Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Tướng quân ĐINH ĐIỀN - Trong tâm tưởng của người dân


ĐinhDanhVùngThành viên mới

Ngày tham gia:
17/12/12
Số bài viết:
92
[IMG]
Phủ Đột, trong khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình - Còn gọi là Đền Trình thờ Tứ trụ triều đình (Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ) và Hai vị tướng đã tuẫn tiết tận trung với Nhà Đinh.

Tướng quân Đinh Điền sinh năm 924, mất năm 979, quê làng Đại Hữu, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là một trong những vị Khai quốc Công thần của nước Đại Cồ Việt, người tận trung, tận nghĩa với nhà Đinh. Theo sử liệu, các Thần phả thần tích và truyền thuyết dân gian tại các nơi thờ ông, đã viết như sau:

Tướng quân Đinh Điền có cha là Đinh Thân, mẹ là Dương Thị Liễu, quê bà ở làng Yên Bạc, nay là xã Yên Phú, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Khi mới sinh ông có tên là Đinh Trào; ông là bạn thân của Đinh Bộ Lĩnh, khi còn nhỏ chăn trâu ở Thung Lau, động Hoa Lư, Gia Viễn, đã cùng đám trẻ chăn trâu lấy hoa lau làm cờ, khoanh tay làm kiệu, suy tôn rước Đinh Bộ Lĩnh lên làm Chúa, thu phục các đám trẻ chăn trâu ở các làng khác. Lớn lên, ông cùng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú theo phò giúp Đinh Bộ Lĩnh trấn giữ động Hoa Lư, chống lại nhà Ngô. 

Năm 965, nhà Ngô mất, ông cùng các chiến hữu phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, ông được giao chỉ huy 10 đạo quân đi thu phục đánh dẹp các nơi. Phu nhân của ông là bà Phan Thị Môi Nương, con gái trang Đằng Man (nay là phường Lam Sơn, TP Hưng Yên), đã cùng theo chồng đánh giặc, Bà cải trang trà trộn vào doanh trại địch để hậu thuẫn, mở cổng thành cho quân của ông tiến vào đánh phá thành; Bà đã đóng góp nhiều công lao cùng chồng phù giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân; trong vòng 3 năm Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh thống nhất được Đất nước. 

Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Vua, xưng đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình, với ý nghĩa nước Việt to lớn, thái bình, xây nền độc lập tự chủ, sánh ngang hàng với các triều đại phong kiến phương Bắc. Khi Vua Đinh xét khen thưởng những người có công lao, ông Đinh Điền được vinh phong Đệ nhất Công thần “trong Tứ trụ triều đình có bốn ông: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú và Lưu Cơ”. Ông được cử giữ chức Ngoại giáp (coi việc bên ngoài), theo các Thần phả, ông giữ chức Nhập nội Kiểm giáo Đại Tư Đồ, Bình chương Quân quốc Trọng sự, cùng trông coi quốc sự (Tể tướng). 

Năm Kỷ Mão (979), Vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị đầu độc sát hại, triều đình tôn Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi kế vị; Lê Hoàn cùng làm Nhiếp chính đại thần, sau đó tự xưng là Phó Vương, mọi việc trọng sự đều do tay Lê Hoàn quyết định cả. Cho rằng Lê Hoàn có ý đồ thoán đoạt, Ông đã bàn với Nguyễn Bặc, Phạm Hạp cùng một số trung thần khác, bỏ quan về ở ẩn để mưu tính chuẩn bị cho đại sự; rồi cùng hợp quân với Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, đem hai đạo quân thuỷ bộ từ Ái Châu (Thanh Hóa) tiến về kinh thành Hoa Lư mưu giết Lê Hoàn, thu giang sơn lại cho nhà Đinh. Nhưng Lê Hoàn lợi dụng gió đông nam thổi mạnh, đánh trận hỏa công, đốt sạch thuyền bè, quân sĩ của Đinh Điền, Nguyễn Bặc cũng tan rã, Đinh Điền bị tử trận. Nhân dân vô cùng thương xót, coi ông là bậc trung thần, vì nghĩa cả quên mình, nên đã thu nhặt hài cốt ông đem về chùa Trúc Lâm, nơi ông tu hành trước đó để an táng. Sau đó không lâu, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp cũng bị Lê Hoàn đánh bại, bị bắt và bị diết hại. 

Theo sách "Đinh Đồ sự tích" ở đền thờ Đinh Điền bên cạnh chùa Tháp, thôn Yên Liêu Hạ, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, Ninh Bình, sau khi bất hòa với Lê Hoàn, Đinh Điền đem vợ là Thượng Trân Trưởng Công chúa về với Kiều Mộc Thiền sư Lương Tuấn, rút về làng Lều (Yên Liêu Hạ) dựng chùa để tu hành, nhưng thực chất là xây dựng căn cứ, tích trữ lương thảo, chiêu mộ binh mã để chống lại Lê Hoàn. Ông lập ra 9 doanh trại, sau này 9 làng đều có đền miếu thờ ông là: Yên Lưu Thượng, Yên Lưu Hạ, Phúc Mỹ, Yên Thịnh, Yên Bắc, Yên Phó, Văn Giáp, Yên Lữ, (Yên Xuyên); Đinh Điền thường ở làng Lều và Yên Lữ, quê mẹ của Ông. 

Còn Nguyễn Bặc rút quân vào Châu Ái (Thanh Hóa), kết hợp với Đinh Điền, chuẩn bị tấn công thành Hoa Lư. Thời ấy làng Lều là một vùng đất mới bồi, cách kinh thành Hoa Lư khoảng hơn 20 km, ở gần sông Trinh Nữ. Từ đây có thể dễ dàng rút lui vào châu Ái theo cửa bể Thần Phù, cũng có thể nhanh chóng tấn công kinh thành Hoa Lư. Hiện nay ở đây còn một số địa danh có liên quan đến Đinh Điền như: Làng Lều là nơi Đinh Điền dựng lều trú quân, làng Lợn (sau đổi thành làng Luận) là nơi nuôi lợn, cánh đồng Văn Giáo là nơi rèn đúc và cất giữ gươm giáo... Tương truyền Đinh Điền dựng một ngôi chùa ba gian, sau gọi là chùa Tháp trên một khu đất rộng 7 sào. Ông cắm một khu đất ở xung quanh rộng 17 mẫu, một khu ruộng 30 mẫu, có tên là "Thần Điền", nay thuộc xã Khánh Dương, Yên Mô.

Về thời gian diễn ra trận chiến và cái chết của Tướng quân Đinh Điền, các nguồn sử liệu ghi có khác nhau: Sử sách thống nhất ghi việc này diễn ra vào cuối năm 979; thần phả ở Ninh Bình ghi diễn ra ngày 20 tháng 4 năm Canh Thìn (tức ngày 5 / 6 / 980); một số thần phả khác lại cho rằng ông cùng vợ là bà Phan Thị Môi Nương bị thua trận, quân tan nát hết, nên cùng nhau tự vẫn vào ngày 20 tháng 11 năm Kỷ Mão (tức ngày 12 /12 / 979), chứ không phải bị tử trận.

Sử thần Ngô sĩ Liên bàn: “Chu Công là người vương thất rất thân, giúp vua nhỏ còn không tránh khỏi những lời gièm pha phao truyền. Lê Hoàn là đại thần khác họ, nắm giữ binh quyền, làm công việc như Chu Công, thường tình còn ngờ vực, huấn hồ Nguyễn Bặc ở chức Thủ tướng và Đinh Điền là Đại thần cùng họ hay sao? Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà một lòng phù tá nhà Đinh, vì diết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ …”

Trong “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục” triều Nguyễn, chép: “Thập đạo tướng quân Lê Hoàn tự xưng là Phó vương. Bọn Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền và Phạm Hạp dấy quân đánh Lê Hoàn không được đều tử tiết ” 

Tướng quân Đinh Điền được thờ làm Thành hoàng của nhiều làng xã ở miền Bắc, được lập đền thờ ở nhiều nơi, tiêu biểu như:
[IMG]
Đền Kim Đằng, TP Hưng Yên

Đền Kim Đằng ở phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, thờ Tướng quân Đinh Điền cùng vợ là Phan Thị Môi Nương. Theo Thần phả: Đinh Bộ Lĩnh giao cho ông chỉ huy 10 đạo quân đi thu phục các sứ quân khác; khi đến trang Đằng Man (nay là thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên) thấy địa thế đẹp, ông liền cho đóng quân, dựng đại bản doanh và chọn 3 người họ Phan, họ Phạm và họ Nguyễn ở trang Đằng Man làm gia tướng; chọn người con gái họ Phan là Phan Thị Môi Nương làm vợ, Bà đã nhiều lần tham gia đánh giặc cùng chồng, lập nhiều công lớn.

Cho rằng Lê Hoàn thoán ngôi nhà Đinh,Đinh Điền không phục đã cùng một số danh tướng khác khởi binh nhưng không thành, ông lui về ở ẩn tại Đằng Man; ngày 17 tháng 11 năm Kỷ Mão (979), Đinh Điền và Phu nhân từ trần; nhân dân trang Đằng Man nhớ ơn ông bà đã lập đền thờ trên nền doanh trại xưa.

Đền Kim Đằng ngoài thờ vợ chồng Tướng quân Đinh Điền còn phối thờ ba vị gia tướng của ông là họ Phan, họ Phạm và họ Nguyễn; đến nay đền còn lưu giữ được 11 đạo Sắc phong của các Triều vua ghi công lao của Tướng quân Đinh Điền cùng Phu nhân. Trải qua bao thời gian, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần, hiện nay đền còn giữ được nhiều đồ tế khí quý, nhiều nét kiến trúc thời Hậu Lê và thời Nguyễn; đền đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, vào năm 1997.
[IMG]
Ông Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thỉnh chuông khai hội đền Kim Đằng
(ảnh báo Hưng Yên)

Đền Tam Thánh và chùa Yên Lữ ở thôn Triều, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đền thờ ba vị Thánh: Đức Đinh Điền Khai Quốc Công Thần Tổng Quốc Chính Đại Vương; Kiều Mộc Thiền sư Đại Tướng quân Lương Tuấn; Thượng Trân Trưởng Công chúa. Chùa thờ Phật và thờ Thiền sư Lương Tuấn, Thượng Trân Trưởng Công chúa.

[IMG]
Đền Tam Thánh - Ninh Bình (ảnh mạng)

Đền được xây dựng vào năm Kỷ Mùi (1019) hoàn thành năm Tân Dậu (1021), trải qua trên 500 năm thăng trầm lịch sử, đã qua nhiều lần nâng cấp và tôn tạo. Đến năm 1578 thời Hậu Lê, các bậc tiền nhân xây dựng đền to đẹp theo kiển trúc đương thời, như cột, xà, bẩy, long ngai, bài vị, long sàng được trạm trổ long ly quy phượng cổ kính, vẫn giữ được nguyên vẹn cho đến ngày. Bên cạnh phía Đông đền là ngôi chùa Yên Lữ xây kiểu chữ - (Nhất), cửa ra vào theo kiểu Tam quan hai tầng, mái đao, trong chùa còn một số mảng chạm khắc thời Lê - Mạc theo kiểu “rồng cuốn cổ phú hà mã đường truyền lá dắt”. Đền - Chùa đã trải qua gần nghìn năm, từ các triều đại vua Lê Cảnh Hưng (1838) đến Vua Khải Định triều Nguyễn (1917) đã có tới 19 đạo sắc phong Thần vẫn còn lưu giữ được tại đền. Với giá trị nghệ thuật kiến trúc và lịch sử văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng thủy chung của người Việt; quần thể di tích đền Tam Thánh và chùa Yên Lữ được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1997.

- Lăng miếu và đình Lộc Thọ xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, thờ Đinh Triều Quốc Mẫu và phối thờ bốn vị Tướng tận trung với nhà Đinh là Đinh Điền, Phạm Thành, Lưu Công, Sát Công; Thần phả chép: 

Khi Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (nay là TP Thái Bình), Ông có mang theo Thân mẫu là Đàm Thị cùng các tướng Đinh Điền, Phạm Thành … lấy sông Nông Kỳ (sông Luộc) làm phòng tuyến, chống nhau với sứ quân Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu (Kim Động, Hưng Yên) và sứ quân Lữ Đường ở Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên), sau lui về đóng quân và xây dựng căn cứ đồn lũy tại trang Thụy Thú (nay là xã Độc Lập, Hưng Hà). Khi có thêm hai anh em ông Lưu Công, Sát Công ở trang Yến Vỹ, động Hương Tích mang quân đến trợ giúp, Đinh Bộ Lĩnh khao thưởng quân sỹ, phong thưởng cho hai ông, để Thân mẫu ở lại căn cứ huấn luyện quân sỹ và cất quân đi dẹp loạn.

Sau khi thống nhất Đất nước, Đinh Bộ Lĩnh trở lại trang Thụy Thúy đón mẹ về Hoa Lư, bà ốm và mất vào ngày 10 tháng 10 năm Mậu Thìn (968). Vua thương xót lệnh cho an táng Thân mẫu tại đây, cho lập lăng miếu tại trang Thụy Thú để thờ, lệnh cho các ông Đinh Điền… lập bảng chiêu dân để coi giữ Hoàng lăng mộ địa. 

Khi nhà Đinh mất, dân làng Thụy Thú thương xót các ông Đinh Điền, Phạm Thành, Lưu Công, Sát Công vì tận trung với nhà Đinh mà phải chết, nhớ công lao của các ông đối với dân làng, đất nước, đã phối thờ cùng Đinh Triều Quốc Mẫu tại đình làng. Quần thể Lăng miếu, đình, chùa Lộc Thọ được xếp hạng di tích Lịch sử Văn Hóa cấp Tỉnh, địa phương đang từng bước tu tạo nâng cấp, để đề nghị công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. 

Đền thờ Đinh Điền ở xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đền làm bằng gỗ lim, xây kiểu chữ = (Nhị), mặt hướng Tây nam. Tòa tiền đường ba gian, Tòa hậu cung ba gian, những hàng cột lim to kê trên bệ đá, những trụ, đấu, xà, kèo, con ngang được chạm khắc hổ phù, lá lật mềm mại tinh vi, mái lợp ngói mũi hài rêu phong; trên thượng hương có hàng chữ “Trùng tu năm Thành Thái thứ 15 ”(1889). Gian chính cung thờ Tướng quân Đinh Điền, tượng đúc bằng đồng cao 1,10 mét, chu vi 1,05 mét, sơn son thếp vàng, ngồi trong ngai, tay ngai chạm rồng chầu, pho tượng được gắn vào bệ đá vững chãi. Gian bên phải thờ Phu nhân Thượng Trân Trưởng Công chúa. Gian bên trái thờ Kiều Mộc Thiền sư Lương Tuấn. 
Đặc biệt phía sau đền có ngôi tháp cao 8 mét, được xây bằng gạch cổ, khổ to, màu gan gà, trang trí hoa văn công phu, nơi đặt xá lị của Đinh Điền, vì vậy dân thường gọi là chùa Tháp. Đền được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa.

Đình Nhân Kiệt xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; thờ tướng quân Đinh Điền và Phu nhân; Đình được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, được trùng tu vào thời Nguyễn (1912) quy mô đình rất lớn, gồm ba tòa 12 gian, bị phá hủy một số hạng mục trong kháng chiến chống Pháp; nay còn Tòa tiền tế, Tòa hậu cung và Tòa tam quan. Đình còn lưu giữ được Thần tích và sắc phong, được trùng tu năm 1994; lễ hội vào ngày 10 đến 15 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đình được xếp hạng là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, vào năm 1995.

Một số đền miếu khác:
- Đền thờ Đinh Điền ở thị trấn huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
- Đền Tứ Trụ trong quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình phối thờ ông cùng Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ.
- Mộ và đền thờ tại Trúc Lâm, nơi đây là quê mẹ của ông và cũng là nơi ông tu hành.
- Cố đô Hoa Lư phối thờ ông tại đền đền Vua Đinh Tiên Hoàng. 
- Đình Động Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
- Đình Tình Quang xã Giang Biên, Gia Lâm, TP Hà Nội; phối thờ ông cùng hai vị khác.
- Miếu Hạ xã An Khánh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
.......
Tướng quân Đinh Điền được vinh danh đặt tên cho nhiều đường phố trong nước:
- Phố Đinh Điền, TP Hưng Yên.
- Đường Đinh Điền, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
- Đường Đinh Điền, TP Ninh Bình.
- Đường Đinh Điền, TP Thái Bình.
- Đường Đinh Điền, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
.......

Quảng trường: Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế tại trung tâm TP Ninh Bình ở 4 góc quảng trường được dựng tượng 4 vị quan đại thần tận trung với nhà Đinh là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, cao 5 m, có lính canh và ngựa đá.

Ngày nay có rất nhiều nơi thờ Đinh Điền và Nguyễn Bặc; nơi thờ và phối thờ Đinh Điền càng nhiều: Đền vua Đinh ở Trường Yên, Gia Viễn, đền Ba Dân thờ Đinh Nga ở Kim Bảng, đền vua Đinh ở Ý Yên... Các lễ hội như hội đền vua Đinh đều có diễn tích “cờ lau tập trận”, tái hiện hình ảnh Vua Đinh cùng các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc …, kể lại võ công oanh liệt, tiêu biểu cho tinh thần thượng võ dân tộc, thống nhất Đất nước. Nhiều nơi thờ các vị thần khác nhưng vẫn lưu lại sự tích, có khi thờ cả Đinh Điền, Nguyễn Bặc gắn bó với nhau, được dân địa phương sùng kính; như các đền miếu ở huyện Yên Khánh, Ninh Bình; chùa Long Hoa ở xã Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam; đền chùa ở bến Vạc, Ninh Bình; đình Động Phi ở Ứng Hòa, Hà Nội. 

Lê Hoàn lên ngôi Vua nhưng vẫn cảm phục Tướng quân Đinh Điền, sắc phong cho ông làm: “Tế thế Hộ quốc Hiển ứng Linh Quang Đại Vương”, sắc phong cho vợ ông là bà Phan Thị Môi Nương là: “Huệ Hoa Gia Tĩnh Trinh Thục Phu nhân”. Vua Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 5 - Giáp Dần, xét thưởng công lao các bậc Tiết nghĩa Chủ Công thần đã sắc phong cho Đinh Điền là "Lịch Đại Tiết Nghĩa Chủ Công thần". Vua Lê Lợi sắc phong cho Đinh Điền là: “Thượng đẳng Vạn cổ Trung thánh Đại Tư Đồ, Bình chương sự Khai quốc Công đức Văn Đại Vương”…

Lễ hội tưởng niệm 1046 năm ngày mất của Đinh Triều Quốc Mẫu (tháng 12 / 2014) tại Miếu Lộc Thọ, xã Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình; trong lễ khai mạc Ban tổ chức đã long trọng tuyên đọc: “…Dân làng Thụy Thú thương các ông là người trung nghĩa với nhà Đinh mà phải chết, nên đã lập bài vị các ông thờ tại đình làng…”. Để nói nên dù đã trải qua ngàn năm dâu bể, nhưng trong tâm tưởng của những người dân, vẫn xót thương tưởng nhớ và sùng kính tấm lòng trung nghĩa của các ông đối với nhà Đinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét