Hùng Trần
Khác với nhiều vị vua trong lịch sử Việt Nam chỉ xưng "vương", sau khi đánh bại quân đô hộ nhà Đường, Mai Thúc Loan xưng "đế", khẳng định vị thế nước Nam ngang hàng với Bắc quốc.
Ông có một tuổi thơ khổ cực, mất mát, đau thương nhưng không bao giờ gục ngã, lập nên những trang oanh liệt hiếm có trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Địa linh động Cồn Chèn
Động Cồn Chèn ngày nay thuộc địa phận xóm 1 xã Nam Thái, có độ cao khoảng 30-40m, chạy theo hướng Bắc-Nam, trước đây thuộc kẻ Trừng, sau thuộc làng Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (Nam Đàn, Nghệ An).
Xét về mặt phong thủy, đây là một địa thế nhất nhì trong vùng - mảnh đất đế vương. Từ động Cồn Chèn, nhìn về phía Tây Bắc, thuộc xã Thanh Khai và xã Thanh Lương thuộc huyện Thanh Chương có núi Ngũ Mã và núi Phượng Hoàng.
Các bậc Nho sĩ xưa cho rằng 5 ngọn núi này giống như 5 con ngựa đang phi, nên gọi là "Ngũ Mã tề phi". Núi Phượng Hoàng trông giống hình con chim Phượng hoàng đang vỗ cánh hướng về phía Đông cùng với núi Ngũ Mã tạo thành một quần thể núi non hùng vĩ.
Dưới chân núi Ngũ Mã và núi Phượng Hoàng có sông Gang chảy ra sông Lam. Theo các bậc tiền nhân, đây chính là thế sơn dồn, thủy tụ, góp phần tạo nên linh địa cho vùng đất Ngọc Trừng.
Từ động Cồn Chèn nhìn về hướng Nam có dãy Đụn Sơn (núi Gấu) hay Hùng Lĩnh, hướng Đông và Đông Bắc là núi Dẻ và cồn Sui.
Dưới chân động Cồn Chèn có cánh đồng Bàu Chò Cùng, đồng Cựa Chùa. Về mùa mưa lũ, toàn bộ vùng đất này nước ngập trắng xóa, động Cồn Chèn chẳng khác gì một ốc đảo chơ vơ giữa biển nước mênh mông.
Tuổi thơ khổ cực
Sách Thiên Nam Ngữ Lục chép, thân mẫu Vua Mai đến xem nấu muối bị một làn khói muối ngũ sắc bao lấy mình mà có thai.
Tình thế éo le, để tránh điều đàm tiếu của dân làng, bà rời làng Mai Phụ (Thạch Hà, Hà Tĩnh) ngược dòng sông Lam tìm đến động Cồn Chèn, dựng nhà trên đỉnh động, sinh cơ lập nghiệp từ đây.
Truyền thuyết kể lại, bà thường vào rừng hái rau, măng, đốn củi đem xuống chợ Sa Nam (Nam Đàn) để bán, mua gạo. Bà còn xuống đồng Bàu Chò Cùng, đồng Cựa Chùa, bàu Ngan, sông Gang mò cua, bắt ốc để mưu sinh.
Chính trong ngôi nhà tranh nhỏ trên động Cồn Chèn, được sự đùm bọc, chở che của nhân dân, vào một buổi sáng sớm, thân mẫu chuyển dạ dưới gốc mai, sinh ra Vua, đặt tên là Mai Thúc Loan.
Cho đến nay chưa có tài liệu nào ghi lại chính xác năm sinh của Vua, mà chỉ biết năm mất (722). Nói về công lao to lớn của thân mẫu, tại đền thờ của bà, có một bức đại tự sơn son thếp vàng với nội dung:
Từ mẫu sinh minh đế
(Bà mẹ hiền từ đã sinh ra một vị hoàng đế thông minh sáng suốt)
Không người thân, họ hàng, cuộc sống của mẹ con Mai Thúc Loan trải qua bao đắng cay, cực khổ. Mai Thúc Loan lớn lên trong sự yêu thương, che chở của mẹ và ông luôn cố gắng để trở thành nguồn động lực của cho bà.
Là người con hiếu thảo, từ nhỏ, Mai Thúc Loan đã theo mẹ vào rừng hái rau, hái măng, đốn củi đem xuống chợ để bán. Lớn lên, Ông đi chăn trâu cho nhà giàu trong vùng đỡ đần mẹ. Cuộc sống lam lũ, nghèo khó dường như đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho người anh hùng sớm nuôi chí lớn.
Mai Thúc Loan nổi tiếng là người có sức khỏe, thông minh, tài trí hơn người và là một trong những đô vật nổi tiếng khắp vùng. Ông cũng thường cùng các phường săn vào núi Hùng Sơn, Phượng Hoàng, Đại Huệ… săn thú.
Biến cố đau thương và trang sử oanh liệt chống ngoại xâm
Cuộc sống thanh bình và yên ấm của hai mẹ con trong ngôi nhà nhỏ trên động Cồn Chèn sớm kết thúc bởi một tai họa ập đến. Vào một buổi sáng mai, thân mẫu của Mai Thúc Loan vào động Cồn Hổ để lấy củi, không may bị hổ dữ ăn thịt.
Nghe tiếng hổ gầm, Mai Thúc Loan cùng dân làng vào rừng tìm cách cứu mẹ. Đến nơi, thì hổ đã ăn thịt bà. Thương mẹ, ông cùng mọi người đánh hổ.
Con hổ vì quá sợ đã chạy từ động Cồn Hổ, sang động Cồn Sui. Đến núi Dẻ, Mai Thúc Loan cùng mọi người giết được hổ dữ, thu nhặt thi hài của mẹ về an táng.
Trước họa đô hộ và bóc lột của nhà Đường, gác lại nỗi đau riêng, Mai Thúc Loan đi khắp vùng miền núi đến miền biển để kết thân với các hào trưởng, quý tộc, tù trưởng để mưu nghiệp lớn cứu nước, cứu dân.
Được sự ủng hộ của đông đảo quý tộc, hào trưởng, tù trưởng cùng đại bộ phận nhân dân Hoan-Diễn và 32 châu quanh vùng cũng như sự ủng hộ của các nước Kim Lân, Xảo Oa, Java, Chân Lạp (theo sử cũ chép lại, lực lượng quân đội lúc này của Mai Thúc Loan lên đến hơn 40 vạn).
Năm 713, Mai Thúc Loan chọn làng Vạn An (Nam Đàn, Nghệ An) làm đại bản doanh, dựng cờ khởi nghĩa và sớm lật đổ toàn bộ ách thống trị của nhà Đường, giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc.
Ông xưng Đế, tục gọi là Mai Hắc Đế, đại bản doanh Vạn An trở thành quốc đô của một quốc gia độc lập, tự chủ.
Nói về cuộc đời và sự nghiệp của Mai Thúc Loan, tại đền thờ thân mẫu Vua có đôi câu đối khắc đá, ngắn gọn mà diễn tả thâm sâu:
Tiểu thời diệt hổ, vị mẫu báo thâm thù
Đại thời bình tặc, vị dân trừ đại nhục
(Khi còn nhỏ đã diệt hổ trả mối thù sâu nặng cho mẹ
Khi lớn khôn thì đánh đuổi giặc ngoại xâm để tiêu trừ mối nhục lớn cho nhân dân
Lời bình: Người anh hùng chỉ một phen nổi dậy mà phá tan được xiềng xích đô hộ của nhà Đường, lại đoàn kết các nước lân bang, há chẳng phải có tài nhìn xa trông rộng và uy dũng hiếm thấy sao.
Lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành; ý chí và nghị lực phi thường là thứ giúp con người thành công dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào; tinh thần yêu nước, xả thân vì nghĩa lớn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dân tộc.
Tài liệu tham khảo chính
- Ngô Sỹ Liên và các sửa thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký Toàn thư tập II. Ngoại kỷ Quyển V-Kỷ thuộc Tùy, Đường, Nxb Khoa học xã hội, HN, Tr. 190.
- Nguyễn Quang Hồng (2013), Địa danh di tích lịch sử-văn hóa lễ hội vua Mai ở Nam Đàn, Nxb Nghệ An, NA, Tr 77-97.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm Định Việt sử thông giám cương mục. Tiền biên, quyển IV, Nxb Giáo dục, HN, Tr 58.
- Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2005), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, HN, Tr 53.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét