Tư Bối
Lý Nguyệt Sinh là con gái của vua Lý Huệ Tông, dù là “lá ngọc cành vàng” nhưng nàng lại nên duyên lứa đôi với một anh chàng thợ rèn và trở thành bà Đại xã trưởng nghề rèn đúc sắt.
Nhân duyên trời định
Đất Nước ta dưới thời vua Lý Huệ Tông trị vì được chia thành 24 lộ và các công chúa được phái đến các lộ để trông giữ và vùng đất Ngột Nhì (nay là làng Vọng Nguyệt) thuộc quyền cai quản của công chúa Lý Nguyệt Sinh.
Tuy là phận nữ nhi, xinh đẹp hơn người, nhưng Nguyệt Sinh lại có tính tình mạnh mẽ, tinh thông võ thuật, sử dụng được cả kiếm cung! Đáng quý hơn, theo sử sách ghi lại, nàng còn là người vô cùng vị tha, thương dân, yêu nước.
Trong một cuộc thi võ đầu xuân, công chúa đã gặp và đem lòng yêu chàng trai trẻ tên là Chu Đình Dự. Dù xuất thân là một người nông dân áo vải nhưng Chu Đình Dự lại là một chàng trai văn võ song toàn, tài hoa xuất chúng và là một thợ rèn nổi tiếng trong vùng.
Thấy vậy, Nguyệt Sinh lấy cớ nhờ Chu Đình Dự làm giúp mình một thanh kiếm để đem về kinh dự hội thi võ. Trong cuộc thi võ đó, thanh kiếm đó đánh bại tất cả những binh khí khác. Nhà vua thấy lạ bèn hỏi, lúc bấy giờ Nguyệt Sinh công chúa mới giãi bày với cha và xin tác hợp.
Vua Huệ Tông nghe xong cảm động, phá lệ cho công chúa kết hôn với chàng trai nghèo Chu Đình Dự.
Sau khi kết hôn, nàng giúp chồng thu xếp việc làm ăn, chả mấy chốc Chu Đình Dự và công chúa Lý Nguyệt Sinh đã được dân gian tôn là ông bà Đại Xã Trưởng nghề rèn đúc sắt.
Xoay quanh chuyện tình của công chúa Lý Nguyệt Sinh và chàng trai Chu Đình Dự hiện có rất nhiều tài liệu ghi chép khác nhau. Có tài liệu cho rằng, công chúa và phò mã cùng sát cánh đánh giặc ngoại xâm, hy sinh khi còn chưa vẹn câu thề ước. Nhưng cho đến nay những chi tiết xoay quanh công chúa Nguyệt Sinh vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ.
Nàng công chúa kiên trung sống mãi trong lòng dân gian
Đến niên hiệu Kiến Trung thứ 2 nhà Trần (tức thời vua Trần Thái Tông) công chúa cất quân báo thù cho nhà Lý nhưng thất cơ tử trận.
Nói đến chi tiết này, theo như Bản thần bi ký, di văn của Tiến sỹ Ngô Nhân Triệt, tấm bia có khắc về Nguyệt Sinh công chúa và phò mã thượng hầu như sau:
"Nguyệt Sinh công chúa và phò mã thượng hầu thừa lúc vua Huệ Tông phân thiên hạ ra làm 24 lộ. Lộ này phân cho công chúa cai quản. Được lệnh truyền quân lính xây dựng thuyền chiến đấu. Sau khi Chiêu Hoàng mất ngôi về nhà Trần.
Đến niên hiệu Kiến Trung thứ hai nhà Trần, công chúa cất quân báo thù tại trận địa thuộc trấn Thái Nguyên, chiến đấu tại một khu vườn Can xứ. Công chúa thất cơ bị tử trận, hóa thành một khúc gỗ lớn, trôi theo dòng sông về tới xã Mai Thượng, huyện Hiệp Hòa, ven bờ song phía Bắc.
Truyền lại: bấy giờ chẳng ai biết rõ đầu đuôi khúc gỗ thế nào ? Linh ứng báo mộng cho hương lão làng (Vọng Nguyệt) ra vớt sinh phần lên, làm lẽ mai táng tại khu Vườn Nương thuộc địa phận xã Mai Thượng. Sau đó dân làng Vọng Nguyệt thờ bà (Nguyệt Sinh) và tôn làm phúc thần đại vương. Hiện nay ngôi mộ của Bà vẫn nằm ở khu đất lớn".
Cho đến nay, công chúa Nguyệt Sinh và phò mã Chu Đình Dự vẫn được người dân làng Vọng Nguyệt lập đền thờ cúng và coi đó như một biểu tượng tâm linh của văn hóa truyền thống.
Lời bình:
Tự cổ chí kim, đa phần các công chúa của các triều đại nếu không gả cho vương tôn quý tộc thì cũng là gả đi các nước để đổi lấy giao hảo, hòa bình. Nhưng trong số đó vẫn còn những nàng công chúa biết nắm giữ số phận và hạnh phúc cá nhân của bản thân.
Nguyệt Sinh không chỉ là một công chúa đơn thuần, nàng không thua kém bất kỳ đáng nam tử hán nào, "Quân tử trả thù mười năm chưa muộn" sau khi vương quyền nhà Lý rơi vào nhà Trần, nàng đã đã cất quân đi phục thù và tử trận. Tinh thần kiên trung đó mới thật đáng quý làm sao???
Tư liệu tham khảo:
1. Di văn của Tiến Sĩ Ngô Nhân Triệt về Nguyệt Sinh công chúa và Phò mã Thượng Hầu- Lê Viết Nga (Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.466-469)
3. Báo Nhân Dân
4. Hà Nội Mới
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét