quảng Trị ngày nay), còn Chính dinh là đất tỉnh Thừa Thiên ngày nay.
Đến chúa Thế Tông, lãnh thổ chia làm 12 dinh và 1 trấn như sau: dinh Bố Chính, tục gọi là dinh Ngói, ở làng Thổ Ngõa; dinh Quảng Bình, tục gọi là dinh Trạm ở làng An Trạch (nay thuộc H.Lệ Thủy, Quảng Bình); dinh Lưu Đồn tục gọi là dinh Mười, ở làng Võ Xá (H.Khương Lộc, nay là phủ Quảng Ninh); Cựu dinh ở xã Ái Tử; Chính dinh; dinh Quảng Nam, tục gọi là dinh Chiêm; dinh Phú Yên; dinh Bình Khương; dinh Bình Thuận; dinh Trấn Biên; dinh Phiên Trấn; dinh Long Hồ và trấn Hà Tiên. Dinh có Trấn thủ, Cai bộ, Ký lục để cai trị, trấn Hà Tiên có chức đô đốc trấn giữ. Hai phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn thuộc dinh Quảng Nam, thì đặt riêng chức Tuần vũ và Khám lý để cai trị. Dinh chia ra nhiều phủ, phủ gồm nhiều huyện, huyện gồm nhiều tổng, tổng gồm nhiều xã; các nơi gần núi rừng, dọc sông, biển thì đặt làm thuộc.
Chúa Hy Tông đặt ba ty là ty Xá sai, ty Tướng thần lại và ty Lệnh sử. Ở Chính dinh có ty Xá sai coi việc văn án từ tụng, có Đô tri và Kí lục đứng đầu, và 3 Câu kê, 7 Cai hợp, 40 Ty lại giúp việc. Ty Tướng thần lại có Cai bộ đứng đầu, coi việc thu tiền sai dư và lúa tô ruộng các xã Thuận Hóa, phát lương tháng cho các dinh đạo Lưu Đồn, dinh thủy và bộ Quảng Bình, dinh Bố Chính, phát tiền cho các quân cùng cấp lính các xã. Ty Lệnh sử có Nha úy đứng đầu, coi việc tế tự, lễ tiết, phát lương tháng cho quân ở Chính dinh và coi các quan điền, số nhân viên cũng như hai ty kia.
Ngoài ra, còn có ty Nội lệnh sử kiêm coi các thứ thuế. Ty này gồm hai ty Tả lệnh sử, Hữu lệnh sử chia nhau thu tiền sai dư của các xã hai xứ để nạp cho Nội phủ. Lại có ty Lệnh sử đồ gia để thu cất các đồ đạc, phẩm vật (như sắt, đồng, vàng, thiếc, đồ đồng, dầu sơn, than, gỗ...).
Chức tước và bổng lộc
Năm Mậu Dần (1638), chúa Thần Tông bắt đầu đặt các chức: Nội tả, Ngoại tả, Nội hữu, Ngoại hữu - gọi là Tứ trụ đại thần, là những chức cao nhất trong triều. Phủ có Tri phủ, huyện có Tri huyện đứng đầu, thuộc viên có Đề lại coi các văn án từ tụng, Thông lại để tra xét các từ tụng; Huấn đạo, Lễ sinh coi việc tế tự miếu văn thánh và các linh từ. Xã có Xã trưởng. Còn việc thu thuế ở các phủ, huyện, châu thì ban đầu có Chánh, Phó đề đốc, Chánh, Phó đề lãnh, Ký lục, Cai phủ, Cai tri, Ký phủ, Thư ký, Cai tổng, Lục lại chuyên lo.
Chúa Túc Tông giảm bớt nhân viên và thay đổi như sau: xứ Thuận Hóa mỗi phủ đặt 1 Đề đốc, 1 Đề lãnh, 1 Ký lục, 1 Cai phủ, 1 Thư ký; mỗi huyện đặt 3 Cai tri, 3 Thư ký, 4 Lục lại; mỗi tổng đặt 3 Cai tổng. Xứ Quảng Nam, mỗi phủ đặt 1 Chánh hộ Khám lý, 1 Đề đốc, 1 Đề lãnh, 1 Ký lục, 1 Cai phủ, 1 Thư ký; mỗi huyện đặt 1 Cai tri, 1 Thư ký, 2 Lục lại; mỗi tổng đặt 1 Cai tổng, thuộc có Ký thuộc.
Đời chúa Túc Tông, năm Bính Ngọ (1726), sai Ký lục Chính dinh Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ xứ Quảng Nam, định chức, lệ cho các thuộc mới lập. Ngạch hoạn quan (thái giám) cũng đã đặt ra. Thường thường, họ giữ sổ sách, thuế khóa, thu thuế, canh phòng nội cung và quản trị việc chi tiêu trong cung cấm.
Các quan viên không có thường bổng, chỉ được cấp ruộng, hoặc điền lộc, dân lộc, nhiêu phu làm ngụ lộc. Các phủ, huyện xử kiện tụng, bắt bớ, tra hỏi, được thu lễ của các đương sự cung đốn cho, các quan chức thu thuế được thu một món lúa, tiền của người nạp thuế nạp thêm. Ruộng ngụ lộc là ruộng cấp cho để cày cấy. Huân thích, quí thần mỗi người được cấp 10 mẫu, Chưởng cơ 5 mẫu, Cai cơ 4 mẫu, Cai đội 3 mẫu, Nội Đội trưởng 3 mẫu rưỡi, Ngoại Đội trưởng 2 mẫu rưỡi. Điền lộc là thu thuế ruộng ở mấy xã làm ngụ lộc, dân lộc là thu thuế thân ở mấy xã làm ngụ lộc; nhiêu phu là số dân được cấp theo hầu, người dân ấy phải nạp cho người được cấp một số tiền để thay thuế thân. Ví dụ như Chánh, Phó đề đốc được cấp mỗi người 20 nhiêu phu, thu tiền 27 quan, Đề lãnh được cấp 16 nhiêu phu, thu được 21 quan 6 tiền...
Các chức, lại, mỗi khi được bổ nhiệm, phải nạp các lễ như thượng lễ để dâng chúa, nội lễ để dâng nội cung, tiền lĩnh bằng, tiền ngụ lộc các quan, tiền đóng ấn, tiền trầu. Như Tướng thần phải nạp thượng lễ 35 quan, nội lễ 7 quan, tiền lĩnh bằng và tiền ngụ lộc các quan cộng là 7 quan; Xã trưởng phải nạp thượng lễ 30 quan, nội lễ 6 quan, tiền lĩnh bằng và tiền ngụ lộc các quan cộng là 5 quan...
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)
Hình ảnh một số loại chiến thuyền của nhà Nguyễn được khắc trên Cửu ĐỉnhẢNH: T.L
Nhiều sự kiện lịch sử vốn rất phức tạp và chồng chéo trong công cuộc khai phá và “mở cõi” đất Nam bộ đã được Phan Khoang, dựa trên hệ thống sử liệu đồ sộ, thể hiện một cách mạch lạc trong tác phẩm Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc nam tiến của dân tộc VN).
Cuốn sách đã góp phần đưa ông trở thành một trong những cây bút hàng đầu của sử học miền Nam trước 1975. Nhân dịp NXB Khoa học xã hội tái bản tác phẩm này (theo bản in của NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969), Thanh Niên xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.
Sau khi các chúa Nguyễn thiết lập chính quyền ở Đàng Trong, hai bên Trịnh, Nguyễn chiến tranh 7 lần, khi đánh, khi nghỉ trong suốt 45 năm.
Tương quan lực lượng
Tài liệu không cho chúng ta biết một cách đích xác lực lượng quân sự của chúa Nguyễn và chúa Trịnh trong các cuộc chiến tranh này, nhưng chúng ta biết chắc rằng ở Bắc Hà, việc tổ chức quân đội đã có quy củ lâu đời. Bấy giờ chiến tranh, biến loạn xảy ra luôn, chúa Trịnh lại ỷ vào binh lực để tự tồn, quan, dân cũng lấy việc quân làm trọng, cho nên Bắc Hà đã có một đạo quân khá mạnh.
Nam Hà, từ sau khi chúa Thái Tổ đánh thắng Lập Bạo, trong cõi yên ổn một thời gian lâu, quân đội vẫn như lúc chúa mới vào, từ chức Chưởng dinh, Chưởng cơ cho đến Cai đội, chỉ dùng người công tộc và người Thanh Hoa, con cháu họ lớn lên thì làm cho Cai đội trong quân ở các dinh, xem vậy quân đội chưa được mở rộng thành một lực lượng của toàn dân.
Đại Nam thực lục tiền biên cho ta biết năm Quý Tị (1653) là năm sắp đánh lần thứ 5 với họ Trịnh (trận Ất Mùi, 1655), chúa Thái Tông mở một cuộc duyệt binh lớn ở An Cựu, nay xem số quân của các dinh, cơ, đội, thuyền tham dự, cộng lại cả thảy chỉ 22.740 người. Số lính chính quy của Bắc Hà, theo những người ngoại quốc cho biết, gồm tới 50.000 người đóng ở Thăng Long.
Ấy là số binh sĩ túc trực thường ngày ở kinh đô. Gặp chiến tranh, chúa Nguyễn cũng như chúa Trịnh, có thể gọi thêm binh ở các địa phương và hương binh ở các phủ, huyện, như chúa Nguyễn Thái Tông đã làm năm Nhâm Tý (1672). Theo giáo sĩ Alexandre de Rhodes, đã mục kích đạo quân chúa Trịnh đi đánh chúa Nguyễn năm Ất Mão (1626), thì quân bộ của Bắc Hà không dưới 12 vạn, và thủy, bộ cả thảy là 20 vạn người. Về thủy quân, Trịnh hơn hẳn Nguyễn. Vì ở bắc có nhiều sông ngòi lớn, liên lạc với nhau, hạm đội dễ điều động nên người bắc chú trọng thủy quân, tu tạo nhiều chiến thuyền, còn ở nam thì sông ngòi hẹp, lại không liên lạc được nhau, thuyền chỉ dùng ở mặt biển mà thôi. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong dịp nói trên, đã thấy Trịnh Tráng có 600 chiến thuyền, lớn hơn tàu Âu châu thời ấy, mỗi chiếc trang bị 3 khẩu đại bác, mỗi bên thuyền có 25 người chèo, xen lẫn vào đám thủy thủ là những lính chiến. Theo các tài liệu của nhiều giáo sĩ khác nhau có mặt ở khắp Nam Hà lúc ấy thì chúa Nguyễn có chừng 200 chiến thuyền thôi.
Theo giáo sĩ Bénigne Vachet (đến Nam Hà năm 1671) thì chúa Nam Hà có 40.000 lính chính quy, trong số ấy lấy 15.000 phòng thủ biên giới phương bắc, 9.000 giữ phủ chúa, 6.000 giữ dinh thự các hoàng thân, đại thần, 10.000 giữ các dinh (tỉnh) khác. Số chiến thuyền của chúa lên đến 200 chiếc, nhưng chiến thuyền của Bắc Hà nhiều gấp ba, gấp bốn số ấy, mà lại lớn hơn, trang bị khí giới đầy đủ hơn.
Công trình phòng thủ quan trọng của chúa Nguyễn
Sau cuộc phát binh vào nam của chúa Trịnh năm Đinh Mão (1627) và sau việc trả lại sắc của vua Lê, chúa Hy Tông thấy rằng muốn bảo tồn lãnh thổ và duy trì địa vị thì chiến tranh với họ Trịnh không thể tránh khỏi. Mà đã thế thì trước phải lo việc biên phòng.
May đâu, một nhân vật đã đến làm quen với chúa, được chúa tin dùng, đó là Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, đã giúp chúa kế hoạch bố trí sự phòng thủ ấy. Hai lũy Trường Dục và Nhật Lệ do sáng kiến của Lộc Khê hầu vạch ra đồ bản và thực hành các công tác, đã giữ một vai trò tối quan trọng trong cuộc chiến tranh với họ Trịnh, và chính nhờ hai công trình kiến trúc ấy mà các chúa Nguyễn đã đẩy lùi các cuộc xâm nhập của quân Trịnh.
Người ta phải tự hỏi vì sao chỉ phòng thủ ở Quảng Bình mà thôi, quân Trịnh không thể đổ bộ ở một nơi nào khác rồi kéo đến phủ chúa Nguyễn ở Phước Yên, ở Kim Long, ở Phú Xuân sao? Quân Trịnh không thể đổ bộ vào một hải cảng nào ở phía nam Thuận Hóa, ở Thị Nại, ví dụ như vua Lê Thánh Tông đã làm, vì bấy giờ Chiêm Thành còn có lực lượng, sợ có thể bị kẹp vào giữa hai lực lượng Chiêm, Nguyễn thì không có đường thoát. Quân Trịnh cũng không thể đổ bộ ở một hải cảng nào gần hơn, như cửa Việt, cửa Eo (hoặc gọi là cửa Noãn, tức cửa Thuận An ngày nay) để rồi lên sông Quảng Trị hay sông Thuận An, vì các sông này chật hẹp, chiến thuyền lớn vào không tiện. Vả lại không binh gia nào lại đem quân xông thẳng vào kinh đô của địch là nơi phòng thủ chắc phải nghiêm ngặt rồi. Vậy muốn đánh Thuận Hóa, ắt phải đánh sông Nhật Lệ, đổ bộ lên đất Quảng Bình, rồi từ đó quân bộ, quân thủy mới chia ra mà đi công kích. Vì đó mà Quảng Bình phải làm đất chiến trường cho hai họ Trịnh, Nguyễn suốt nửa thế kỷ, trên đó hai lũy Trường Dục và Nhật Lệ là đối tượng của hai bên, bên này cố giữ đến cùng, bên kia cố lấy cho được.
Phan Khoang (Trích từ Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc nam tiến của dân tộc VN), NXB Khoa học xã hội 2016)
Từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận, Quảng, người Việt vào đông thêm và y phục, khí dụng, phong tục cố nhiên là y theo kiểu họ đã sống ở bắc.
Tương truyền rằng Chính Lộc Khê hầu (Đào Duy Từ) trong khi bày mưu định kế chống cự với họ Trịnh, đã khuyên chúa Hy Tông bắt dân thay đổi tập tục cho khác hẳn dân bắc, như bỏ nón thượng, đội nón chóp, bỏ quần màu đen, mặc quần màu nâu, đàn bà bỏ áo bốn thân mà mặc áo 5 thân gài khuy, bỏ tóc bao mà búi tó, bỏ váy để mặc quần. Đến đời chúa Thế Tông, năm Giáp Tý, lên ngôi vương thay đổi mũ áo các quan và bắt nhân dân cũng phải cải cách y phục
Phủ biên tạp lục chép: “(Hiểu vương) xưng vương hiệu, lấy thể chế áo mũ trong “tam tài đô hội” làm kiểu, hạ lệnh cho trai gái hai xứ đổi dùng quần áo y như Bắc quốc (Trung Quốc) để tỏ sự biến đổi... nhưng khiến phụ nữ đều mặc áo ngắn, hẹp tay như áo đàn ông thì Bắc quốc không như thế. Trải hơn 30 năm, người ta đều tập quen, quên cả tập cũ...”.
Thua trận vì... xem thường y phục đối phương
Phủ biên tạp lục có chép một việc buồn cười về nhận xét theo y phục, gây ra thất trận cho quân Nguyễn: Năm Giáp Ngọ (1774) khi quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phước thống lĩnh kéo đến Hồ Xá thuộc H.Minh Linh, Quảng Trị và chúa Nguyễn đã sai bắt Trương Phước Loan đem nạp và xin giữ lệ cống, Ngũ Phước chưa trả lời thì cai đội của Nguyễn là Tô Nhuận thấy trong đội quân Bắc hà thống tướng mặc áo vải xanh, binh sĩ ăn mặc rách rưới, nên có ý khinh thường, tưởng không phải là đại quân, bèn đem quân ra đánh, bị quân bắc đánh cho thua to, rồi nhân đó, tiến vào đất Phú Xuân.
Sau khi Hoàng Ngũ Phúc chiếm Thuận Hóa, đặt nha môn Trấn Vũ, tháng 7 năm Bính Thân (1776), hiểu dụ nhân dân rằng: “Y phục bản quốc vốn có chế độ, địa phương này từ trước cũng tuân theo quốc tục. Nay kính vâng thượng đức, dẹp yên biên phương, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục phải được tề nhất. Nếu còn có người mặc quần áo kiểu người khách (Trung Quốc) thì nên đổi theo thể chế của nước nhà. Đổi may y phục theo tục nước mà thông dụng vải, lụa, duy có quan chức mới dùng xen the, là, trừu, đoạn, còn gấm vóc và các thứ hoa rồng phượng thì đều không được theo thói cũ tiếm dùng. Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hẹp tùy ý. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải may kín liền, không cho xẻ hở. Duy đàn ông muốn mặc áo cổ tròn và hẹp tay cho tiện làm việc cũng cho. Lễ phục thì dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh lạt hay vải đen, vải trắng, tùy nghi. Còn các hạng về viền cổ kết lót thì đều theo như hiểu dụ năm trước mà chế dùng”. Nhưng chỉ năm sau Tây Sơn chiếm Thuận Hóa, chính quyền Lê - Trịnh không còn, chắc là nhân dân lại dùng y phục kiểu cũ.
Theo Lê Quý Đôn, người Thuận Hóa sống xa hoa: “Thuận Hóa thanh bình lâu ngày, công tư đều giàu có, y phục dùng đồ tươi đẹp. Lại trải qua thời Hiểu vương (Nguyễn Phước Khoát) hào hoa, phóng túng, bắt chước nhau trở thành phong tục, y phục gấm vóc, chiếu nệm bằng mây hoa, phú quý phong lưu, đua nhau khoe đẹp [...] Binh sĩ đều ngồi chiếu mây, gối dựa dọc hàng ôm lò hương, uống trà ngon trong chén sứ bịt bạc, nhổ ống nhổ thau, đĩa bát dùng trong ăn uống không có gì là không của Trung Quốc, một bữa ăn ba bát lớn. Đàn bà, con gái đều mặc áo sa, là, tơ, lụa, thêu hoa ở cổ tròn. Coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ quá lắm”. Có lẽ ở đây tác giả Phủ biên tạp lục chỉ phong tục ở thành Phú Xuân là nơi đã trở thành phồn hoa từ đời chúa Thế Tông, chứ các nơi khác ở Quảng Nam và trong dân gian thì không thể xa hoa như vậy được.
Ở đất Gia Định, người Việt mới đến kiết cư, lập nghiệp đông đúc từ đời chúa Hiển Tông, cuối thế kỷ 17. Sách Gia Định thông chí chép: “Gia Định là đất phương Nam của nước Việt. Khi mới khai thác, lưu dân nước ta cùng người kiều ngụ như Đường (Trung Quốc), người Cao Miên, người Tây dương, người Phú Lang Sa (Pháp), người Hồng Mao (Anh), Mã Cao (người Tây ở Macau đến), người Đồ Bà, ở lẫn lộn, nhưng về y phục, khí cụ thì người nước nào theo tục nước ấy. Người Việt vẫn theo tập tục của Giao Chỉ... Quan chức thì đội khăn cao sơn, mặc áo phi phong, mang giày bì đà, sĩ thứ thì búi tóc, đi chân trần, con trai con gái đều mặc áo ngắn tay, bâu thẳng, may kín hai nách, không có quần, con trai thì dùng một miếng vải cột từ lưng thẳng xuống dưới háng, quanh lên đến rốn, gọi là cái khố, đội nón lớn, hút bình điếu, ở nhà thấp, trải chiếu ngồi dưới đất, không có bàn ghế. Vua Thế Tông cải định sắc phục của quan văn, quan võ, tham chước các đời Hán, Đường, Minh mà chế ra, còn y phục, gia thất, khí dụng của sĩ thứ thì đại lược như thể chế đời Minh, bỏ hết tục xấu Bắc Hà mà làm một nước y quan văn hiến vậy”.
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội 2016)
Các chúa Nguyễn không lập trường đại học công mà để dân gian tùy ý lập trường tư dạy học, chính quyền chỉ tổ chức các kỳ thi.
Những khoa thi quan trọng
Đời chúa Hy Tông, năm Nhâm Thân (1632), bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển, và mỗi kỳ duyệt tuyển thì ra lệnh cho học trò từ huyện đến các dinh để khảo thí một ngày. Kỳ thi ấy gọi là “quận thí mùa xuân”. Phép thi có một bài thơ, một đạo văn sách, dùng Tri phủ, Tri huyện làm sơ khảo, Ký lục làm phúc khảo, người thi đỗ gọi là Nhiêu học, được miễn thuế sai dư 5 năm. Sau cuộc thi viết chữ Hoa văn (Hoa văn tự thể), người nào trúng thì được bổ làm việc ở 3 ty: Xá sai, Tướng thần lại, Lệnh sử.
Đời chúa Thần Tông, năm Bính Tuất (1646), định phép thi Hội mùa thu “Thu vi hội thí” 9 năm mới mở 1 kỳ, mở hai khoa thi Chính đồ và Hoa văn tại phủ chúa ở Phú Xuân. Chính đồ thi 3 ngày, ngày thứ nhất thi tứ lục, ngày thứ hai thi thơ phú, mỗi thể một bài, ngày thứ ba thi văn sách một bài, dùng Văn chức, Tri phủ, Tri huyện làm sơ khảo; Cai bộ, Ký lục làm phúc khảo; Nha úy làm giám khảo; Nội tả, Nội hữu, Ngoại tả, Ngoại hữu làm Giám thị. Danh sách người thi đỗ nạp lên chúa, chia làm ba hạng giáp, ất, bính. Hạng giáp là Giám sinh được bổ làm Tri phủ, Tri huyện; hạng ất là Sinh đồ được bổ làm Huấn đạo, hạng bính cũng là Sinh đồ bổ làm Lễ sinh, hoặc cho làm Nhiêu học suốt đời. Hoa văn thi 3 ngày, mỗi ngày viết một bài thơ. Người trúng cũng chia làm ba hạng, bổ làm việc ở 3 ty, và cho làm Nhiêu học.
Đến năm Ất Mão (1675), chúa Thái Tông lại đặt thêm khoa thi Thám phỏng. Khoa này thi 1 ngày, hỏi về tình trạng binh, dân và việc Lê, Trịnh. Người trúng được bổ vào Xá sai ty.
Đến năm Giáp Tý (1684), chúa Thái Tông bãi bỏ phép thi Nhiêu học ở tuyển trường và bỏ thi Hoa văn, chỉ giữ lại khoa thi Chính đồ mà thôi. Bọn Cai bộ Cẩm Lãnh, Thủ bộ Đông Triều bẩm rằng: “Nhà nước mở khoa cử đều dùng nho, lại, họ đều tán phụ mới thành công lớn, há cũng chỉ dùng một mình nho mà thôi đâu, vậy xin theo thể chính, hóa của tiên vương, cho sĩ tử Hoa văn được ứng thi”. Nhưng chúa không nghe. Chúa Anh Tông năm Kỷ Tỵ (1689), trong dịp duyệt tuyển, thi hành lại chế độ cũ, ra lệnh cho các học trò Chính đồ và Hoa văn tới tuyển trường để ứng thí.
Năm Ất Hợi (1695), chúa Hiển Tông bắt đầu đặt khoa thi Văn chức và Tam ty ở sân phủ chúa. Thể lệ thi Văn chức, kỳ đệ nhất thi tứ lục, kỳ đệ nhị thi thơ, phú, kỳ đệ tam thi văn sách. Thi Xá sai ty thì hỏi về số tiền thóc xuất, nhập và việc ngục tụng xử quyết trong một năm; thi hai ty Tướng thần và Lệnh sử thì viết một bài thơ.
Đời chúa Thế Tông, năm Canh Thân (1740), định lại phép thu thí và quyền lợi của các người trúng cách: kỳ đệ nhất thi tứ lục, ai trúng gọi là Nhiêu học tuyển trường, được miễn tiền sai dư 5 năm, kỳ đệ nhị thi thơ, phú, kỳ đệ tam thi kinh nghĩa, ai trúng thì gọi là Nhiêu học thí trúng, được miễn sai dịch suốt đời, kỳ đệ tứ thi văn sách, ai trúng gọi là Hương cống, được bổ Tri phủ, Tri huyện, Huấn đạo.
Hai kỳ thi gặp cảnh bất thường
Đời chúa Hiển Tông, có hai kỳ thi gặp cảnh bất thường. Năm Quý Tỵ (1713), thu thí thi Chính đồ, kỳ đệ nhị có 130 người, khảo quan bất hòa đánh hỏng cả, duy thi Hoa văn và Thám phỏng thì lấy trúng cách được hơn 10 người. Chúa cho rằng khảo quan quá hà khắc, nên ra lệnh thi lại. chúa ra đề thi, lấy trúng cách 1 sinh đồ, bổ làm Huấn đạo, 7 Nhiêu học bổ làm Lễ sinh, còn những người đỗ Hoa văn và Thám phỏng trên kia đều được bổ làm việc ở Tam ty. Năm Quý Mão (1723), thi Nhiêu học lấy trúng cách 77 người, dư luận học trò rất sôi nổi, chúa ra lệnh họp tất cả ở Chính dinh để chúa cho thi tứ lục và thơ phú, mỗi thể một bài. Sĩ tử không làm nổi, bỏ ra, chúa truất bỏ cả, không lấy một người nào.
Xem trên ta thấy phép thi cử của Nam Hà chưa được hoàn bị bằng ở Bắc Hà. Lại có các khoa mà ở Bắc không có, như Hoa văn, Thám phỏng, Tam ty và ở khoa Thu thí, số người trúng cách Hoa văn, cũng đông gấp mấy lần số trúng Chính đồ. Ba khoa Hoa văn, Thám phỏng, Tam ty cốt chọn những quan lại giỏi và những người am hiểu vấn đề mà Nam Hà đương bận tâm đối phó là vấn đề Lê, Trịnh. Chắc là vì đương ở trong giai đoạn khai sáng, kiến thiết, lại chiến tranh với Bắc Hà, rồi với Chiêm Thành, Chân Lạp, nên các chúa Nguyễn chú trọng đến phương diện thực tế trong việc dụng nhân hơn.
Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục viết: “Họ Nguyễn chuyên giữ một phương, chỉ mở thu thí (tức thi Hương), chuyên dùng lại tư, không chuộng văn học, nên ít thu hái được người tuấn dị. Khảo thí thì lấy học sinh Hoa văn nhiều gấp 5 Chính đồ. Những nơi quyền, yếu thì ủy người họ hàng coi giữ, mà cho người đậu Hoa văn làm phụ tá. Người đậu thu thí bắt đầu làm Tri phủ, Tri huyện, chỉ coi việc kiện tụng, rồi làm Ký lục thì coi việc thu thuế khóa; những kế lớn, mưu lớn không được hỏi han đến; còn bọn hậu học, tiểu sinh cũng không thấy nuôi dưỡng, tác thành. Thế mà văn mạch ở đất này dày đặc không đứt, thật là đáng khen”.
Phan Khoang (Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)
Antonio van Diemen, Toàn quyền Công ty Đông Ấn Hà Lan trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh
Từ đầu thế kỷ 17, nước Hà Lan, nước Anh lập những công ty thương mại, với sự hùn vốn của tư nhân, được chính phủ cho độc quyền hoạt động ở các miền trên bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gọi là Công ty Đông Ấn Độ.
Hằng năm, vào khoảng đầu năm âm lịch, sự buôn bán bắt đầu. Người Việt đem đến Faifo (Hội An) sản vật trong xứ như tơ sống, gỗ quý, trầm hương, đường, xạ hương, quế, tiêu, gạo... Còn tàu Âu châu thì chở đến đồ sành, đồ sứ, giấy, trà, bạc thoi, binh khíc, diêm sinh, lưu huỳnh, chì, kẽm, vải, nỉ đỏ, nỉ xanh, nỉ đen... Các chúa cũng thường mua sản vật của dân gian để trao đổi với thương nhân ngoại quốc, lấy ngoại hóa. Sự mua bán kéo dài trong 5, 6 tháng.
Theo giáo sĩ Christoforo Borri thì thấy người Hà Lan đến buôn bán ở Đàng Trong, người Bồ Đào Nha ở Macau sai một sứ giả đến xin chúa Nguyễn đuổi họ; sau đó lại sai một phái đoàn đến nói với chúa Nguyễn hãy đề phòng người Hà Lan nhã nhặn nhưng xảo quyệt, e họ sẽ xâm chiếm đất đai Nam Hà như họ đã làm ở Ấn Độ. Nhưng chúa Sãi khá sáng suốt, vẫn sai viết thư cho công ty Hà Lan vời họ sang buôn bán ở nước mình. Đầu năm 1636, đã có một thương điếm Hà Lan được thiết lập ở Quảng Nam.
Bấy giờ ở Nhật Bản, Mạc phủ đã xuống lệnh cấm người Nhật buôn bán với Đông Kinh (Tonquin, tức khu vực Bắc kỳ thời kỳ đó), công ty Hà Lan ở Nhật định sang Đông Kinh buôn bán, thay địa vị người Nhật ở đấy. Tháng 3.1637, tàu Grol từ Nhật Bản đến Tourane (Đà Nẵng ngày nay) rồi ra Đông Kinh, xin vua Lê, chúa Trịnh cho phép đến buôn bán ở Đàng Ngoài và dâng vua Lê hai khẩu đại bác. Những người Hà Lan được tiếp đãi tử tế và cho phép mở thương điếm ở Hiến Nam. Nhân đó, chúa Trịnh có yêu cầu người Hà Lan giúp mình trong cuộc chiến tranh với họ Nguyễn.
Nhân tàu Grol ghé Tourane, chúa Thượng đã gửi cho Toàn quyền Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Batavia (Jakarta, Indonesia ngày nay) bức thư và nửa cân trầm hương. Trong thư chúa tỏ ý mong muốn người Hà Lan đến buôn bán ở nước mình.
Những hảo tâm ấy của chúa Nguyễn không được lâu bền. Vì chúa Thượng đã biết sự giao dịch của chúa Trịnh và người Hà Lan, nhất là lời yêu cầu giúp đỡ để chống, đánh mình. Do đó, những lời hứa hẹn miễn thuế cho Hà Lan không được tuân giữ, rồi năm 1641, hai chiếc tàu Hà Lan bị đắm gần đảo Poulo Cahm, phần đông người trong tàu bị bắt giam. Các thương nhân Hà Lan bị đối xử quyết liệt: một đứa đầy tớ người Việt của thương điếm Hà Lan ăn cắp, bị người Hà Lan tự tiện đem giết, quan Trấn thủ Quảng Nam bèn thu hàng hóa, đồ đạc của thương điếm đem đốt hết, vàng bạc và đồ gì không cháy đều được vứt xuống biển, 7 thương nhân Hà Lan bị giết, 2 thương nhân khác được gửi đi một tàu ngoại quốc để về Batavia, thuật lại việc đã xảy ra cho công ty biết. Trước tình hình ấy, trong năm 1641, người Hà Lan đã phải bỏ thương điếm ở Faifo, và giao cho một người Nhật tên là Risemondono cư trú ở Senua (tức Thuận Hóa, chỉ Huế ngày nay) đại diện cho họ ở Đàng Trong.
Đầu năm 1642, một chiếc tàu Hà Lan do Van Liesvelt làm thuyền trưởng đi Batavia, ghé đến gần Faifo, xin chúa Nguyễn thả những người Hà Lan đang bị giam, nhưng chúa Nguyễn biết trên tàu ấy có mấy sứ giả Trịnh phái sang Batavia nên không thả.
Động binh
Công ty Hà Lan bèn quyết định dùng binh lực: 5 chiếc tàu có 152 thủy thủ và 70 binh sĩ được phái đến hải phận Đàng Trong, một đoàn trưởng là Van Liesvelt lên bộ, bị quân chúa Nguyễn đánh giết cùng 12 binh sĩ. Một đoàn trưởng khác là Van Linga đem giết 20 người Việt mà họ bắt trước để làm con tin, nhưng Van Linga không dám lên bộ. Chúa Thượng bèn bắt giết 1 thương nhân Hà Lan đang bị giam. Để trả thù, Van Linga bắt 107 người Việt họ gặp trên các làng ở dọc bờ biển đem xuống tàu, rồi cho tàu chạy ra bắc.
Năm 1643, hai chiếc tàu Hà Lan là Kievit và Nachtegeals đến Đàng Ngoài. Bấy giờ, chúa Trịnh đương đem quân đi đánh Đàng Trong ở Quảng Bình, được tin, liền viết thư yêu cầu hai tàu ấy, và một chiếc khác là Woec Kinde Boode đang đậu ở hải phận Đàng Ngoài, vào sông Gianh giúp mình, nhưng không biết vì sao không thấy ba tàu ấy dự chiến trận này. Đầu năm 1644, 3 chiếc tàu Hà Lan vào hải phận Đàng Trong, không biết có phải để gặp quân chúa Trịnh hay không. Được tin, Thế tử Dũng Lễ hầu (tức chúa Hiền sau này) liền đem 60 ghe chiến ra vây đánh. Chiếc tàu lớn hơn của Hà Lan bị ghe Việt xông vào đánh phá, Pieter Baek phải đốt nổ kho thuốc súng để tự tử, hai chiếc kia bỏ chạy, bị đuổi theo, một chiếc va vào đá, chìm, còn chiếc kia chạy thoát ra bắc. chúa Trịnh tức giận, không cho ghé vào hải cảng để tiếp tế lương thực. Theo Alexander de Rhodes, chúa Thượng sai cắt mũi 7 người Hà Lan thoát chết và cùng các xác chết người Hà Lan, gửi ra bắc để chúa Trịnh tưởng niệm chiến công của đội quân tinh nhuệ của mình.
Nhưng công ty Hà Lan thấy rằng tình trạng ấy không thuận tiện cho sự mở mang thương nghiệp của mình, nên năm 1650 thay đổi chính sách. Về phần chúa Nguyễn, bấy giờ là chúa Hiền, đã nối ngôi cha từ năm 1648, cũng cho Batavia biết là mình muốn hòa hảo. Ngày 9.12.1651, hai bên hiệp ước: bỏ qua sự bất hòa cũ.
Nhưng sự hòa hảo này không được duy trì lâu dài. Nhân viên của công ty liên tục bị phiền nhiễu, nên đầu năm 1654, công ty Hà Lan quyết định chiến tranh với Đàng Trong. Nhưng chiến tranh ấy, người Hà Lan không tích cực thực hành, người ta chỉ thấy thương quán Hà Lan đóng cửa từ đó.
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội 2016)
Hai xứ Thuận, Quảng giàu có cả về lâm sản, nông sản và hải sản, nhất là xứ Quảng Nam có nơi đất có vàng, sắt. Về thương mại, người Thuận, Quảng chỉ mua, bán thổ sản và sản phẩm tiểu công nghệ ở các chợ, chợ phiên.
Sách Phủ biên tạp lục viết: “Những sản vật quý phần nhiều xuất từ miền Nam. Xứ Quảng Nam (kể cả Gia Định) là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Ở phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, đồng ruộng rộng rãi gạo lúa tốt. Ba phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Gia Định thì thóc gạo nhiều không kể xiết, nhất là Gia Định đất đai màu mỡ mà không lo cái nạn hạn, lụt. Ở Gia Định, có nơi cấy một hộc thóc giống thì gặt được 100 hộc thóc, có nơi ruộng không cần cày, chỉ phát cỏ rồi cấy, cấy một hộc thóc giống gặt được 300 hộc thóc. Gạo nếp, gạo tẻ đều trắng trẻo, tôm cá rất to béo, ăn không hết”.
Ngoài ngũ cốc, Thuận, Quảng sản xuất nhiều cau, hạt tiêu, bo bo, hạt mè, đường cát, đường phổi. Về lâm sản, dãy núi Trường Sơn cho trầm hương, kỳ nam, sừng tê, ngà voi, sáp ong, dầu rái, cây lui, tre tư lao (dùng làm cán dao)... Chúa Nguyễn có đặt đội An Sơn hằng năm cứ tháng 2 thì đi tìm kiếm, tháng 6 thì đem về.
Gỗ là thứ người Việt rất cần dùng thì Thuận, Quảng sản xuất rất nhiều và nhiều thứ quý. Theo Phủ biên tạp lục, từ châu Bố Chính trở vào đều có nhiều thứ gỗ tốt. Các đầu nguồn huyện Khương Lộc có gỗ “táu” bền, đen như sắt, dân địa phương dùng làm cột nhà, gỗ “gụ” có vân mà bền, đen dùng làm giàn nhà, gỗ “bời lời” to mà sắc trắng dùng làm ván vách... Mỗi năm, tháng 8, khách buôn đóng bè chở xuống bán từng cây hoặc từng súc lớn nhỏ, có đến nghìn, trăm.
Gỗ “kiền kiền” cứng, bền, lâu hư, chôn sâu xuống đất mấy thước, trăm năm cũng không mục, ở đầu nguồn châu Nam Bố Chính (Quảng Bình) và các huyện Quảng Điền, Phú Vinh (Thừa Thiên-Huế) đều có. Nhà cửa, lầu gác, ghe thuyền của họ Nguyễn đều dùng gỗ “kiền kiền”. Gỗ “sao” có thể làm vách thuyền, loại sản xuất ở đầu nguồn H.Phú Vinh, Hương Trà thì nhẹ, vào nước thì nổi, dùng làm thuyền buôn và thuyền đánh cá.
Họ Nguyễn xây dựng cung điện, nhà cửa, thường lấy gỗ các phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Gia Định. Phủ Gia Định sản xuất nhiều gỗ tốt, các xứ, nguồn, thuộc huyện Phước Long, Tân Bình có nhiều gỗ “sao”, gỗ “trắc”, gỗ “giáng hương”…
Nghề nông là gốc, nhưng dọc theo bờ biển, nhân dân cũng sống bằng nghề chài lưới. Đánh cá, làm mắm đem lại những nguồn lợi lớn cho các miền duyên hải. Biển Thuận, Quảng còn có đồi mồi, xà cừ, các đảo trong biển Quảng Nam, Bình Khương có yến sào. Ở Hà Tiên có huyền phách sắc đen như sắt, người ta nói dùng nó tránh được gió độc, nên thường dùng làm tràng hạt.
Thương mại thịnh vượng
Người Hoa kiều tập trung đông ở nhiều thành thị, đưa ngoại hóa đến bán ở các chợ, chợ phiên. Buôn bán bằng ghe thuyền chỉ dọc theo bờ biển đi tỉnh này sang tỉnh nọ, hoặc từ châu Bố Chính qua Thuận Hóa, Quảng Nam, Thị Nại, Gia Định, đến vịnh Xiêm La là cùng. Nhờ bán sản vật cho ngoại quốc một phần lớn mà nền thương mại thịnh. Đến hậu bán thế kỷ 18, việc thương mại ở đô thành Phú Xuân đã phát đạt. Giáo sĩ Jean Koffler (sinh ở Prague, CH Czech - PV) năm 1766 đã viết: “Mỗi năm có độ 80 chiếc ghe Trung Quốc từ các tỉnh đến, ấy là bằng chứng của một nền thương mại phồn thịnh, nhất là khi thấy ngoài ra còn có tàu từ Macau, từ Batavia (Jakarta, Indonesia ngày nay - PV), từ nước Pháp đến nữa… Hàng hóa chở tấp nập bằng đường bộ hoặc đường biển đến đô thành, nơi đây người ta đem bán và mua các hàng hóa khác”.
Tiểu công nghệ có tính cách gia đình và phường bạn đã khá phát đạt. Những thợ làm nghề thường ở chung một làng hoặc một ấp. Ở Thuận, Quảng có thợ dệt vải, lụa, gấm, đoạn, trừu, sa, lãnh và nhuộm các màu; có thợ dệt chiếu, chằm nón, đãi vàng, nấu, luyện vàng, khai mỏ sắt, đúc đồ đồng, đúc súng, làm giấy, thép, đồ sành, đóng ghe thuyền, làm muối…
Phủ biên tạp lục chép, H.Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) có phường dệt hàng tơ. Ở xã Phú Cam, thuộc địa phận 3 xã Sơn Điền, Dương Xuân, Vạn Xuân, chia làm 3 ấp, mỗi ấp 10 nhà, mỗi nhà 15 thợ dệt, ông tổ xa của họ học được nghề dệt của người Hoa rồi truyền lại cho con cháu. Ở Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế), Điện Bàn (Quảng Nam), Lệ Thủy (Quảng Bình)... đều có thợ thêu gấm rất khéo, kiểu hoa sưa, dày khác vẻ mà đều đẹp, hay thêu ở cổ áo phụ nữ, ở các túi trầu.
Sau khi tiếp xúc với người Âu Tây, đồng hồ đã được các nhân viên công sở dùng. Phủ biên tạp lục cho biết ở xã Đại Hào, H.Đăng Xương (Quảng Trị) có Nguyễn Văn Tú, học người Hà Lan, làm được đồng hồ và sửa chữa đồng hồ. Em Văn Tú là Văn Thi, con là Văn Duy, rể là Lưu Văn Dũng đều biết nghề này.
Theo Koffler, người Đàng Trong về công nghệ rất dễ dạy và sáng dạ, họ bắt chước, làm được giống y những sản phẩm của Tây phương với dụng cụ đơn giản. Họ đóng tàu, làm nhà đúng y với bản vẽ của kiến trúc sư, họ sơn rất khéo và trên những bức sơn có những hình cây cối, hoa, cỏ, chim muông rất ngoạn mục.
Phan Khoang
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016) Khoa học Xã hội, 2016)
Truyện Sãi vãi (tức Tăng ni truyện) của Nguyễn Cư Trinh xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975ẢNH: T.L
Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục viết: 'Họ Nguyễn trước kia chuyên giữ một phương, chỉ mở thi hương, chuyên dùng lai tư, không chuộng văn học, ít thu lượm được người tuấn dị... Thế mà văn mạch ở đất này dằng dặc không dứt, thật đáng khen!'.
Thời các chúa Nguyễn, không thấy có trường đại học công lập (cách gọi của tác giả - TN) như trường Quốc Tử Giám ở Bắc hà, cũng không thấy có chức học quan. Đó là một khuyết điểm mà chúa Trịnh đã nêu lên để chỉ trích; người ta cũng thấy hòa thượng Thạch Liêm đã khuyên chúa Hiển Tông nên mở trường quốc học (theo Hải ngoại kỷ sự), không hiểu vì sao trải qua các chúa, đến đời chúa Thế Tông xưng vương, Nam hà vẫn không có trường đại học công. Nhưng trong bài tựa sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết: “Ngày tế đinh (tức tế Khổng Tử ở Văn Miếu - chú thích của tác giả) tôi vẫn đến học cung chiêm bái, học trò đến học có đến vài trăm người, tôi có cùng họ giảng học, luận văn, khuyến khích, dạy bảo ân cần...”. Vậy thì cũng có sinh viên đại học (cách gọi của tác giả - TN) đến nghe giảng ở nhà học, nhưng không biết tổ chức cách nào. Nhưng trong dân gian thì trường học mở rất nhiều. Giáo sĩ Christoforo Borri, trong cuốn Relation de la Nouvelle mission au Royaume de la Cochinchineđã cho biết ở Đàng Trong thời chúa Hy Tông, đã thấy nhiều trường bậc đại học với nhiều giáo sư cùng các cuộc thi, hạch các cấp y như ở Trung Quốc vậy.
Xem trong Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, chúng ta thấy tên một số tác giả và tác phẩm nhưng phần nhiều các tác phẩm ấy chỉ còn cái tên mà thôi. Vì các tác phẩm ấy chép tay, chưa khắc in, nên trải qua cuộc đánh chiếm Thuận, Quảng của quân Trịnh, cuộc chiến tranh với Tây Sơn và 25 năm loạn lạc tiếp đó ít tác phẩm còn giữ lại được dưới các cơn binh hỏa, nhiễu nhương. Điều đáng chú ý là có nhiều tác phẩm bằng quốc âm. Vậy biết rằng văn chương quốc âm cũng đã phát đạt. Ông Lê Quý Đôn khi ở Phú Xuân có sưu tập một số thơ văn mà ông chép lại trong Phủ biên tạp lục. Các thơ văn ấy đều có giá trị về văn chương và tư tưởng.
Những tài năng văn chương
Sau đây xin theo các sách trên chép lại tên tác giả, tác phẩm cùng những vị học thức, đức hạnh đã có công tài bồi văn hóa trong thời gian ấy.
Ở Thuận Hóa thời Lê có Bùi Dục Tài là người huyện Hải Lăng học rộng biết nhiều, có tiếng hay chữ, đỗ tiến sĩ năm Cảnh Hưng (1502); Dương Văn An người huyện Lệ Thủy, đỗ đồng tiến sĩ đời Mạc, năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1547), người đã sửa chữa và tập thành sách Ô châu cận lục.
Đào Duy Từ còn để lại bài Ngọa long cương ngâm và sách Hổ trướng khu cơ.
Nguyễn Hữu Dật 16 tuổi đã nổi tiếng văn học, đời chúa Hy Tông, được bổ làm văn chức, đời chúa Thái Tông, Hữu Dật làm Ký lục dinh Bố Chính. Tham tướng Nguyễn Phước Tráng vốn cùng Hữu Dật có hiềm khích, gièm với chúa rằng Hữu Dật toan mưu trở về bắc. Chúa Thái Tông bắt Hữu Dật bỏ ngục. Hữu Dật theo tập sách Anh liệt chí đời Minh, làm thành truyện Hoa Vân cáo thị để nói rõ chí mình, rồi nhờ người coi ngục dâng lên chúa. Chúa đọc xong, tha và cho làm Văn chức ở Chính dinh.
Nguyễn Phước Chu, tức chúa Hiển Tông, học rộng kinh sử, thường trước tác; đề vịnh, ý tứ tự nhiên. Ông còn để lại 4 bài thơ khóc phi là Nguyễn thị, bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Mụ, bài văn bia ở chùa này, nhiều bài thơ, câu đối tặng, điếu các quan...
Nguyễn Phước Tứ, con thứ 8 của chúa Hiển Tông, có khí cuộc, học rộng, ưa ngâm vịnh, giỏi thơ quốc âm, có làm Hoa tình nguyện bằng quốc âm, lời rất đau buồn, được dân gian ưa đọc. Nguyễn Phước Dục con Nguyễn Phước Tứ, học rộng, có tài lược, thơ hay, ưa ngâm vịnh, tương truyền rằng đàn Nam cầm là do ông chế ra.
Nguyễn Khoa Chiêm bắt đầu làm chức Thủ hợp đời chúa Hiển Tông rồi trải qua nhiều chức, đến năm Giáp Thìn (1724) thăng Tham chính Chính đoán sự, tác giả sách Nam triều Nguyễn Chúa khai quốc diễn chí (còn có tên gọi Nam triều công nghiệp diễn chí - TN).
Nguyễn Cư Trinh, hiệu Đạm Am, làm quan đời chúa Hiển Tông đến chức Ký lục. Cư Trinh thuở bé dĩnh ngộ, tuyệt quần, 11 tuổi đã làm văn thơ hay, cùng tùng huynh là Nguyễn Đăng Thịnh tề danh một thời, năm Canh Thân đỗ Hương cống, làm quan Tri phủ, Văn chức. Sau khi chúa Thế Tông lên ngôi vương, điển chương, pháp độ do Đăng Thịnh tán định, còn từ lệnh thì do ông thảo ra. Ông từng làm Tăng ni truyện (tức truyện Sãi vãi) bằng quốc âm. Từ năm Quý Dậu (1753), ông vào cầm binh đánh Chân Lạp, lập dinh Long Hồ, đạo Đông Khẩu, đạo Tân Châu, đạo Châu Đốc, Nam thùy mở rộng đất đai đến đấy đều là công của ông. Trong thời gian ở biên cảnh hơn 10 năm này, ông thường cùng Đô đốc Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ tặng đáp thơ, văn. Ông có họa 10 bài thơ vịnh Hà Tiên và mấy bức thư ông đáp lại Mạc Thiên Tứ, nội dung nhiều tư tưởng, triết lý.
Nguyễn Quang Tiền người huyện Quảng Điền, học rộng, thơ hay. Đời chúa Hiển Tông, ông làm Văn chức, biểu cầu phong gửi vua Thanh là do ông soạn. Đời chúa Thế Tông, các bài thơ đề vịnh ở các cung đình, và văn thư thù ứng với các lân bang phần nhiều do ông soạn. Khi Lê Quý Đôn ở Phú Xuân, có đến nhà ông để sưu tầm những văn phẩm của ông còn lại.
Võ Trường Toản là người huyện Bình Dương, phủ Gia Định, thông dĩnh, kinh học uẩn súc, gặp loạn Tây Sơn ở ẩn dạy học, học trò nhiều kẻ trở thành danh thần nhà Nguyễn như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức. Khi Nguyễn Phước Ánh đóng ở Gia Định, có triệu ông đến thăm hỏi, và rất khen ngợi sự cao thượng của ông. Ông mất, Nguyễn vương cho hiệu là “Gia Định xử sĩ sung đức Võ tiên sinh”, sai khắc ở mộ chí.
Phan Khoang
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội 2016)
Một số loại tiền đồng lưu hành ở Đàng Trong: Thái Bình thông bảo, Trị Nguyên thông bảo, Tường Nguyên thông bảoẢNH: T.L
Thời các chúa Nguyễn, ở Thuận, Quảng, Gia Định thông dụng tiền Khương Hy và các thứ tiền Khai Nguyên nhà Đường; Thuần Hóa, Tường Phù nhà Tống; đồng thời có lệ mỗi chúa lên ngôi thì đúc tiền đồng nhỏ, in hai chữ Thái Bình.
Năm Giáp Ngọ (1774), quân Hoàng Ngũ Phước vào Phú Xuân, tịch thu kho tàng, lấy được hơn 10 vạn quan tiền đồng cũ hiệu Khương Hy, Thuần Hóa, mới biết thuyền buôn Bắc Hà đã lén chở vào bán lại.
Những đồng tiền cũ của Trung Quốc thường được dân phá làm đồ dùng, mỗi ngày một hao hụt. Nên năm Ất Tỵ (1725), chúa Túc Tông đúc thêm tiền đồng.
Năm Giáp Thìn (1724), đời chúa Hiển Tông, Ký lục Chính dinh là Nguyễn Đăng Đệ xin cấm dùng các thứ tiền bằng gang, chì, sắt để mua bán, còn tiền đồng nếu không gãy, mẻ thì không bỏ. Không biết các thứ tiền gang, thiếc, chì sắt là tiền gì và do ai đúc ra.
Nhưng số tiền đồng của chúa Túc Tông đúc ra cũng bị dân gian phá làm đồ dùng, nên đến chúa Thế Tông, năm Bính Dần (1746), theo đề nghị của Hoa kiều họ Hoàng, mua kẽm trắng của Hà Lan, mở trường đúc ở Lương Quán, đúc tiền kẽm, vành tiền và chữ đề theo thể thức tiền Tường Phù nhà Tống. Việc lưu hành tiền kẽm này đã gây ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ trầm trọng ở Nam Hà lúc bấy giờ. Theo Phủ biên tạp lục thì tiền kẽm đúc ra lần đầu dày, cứng, tuy có thể đốt cháy, nhưng không thể bẻ gãy được, nên tiêu dùng cũng tiện.
Thế rồi, người có tiền đồng cất giữ, không chịu đem tiêu dùng. Người quyền quý, có thế lực tranh nhau xin đúc thêm tiền kẽm, dựng hơn 100 lò, đúc tiền hiệu Thiên Minh Thông Bửu, trộn chì vào, tiền lại nhỏ mỏng, có thể bẽ gãy được, dân gian chê xấu không dùng, nên việc mua bán không thông. Trước thì 1 đồng tiền kẽm ăn 1 đồng tiền đồng, nay 3 đồng mới ăn 1. Thuyền buôn ngoại quốc không nhận, họ đổi hàng hóa lấy gạo, muối, còn nhà giàu không muốn lấy tiền ấy, không chịu bán lúa, vì thế giá lúa cao vọt lên. Trong vòng hai năm, thuyền buôn Ma Cao đem kẽm đến bán, không dưới 15 vạn cân, mà chính quyền không biết cấm, kẻ gian mua rồi đem đến núi sâu, hải đảo đúc lén, không thể tra hỏi được.
Pierre Poivre là người sai phái của Công ty Đông Ấn của Pháp đến Nam Hà lúc ấy cũng nói trong Memoire sur la Cochinchinne: “Việc thương mại của xứ này đương bị xáo trộn vì sự lưu hành một thứ tiền kẽm gây ra nhiều sự gian trá, độc quyền và rối ren đủ thứ. Các tệ hại này không thể tồn tại lâu được, nhưng tôi không thể biết trước bao giờ chấm dứt...”.
Từ năm Mậu Tý (1768) trở đi, vì nhà giàu giữ lúa không chịu bán ra, nạn đói hoành hành ở Thuận, Quảng. Năm Canh Dần (1770), ở Thuận Hóa có dật sĩ là Ngô Thế Lân dâng thư lên chúa Duệ Tông bàn về nguyên nhân đói kém, và đề nghị phương kế bổ cứu. Thư đại lược rằng: “Nay thiên hạ đã bình yên lâu ngày, đất rộng, dân đông, đất trồng ngũ cốc đã khai khẩn hết, những nguồn lợi núi chằm đã khai thác hết, lại thêm ruộng ở Phiên Trấn, Long Hồ không bị hạn lụt, thế mà từ năm Mậu Tý đến nay giá lúa cao vọt, sanh dân đói kém, là vì cớ gì? Thần trộm nghĩ ấy không phải là vì thiếu lúa mà vì tiền kẽm gây nên vậy. Phàm dân chạy về mối lới cũng như nước chảy xuống chỗ thấp, thế không thể ngăn được, thế nên tuy rừng sâu có độc lam chướng, có nạn hùm beo, biển lớn có cái nguy sóng gió, kình ngạc, mà người ta thường đến mà không sợ, ấy là vì thấy lợi mà quên hại vậy. Huống chi cái lợi đúc tiền kẽm lại gấp bội cái lợi khác lại không có cái lo về lam chướng, hùm beo, sóng gió, kình ngạc, tuy có lệnh cấm nhưng từ khi dùng tiền tới nay, chưa ai vì đúc trộm mà bị giết bao giờ. Cho nên từ khi việc đúc trộm tiền kẽm ở Ba Thắc hoành hành thì giá lúa ở Gia Định cao vọt, ấy là vì kẻ đúc trộm tiền kẽm được lợi rất nhiều, nếu chở đi nơi khác thì sợ lộ việc gian, nên không kể hàng đắt hàng rẻ, đều tùy tiện mua lấy, giá lúa nhân đó mà cao lên. Lúc đắt thì dân sợ đói, sợ đói thì tranh nhau để chứa, tranh nhau mua thì lúa ngày càng đắt, lúc đắt thì mọi vật trong thiên hạ cũng theo đó mà đắt lên. Huống chi tính người ai cũng ưa cái bền chắc, ghét cái chóng hư, nay lấy đồng tiền kẽm chóng hư mà thay đồng tiền bền chắc, cho nên dân tranh nhau chứa lúa mà không chịu chứa tiền. Thời Hán Cao Tổ cho rằng tiền nửa lượng của nhà Tần nặng quá, mới đúc giáp tiền để thay, vật giá liền lên cao, 1 thạch gạo giá đến 1 vạn đồng tiền, ấy là vì tiền mỏng nên vật giá phải cao, đã ăn thì cha con không có nghĩa nữa. Cha đã không giữ được con, thì vua sao giữ được dân?
Tuy vậy, các tệ tiền kẽm đã lâu rồi, nay muốn thay đổi rất khó mau có công hiệu, mà nạn đói của dân lại rất gấp. Thần trộm nghĩ phương kế ngày nay, không gì bằng phỏng theo phép nhà Hán, mỗi phủ đặt 1 kho “Thường Bình”, đặt chức quan Hữu tư, định giá thường bình, rồi hễ lúa rẻ thì mua chứa vào kho, lúa đắt thì theo giá mà bán cho dân. Như thế thì giá lúa không đến nỗi rẻ quá để thiệt hại nhà nông, mà cũng không đến nỗi đắt quá để lợi cho dân buôn, khiến dân nghèo đói kém, rồi sau sẽ lần lần sửa đổi cái tệ tiền kẽm. Như thế vật giá sẽ được bình ổn”. (Theo Phủ biên tạp lục).
Thư dâng lên, nhưng không thấy trả lời.
Phan Khoang
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội 2016)
Chúa Hy Tông với ý định lập giang sơn riêng, sau khi bãi bỏ các cơ quan hành chính của triều Lê, đặt Tam ty để thay thế, năm Nhâm Thân (1632), bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển.
Duyệt tuyển là duyệt dân, chia ra từng hạng để đánh thuế và tuyển binh. Đó là một điển lệ quan trọng của quốc gia, phải do lệnh triều đình ban hành, nay chúa Nguyễn tự ý quyết định để tỏ rằng Thuận, Quảng thoát khỏi uy quyền nhà Lê.
Quy trình duyệt tuyển
Phép này, chúa Hy Tông nói theo quy chế thời Hồng Đức và các chúa kế sau đều thi hành: 6 năm 1 lần duyệt tuyển lớn, gọi là đại điển, 3 năm một lần duyệt tuyển nhỏ, gọi là tiểu điển. Đến năm duyệt tuyển thì tháng giêng sai các tổng, xã làm sổ sách, để riêng dân chính hộ là dân chính quán ở xã và dân khánh hộ là dân ngụ cư, rồi chia làm các hạng: tráng là người mạnh khỏe để sung vào quân đội; quân là người được ở nhà làm ruộng, đến khi quân ngũ có thiếu thì theo thứ tự trong sổ lấy mà bổ sung; dân là người từ 18 tuổi trở lên không được chọn làm binh lính; lão là người cao tuổi; tật là người tàn tật; cố là người làm thuê; cùng là người nghèo túng; đào là người bỏ trốn.
Đến tháng 6 thì duyệt tuyển. Ở các địa phương lập nên các tuyển trường, có quan văn, võ do trung ương phái đến phụ trách về việc duyệt tuyển. Thời ấy, lập 1 trường cho 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang; 1 trường cho huyện Võ Xương, Hải Lăng, Minh Linh; 1 trường cho huyện Khương Lộc; 1 trường cho huyện Lệ Thủy; 1 trường cho châu Nam Bố Chính; 5 phủ Điện Bàn, Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Hoài Nhân, Phú Yên mỗi phủ 1 trường, sau khi đặt phủ Thái Khương (sau đổi là Bình Khương) thì lập 1 trường ở đấy, đến năm Mậu Tý (1708), chúa Hiển Tông lập thêm 1 trường ở phủ Bình Thuận, 1 trường ở phủ Gia Định, cộng cả thảy 13 trường. Duyệt tuyển ở tuyển trường 1 tháng thì xong. Xã nào thấy sự ấn định các hạng dân nặng cho mình có quyền làm đơn xin xuống hạn.
Định mức thuế điền
Các chúa Nguyễn sai quan đo đạc ruộng công của các xã dân để thu thuế điền mỗi năm. Cứ mùa gặt xong, sai người đến tận nơi chiếu theo số ruộng đất cày cấy mà thu thuế. Năm 1669, thuế lệ định như sau: ruộng công nhất đẳng, mỗi mẫu nộp thuế bằng 40 thăng lúa, nhị đẳng mỗi mẫu 30 thăng, tam đẳng mỗi mẫu 20 thăng.
Ruộng khô mỗi mẫu 4 tiền, hoặc 1 tiền 30 đồng, hoặc 2 tiền, hoặc 2 tiền 30 đồng tùy vị trí. Ruộng hoang mới khai phá nạp 3 quan hoặc 3 tiền...
Định lệ thu thuế sai dư (thuế thân) cho các hạng dân như sau: ở Thuận Hóa về chính hộ, con cháu quan viên nạp 1 quan; tráng hạng 2 quan; quân hạng 1 quan 5 tiền; dân hạng 8 tiền; lão hạng 1 quan; tật hạng, cố hạng đều 5 tiền; cùng hạng 3 tiền; đào hạng 2 tiền. Về khách hộ, con cháu quan viên nạp 3 tiền; tráng hạng 1 quan; quân hạng 7 tiền; dân hạng, lão hạng đều 5 tiền; các hạng cố, cùng, đào, tật đều được miễn. Còn các người viên chức cũ như cựu xã trưởng, cựu tướng thần, cựu tri phủ, cựu ưu binh... cũng phải nạp sai dư và phụ thu, nhưng nhẹ hơn. Ở Quảng Nam, về chính hộ, tráng hạng nạp 2 quan; quân hạng 1 quan 7 tiền; dân hạng 8 tiền; lão hạng 9 tiền; cố hạng chia làm 3 hạng; hạng nhất 1 quan 5 tiền; hạng nhì 1 quan; hạng ba 7 tiền; tật hạng 6 tiền; cùng hạng 3 tiền; đào hạng 2 tiền. Về khách hộ, tráng hạng 1 quan 2 tiền, quân hạng 1 quan; dân hạng, lão hạng đều 6 tiền; tật hạng 4 tiền... các hạng cùng, đào được miễn.
Tiền từ thuế sai dư định từ năm Nhâm Thân (1632), nhưng xem trong Phủ biên tạp lục ông Lê Quý Đôn đã chiếu theo số thuế đời chúa Duệ Tông mà chép lại thì thấy các sổ ấy vẫn không thay đổi, sau 150 năm.
Dân nộp nhiều loại phí khác
Ngoài thuế sai dư, các hạng dân đều phải nạp các món tiền phụ thu này: tiền tiết liệu là lễ tết, tiền thường tân là lễ cơm mới và cước mễ đại nạp tiền, gọi tắt là tiền cước mễ (gạo cước) là tiền để chuyên chở thóc thuế, nhiều ít tùy hạng. Duy hai hạng cùng, đào trong chính hộ và các hạng trong khách hộ đều được miễn.
Các tiền trên đây do bản huyện thu, rồi nạp ở ty tướng thần lại bản dinh; còn các xã, thôn, phường nội phủ thì do nội lệnh sử thu riêng. Cũng có xã, huyện được miễn một hoặc nhiều trong các món tiền phụ thu ấy, ví dụ như huyện Minh Linh được miễn tiền tiết liệu, hai huyện Khương Lộc, Lệ Thủy được miễn tiền thường tân và tiết liệu, châu Nam Bố Chính được miễn các tiền tiết liệu, thường tân, cước mễ...
Các nhà sư Phật giáo nếu có quan điệp (giấy của quan cấp chứng nhận là tăng) và có trai giới, tu hành thì được miễn thuế và các thứ sưu sai. Lại có những địa phương làm sản vật riêng thì cho nạp sản phẩm thay thuế sai dư, hoặc sưu dịch. Như huyện Phú Châu nạp lụa; thuộc Kim Bộ nạp vàng; thuộc Tịch Tượng nạp chiếu... Các xã duyên hải làm nghề đánh cá thì nạp mắm (mắm mòi, mắm ướp, nước mắm, dầu cá) thay thuế sai dư hoặc tiền phụ thu.
Phan Khoang
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)
Các chúa Nguyễn chưa soạn luật riêng cho Nam Hà. Ở Nam triều, quan chế, phép thi cử không đầy đủ như ở Bắc triều và Nam Hà dùng luật của Bắc Hà.
Tội tử hình dành cho quan tham
Theo giáo sĩ Jean Koffler, tất cả những án tử hình đều phải đưa về tòa án tối cao của triều đình phán xét. Tòa án này gồm các quan coi về việc hình, các quan xét vụ án ấy và do pháp quan tối cao của vương quốc chủ tọa. Tội nào cũng có hình phạt nêu rõ trong bộ luật của quốc gia.
Các quan Trấn thủ tham lam, ngạo mạn, sách nhiễu, đục khoét tiền của dân chúng đều bị tội tử hình. Những kẻ cấp cho người khác thuốc độc, bùa mê, hoặc dùng thuốc độc, bùa mê hãm hại người khác, những kẻ phạm tội đại nghịch, khi quân, sẽ bị trừng phạt nặng: để voi dùng vòi quăng lên, bẻ mình hoặc dùng chân chà chết. Đàn bà giết chồng, con bị gươm đâm vào ngực...
Ở mỗi tỉnh (dinh), có tòa án xét xử các vụ án, quan Trấn thủ duyệt lại rồi mới thi hành, nhưng tội đại hình thì phải đưa về triều đình xét lại. Ở mỗi xã, cũng có pháp lệnh riêng, các hào lý theo đó mà cai trị; các thứ thợ hợp thành phường, mỗi phường có 1 người trưởng, một người phó và 4 người phụ tá cai quản, họ dàn xếp các cuộc đánh lộn xảy ra trong phường.
Cũng theo Koffler, hội nghị tối cao của quốc gia gồm 9 viên quan lớn nhất của triều đình gồm 5 quan võ, 4 quan văn và do chúa chủ tọa. Những vấn đề quan trọng đều đem bàn trong hội nghị này. Tuy là chủ tể tuyệt đối, chúa cũng không thể đặt thêm lễ cống, thuế mới, nếu không được hội nghị đồng ý. Nhưng chúa có thể ban những đặc ân, miễn là đặc ân ấy không trái với công ích. Một mình chúa không thể tuyên chiến, không thể đem vào quốc gia một tôn giáo mới, hoặc thay đổi phong tục. Vì vậy mà vị chúa đương kim khi muốn thay đổi y phục của nhân dân, bắt chước y phục cũ của Trung Quốc (trước khi người Mãn Châu làm chủ Trung Quốc), phải có hội nghị cấp cao chấp nhận đã.
Dân là gốc nước, gốc không vững thì nước không yên
Tài nguyên không thiếu để nuôi nhân dân, nhưng vì sự phân phối không đều, và ở Thuận Hóa, Quảng Nam, hễ năm gặp hạn, lụt thì mất mùa, cảnh đói kém liền bày ra, có năm có người chết đói.
Ngoài vấn đề nuôi sống gia đình ra, nhân dân thường bị xâu thuế bức bách, quan lại của rất nhiều nha môn nhũng nhiễu, những kẻ sai phái của bề trên quyền thế ức hiếp, nên không khỏi có người thất sở, xiêu tán. Việc bắt lính cũng là một tai nạn chung. Tuy có binh chế minh định và phép duyệt tuyển lựa chọn hạng dân phải đi lính, nhưng theo thiền sư Thích Đại Sán viết trong cuốn Hải ngoại kỷ sự vào cuối thế kỷ 17 thì: “Cứ mỗi năm vào khoảng tháng 3, tháng 4, quân nhân ra các làng bắt dân 16 tuổi trở lên, thể chất cường tráng, xiềng cổ bằng một cái gông tre, hình như cái thang nhưng hẹp hơn, đem về sung quân, cho học một nghề chuyên môn, học thành nghề rồi phân phát vào đội chiến thuyền để luyện tập, lúc hữu sự ra trận đánh giặc, vô sự bắt làm công dịch trong quan phủ, chưa được 60 tuổi chưa cho về làng, vì thế dân còn lại đều ốm yếu, tàn tật, ít có người tráng kiện...”.
Xem bức thư sau đây của Nguyễn Cư Trinh, Tuần phủ Quảng Ngãi, dâng lên chúa Thế Tông năm Tân Mùi (1751) thì biết các tình trạng khốn tệ trong xã hội đương thời do nền hành chính không lương hảo gây nên: “Dân là gốc nước, gốc không vững thì nước không yên, ngày thường không lấy ân huệ mà kết lòng dân, đến lúc có việc sẽ nương cậy vào đâu? Trộm lo: trong dân gian mối tệ chất chứa đã nhiều, nếu cứ an theo thói thường, giữ lề lối cũ, không tùy lời thêm, bớt, lập bày kỷ cương, thì một ấp chẳng làm được, huống chi một nước. Nay việc gây tệ hại cho dân là: cấp lính, nuôi voi và nạp tiền án. Ngoài ra, còn sự nhũng phí quá lệ rất nhiều, nhưng việc ấy thuộc về kinh kỳ, tôi không dám vượt chức nói ra. Xin nói những việc trong chức phận: dân Quảng Ngãi chịu thống thuộc nhiều nơi, đã chịu lệnh của nha trường sai dư, lại chịu lệnh các nha trường điền tô (thuế sai dư nạp ở một trường riêng, thuế điền tô nạp ở một trường riêng - NV), chịu đủ loại thuế, phí khác, lại chịu lệnh quan, nha môn, chịu lệnh các sai nhân (những người được quan lớn hoặc ở kinh sai đi - NV)... Nghèo khổ, thất nghiệp là đáng thương, đã không có hằng sản, làm sao giữ được hằng tâm? Trong lúc bình yên mà lòng dân còn rất dao động, một mai có việc thì chế ngự sao kịp? Dân nên để cho yên, không nên làm cho động, động thì dễ loạn, yên thì dễ trị”.
Đời chúa Thế Tông, nhân dân Thuận, Quảng phải đối phó với nạn đói mấy năm liền. Nạn đói kéo dài đến đời chúa Duệ Tông và năm Giáp Ngọ (1774), trong khi ở phương nam, Tây Sơn nổi dậy, ở phía bắc quân Trịnh đã vượt qua sông Gianh thì ở Thuận Hóa đói to, ngoài đường có xác người chết đói.
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học xã hội, 2016)
Tranh vẽ Hội An thế kỷ 17ẢNH: T.LXứ Nam Hà của chúa Nguyễn ban đầu là một phần đất của Đại Việt, về sau các chúa mới mở rộng thêm ra và tăng cường mối quan hệ ngoại giao với lân bang.
Rộng lượng với người Trung Quốc
Năm Nhâm Ngọ (1702), nhân khi hòa thượng Thạch Liêm gợi ý, chúa Hiển Tông (chúa Minh) sai hai người Quảng Đông là giám sinh Hoàng Thần và nhà sư Hưng Triệt (đang theo hòa thượng Thạch Liêm sang Thuận Hóa) đem cống phẩm (kỳ nam hương thượng hạng một khối nặng 1 cân 10 lượng, kỳ nam hương một khối nặng 3 cân 10 lượng, vàng sống một khối nặng 1 cân 13 lượng, một đôi vòng đồng tâm sét, hai chiếc ngà voi nặng 350 cân, 50 sợi dây hoa, 50 cây lụi) sang nhờ tổng đốc Quảng Đông đề đạt lên Thanh triều. Sau đó, chúa Nguyễn vẫn có thư từ đi lại với tuần vũ, tổng đốc Quảng Đông.
Vì ở địa vị đối lập với Bắc Hà mà chưa phải là chư hầu của Trung Quốc, các chúa Nguyễn đối xử hậu tình với các quan lớn Trung Quốc, rộng lượng với người Trung Quốc. Người Trung Quốc đi thuyền bị bão, dạt vào hải phận Đàng Trong được đối đãi tử tế, rồi giúp cho về. Năm Đinh Mão (1747), người Hoa kiều Phúc Kiến lập mưu đánh úp dinh Trấn Biên (Phú Yên) giết cai bộ Nguyễn Cư Cẩn, tuy nhiên gặp thất bại, bị bắt cùng 57 đồ đảng. Nhưng chúa Thế Tông (chúa Vũ) chỉ bắt giam, không giết. Đến năm Bính Tý (1756), nhân có hai viên quan Mân, Chiết, đi thuyền gặp bão, dạt tới hải phận Nam Hà, chúa mới gửi bọn tù binh theo đưa về xử tội.
Những bức thư Việt - Nhật
Trong tạp chí Nam Phong số 54 (tháng 12.1921), phần chữ Hán có bài Bản triều tiên đại dữ Nhật Bản giao thông chi văn thư (thư từ ngoại giao của các đời trước bản triều với Nhật Bản) của ông Sở Cuồng (Lê Đăng Dư), trong đó ông sưu tập được một số văn thư của các chúa Nguyễn, vua Lê, chúa Trịnh trao đổi với các giới công, tư Nhật Bản. Ông Sở Cuồng cho biết các văn thư ấy trích ở các sách Dị Quốc vãng lai ký, Hòa văn ngoại phiên thông thư, Cổ sự loại uyển, Nhật Bản sử liệu...
Một bức thư của chúa Hy Tông (chúa Sãi) đề ngày 22 tháng 4 năm Hoằng Định thứ 20 (1619) tức năm Nguyên Hòa thứ 1 của Nhật Bản, giao cho Mộc Thôn Tông Thái Lang chấp chiếu, nói rằng Tông Thái Lang đã xin nguyện ở dưới gối, ta bằng lòng cho làm quý tộc, gọi là Nguyễn Đại Lương, tên là Hiển Hùng. Thư này trích ở sách Hòa văn ngoại phiên thông thư và sách này chú rằng: “Đầu năm Văn Lộc (có lẽ niên hiệu của Nhật) vì muốn buôn bán với ngoại quốc, tàu Kinh, Giới, Trường Kỳ, cộng thuyền chủ 9 chiếc tàu, vượt biển sang Đông Kinh, Giao Chỉ, Đông Phố Trại, một tàu là sở hữu của Mộc Thôn Tông Thái Lang, trong năm Nguyên Hòa, qua lại Quảng Nam, quốc vương vì tình âu yếm người xa lạ, gả con gái cho Tông Thái Lang, lại cho người này lấy họ Nguyễn để giữ vững tình thân thuộc. Bức thư trên đây là của vua nước ấy ban cho lúc bấy giờ. Sau người vợ theo chồng về Trường Kỳ, rồi gặp lúc Nhật nghiêm cấm thuyền Nhật xuất dương, nên phải ở luôn lại Trường Kỳ”.
Nếu thật như vậy thì chúa Hy Tông, ngoài công nữ gả cho vua Chân Lạp, còn gả một công nữ cho thương gia Nhật Bản. Theo Phủ biên tạp lục thì chúa Hy Tông có 4 công nữ, hai công nữ có chép sự tích đầy đủ, còn hai công nữ khác là Ngọc Khoa và Ngọc Vạn thì đều chép là “khuyết truyện”, nghĩa là không nói gả cho ai, con cái thế nào. Chúng ta đã chắc một trong hai nàng này gả cho vua Chân Lạp, vậy nếu cuộc hôn nhân Nhật - Việt ấy có thật, thì người lấy chồng Nhật ấy ắt là nàng kia.
Một bức thư khác của chúa Hy Tông gửi cho Đức Xuyên Gia Khương và Bản Đa Thượng Dã Giới Chính Thuần, cho Trà Ốc Tư Lang Thứ Lang tỏ tình giao hảo, mời đến buôn bán, tặng phẩm vật. Theo bức thư của Hy Tông và bức thư của Đức Xuyên Gia Khương gửi Hy Tông, thì chúa Nguyễn đã gửi tặng trầm hương, kỳ nam, rượu, mật ong, đoạn màu, con công; Nhật gửi tặng chúa gươm, dao lớn, dao đeo lưng.
Chúa Hy Tông còn gửi thư đến quốc vương Nhật Bản đề ngày 11 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 5 (1604), tức năm thứ 9 niên hiệu Khánh Trường của Nhật Bản, xin vua Nhật chỉ cho thuyền buôn đến nước mình, chứ đừng cho đến các xứ Thanh Hóa, Nghệ An là thù địch nước mình.
Các chúa Nguyễn ở Nam Hà mở cửa tiếp xúc với các nước khác, giao thiệp, buôn bán với họ, để thu dụng những tài năng, phẩm vật, những gì mới lạ về kỹ thuật và khoa học. Từ khi chúa Thái Tổ (chúa Tiên) còn ở dinh Cát, thuyền buôn các nước đã vào sông Quảng Trị, đến buôn bán ở dinh Chúa rồi. Đại Nam thực lục tiền biên năm Nhâm Thân (1572) chép: “Bấy giờ, chúa đã ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, tàu buôn các nước nhóm hợp, biến thành một đô hội lớn”. Từ chúa Hy Tông trở đi, chúa nào cũng đặc biệt khuyến khích người Hoa, người Nhật, người Âu đến buôn bán ở xứ mình.
Năm Nhâm Dần (1602), chúa Thái Tổ lập dinh Quảng Nam, ở gần Hội An mà người Âu châu gọi là Faifo và giao cho công tử thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên làm Trấn thủ. Hội An trở thành thương cảng mậu dịch với ngoại quốc và nơi đô hội buôn bán lớn nhất của Thuận, Quảng bắt đầu từ đó. Thương mại mở cho người mọi nước, còn ghe thuyền người Việt thì chỉ buôn bán dọc theo bờ biển đến vịnh Tiêm La mà thôi.
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)
Hội An chiếm vị trí giao thương quan trọng vì Quảng Nam là trấn giàu trong xứ, phần nhiều sản vật quý đều do đất ấy sản xuất, lại ở gần Quy Nhơn, nên dễ tập hợp những sản vật mà thuyền buôn ngoại quốc cần dùng.
Tập trung thương khách để tiện việc kiểm soát
Lý do chính trị: Đại Việt đã cùng với Trung Quốc giao thương từ đời Tiền Lê, Lý, Trần, Lê. Vì sợ người ngoại quốc giả mạo thương nhân để do thám, nên triều nào cũng chỉ cho phép họ tụ hợp lại những nơi nhất định, gọi là “bạc dịch trường” để buôn bán và cấm họ đến kinh đô. Đời Lý lập “bạc dịch trường” ở đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), thuyền tàu ngoại quốc đến buôn bán chỉ được vào hải cảng ấy và thương khách cư trú tại đó. Đến đời Lê, vua Thái Tổ chỉ định thêm mấy nơi nữa, ngoài Vân Đồn, cho thương khách làm nơi cư trú, cấm người Trung Quốc ra vào Thăng Long. Thời Nam Bắc phân tranh, ngoài Vân Đồn ra, chúa Trịnh tập trung thương khách Trung Quốc và Âu châu tại Hiến Nam (phố Hiến, Hưng Yên ngày nay), cho họ lập phố xá để tiện việc kiểm soát và vẫn cấm họ ra vào Thăng Long. Chúa Nguyễn ở Nam Hà đối với Hoa thương và thương khách ngoại quốc cũng áp dụng chính sách ngăn ngừa, như ở các triều đại trước, nên Hội An xa cách Phú Xuân, được chọn làm nơi tập trung của họ, cũng như Vân Đồn, Hiến Nam đối với thương khách ở Bắc Hà phải ở xa Thăng Long vậy.
Thương cảng Hội An càng ngày càng phồn thịnh, số thu nhập rất nhiều, vả lại trấn Quảng Nam còn để trấn áp phương Nam, là trấn quan trọng, nên các chúa thường để một công tử làm trấn thủ. Trấn thủ Quảng Nam có nhiệm vụ trực tiếp thương, xuất, nhập cảng. Người ngoại quốc, giáo sĩ cũng như du khách, thương nhân muốn ra vào đất Nam Hà, phải do cửa Đà Nẵng, Hội An, đến ra mắt Trấn thủ Quảng Nam trước, vì vậy họ thường gọi xứ Đàng Trong là nước Quảng Nam (Quảng Nam quốc).
Thu nhiều thuế từ hội an
Giáo sĩ Christoforo Borri (Ý) đã cư trú tại Hội An năm 1618 tả thành phố này: “Thành phố rộng rãi, nên có thể nhận ra hai khu vực, một khu vực do người Trung Hoa ở, khu vực kia người Nhật Bản ở. Mỗi khu vực đặt riêng người làm khu trưởng và y theo phong tục, tập quán riêng mà sinh sống...”, và “người Trung Quốc và người Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên này, năm nào cũng mở và kéo dài 4 tháng. Người Nhật thường đem bạc, người Trung Quốc thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ. Ở chợ này, quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc cũng được nhiều lợi ích”.
Hằng năm vào khoảng tháng 12, tháng giêng dương lịch, tàu ngoại quốc từ Trung Quốc, Nhật Bản đến bán sản vật của họ, mua sản vật của Đại Việt, sau 4, 5 tháng thì họ đi. Người Nhật Bản ngoài việc bán mua tại Hội An, còn gián tiếp mua hàng Trung Quốc mang về Nhật nữa. Các nhà cầm quyền Nhật khuyến khích thương gia phái thuyền đến Quảng Nam, Tiêm La, Phi Luật Tân để buôn bán trao đổi với các thương thuyền Trung Quốc, mua những hàng hóa, vật liệu của Trung Quốc mà Nhật Bản cần dùng. Đến hậu bán thế kỷ thứ 17, vì cuộc thay đổi triều đại và các chính biến xảy ra ở Trung Quốc, việc buôn bán ở Hội An thịnh vượng thêm lên. Thương cảng này đã tiếp nhận nhiều người Trung Quốc lưu vong hoặc di thần triều trước sang lánh nạn, định cư, trở nên đông đúc hơn.
Từ sau khi nhà Thanh vào Trung Quốc, hạ lệnh dân Trung Hoa cạo tóc gióc bím, đã có nhiều người Trung Hoa di cư đến Hội An được chúa Nguyễn cho phép cư trú. Họ lập nên xã Minh Hương, chúa Nguyễn áp dụng chính sách đồng hóa, đã thừa nhận xã ấy, cho thuộc hộ tịch miền Nam. Vì nhà Thanh hoàn toàn làm chủ Trung Quốc, số người này ra đi không hẹn ngày về. Cũng như những người trước kia, họ đã đến Hội An đông hơn các nơi vì Quảng Nam giàu có, việc làm ăn dễ dàng, chính sách đối với Hoa kiều của nhà cầm quyền tương đối rộng rãi.
Năm 1695, thương nhân Anh là Bowyear đến Hội An thuật lại rằng: “Faifo gồm một con phố trên bờ sông và hai dãy nhà, có khoảng 100 nóc nhà của người Hoa, cũng có 4, 5 gia đình người Nhật Bản. Xưa kia, người Nhật làm cư dân chính và làm chủ việc thương mại ở hải cảng này, nhưng số ấy đã giảm bớt và của cải của họ cũng sút kém; sự quản trị công việc đã rơi vào tay người Hoa. Mỗi năm có độ 10, 12 chiếc thuyền từ Nhật, Quảng Đông, Tiêm La, Cao Miên và Batavia (Jakarta ngày nay) đến...”.
Trong sách Hải ngoại kỷ sự, Thích Đại Sán - vị hòa thượng đã đáp lời mời của chúa Hiển Tông (chúa Minh) đến Thuận Hóa năm 1695, có ghé Hội An, viết: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông có con đường dài ba, bốn dặm, gọi là Đại đường nhai, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố đều là người Phúc Kiến vẫn ăn mặc theo lối tiên triều (nhà Minh), phần đông phụ nữ coi việc buôn bán. Khách trú ở đây hay cưới vợ người bản xứ, cho tiện việc thương mại. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phô, cách bờ biển kia là Trà Nhiêu, nơi đình bạc của tàu ngoại quốc, nhân dân đông đúc, cá tôm rau quả, tập hợp buôn bán suốt ngày. Thuốc bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây...”.
Phan Khoang
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét