Vanhien.vn - Đặc trưng của văn hoá dân tộc Lô Lô ở Cao Bằng được thể hiện rất phong phú và đa dạng qua các hình thức sinh hoạt: ăn, ở, đi lại, phong tục tập quán... Trong đó, các nghi lễ như: Lễ cầu mưa, lễ mừng cơm mới, lễ cúng tổ tiên, lễ làm ma khô... rất độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghệ nhân dân gian Lô Lô Lý Văn Dung, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) và cán bộ văn hóa huyện bàn về các nghi lễ truyền thống của dân tộc
Lễ cầu mưa: Người Lô Lô thường tổ chức lễ cầu mưa vào tháng ba âm lịch vào các ngày lẻ. Việc cầu mưa không thể làm tuỳ tiện, không phải năm nào cũng làm lễ mà chỉ vào những năm thời tiết khắc nghiệt, khô hạn người dân mới tập trung lại, mời trưởng xóm hoặc người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng biết đầy đủ những nghi thức thực hiện Chủ lễ cầu mưa. Chủ lễ sẽ tiến hành những nghi thức cùng với sự tham gia của người dân.
Những lễ vật dâng cúng lễ cầu mưa, gồm: chó, gà. Chủ lễ sẽ khấn một bài lễ cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, làng bản no ấm. Bài khấn dài hoà với thanh âm trầm bổng người chủ lễ giống như bài văn tế, người khấn như hát văn nghe du dương trong tiếng trống, tiếng nhị. Sau khi khấn xong, người làm lễ sẽ đốt giấy bản ở bốn góc bàn, vẩy rượu ra bốn phương tạ ơn đất trời.
Lễ mừng cơm mới: Do điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của người Lô Lô chỉ trồng một vụ mùa vào cuối mùa xuân sang đầu mùa hè nên thường thu hoạch vào tháng 9, 10 âm lịch. Sau khi thu hoạch xong người Lô Lô tổ chức lễ mừng cơm mới. Trong ngày lễ thường có các lễ vật như: rượu, xôi, gà, lợn... được tổ chức tại một đám nương đã thu hoạch xong. Họ mời thầy cúng đến làm lễ cảm tạ thần nông, tổ tiên, trời đất và cầu khấn cho năm sau mưa thuận, gió hoà, làm cho mùa màng tốt tươi... Lễ mừng cơm mới được người Lô Lô tổ chức hằng năm vừa trang trọng song vẫn gọn nhẹ, tiết kiệm.
Lễ cúng tổ tiên: Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô mang tính giáo dục cộng đồng hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên...
Theo phong tục người Lô Lô, khi gia đình có người chết từ 3 - 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị để thờ cúng. Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên. Lễ cúng thường được tổ chức hằng năm vào ngày 14/7 âm lịch tại các gia đình trưởng họ và được chuẩn bị trước cả năm. Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng. Lễ vật bắt buộc phải có để dâng lên cúng tổ tiên gồm 1 con lợn, 1 con gà, đôi trống đồng, xôi, rượu, đèn dầu, tiền vàng...
Trống đồng là khí cụ không thể thiếu trong Lễ cúng “Ma khô” của người Lô Lô ở Cao Bằng.
Lễ thờ thần đá: Còn gọi là lễ "Mề lồ pí" để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, bội thu cho mọi người khoẻ mạnh, sống lâu,hạnh phúc... Ngày lễ hội, thầy cúng thay mặt dân làng đọc bài hát tế dài trên nghìn câu trong 2-3 ngày gửi lên thần linh, xin thần phù hộ cho bản làng. Trong ngày diễn ra lễ có nhiều trò chơi dân gian diễn ra trên những bãi đất trống ở đầu làng.
Lễ cúng “Ma khô”: Đây là lễ thể hiện rõ nhất nét đặc trưng và phong phú, đa dạng của văn hoá dân tộc Lô Lô. “Ma khô” nghĩa là khi chết, người ta không cúng ngay mà phải đợi thêm một thời gian sau mới tổ chức lễ cúng. Trong lễ cúng ma khô, bảo vật quý nhất của người Lô Lô là trống đồng cổ sẽ được đem ra sử dụng trong thời gian diễn ra lễ. Âm hưởng của trống đồng vang khắp núi rừng hoà với tiếng thầy cúng đọc những bản trường ca dài bảy ngày đêm không hết, kết hợp với những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng làm cầu nối giữa cõi sống với cõi chết, dẫn dắt linh hồn người quá cố về với nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên.
Mỗi một nghi lễ của người Lô Lô đều nói lên nguồn gốc, ước mơ, khát vọng của con người. Đồng thời, phản ánh giữa cái thiện và ác, về khả năng chống chọi với thiên nhiên, với thú dữ, với kẻ thù để bảo vệ quê hương, bản quán, bảo vệ sự sinh tồn của cộng đồng dân tộc Lô Lô.
Nguồn: Báo Cao Bằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét