Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Lễ hội Phài Lừa ở Lạng Sơn

Lễ hội Phài Lừa là một lễ hội truyền thống vùng sông nước Bắc Giang, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội gắn liền với truyền thuyết liên quan đến tục thờ Thần Rắn, Thần Sông. Thần Rắn trong truyền thuyết, là con nuôi của ông bà đánh cá, đã giúp dân diệt thuồng luồng trên sông để cuộc sống yên bình. Dân làng nhớ ơn nên lập đình Ông thờ cha Thần Rắn, đình Bà thờ mẹ Thần Rắn và lập gian thờ nhỏ thờ Thần Rắn. Để ghi nhớ công ơn của Thần, cứ 3 năm 1 lần (năm nhuận), vào ngày 4 tháng Tư Âm lịch, thời điểm thần Rắn về thăm cha mẹ, dân làng lại long trọng tổ chức lễ hội Phài Lừa.
Lễ hội Phài Lừa ở Lạng Sơn. Ảnh: dulichlangson.com.vn

Để tổ chức lễ hội, từ đầu tháng 3, đại diện thôn bản, các cụ bô lão của 3 dòng họ: Vy, Đỗ, Nông (3 dòng họ lâu đời ở xã, có công xây dựng và quản lý Đình thay phiên nhau đứng ra tổ chức) họp bàn, thống nhất công tác tổ chức lễ hội. Ban nghi thức, nghi lễ gồm có: 1 pú mo (thầy cúng), 1 pú hội (phụ giúp pú mo), 3 pú đình (đại diện 3 dòng họ cai quản đình, cùng pú mo thực hành nghi lễ tại đình Ông, đình Bà), các trai đinh bê rước bát hương, khênh kiệu, cầm cờ, 4 - 6 người chuẩn bị lễ vật.

Lễ hội Phài Lừa còn có đội sư tử (12 - 16 người) với các thành phần: người cầm đầu sư tử (căm bẩu); người đánh trống (căm choong); người đánh chiêng hoặc thanh la (căm là); người cầm chũm chọe (căm xả); người diễn mặt đười ươi (báo đông - loòng nả báo đông); người diễn mặt khỉ (loòng nả lình) và các thành viên múa võ tay không, múa đinh ba, đoản đao, múa gậy, nhảy bàn...

Lễ vật dâng cúng đặc biệt có xôi vang (khẩu nhuốm sa mộc), bánh ngải (pẻng xì ngải), được tập kết tại đình Ông và bờ sông Văn Mịch trước thời điểm diễn ra lễ hội.

Lễ hội Phài Lừa diễn ra trong phạm vi các thôn: Nà Ven, Nà Nát và phố Văn Mịch, xã Hồng Phong. Sáng ngày mùng 4, các bô lão và nhân dân 9 thôn dọc bờ sông trong xã gồm: Nà Ven, Khuổi Khuy, Nà Buổn, Nà Nát, Nà Háng, Nà Kít, Vằng Phja, Kim Đồng và phố Văn Mịch mang lễ vật, tập trung tại đình Ông, đình Bà để làm lễ. Đồ lễ được sắp xếp trước bàn thờ theo quy định gồm lễ vật của làng xã, thôn bản, Pú Mo đứng trước bàn thờ, chỉnh đốn trang phục và làm lễ tế Thần Rắn, mời Thần về dự hội, thăm bố mẹ nuôi và dân bản; với nghĩa khai thông sông nước, cầu mong Thần Rắn phù hộ cho mọi người được mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, thuyền bè được đầy tôm, đầy cá...

Tiếp đó là nghi thức rước kiệu Thần Rắn. Một trai đinh đại diện dân làng lên thắp hương, hành lễ tại đình, ban thờ Thần Rắn, sau đó rước bát hương thờ Thần đặt vào kiệu. Đoàn rước đi đầu là các đội sư tử, tiếp đến là nhóm rước cờ hội, kiệu Thần Rắn, đại diện 03 dòng họ Vy, Đỗ, Nông, cuối cùng là nhân dân trong xã và các du khách tham dự lễ hội. Đoàn rước xuất phát từ đình Ông đến miếu Thổ Công, phố Văn Mịch để trình diện và xin phép Thổ Công. Sau đó, đoàn đi quanh khu chợ và phố Văn Mịch ngược chiều kim đồng hồ. Mỗi gia đình trên tuyến đường đoàn rước đi qua và khu chợ Văn Mịch đều làm một mâm cỗ chay để chào mừng Thần Rắn, cầu mong Thần ban phước, ban lộc, phù hộ được mạnh khỏe, bình an. Khi đi qua các gia đình, đội sư tử đều làm nghi thức chào Thần Nông trước mâm lễ với động tác múa lúc ngẩng cao đầu, lúc cúi thấp, bái lạy mâm lễ với mong muốn cầu mong tài lộc, hạnh phúc, may mắn, làm ăn buôn bán ngày càng phát đạt đến với mọi người, mọi nhà. Khi đoàn đến bờ sông, kiệu Thần Rắn và bàn thờ được hạ, đặt xuống lều tạm (Đình tượng trưng) được chuẩn bị trước, theo hướng quay ra mặt sông Pác Lọ Đảng - nơi em trai Thần bị thuồng luồng bắt năm xưa và cũng là nơi Thần Rắn từ đó ra đi. Tại đây người ta chuẩn bị một mâm cỗ gồm: thịt lợn, xôi, gà, rượu và các loại bánh kẹo truyền thống của dân tộc. Pú Mo tiếp tục làm lễ lần thứ hai, cầu khấn Thần Rắn phù hộ tổ chức các trò chơi vui khỏe nhân ngày đón và mời Thần cùng vui hội với dân bản.

Sau nghi thức tế lễ và rước kiệu Thần Rắn là phần tranh tài của các chàng trai đại diện cho các thôn, bản trong xã. Trước cuộc thi, đại diện các đội tập trung thắp hương trước ban thờ Thần Rắn trước khi tham gia một số môn thể thao truyền thống như: thi chèo Bè (Phài Lừa), bơi sải (vải và), thi lặn (mửn), thi lặn bắt chân vịt (mửn cặp kha pất), múa sư tử (loỏng phụ), hát sli và các trò chơi, trò diễn dân gian khác. Cụ thể là:

- Chèo bè (Phài Lừa): để tưởng nhớ ngày Thần Rắn xuống sông diệt thuồng luồng trả thù cho em và mang lại cuộc sống bình yên cho dân bản. Mỗi lượt chèo có 3 đội tham gia, các tay chèo phải quỳ gối chèo, không được ngồi, đứng hoặc chống tay trên bè. Mỗi đội chèo 3 vòng, ở vòng thứ 3, khi chèo đến trước cửa đình, các tay chèo lật bè ba lần thể hiện sự vặn mình của Thần Rắn năm xưa lúc đi diệt thuồng luồng, mà người không rơi xuống nước, đầu không ướt.

- Thi bơi sải, thi lặn và thi lặn bắt chân vịt được tổ chức thành 3 lượt đua, mỗi lượt đua có 3 đội tham gia.

- Múa sư tử tượng trưng cho sức mạnh, sự thịnh vượng, phát đạt, thuận lợi và hạnh phúc.

- Hát sli trong lễ hội Phài Lừa của người Nùng, họ tập trung thành từng nhóm nam, nữ dọc bờ sông và xung quanh khu vực lễ hội để hát với nhau. Có 2 loại sli: đơn sli và song sli, nghĩa là hát đơn 1 nam 1 nữ và hát từ 2 đôi nam nữ trở lên. Hát sli trong lễ hội Phài Lừa giúp các chàng trai, cô gái có thể kết bạn, hiểu biết lẫn nhau, tạo nên sự vui vẻ, đoàn kết trong cộng đồng.

Kết thúc lễ hội, Pú Mo cùng đại diện 3 dòng họ Nông, Đỗ, Vy và đội sư tử tiến hành các nghi thức, nghi lễ rước bát hương Thần Rắn về đình Ông, đình Bà, báo cáo kết quả lễ hội, tiễn Thần Rắn về nhà và kết thúc lễ hội bằng bài múa bái lạy của đội sư tử.

Lễ hội Phài Lừa mang tính nghi lễ nông nghiệp cổ xưa gắn liền với lễ thức cầu mưa, cầu nước, cầu mùa để nhân dân cày cấy thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, vận vật sinh sôi nảy nở; một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian chứa đựng sắc thái tộc người, giữ được những nét đặc trưng của cư dân bản địa. Lễ hội là dịp thể hiện niềm tin và ước vọng của nhân dân cầu mong mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an, sông nước hiền hòa, mùa màng tươi tốt, trâu bò, lợn, gà đầy chuồng, thuyền bè đầy tôm cá. Lễ hội Phài Lừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tôn kính, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, những người có công lập bản, lập làng…, là sự kiện văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa gắn với “đầu sóng ngọn gió”, xem “sông nước là nhà”. Các trò chơi, trò diễn góp phần khẳng định và tôn vinh những giá trị đạo đức, tinh thần, tư tưởng, tình cảm, khát vọng; thể hiện tinh thần đoàn kết, kiên cường bất khuất trong khắc chế, chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên với khát khao, ước vọng hướng về một tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn. Lễ hội Phài Lừa góp phần tạo sự liên kết cộng đồng làng bản, dân tộc; là cơ hội để biểu dương sức mạnh, sự đồng thuận trong tư duy nhận thức của cư dân bản địa; phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đáp ứng nhu cầu giao lưu, giải trí, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của cộng đồng.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Phài Lừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/01/2018.
Theo dch.gov.vn
 
 

Lễ hội Vua Bà Thủy tổ Quan họ năm 2019

Ngày 11/3, làng Diềm (hay còn gọi là làng Viêm Xá, thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) tưng bừng tổ chức Lễ hội Vua Bà Thủy tổ Quan họ năm 2019 để tưởng nhớ người có công sáng lập nên các làn điệu Dân ca Quan họ. Lễ hội thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương.
Người dân làng Diềm diễn lại tích Vua Bà phát lệnh ban hội.
Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng thôn Viêm Xá, Phó Ban Tổ chức Lễ hội cho biết: Đây là một trong hoạt động hưởng ứng chương trình Kỷ niệm 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại (năm 2009 - 2019). Đặc biệt năm nay, việc đưa nhà chứa quan họ vào hoạt động góp phần tạo không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ giúp du khách thập phương hiểu được giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội làng Diềm là một trong số những lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2016. Lễ hội tổ chức vào ngày 5 – 6/2 (âm lịch) hàng năm nhằm thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ Vua Bà Thủy tổ Quan họ, người có công sáng lập nên các làn điệu dân ca Quan họ.
 
Đoàn rước trong Lễ hội làng Diềm. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN
 
Tương truyền, lễ hội làng Diềm gắn liền với sự tích Vua Bà. Vua Bà là con gái của vua Hùng Vương đời thứ 6, tên gọi là Nhữ Nương có nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần. Khi công chúa tới tuần cập kê, nhà vua tổ chức mở hội cướp cầu kén phò mã. Do không ưng thuận người đoạt giải, công chúa Nhữ Nương xin vua cha được ra khỏi kinh thành, chu du thiên hạ. Nàng cùng 7 cung nữ vừa ra khỏi kinh thành bỗng gặp cơn phong vũ cuốn lên trời, sau đó được giáng xuống ấp Viêm Trang (nay là làng Diềm).

Lúc này, ấp Viêm Trang là một rừng cây nước với dân cư thưa thớt. Công chúa Nhữ Nương bèn cho khai khẩn đất hoang, lập làng lập xóm, dạy dân làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng mía… tạo cuộc sống ấm no, trù phú cho người dân. Không chỉ vậy, bà còn sáng tác những câu hát rồi dạy cho người dân cách hát theo lề lối riêng. Ban đầu chỉ là bên nam hát đối với bên nữ, sau đó bà triệu tập các nam thanh nữ tú trong làng cho luyện tập thuần thục và nhuần nhuyễn hơn. Lối hát ấy sau này được gọi là Quan họ.

Lễ hội diễn ra với phần lễ và phần hội. Phần lễ của Lễ hội được mở đầu bằng màn chạy cờ, tiếp đến là biểu diễn, tái hiện lại sự tích Vua Bà phát lệnh mở hội Xuân với phần tung cầu, cướp cầu. Tại lễ hội còn có lễ rước ngai thờ, bài vị Vua Bà quanh làng với sự tham gia của hàng trăm người. Đám rước dừng lại ở đền Cùng, các cụ cao tuổi trong làng xuống giếng Ngọc lấy nước rồi rước về đền Vua Bà làm lễ tắm Vua Bà. Các nghi lễ được tiến hành nghiêm trang, thể hiện lòng thành kính, cầu mong Vua Bà che chở cho dân làng làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành.
 
Đoàn rước trong Lễ hội làng Diềm. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Đoàn rước lấy nước Giếng ngọc về làm lễ tắm Vua Bà. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Người dân làng Diềm diễn lại tích Vua Bà phát lệnh ban hội.
Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Bên cạnh phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động như các trò chơi dân gian: đấu vật, cướp cầu, đánh đu, bịt mắt bắt dê; hát quan họ giao lưu tại các lán, trại, tại nhà chứa Quan họ, hát Quan họ trên thuyền; thể dục dưỡng sinh…

Thanh Thương

Lễ cúng lúa mới - nét văn hóa đặc sắc của người M’nông Gar

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ bảy năm 2019, sáng 12/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Trình diễn nghi Lễ cúng lúa mới của người M’nông Gar, một hoạt động văn hóa đặc sắc trong dịp Lễ hội.


Lễ cúng lúa mới. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn cho biết, Đắk Lắk có 47 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như Ê Đê, M’nông có những nét văn hóa độc đáo riêng. Việc tổ chức trình diễn các nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động quan trọng, góp phần bồi đắp, làm giàu kho tàng văn hóa, vốn tri thức dân gian của các dân tộc Việt Nam. Đây còn là dịp để mỗi thành viên trong buôn làng và cộng đồng được giao hòa với thế giới tâm linh và thế giới thực tại, giao hòa giữa con người với thiên nhiên.

Nghi Lễ cúng lúa mới do đoàn nghệ nhân xã Đắk Phơi, huyện Lắk, thể hiện, gồm có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có các nghi thức cúng thần linh, cúng lúa mới và cúng sức khỏe cho già làng. Lễ vật gồm nhà kho lúa, cây nêu, ba ché rượu cần, một con gà, một con lợn, bếp lửa, các đồ dùng hằng ngày và dụng cụ lao động sản xuất, các giống lúa và hạt giống cây trồng được thu hoạch từ trên nương rẫy. Phần hội gồm các hoạt động đánh chiêng, múa mừng lúa mới và múa xoang.

Nghi lễ do già làng Y Niêng Du là chủ lễ, thầy cúng Y Krai Cil cúng, đội nghệ nhân đánh chiêng sáu người và 25 người tham gia múa. Khi tất cả các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, nghi thức cúng thần linh được bắt đầu. Thầy cúng đứng trước cây nêu và đọc lời cúng. Sau đó, già làng đưa cho thầy cúng con gà, thầy cúng vừa cắt tiết gà vừa đọc lời cúng và cúng sức khỏe cho già làng. Cúng xong, già làng mời thầy cúng uống rượu cần để cảm ơn thầy cúng đã mời thần linh về chứng giám lễ cúng lúa mới. Sau đó, già làng đổ rượu cần vào kho lúa, cho rượu chảy từ sàn kho lúa xuống và ở phía dưới sàn kho một người phụ nữ ngồi sẵn để hứng rượu. Già làng sau đó sẽ bôi huyết pha rượu lên tất cả các vật dụng trong gia đình và bôi lên cổ các thành viên. Cuối cùng, thầy cúng mời già làng và mọi người cùng ăn, uống rượu, vui đùa, chúc tụng nhau và đánh chiêng, múa hát ở phần hội.

Thầy cúng đọc lời cúng cúng lúa mới và cúng sức khỏe cho già làng.
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Thầy cúng và già làng đứng trước cây nêu đọc lời cúng thần linh.
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
 

Mời thầy cúng uống rượu tại buổi lễ. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.
 
Bôi huyết pha rượu lên kho lúa và các vật dụng. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Theo thầy cúng Y Krai Cil, Lễ cúng lúa mới là lễ hội quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của bà con M’nông, cũng là phong tục lâu đời đã lưu truyền từ bao đời nay với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của thần linh (yang) ban cho dân làng và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc, con người luôn mạnh khỏe, buôn làng yên vui.
 
Dân làng đánh chiêng trống, múa hát trong phần hội của nghi lễ mừng lúa mới. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Sau phần lễ, đông đảo đại biểu, du khách đã cùng đoàn nghệ nhân xã Đắk Phơi uống rượu cần, đánh chiêng và nhảy múa mừng lúa mới, mừng Xuân mới. Chị Phùng Thị Hiên, du khách đến từ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, cho biết, được chứng kiến Lễ cúng lúa mới, chị hiểu biết thêm về nét văn hóa đặc sắc của người M’nông trên cao nguyên Đắk Lắk.
Hoài Thu

Lễ hội A Sào năm 2019 tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Trần có công hộ quốc, an dân

Vào lúc 20 giờ ngày 14/3, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đình, đền, bến Tượng (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), UBND huyện Quỳnh Phụ đã khai mạc Lễ hội truyền thống Đền A Sào - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội Đền A Sào năm 2019 diễn ra trong ba ngày (từ ngày 14 - 17/3).
Lễ dâng hương Đức Thánh Trần tại đền A Sào. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Phần lễ diễn ra với lễ rước bộ truyền thống, lễ cáo yết, lễ tế, dâng hương Đức Thánh Trần... Phần hội diễn ra với các cuộc thi pháo đất, đấu bóng chuyền, đấu cờ tướng, kéo co...

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Đình, đền, bến Tượng A Sào nhấn mạnh: Lễ hội A Sào là dịp để nhân dân trong huyện và khách gần xa tới hành lễ dâng hương, chiêm ngưỡng thắng cảnh, tưởng nhớ tri ân Đức Thánh Trần có công hộ quốc, an dân. Đồng thời, người dân địa phương và du khách có cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống đặc trưng của nền văn minh lúa nước châu thổ Sông Hồng... 
 
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đánh trống khai hội. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

A Sào từng là Thái ấp của Phụng Càn Vương - Yên Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ Quốc Công - Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng có công lớn trong việc khai ân, kiến tạo, sáng lập nên một vương triều hùng cường, thịnh trị trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Từ năm 1258 đại quân Nguyên Mông do Ngột Lương Hợp Đài cầm đầu, gây hấn xâm phạm bờ cõi nước ta. Quân dân Đại Việt không chịu khuất phục, tập trung lực lượng, dốc toàn lực chống giặc, khi ấy Hưng Đạo Đại Vương mới tròn 18 tuổi được triều đình phong tước Thượng vị hầu và giao cho trấn thủ A Sào. Từ những năm tháng này, tài năng, phẩm hạnh, văn võ song toàn, lược thao xuất chúng của vị danh tướng phát lộ.

Nhận rõ vai trò vị thế chiến lược hiểm yếu của địa bàn A Sào nên trước khi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (năm 1285), các vua Trần đã cùng Hưng Đạo Đại Vương trực tiếp thị sát và chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa thành căn cứ địa vững chắc để triển khai thế trận thủy chiến. Cũng tại đây, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được triều đình giao đặc trách xây dựng đội quân tinh nhuệ, trung tâm tích lũy binh lương. A Sào đã trở thành thánh địa trong thế trận thủy chiến chống thủy binh Nguyên Mông. Từ đó các địa danh: Mễ Thương (kho gạo), Đại Lẫm (kho thóc lớn), A Mễ (nơi để gạo của nhà Trần) đã gắn liền với chiến công diệt giặc và mãi mãi tỏa sáng, trường tôn cùng lịch sử dân tộc. Đặc biệt tên gọi A Sào chính là sự tôn vinh độc đáo đó.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba (1288) Trần Quốc Tuấn được phong Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương và A Sào được chọn là nơi đặt đại bản doanh của Trần Hưng Đạo.

Một lần Hưng Đạo Đại Vương cưỡi voi chỉ huy chiến dịch, khi vượt sông Hóa, qua bến A Sào thì voi chiến bị sa lầy, dân chúng tìm đủ mọi cách vẫn không cứu được, đành dùng thuyền mảng đưa Quốc công tiết chế và tướng sĩ qua sông cùng hàng ngàn chiếc bánh giầy ủng hộ quân đội. Thương xót voi chiến trung thành thân tín đã cùng Đại Vương vào sinh ra tử, nếm mật nằm gai và cảm kích trước thịnh tình của dân chúng, Hưng Đạo Đại Vương đã tuốt gươm báu chỉ xuống sông thề: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này”. Lời thề ấy vang vọng đến cao xanh, thành linh tụ khí thiêng sông núi, tiếp thêm sức mạnh cho quân dân Đại Việt chiến thắng giặc thù, bại tướng Ô Mã Nhi bị bắt sống và phải đền tội.

Sau ngày ca khúc khải hoàn, bến sông nơi voi trận hy sinh được nhân dân gọi là bến Tượng, trên bến người dân lập miếu thờ tượng voi, dân làng A Sào lập Đền thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, gọi tên là Đền A Sào hay còn gọi là Đệ Nhị Sinh Từ hoặc A Sào linh miếu.

Với những giá trị lịch sử văn hóa còn lưu giữ được, khu di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và lễ hội truyền thống Đền A Sào ở xã An Thái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Nhân dịp này, Ban Tổ chức lễ hội đã phát động đợt cúng quả công đức xây dựng tượng đài Đức Thánh Trần và đã được nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm nhiệt tình hưởng ứng.

Nguyễn Công Hải

Vui hội “Tò sàng” với người Thái Thanh Hóa

Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng là lúc người Thái ở xã Thanh Phong, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) chuẩn bị đón Tết. Tết của người Thái thường kéo dài đến 15 tháng giêng. Từ mùng 1 đến mùng 3 người Thái tổ chức thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, người thân và bạn bè. Sau đó, họ tổ chức vui chơi Tết.
Trong Tết nguyên đán của người Thái thường kéo dài với các hoạt động vui chơi như: ném còn, múa khèn, đẩy gậy, nhảy sạp.... Tuy nhiên, trò chơi thu hút được sự chú ý và tham gia của nhiều người là trò chơi Tò sàng. Tò Sàng được chơi đến hết ngày 15 tháng giêng, ngày này cũng la ngày khi mà các chàng trai cô gái tổ chức uống rượu cần để kết thúc ngày hội xuân để bắt đầu một năm lao động, sản xuất sắp tới.

Ngoài ra Tò Sàng gắn còn liền với đời sống lao động của người Thái, vì họ gần rừng phải ngoài lên nương làm dãy thì họ cũng phai khai thác tài nguyên rừng, chặt cây rừng làm rào cho ruộng lúa, nương dãy, và chặt cây rừng làm nhà nên sau những phút dây lao động mệt nhọc ấy họ dã làm cù để chơi để tạo nên sự hứng khởi, quên đi mệt nhọc.

Hàng năm cứ đến mùa gặt tháng 10 (ÂL) ,trẻ em,trai tráng thi nhau làm cù, ai ai cũng đi lên đồi tìm những cây cứng, có độ bền cao để đẽo cù, để chơi mừng lễ cúng cơm mới .


Tò sàng thường được tổ chức sôi nổi vào các dip lễ tết, ngày hội làng và những lúc nông nhàn hoặc sau nhũng buổi làm việc vất vả để tạo ra niềm vui, quên đi những khó khăn bộn bề trong cuộc sống. Ngoài ra trong các dịp lễ tết hay hội hè thì trò Tò Sàng còn là dịp để mọi người giao lưu, gặp gỡ, chúc Tết nhau nhau nhân đầu xuân năm mới.
 


Trò chơi Tò Sàng được tổ chức trong ngày Tết nguyên đán nhằm mục đích gắn kết cộng đồng giữa các bản làng với nhau để tạo nên sức mạnh đoàn kết trong đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của người Thái, tạo  sự hòa đồng thân thiện giữa con người đối với thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe và lưu giữ những bản sắc văn hóa, đức tính cần cù, hồn nhiên vô tư của người Thái.

 
 
Thanh Thanh (Langvietonline.vn)

Lễ hội Mường Khô ở Thanh Hóa

Ngày 14/2, người Mường ở Thanh Hóa lại nô nức về dự Lễ hội Mường Khô (làng Muỗng Do, xã Điền Trung, huyện Bá Thước) để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh, cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Lãnh đạo huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đánh cồng khai mạc lễ hội.
Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Đến với lễ hội Mường Khô du khách được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của phiên chợ vùng cao, được thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường như rượu cần, cơm lam, canh đắng… và những trò chơi, trò diễn đặc sắc như tung còn, chơi mảng, chọi gà, đánh đu, đánh cồng chiêng. Người dân tộc Mường ở Thanh Hóa rất coi trọng Lễ hội Mường Khô. Vào ngày chính hội, tất cả người dân xứ Mường xúng xính váy áo truyền thống đi lễ hội, rước kiệu, đánh chiêng cầu mong năm mới an lành. Để chuẩn bị cho lễ hội, những người có uy tín trong làng và nhân dân trong Mường đã chuẩn bị chu đáo những đồ lễ tế như trâu, lợn, gà, cá, bánh chưng, rượu, gạo, hoa quả để dâng lên nơi thờ những người có công với đất nước như: Hà Công Thái, Hà Văn Mao, Hà Triều Nguyệt...
 
Gần 300 thiếu nữ Mường mặc trang phục truyền thống mang theo gần 300 chiếc cồng vừa đi, vừa diễn tấu, hát múa. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Nét độc đáo và riêng biệt chỉ có trong lễ hội Mường Khô năm 2019, chính là việc gần 300 thiếu nữ Mường mặc trang phục truyền thống mang theo gần 300 chiếc cồng vừa đi, vừa diễn tấu, hát múa. Tiếng cồng chiêng vang vọng giữa không gian núi rừng là một trong những thứ không thể thiếu trong lễ hội Mường Khô, thể hiện sức mạnh và khát vọng của bà con xứ Mường. Trong quan niệm của người Mường vào dịp lễ hội, ngày Tết, dịp vui của làng, bản, dòng họ hoặc hoạt động văn hóa quần chúng không có tiếng cồng chiêng thì Lễ hội ấy không to, Tết ấy không sung túc.
 
Sôi nổi trong cuộc thi kéo co giữa các xã trong huyện. Ảnh: Khiếu Tư - TTXVN

Tham gia Lễ hội Mường Khô, người dân và du khách như được nghe vọng tiếng của người xưa trong núi đá bên thượng nguồn sông Mã, tiếng vó ngựa phi, tiếng bước chân của nghĩa quân và tiếng hò reo thắng trận của binh Mường. Lễ hội Mường Khô đã làm cho không khí bản làng người Mường ở Thanh Hóa thêm tưng bừng sống động, đồng bào dân tộc Mường thêm phấn khởi, nô nức tham gia các hoạt động văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Mường Việt Nam. Việc chính quyền địa phương duy trì tổ chức lễ hội được xem như là phương thức hữu hiệu để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường, đồng thời cũng là dịp truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu hiểu hơn về bản sắc dân tộc mình.

Vùng đất Mường Khô là nơi cư trú của dòng họ Hà Công - một trong những dòng họ có uy tín của người Mường. Nơi đây cũng chính là quê hương của vị thủ lĩnh phong trào Cần Vương Hà Văn Mao, người đã giương cao ngọn cờ yêu nước, tập hợp nghĩa quân, xây dựng căn cứ chống giặc ngoại xâm. Lễ hội Mường Khô lúc đầu chỉ là việc thờ cúng của gia đình, một dòng họ sau này trở thành lễ hội lớn của cả một vùng thể hiện nét đẹp trong đời sống tình cảm, tâm linh của đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao xứ Thanh. Ngày nay, Mường Khô được chia tách thành 4 xã Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ của huyện Bá Thước. Vùng đất Mường Khô hôm nay còn lưu giữ được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường, các lễ hội tâm linh các trò chơi, trò diễn dân gian nhạc cụ cồng chiêng...
Đinh Thuận -  Hoa Mai - Khiếu Tư
 

Lễ hội giao chạ có lịch sử hơn 700 năm ở Thái Bình

“Lệ làng tháng chín, tháng hai / Tam Đường chị xuống, Vân Đài em lên”. Đây là câu ca dao quen thuộc của người dân hai xã Tiến Đức và Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình khi nhắc về tục giao chạ truyền thống được tổ chức đúng vào ngày giỗ của hai chị em công chúa Huyền Trân và công chúa Diệu Dung. Lễ hội độc đáo này được nhân dân địa phương lưu truyền hơn 700 năm qua, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó như anh em trong một gia đình của nhân dân hai làng Tam Đường và Vân Đài.
Người dân làng Vân Đài thắp hương tại Đền thờ các vị vua triều Trần trước khi vào làng Tam Đường tế lễ. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Năm nay, lễ giỗ công chúa Huyền Trân do nhân dân làng Tam Đường tổ chức từ ngày 14 đến ngày16 tháng Hai âm lịch (tức ngày 19-21/3 dương lịch) với nhiều hoạt động dân gian đặc sắc. Trước ngày giỗ, nhân dân Tam Đường tổ chức lễ tế mở cửa đền. Vào đúng ngày rằm tháng Hai là lễ giỗ chính, cũng là ngày tổ chức lễ giao chạ giữa làng Tam Đường (xã Tiến Đức) và làng Vân Đài (xã Chí Hòa). Ngay từ đầu buổi chiều, người dân làng Tam Đường đã trống giong cờ mở, múa rồng, diễu hành ra đầu làng theo tập tục để đón đoàn tế lễ từ làng Vân Đài lên.
 Đoàn làng Vân Đài thắp hương, tế lễ tại Chùa Hội Đồng làng Tam Đường.
Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Theo tài liệu lịch sử để lại,  hoàng hậu của vua Trần Nhân Tông sinh hạ được Huyền Trân công chúa và Diệu Dung công chúa. Khi còn nhỏ, hai chị em công chúa sống với nhau tình nghĩa, keo sơn gắn bó. Trước tình cảnh đất nước bị giặc Nguyên Mông xâm lược, đồng thời để giữ mối bang giao với Chiêm Thành, tập trung đối phó với quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Theo tập tục của Chiêm Thành, sau khi vua băng hà, hoàng hậu phải hỏa thiêu theo chồng, công chúa Huyền Trân may mắn được cứu thoát và trở về quê hương. Công chúa được vua cha ban hiệu Diệu Từ Ân công chúa, ngự tại phủ Tân Cương (tức thôn Thái Đường), cùng vua cha lo việc chống giặc Nguyên. Khi công chúa Huyền Trân mất, để ghi nhớ công ơn của bà, nhân dân làng Thái Ðường lập đền thờ và tổ chức lễ giỗ vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch hàng năm. Sau này, thôn Phú Đường, Thái Đường, Ngọc Đường (xã Tiến Đức) sáp nhập thành 1 thôn lấy tên gọi là thôn Tam Đường như ngày nay.
 
Còn người em là công chúa Diệu Dung (hiệu Diệu Từ Dong công chúa), được vua cha giao cho việc sản xuất lương thực, cung cấp quân lương phục vụ công cuộc chống giặc ngoại xâm của nhà Trần. Công chúa Diệu Dung đã khai phá cả một vùng đất rộng lớn Duyên Hà, Tiên Hưng (tức huyện Hưng Hà ngày nay), đồng thời đắp đê ngăn lũ, chống nước biển xâm thực ruộng đồng. Công chúa Diệu Dung là người có công lớn phát hiện và xây dựng làng Vân Đài.

 Nhân dân làng Tam Đường đánh trống, múa rồng, diễu hành ra đầu làng để đón đoàn từ làng Vân Đài lên. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch, nhân dân thôn Tam Đường (xã Tiến Đức) tổ chức lễ giỗ công chúa Huyền Trân, nhân dân làng Vân Ðài (xã Chí Hòa) cử 64 người quần áo chỉnh tề lên tổ chức tế lễ, giao hiếu. Ngược lại, vào ngày giỗ của công chúa Diệu Dung vào ngày rằm tháng 9 khi làng Vân Ðài mở hội thì 84 người làng Tam Ðường xuống tổ chức tế lễ, giao hiếu với làng em Vân Đài. Bởi thế dân gian có câu “Lệ làng tháng chín, tháng hai / Tam Đường chị xuống, Vân Đài em lên”.
 
Nhân dân làng Tam Đường đánh trống, múa rồng, diễu hành ra đầu làng để đón đoàn từ làng Vân Đài lên. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Là người nhiều năm cùng với nhân dân hai làng tổ chức lễ giao chạ, ông Phan Văn Tư, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tiến Đức cho biết: Đội tế 64 hay 84 người đều được quy định từ hương ước của 2 làng xưa kia. Ngày giỗ em là công chúa Diệu Dung, làng Tam Đường của người chị sẽ xuống tế lễ đông hơn là 84 người.

Đến nay tục giao chạ đã có lịch sử hơn 700 năm. Mặc dù có thời kỳ đất nước khó khăn, chiến tranh kéo dài song tục giao chạ vẫn được nhân dân hai làng duy trì với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Lễ hội cũng là dịp để nhân dân địa phương tưởng nhớ công đức của hai công chúa nhà Trần đối với mảnh đất Tam Đường, Vân Đài nói riêng và mảnh đất Long Hưng, Hưng Hà nói chung.

Ông Nguyễn Viết Liêm, Trưởng thôn Vân Đài, xã Chí Hoà cho biết: Tục lệ này đã có từ lâu, đến nay hai làng vẫn giữ tình kết nghĩa, coi nhau như anh em trong nhà, mọi công việc của làng này cũng là công việc của làng kia mặc dù hai làng ở hai xã khác nhau và cách nhau hơn 10 km.

Theo các bậc cao niên trong làng Tam Đường và Vân Đài, giao chạ có nghĩa là kết nghĩa chạ trên với chạ dưới, làng trên với làng dưới. Ở Thái Bình chỉ có duy nhất làng Tam Đường và làng Vân Đài có tục giao chạ độc đáo này. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay nhân dân hai làng vẫn thân thiết, đoàn kết, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống. Họ gọi nhau bằng anh - em, chị - em thân mật như anh em ruột thịt trong nhà. Đặc biệt, từ bao đời nay theo tục lệ của hai làng, trai gái không bao giờ kết nghĩa phu thê.

Là người con xa quê hương nhưng năm nào đến ngày giỗ mẫu Huyền Trân và Diệu Dung, bà Phan Thị Vân, thôn Tam Đường, xã Tiến Đức cũng trở về quê để tham dự ngày lễ ý nghĩa này. Mong mỏi của bà Phan Thị Vân cũng như nhiều người dân thôn Tam Đường là được các cấp chính quyền quan tâm, huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng ngôi đền thờ công chúa Huyền Trân khang trang hơn cho xứng đáng với những đóng góp của bà đối với quê hương Hưng Hà cũng như lịch sử của nhà Trần.

Trong hơn 700 năm tồn tại, tục giao chạ, kết nghĩa anh em đã trở thành nét văn hóa đặc biệt của người dân địa phương. Cùng với hệ thống các di sản còn lưu giữ tại mảnh đất Hưng Hà ngày nay như tục rước nước, thi cỗ cá…, tục giao chạ “có một không hai” đã góp phần đưa lễ hội Đền Trần Thái Bình trở thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Với ý nghĩa sâu sắc, hi vọng tục giao chạ sẽ tiếp tục được các thế hệ con cháu vùng quê Tiến Đức, Chí Hòa gìn giữ, bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống của cha ông để lại.

Thu Hoài

5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu

LAM, THEO HELINO

Đừng tìm kiếm địa chỉ được giới thiệu cho khách du lịch, hãy theo chân dân bản xứ Vũng Tàu xem họ ăn gì. Ăn vặt Vũng Tàu phiên - bản - mới không chỉ nhiều món ngon lại còn cực rẻ.


Cách Sài Gòn chỉ khoảng 100km, có biển và dịch vụ nghỉ dưỡng đầy đủ, Vũng Tàu từ lâu vẫn là điểm du lịch được ưa chuộng. Đặc biệt với nhu cầu du lịch cuối tuần, du lịch tránh nóng nhân mùa hè của nhiều người. 
Trong bất cứ chuyến du lịch nào, ngoài nhu cầu nghỉ dưỡng thì ăn uống cũng là mảng được xem trọng. Đi Vũng Tàu ăn bánh bông lan trứng muối, bánh khọt Gốc Cây Vú Sữa... đã xưa rồi. Hãy khám phá những địa chỉ mới nào!
1. Ya-ua cô Tiên
Nằm cách ngọn hải đăng tầm 500 mét, quán Ya-ua Cô Tiên chỉ là góc ăn vặt nhỏ nhưng rất được người dân bản xứ yêu thích vì ya-ua nhà làm rất dẻo, thơm, chua ngọt vừa phải. Đặc biệt, với dân du lịch, khi leo núi Vũng Tàu, thường sẽ dừng nghỉ chân ăn trứng luộc lòng đào, ngắm cảnh và hóng gió. Ở quán Cô Tiên, trứng gà được hấp gừng, cho ra mùi vị thơm thảo đặc trưng, dù ăn chín hay lòng đào đều chẳng hề tanh, ấm bụng, lẩy một xíu muối tiêu tắc càng tăng thêm khoái khẩu, một người ăn tù tì cũng phải 2-3 trứng mới đã thèm.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 1.
@anges_selene
Đồ ăn ở quán cô Tiên có giá khá bình dân chỉ từ 5 đến 10 ngàn đồng. Quán còn bán thêm nhiều món ăn vặt như bánh tráng trộn, cá bò viên chiên nhưng chỉ tạm được chứ không xuất sắc.
2. Kem bơ sầu riêng "size khủng" - Ngôi Nhà Số 6
Tuy không phải vùng đất của bơ hay sầu riêng, nhưng sau một ngày chơi đùa ở biển, nắng nóng và mất nước, sao có thể từ chối ly kem bơ ngọt ngào mát lạnh? Kem bơ sầu riêng ở Ngôi Nhà Số 6 làm mưa làm gió khắp trên mạng xã hội vì... múi sầu riêng quá khủng.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 2.
Phần kem sẽ có ba phần: lớp bơ xay dẻo bên dưới, một viên kem dừa rắc dừa nạo hoặc dừa sấy, trên cùng là múi sầu riêng to nhỏ tùy theo yêu cầu. Dĩ nhiên, múi càng to thì giá càng cao, dao động từ 39 - 55.000 đồng. Theo một số nhận xét thì sầu riêng ngon dở theo mùa, tốt nhất nên chọn múi vừa nhỏ để ăn dẻo cơm, ngọt thịt.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 3.
@ansapsaigon
3. Bánh mì xíu mại Hàng Quyên
Đi du lịch ở xứ nào, cứ canh xem người dân xứ đó thích ăn gì thì đảm bảo nơi đó bán vừa ngon vừa rẻ. Xíu mại Hàng Quyên là địa chỉ ăn sáng mà người Vũng Tàu hết sức yêu thích, nhiều hôm phải đợi chờ, xếp hàng, vẫn chấp nhận. Quán bán hai giấc giờ: sáng từ 6 giờ tới cỡ 8 giờ là hết món, chiều từ 4 giờ tới 9 giờ tối.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 4.
@ansapsaigon
Mỗi phần ăn đơn giản chỉ có hai trứng ốp la và một cục xíu mại, vậy thôi mà chấm bánh mì giòn ăn không biết no. Nước xíu mại mặn mòi đậm đà, kết hợp với trứng ốp béo ngậy, gần như chẳng cần thêm gì ngoài hạt tiêu vì đã quá vừa miệng, Quán nằm trên đường Trần Phú, một phần kèm 2 ổ bánh mì là 26 ngàn, quá bình dân.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 5.
@Hetagram
4. Rau má Bà Già
"Đi Vũng Tàu bây giờ mà không uống rau má Bà Già là một thiếu sót cực kì lớn" - một Instagram hay review ẩm thực đã viết trên IG của mình. Không chỉ vậy, địa chỉ rau má này được check-in hơn 500 ảnh trên Instagram, từ đủ mọi account và đa số đều chỉ khen ngợi. Rau má là thức uống giải nhiệt bình dân, nhiều người không thích vị rau má vì có chút đắng nhẫn. Bạn có thể cho rau má thêm cơ hội khi uống ở "Bà Già", ngoài loại rau má đường thông thường, quán còn có rau má sữa, rau má sữa dừa, đậu xanh...giá từ 12 - 15k/ly to gần 500ml.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 6.
@lanwiththi
Vị rau má thanh mát, không hăng, không nhẫn, ngọt ngào vừa đủ vì luôn được xay cùng dừa tươi. Rau má muốn ngon phải chọn loại rau non, tươi, giữ lạnh liên tục. Có lẽ vì chăm chút ngay từ khâu chọn rau mà rau má Bà Già trở thành thương hiệu Vũng Tàu. Nằm kế tiệm bánh mì Không Tên cũng nổi tiếng chẳng kém, một combo rau má + bánh mì đủ sức làm bạn no cứng bụng sau ngày chơi biển.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 7.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 8.
@x.u.l.i.n
5. Bánh khọt Miền Đông
Bánh khọt ở Vũng Tàu giống như đặc sản định danh thành phố biển này. Nổi tiếng nhất phải kể đến bánh khọt Gốc Cây Vú Sữa. Trải qua nhiều năm, địa chỉ này bắt đầu quá tải, nhiều review không đánh giá cao chất lượng phục vụ và cả chất lượng món.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 9.
@vungtau.food
Dù bánh khọt Gốc Cây Vú Sữa rất nổi tiếng, nhưng người bản địa Vũng Tàu lại khá chuộng bánh khọt Miền Đông nằm trên đường Bà Triệu, giá một đĩa 25.000 đồng/8 cái. Chiếc nào cũng có tôm tươi to đã được bóc vỏ. Bánh dọn ra còn nóng hổi, bột béo ngậy do có nước cốt dừa ở giữa nhân bánh, giòn tan ở rìa, các loại rau đa dạng và rửa rất sạch, điểm cộng to bự cho một quán bánh khọt.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 10.
@lanwiththi
Bánh khọt Miền Đông ăn khách nhờ ngon từ bột đến tôm, rau, nước mắm, lại còn sạch sẽ và giá bình dân.  Nước mắm pha khéo, không có mùi hôi, ăn muốn no thì phải gọi 2 đĩa và nên gọi thêm sữa đậu rất giải khát ngay bên cạnh, chỉ 5.000 đồng/cốc. Có thể nói đây là một trong những địa chỉ bánh khọt rất dược lòng dân bản xứ.
5 địa chỉ ăn vặt ngon rẻ đúng chuẩn người bản địa, rất nên biết khi du lịch Vũng Tàu - Ảnh 11.
@eateatvtc

6 món đặc sản rất đáng mua về làm quà khi du lịch Quy Nhơn



Vài năm nay, Quy Nhơn là điểm du lịch trong nước vô cùng được ưa thích khi hè về. Nhưng nếu du lịch Quy Nhơn thì mua gì làm quà nhỉ? Cùng khám phá nhé!
1. Bánh hồng Tam Quan
Bánh hồng Tam Quan là món bánh trứ danh của vùng đất Bình Định, rất phổ biến trong các dịp lễ tiệc, đặc biệt là lễ cưới. Bánh được làm từ nếp thơm loại ngon, đường và dừa, khi ăn có cảm giác mềm dẻo, hương vị thơm bởi nếp mới và ngọt ngào bởi nước dừa.
6 món đặc sản rất đáng mua về làm qua khi du lịch Quy Nhơn - Ảnh 1.
_nhy_nhy_
Bánh hồng nhiều nơi bán nhưng ngon nhất phải là ở Tam Quan. Bánh hồng dung dị nhưng ngon khó cưỡng. Món bánh này theo đúng truyền thống sẽ có màu trắng trong, nhưng ngoài ra người ta còn có thêm cho thêm một số nguyên liệu phụ gia để tạo cho bánh cho màu xanh, hồng đẹp mắt. Đi du lịch Quy Nhơn, về xứ Nẫu, đây thực sự là món quà đáng mua cho người không biết mua gì.
2. Nem chợ Huyện
Việt Nam có nhiều địa phương làm nem chua, mà một trong số đó là nem chợ Huyện của Bình Định. Nem chợ Huyện làm bằng thịt heo nạc loại ngon và tươi nhất. Thịt đã giã nhuyễn rồi trộn với da heo, quết với tỏi muối, ít đường. Cuối cùng, nem được gói cùng một miếng lá ổi rồi để vài ngày cho lên men chua là ăn được.
6 món đặc sản rất đáng mua về làm qua khi du lịch Quy Nhơn - Ảnh 3.
lemonanh
Nem chợ Huyện không quá dày mình nhưng vuông vức, bóc nem thấy ngay màu hồng và mùi thơm của nem. Nem chợ huyện ăn giòn, ít ngọt hơn nem Lai Vung. Hiện nay, nem chợ Huyện được đóng thành từng túi 10 cái, hút chân không rất tiện để mua về làm quà.
3. Tré Bình Định
Tré là món ăn quen thuộc của miền Trung Bộ nhưng nổi tiếng và phổ biến nhất là ở đất võ – Quy Nhơn (Bình Định). Món đặc sản Quy Nhơn Bình Định này không thể thiếu trong những ngày quan trọng như lễ Tết, giỗ chạp của người dân nơi đây.
Tré được làm từ thịt lỗ tai, lỗ mũi, bì heo, có cả thịt ba chỉ nữa, được trộn cùng thính. Cũng để lên men cho có vị chua nhẹ, khi ăn có vị sần sật, dai, giòn. Tré ăn chơi hoặc nhâm nhi nhậu đều ngon cả. Đi Quy Nhơn, Bình Định, đây là món rất đáng mua mang về.
4. Bánh tráng nước dừa Tam Quan
Một đặc sản khác được khá nhiều người lựa chọn mua làm quà khi đến Bình Định chính là bánh tráng nước dừa. Bởi món này rất nhẹ lại đặc sắc của vùng miền. Bánh tráng nước dừa được pha từ bột gạo trộn với bột mì hòa hợp với nước cốt dừa và cơm dừa xay nhỏ. Tất nhiên trong thành phần của bánh cũng không thể thiếu được hành tím và hạt tiêu.
6 món đặc sản rất đáng mua về làm qua khi du lịch Quy Nhơn - Ảnh 6.
Bánh tráng nước dừa Tam Quan tráng dày, khi nướng chỉ cần lật bánh đều trên than hồng là bánh sẽ phồng lên, dậy mùi béo ngậy của nước dừa. Ăn miếng bánh tráng như thế thấy rõ cái giòn, cái béo, thơm của bánh tráng và các gia vị gia giảm. Bánh sau khi tráng có thể dùng không, kèm với nước mắm hoặc mắm nêm hay đem nhúng nước cuốn với rau và thịt.
6 món đặc sản rất đáng mua về làm qua khi du lịch Quy Nhơn - Ảnh 7.
5. Chả cá
Việt Nam nhiều biển nên chả cá là món phổ biến, có ở nhiều vùng. Tuy vậy, một trong những nơi có chả cá ngon nổi bật phải kể đến Quy Nhơn. Miếng chả cá Quy Nhơn thơm, chắc, ăn thật giòn dai của loại chả làm bằng cá tươi không pha bột. Đi kèm đó là vị cay của tiêu, thoảng chút ngọt của đường, khá bắt miệng.
6 món đặc sản rất đáng mua về làm qua khi du lịch Quy Nhơn - Ảnh 8.
Để mua làm quà, khách thường lựa chọn chả cá chiên hoặc chả cá hấp. Hiện nay nhiều tiệm đã đóng bao hút chân không nên rất tiện để mua mang về làm quà. Đi Quy Nhơn về, tặng nhau miếng chả cá tưởng dung dị, nhưng chỉ cần chiên lên, thêm chén nước mắm ngon là đã có món đặc sản ngon nhớ đời.
6. Chả ram tôm đất
Chả ram tôm đất là một đặc sản lâu đời của vùng đất Bình Định. Ram tôm Quy Nhơn có chiều dài chỉ bằng ngón tay út bên trong là tôm đất, thịt heo được xay nhuyễn tẩm ướp với các loại gia vị vừa vặn. Chả nhỏ nên chiên nhanh giòn, khi ăn, lớp vỏ ram giòn tan, bên trong là cái mềm ngọt của tôm thịt khiến người ăn thực sự khó quên.
6 món đặc sản rất đáng mua về làm qua khi du lịch Quy Nhơn - Ảnh 9.
haiminhfoods
Chả ram tôm đất thường được đóng thành hộp nhỏ để tiện cho khách mua mang đi. Cũng giống như nem, món này chỉ cần chuẩn bị thêm chút rau sống, nước chấm là đã ngon khó chối từ.