Xuân Chi
Trong lịch sử, có người thanh niên mang thân phận tù binh, ở độ tuổi 30, đã chỉ đạo thiết kế, xây dựng lên Tử Cấm Thành - biểu tượng văn hóa cho hàng ngàn năm lịch sử.
Thần đồng kiến trúc và số phận bi thảm trong chiến tranh
Nguyễn An (1381 – 1453) quê vốn là người Hà Đông. Từ thưở nhỏ, ông đã nổi tiếng khắp vùng với tài hoa và đôi tay khéo léo, bản lĩnh chính trực, liêm khiết của mình. Năm 1397, khi chưa đầy 16 tuổi, tiếng lành đồn xa, ông được có mặt trong kịp thợ khéo để xây dựng các công trình cung điện tuyệt tác nhà Trần (dưới đời vua Trần Thuận Tông).
Thật đáng tiếc, danh tiếng lan ra trong thời buổi loạn lạc như vậy, chỉ mang lại nguy hiểm trùng trùng.
Minh sử ghi lại, vào tháng 12 năm Bính Tuất (1406), nhà Minh mang danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ" xâm lược nước ta. Cha con Hồ Quý Ly lên ngôi không được lòng dân nên liên tiếp thua trận. Năm 1407, nhà Hồ thất thủ, nước Đại Việt chính thức bước vào một thời kì đô hộ đầy máu và nước mắt.
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại:
"Người Minh lùng tìm những người ẩn dật ở rừng núi, người có tài có đức, thông minh chính trực, giỏi giang xuất chúng, thông kinh giỏi văn, học rộng có tài, quen thuộc việc quan, chữ đẹp tính giỏi, nói năng hoạt bát, hiếu để lực điền, tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh dũng cảm, quen nghề đi biển, khéo các nghề nung gạch, làm hương... lục tục đưa dần bản thân họ về Kim Lăng.
Như vậy, cùng với Nguyễn An, có hàng ngàn thợ khéo, người tài mà tiêu biểu như Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly, sau thành ông tổ pháo thần công), Phạm Giằng, Vương Cẩn,... đã bị đưa sang đất Bắc. Nhân tài Đại Việt còn như "lá mùa thu".
Còn đau đớn hơn, Nguyễn An khi sang đất Bắc, bị lựa chọn đem đi hoạn, trở thành thái giám trong cung cấm Trung Hoa. Bị nhục nhã về thân phận, chà đạp lên con người, điều duy nhất để có thể sống sót và không bị biến chất là bộc lộ tài hoa của mình.
Ngọc trong bùn vẫn sáng, tài năng nở rộ nơi đất khách.
Nguyễn An đến đất Bắc trong thời điểm Minh Thành Tổ lên trị vì và đang gấp rút cho xây dựng một kinh đô mới ở Bắc Bình, nay là Bắc Kinh.
Việc xây dựng một tòa cung cấm mới đòi hỏi một nhân tài kiến trúc, còn có một tấm lòng ngay thẳng chính trực không vụ lợi. Biết Nguyễn An là người công minh chính trực, lại có tài thiết kế, vua Minh đã cho A Lưu (tên tiếng Hán của Nguyễn An) là tổng công trình sư, chịu trách nhiệm thiết kế, quán sát, đôn đốc xây dựng cung đình.
Như vậy, Nguyễn An là người chịu trách nhiệm quyết định tối cao cho công trình, chỉ sau Minh Thành Tổ.
Quá trình thiết kế và xây dựng Tử Cấm Thành đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền của. Bản thân Nguyễn An cũng liên tục chịu sức ép mạnh mẽ từ một vị hoàng đế độc đoán, tham vọng.
Truyền thuyết kể rằng, khi xây dựng tòa thành đặt tại bốn góc Tử Cấm Thành, Nguyễn An đã trình hết bản thiết kế này tới bản thiết kế khác nhưng vẫn không được chấp thuận. Trong cơn nóng giận, Minh Thành Tổ đã ra lệnh nếu Nguyễn An không thể đưa ra bản thiết kế khiến hắn vừa ý, ngày mai đầu vị kiến trúc sư này sẽ lìa khỏi cổ.
Tuyệt vọng, Nguyễn An đã làm việc suốt đêm đó. Cuối cùng, ông thiết kế ra tòa thành có mái xếp tầng tầng lớp lớp, dựa trên ý tưởng chiếc lồng nuôi dế ông đang nuôi. Và đến nay, tòa thành đó được coi như biểu tượng đặc trưng của Tử Cấm Thành.
Bên cạnh thiết kế công trình, Nguyễn An còn tham gia quản lý công trình xây dựng. Tài năng của ông càng được bộc lộ rõ thông qua cách vận chuyển những khối đá nguyên khối về điêu khắc cho hoàng cung.
Những phiến đá này nặng gần 80 tấn, và đến nay để di chuyển về cũng rất khó khăn. Nguyễn An, nhờ óc quan sát tinh tế của mình, đã tìm ra một phương pháp mà đến nay hậu thế vẫn còn thán phục.
Nhận thấy khu khai thác đá nằm ở khu vực có nhiệt độ luôn ở khoảng -20oC, ông đã chỉ đạo đào một rãnh nước rộng bằng chiều ngang của tảng đá, sau đó đổ nước sông lên. Nước sông nhanh chóng bị đông cứng, tạo thành một đường trượt dài từ mỏ đá đến kinh thành, dễ dàng di chuyển những khối đá to và nặng về tới nơi xây dựng công trình.
Nguồn tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét