(Kiến Thức) - Thám hoa Nguyễn Minh Triết là một quan đại thần thời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Thượng thư.
Thám hoa Nguyễn Minh Triết là một quan đại thần thời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Thượng thư. Xung quanh chuyện thi cử của ông có nhiều tình tiết rất thú vị, hiếm có trong lịch sử khoa cử Việt Nam.
Đường khoa danh lận đận
Nguyễn Minh Triết sinh năm 1578, xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh, nay là thôn Lạc Sơn, xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau đổi tên là Nguyễn Hậu Quyến, cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Minh Thiện.
Thuở nhỏ, Nguyễn Minh Triết nổi tiếng thông minh, học đâu nhớ đấy, văn thơ phú lục đều giỏi, nhưng đường khoa danh hết sức lận đận, chỉ qua được kỳ thi Hương, còn khi đi thi Hội thì nhiều lần không đỗ. Mãi đến năm 54 tuổi, ông mới đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, được ban Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa) khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long 3 (1631) đời Lê Thần Tông. Ngự bút của vua cho đổi tên là Thọ Xuân. Ông làm quan đến chức Công bộ Thượng thư, hàm thiếu bảo, tước Cẩn Quận công.
Chuyện thi cử đỗ đạt của Nguyễn Minh Triết có những tình tiết hết sức thú vị.
Khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Đức Long 3 (1631) dưới thời vua Lê Thần Tông và chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, khác với mọi lần thi khác, giờ thi trường bắt đầu vào giờ Thìn và chậm nhất là giờ Tỵ (9,10 giờ sáng), nhưng lần này mãi đến đầu giờ Ngọ (khoảng 11h30) mới có ngự đề ban xuống.
Đại Việt sử ký toàn thư chép "... vua coi thi, thấy mặt trời có quầng, mống đỏ vây bọc xung quanh, lại có mống trắng xuyên vào giữa, mọi người cho thế là điềm ứng" nên mới chậm giờ. Còn các sĩ tử lại truyền nhau, bảo: "do chúa sinh vào năm Ngọ nên đặt ra lệ ấy". Giờ thi thì lùi lại muộn hơn, đã vậy khi bóc đề thi ra, các sĩ tử vô cùng hoang mang bởi đề quá dài, có đến 12 mục!
Làm không hết bài thi vẫn đỗ đầu
Vì thời gian ngắn, đề thi nhiều mục nên các sĩ tử vừa làm bài vừa nơm nớp lo không đủ thời gian để làm trọn bài thi. Ai nấy đều có ý nghĩ để làm đầy đủ 12 mục, thì trong nội dung từng mục chỉ có thể lướt qua. Chỉ riêng Nguyễn Minh Triết đã làm theo cách của mình. Theo trật tự, ông bình tĩnh làm từng mục, dẫn giải, biện luận đầy đủ hết mục này rồi mới sang các mục tiếp theo.
Vì thế, khi đến giờ nộp quyển Nguyễn Minh Triết vừa mới hoàn tất 4 mục. Các sĩ tử ra khỏi trường thi ai nấy đều ngao ngán, buồn bã vì không làm trọn bài thi. Đinh ninh lần này lại trượt, nên khi về tới nhà trọ, Nguyễn Minh Triết liền thu xếp hành trang trở về quê nhà ngay, chỉ kịp dặn hú họa lại chủ nhà rằng: "Nếu thấy tôi trong danh sách thì xuống báo hộ cho biết".
Vừa về tới nhà, người vợ trông thấy hỏi ngay: Ở trường thi ông làm bài ra sao? Ông thực thà kể lại, đề thi ra 12 mục, tôi chỉ làm đủ 4 mục, còn để sót tới 8 mục! Người vợ mỉa mai: Người 50 tuổi đầu rồi mà 12 mục để 8 mục sót lại thì thử hỏi đỗ làm sao được mà thi với thố. Nguyễn Minh Triết chống chế: Bà không biết, 4 mục mà làm đầy đủ có khi còn hơn cả 12 mục mà làm không trọn vẹn. Thế rồi ông vác cào ra đồng cùng làm cỏ với bà. Ngày này qua ngày khác, ông vẫn theo bà ra đồng làm như thế. Mặc dù ngoài mặt cười nói nhưng trong bụng, lúc nào ông cũng cảm thấy lo âu, buồn bã.
Khoảng nửa tháng sau, khi hai vợ chồng ông đang làm cỏ lúa thì ở phía làng có người hớt ha hớt hải chạy tới. Khi đến gần, Nguyễn Minh Triết nhận ra ngay đó là người chủ trọ ở Kinh thành. Nguyễn Minh Triết gào to: "Có đỗ không?". Người này chạy không kịp thở, nên chỉ dùng hai tay chỉ lên đầu mình làm hiệu.
Nguyễn Minh Triết vui sướng nhảy cẫng lên, rồi sau đó vừa cười vừa bảo vợ: "Đấy bà xem. Tôi đã bảo là đỗ kia mà!".
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét