Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Bắc Ninh: Chiêm ngưỡng nhà thờ Xuân Hòa - nơi giao thoa kiến trúc Đông Tây

Nhật Nguyên – N1NTT 
Vanhien.vn - Với lịch sử tồn tại lâu đời, Bắc Ninh được ví như chiếc nôi văn hóa của xứ Lạc Việt. Không chỉ nổi tiếng bởi những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, xứ Kinh Bắc còn in dấu nhiều công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo. Trong đó, ngôi thánh đường Xuân Hòa 150 tuổi được nhắc đến như điểm gặp gỡ và giao thoa kiến trúc Đông - Tây.
Ngôi thánh đường cổ nhất miền Bắc…
Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Ninh chừng 12km về phía đông, ngôi thánh đường cổ kính Xuân Hòa đồ sộ và nguy nga hiện lên như nét chấm phá giữa vùng quê bình yên thuộc huyện Quế Võ. Được khởi công xây dựng năm 1864 và hoàn thành năm 1879 (15 năm), nhà thờ Xuân Hòa xứng đáng được xếp vào một trong những ngôi nhà thờ cổ nhất miền Bắc.
Để chuẩn bị vật liệu xây dựng, các cha dòng Đa-minh ở Xuân Hòa lúc đó đã mua gỗ lim và các trụ đá tại Đông Triều (Quảng Ninh) – Hải Dương. Các ngài chuyển gỗ theo dòng chảy của sông Cầu. Khi bè gỗ và đá về đến đê chợ Nội, giáo dân Xuân Hòa cùng nhau ra chuyển gỗ và đá theo kênh mương về tập kết tại Ao Cả (ngay sát nhà thờ Xuân Hòa ngày nay).
Khi có đủ số gỗ, các cha mời thợ mộc ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) về dựng nhà thờ. Những khối gỗ lim to bè là một thử thách không nhỏ với các bác phó mộc. Họ miệt mài làm việc từ sáng tới tối, có khi chỉ nghỉ ít phút buổi trưa để tranh thủ và vội miếng cơm rồi lại tiếp tục. Những thợ mộc lành nghề lại có tâm, họ tỉ mỉ gọt rũa từng góc cạnh, cẩn trọng trong từng đường đục vệt chỉ. Sau mấy năm trời, phần khung và mái nhà thờ kể như hoàn thành.
Việc xây tường bao quanh nhà thờ và tháp chuông, các cha chọn những tay thợ có kinh nghiệm trong vùng gồm cả lương lẫn giáo làm việc trực tiếp dưới sự hướng dẫn của các cha. Thời đó chưa có xi măng, các cha cho người tôi vôi nấu mật để trộn với cát làm vữa, vừa tạo độ kết dính lại vừa có chức năng cách âm cách nhiệt. Về sau, người Xuân Hòa và dân trong vùng học được cách trộn mật mía vào vữa để xây dựng cửa nhà, tăng thêm phần chắc chắn.
Sau khi hoàn thiện phần thô, các cha mời ông đồ Hưng người Ngăm Giáo vốn là thợ vẽ giỏi nhất thời đó, về vẽ trần và các bức họa trong nhà thờ. Việc vẽ tranh trên mặt phẳng đã đành, việc vẽ trần quả là một thử thách không hề nhỏ. Bởi lẽ, trần nhà thờ uốn cong nên mọi nét vẽ đều phải tính toán cẩn trọng nếu không sẽ trở thành một mớ bòng bong lố bịch. Ông đồ Hưng tỉ mẩn, cơm đùm cơm nắm suốt ngày ngẩng mặt vẽ trần. Vì thế sau này người dân đồn rằng, vì mấy năm mải mê vẽ trần nhà thờ, ông đồ người Ngăm Giáo không làm thế nào để cúi mặt xuống được.
Nét kiến trúc có một không hai…
Qua tìm hiểu và đối chiếu nhiều tài liệu, thánh đường Xuân Hòa là công trình kết hợp hài hòa những giá trị văn hóa cũng như kiến trúc của cả Đông và Tây. Công trình đã ứng dụng, kết hợp khéo léo nét kiến trúc Đình - Đền - Chùa Á Đông trên cơ sở kết cấu chịu lực vững chãi của lối kiến trúc Ba-rốc với các vòm oval uốn lượn. Nhà thờ có 1 cửa chính và 6 cửa phụ chia đều 2 bên hông.
Nhà thờ Xuân Hòa có một điểm đặc biệt đó là chỉ có một ngọn tháp duy nhất nhưng không xây ở chính giữa mà được xây lệch sang hông phải. Ngọn tháp cao 22m là sự xếp chồng của 3 khối ru-bích theo nguyên tắc càng lên cao càng ngắn lại, tạo cảm giác ngọn tháp như cao hơn thon gọn hơn. Trong tháp có treo 3 quả chuông nặng 30kg, 50kg và 80kg.
Mặt tiền nhà thờ gắn liền với ngọn tháp và là sự cách điệu của phong cách kiến trúc Ba-rốc. Phía trên cửa chính nhà thờ đề 4 chữ nho cao 60cm là “Thánh Giáo Chân Truyền”; vòm cuốn cửa giữa nhà thờ có đề niên hiệu Tự Đức, “Tam thập niên, Thập bát nhật, Thập nguyệt năm tuế thứ Kỷ Mão tạo thành (1879)”.
Mái nhà thờ được chia làm bốn, lợp ngói vảy rồng, vốn là lối kiến trúc thường được sử dụng trong việc xây dựng truyền thống của người Á Đông. Điều đáng nói hơn là ngoài nét rêu phong của thời gian và thời tiết để lại, mái ngói vẫn còn gần như nguyên trạng như khi nhà thờ mới xây dựng.
Cầu phong li-tô cũng như vì kèo và trần nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ lim bách niên nên có sức chống chịu thời tiết khắc nghiệt suốt một thế kỷ rưỡi. Trong lòng nhà thờ là 12 cột lim lớn đường kính một người ôm, tượng trưng cho 12 vị Thánh Tông Đồ. Dưới chân mỗi cột được kê một viên đã xanh trạm hình vảy rồng.
Toàn bộ gian cung thánh rộng lớn được trạm trổ tỉ mỉ và sơn son thếp vàng kết hợp với rất nhiều hình họa Kinh Thánh sống động. Vòm trên trần nhà thờ hoàn toàn bằng gỗ và được trang trí dưới dạng một bầu trời đầy sao sáng và vầng trăng tròn. Trên mỗi đầu cột lại vẽ một thiên thần đang ca hát. Tất cả được kết hợp nhằm tạo nên không gian linh thiêng, sâu lắng như thiên đường giúp các tín hữu dễ lắng đọng tâm hồn khi nguyện cầu.
Tượng chịu nạn độc nhất Việt Nam
Đối với người Công giáo, thánh giá hay tượng chịu nạn là biểu tượng quan trọng nhất trong niềm tin cũng như có giá trị đặc biệt trong những nghi thức thờ phượng. Bởi vậy, người Công giáo không bao giờ dám coi thường hay xúc phạm đến biểu tượng này. Cũng vì thế mà trong thời kỳ bách hại đạo dưới triều Nguyễn, các quan đã sử dụng thánh giá thậm chí vẽ hình thánh giá để bắt những người bị tình nghi là theo đạo bước qua, ai không bước sẽ bị xử tử hoặc đem đi lưu đầy.
Tượng chịu nạn nhà thờ Xuân Hòa được làm vào thời vua Tự Đức, và được sử dụng trước khi xây dựng thánh đường Xuân Hòa. Tượng cao 1m2, khắc họa Chúa Giêsu chịu nạn với nét mặt thanh tú và hình dáng hết sức chân thật. Có thể nói tượng chịu nạn của nhà thờ Xuân Hòa phải liệt vào hàng cổ không nhất thì nhì trong số các tượng chịu nạn còn lại tại Việt Nam. Đặc biệt nhất đó là vào thời kỳ cấm đạo, các quan nhà Nguyễn sử dụng chính tượng chịu nạn này vào việc bắt các tín hữu bước qua để chối đạo, ai không bước qua sẽ bị giết.
Sự kiện này xảy ra nguyên do là vào năm 1859, vua Tự Đức ra lệnh tập trung những người đứng đầu các xứ họ để kiểm soát chặt chẽ các thành phần tích cực trong hàng ngũ người Công giáo, đồng thời các xứ họ sẽ như rắn mất đầu. Lần lượt trong ba đợt, hơn một trăm đầu mục (là những giáo dân nòng cốt) trong tỉnh Bắc Ninh lúc ấy bị bắt giam. Trong đợt thứ 3, quan còn cho bắt cả một số quân nhân Công giáo.
Quan tổng đốc tìm mọi cách từ dụ dỗ, đe dọa đến chửi rủa, đánh đập, rồi tra tấn khốc liệt để ép các tín hữu bước qua bức tượng chịu nạn của nhà thờ Xuân Hòa. Một số tín hữu vì đau đớn, sợ hãi đã bước qua thánh giá để được tha chết. Một số khác chết trong tù do bị tra tấn, bệnh tật hay già cả. Cuối cùng còn lại đúng 100 tín hữu kiên trung. Cảm thấy không còn cách nào khuất phục nên tổng đốc Nguyễn Văn Phong ra lệnh hành quyết khẩn cấp 100 tín hữu “cứng đầu” tại cổng tả thành Bắc Ninh ngày 4 tháng 4 năm 1862.
Dường như trong lịch sử Hội Thánh Công giáo Đông Tây kim cổ chưa hề có 100 giáo dân nòng cốt, là lãnh đạo các xứ họ cùng chết cùng một ngày như tại giáo phận Bắc Ninh. Trong nhà thờ hiện đang lưu giữ thi hài của 27 vị, trong đó 26 vị là những người của Xuân Hòa, vốn là những tín hữu kiên trung năm xưa không chịu khuất phục cường quyền mà bước qua thánh giá, bước qua biểu chứng Đức tin quý giá. Để hôm nay, chính các vị tử đạo cùng với bức tượng chịu nạn mà xưa kia các vị đã tôn thờ trở nên biểu chứng đẹp đẽ cho Đức tin của người Công giáo và làm cho ngôi thánh đường Xuân Hòa trở nên ý nghĩa và linh thiêng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét